Theo Ban Chỉ đạo 35 Bộ Công Thương, hoạt động xúc tiến thương mại, nòng cốt là Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại đã đạt được các kết quả tích cực và ngày càng khẳng định vai trò quan trọng đối với công tác xúc tiến thương mại của cả nước; thực hiện tốt việc hỗ trợ, thúc đẩy phát triển thị trường xuất khẩu, bao gồm cả các thị trường truyền thống, các thị trường có tiềm năng và các thị trường đã ký hiệp định FTA.

Bộ Công Thương đã cùng với các hiệp hội ngành hàng, cơ quan xúc tiến thương mại không ngừng đổi mới cách thức triển khai hoạt động xúc tiến thương mại, đa dạng hóa hình thức xúc tiến thương mại và nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến thương mại.

Giai đoạn 2016-2019, các hoạt động thuộc Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại đã hỗ trợ trên 30.000 lượt doanh nghiệp tham gia

Trong giai đoạn 2016 - 2019, Bộ Công Thương phê duyệt 776 đề án xúc tiến thương mại quốc gia với tổng kinh phí hỗ trợ 418 tỷ đồng. Đây là các đề án có trọng tâm, trọng điểm và bao gồm 3 nội dung: xúc tiến xuất khẩu, xúc tiến thương mại thị trường trong nước và xúc tiến thương mại khu vực miền núi, biên giới, hải đảo.

Các hoạt động thuộc Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại đã hỗ trợ trên 30.000 lượt doanh nghiệp tham gia, các doanh nghiệp đã trực tiếp giao dịch và ký kết các hợp đồng trong thời gian tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại với tổng giá trị hợp đồng và giao dịch trực tiếp tại các sự kiện xúc tiến thương mại phát triển ngoại thương đạt trên 14,8 tỷ USD; doanh số bán hàng trực tiếp tại các hội chợ vùng, phiên chợ đạt trên 1.000 tỷ đồng.

Năm 2020, Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại được phê duyệt gồm với tổng kinh phí Nhà nước hỗ trợ là 136 tỷ đồng.

Trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 trên thế giới, Việt Nam là một trong hai quốc gia đầu tiên trên thế giới tổ chức các hội nghị giao thương xúc tiến thương mại trực tuyến trong bối cảnh Covid-19.

Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, ứng dụng các nền tảng số vào xúc tiến thương mại và quảng bá thương hiệu theo hướng kết hợp trực tiếp và trực tuyến giúp doanh nghiệp tiếp cận đối tác, thị trường xuất khẩu có hiệu quả ngay tại “nhà”.

Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 từ đầu năm 2020, các hoạt động xúc tiến thương mại trực tiếp không thể thực hiện được theo kế hoạch. Trong bối cảnh đó, Bộ Công Thương đã chủ động, nhanh chóng chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan xúc tiến thương mại nước ngoài đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và các nền tảng số vào xúc tiến thương mại, tổ chức trên 500 hội nghị xúc tiến thương mại quốc tế bằng hình thức trực tuyến.

Kết quả là trên 1 triệu phiên giao thương trực tuyến được thực hiện, hàng trăm ngàn doanh nghiệp Việt Nam đã được hỗ trợ xúc tiến thương mại trực tuyến với các đối tác nước ngoài trên khắp 5 châu lục.

Đặc biệt, lần đầu tiên Bộ Công Thương tổ chức Triển lãm quốc tế Công nghiệp thực phẩm bằng hình thức trực tuyến (9-12/12/2020), tổ chức cho hàng ngàn doanh nghiệp Việt Nam tham gia các hội chợ, triển lãm trực tuyến quốc tế.

Các hoạt động xúc tiến thương mại trực tuyến đã giúp doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam tiết kiệm chi phí xúc tiến thương mại mà vẫn duy trì và phát triển tốt quan hệ với đối tác nước ngoài ở khắp 5 châu lục (55 thị trường xuất khẩu của Việt Nam, gồm cả các thị trường lớn như Trung Quốc, Mỹ, EU, Nhật và thị trường tiềm năng như ở châu Phi, Úc...).

Bên cạnh đó, huy động cả hệ thống tham tán thương mại Việt Nam ở nước ngoài vào cuộc góp phần hỗ trợ các địa phương, bà con nông dân tiêu thụ nông sản kịp thời trong hoàn cảnh không thể thực hiện hoạt động xúc tiến thương mại trên thực tế ở nước ngoài.

Đồng thời giúp nhiều ngành hàng công nghiệp như dệt may, da giày, điện tử, vật tư y tế, bao bì,... duy trì được các hoạt động xúc tiến thương mại thông qua hình thức trực tuyến có hiệu quả, nhất là trong giai đoạn đầu của dịch Covid-19.

Bên cạnh đó, nhằm đổi mới công tác xúc tiến thương mại để thích nghi với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và hỗ trợ các doanh nghiệp tận dung các cơ hội từ cuộc cách mạng này, trong năm 2020, Bộ Công Thương đã triển khai xây dựng 05 ứng dụng, phần mềm bao gồm: Hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung quản lý khách hàng (CRM); Hệ sinh thái xúc tiến thương mại (VECOBIZ; Cổng truy xuất nguồn gốc xúc tiến thương mại (www.itrace247.com); Cổng thông tin hướng dẫn xuất nhập khẩu hàng hoá (https://vietnam.tradeportal.org); Nền tảng đào tạo XTTM trực tuyến (E-learning). Các ứng dụng trên dự kiến được đưa vào vận hành trong năm 2021.

Bộ Công Thương cũng đã trực tiếp tổ chức và hỗ trợ kỹ thuật và phối hợp với các địa phương, như: Bắc Giang, Sơn La, Phú Thọ, Hưng Yên, Yên Bái, Tuyên Quang, Lâm Đồng, Cà Mau... tổ chức thành công các hội nghị xúc tiến thương mại trực tuyến nhằm quảng bá và kết nối tiêu thụ nông sản, thủy sản vào vụ như vải, nhãn, xoài, rau-củ-quả...

Đến nay, mô hình này đã trở thành hình thức xúc tiến thương mại – đầu tư mới, hiệu quả và lan tỏa ra hầu hết các địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp trên cả nước, qua đó góp phần tích cực vào kết quả xuất - nhập khẩu của cả nước trong năm 2020./.