Để dân tin, phải “làm như nói”
Ngày 8/6, khởi đầu tuần làm việc thứ 3, Quốc hội đã tập trung thảo luận về đánh giá bổ sung tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2014; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2015.
Sau 2 năm tái cơ cấu, nền kinh tế vẫn chưa có chuyển biến căn bản
Cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ, đa số các ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành với nội dung của báo cáo đã phản ánh chân thực, toàn diện nền kinh tế nước ta năm 2014 và những tháng đầu năm 2015, làm rõ những mặt được, hạn chế và các nguyên nhân, phân tích toàn diện các lĩnh vực, phản ánh được kết quả thực hiện mục tiêu theo Nghị quyết của Quốc hội.
Tuy nhiên, các đại biểu cũng yêu cầu Chính phủ đánh giá sâu hơn những mặt hạn chế, những tồn tại của nền kinh tế để tìm ra những giải pháp phù hợp và hiệu quả.
Đại biểu Huỳnh Nghĩa (TP. Đà Nẵng) thẳng thắn mà rằng: “Sự phục hồi kinh tế hiện nay nhờ uống thuốc khỏe, chủ yếu là sự ứng phó thụ động tình huống suy thoái xảy ra, chưa vận hành lành mạnh theo một lộ trình với những biện pháp chủ động, đồng bộ”.
Theo vị đại biểu này, sự phục hồi chủ yếu vẫn chỉ là tăng trưởng về số lượng, chưa thay đổi về chất lượng và sức cạnh tranh, cơ cấu và mô hình tăng trưởng cũ, sau 2 năm tái cơ cấu hầu như vẫn chưa có chuyển biến căn bản, tình trạng mất cân đối giữa khu vực sản xuất nội địa và khu vực FDI ngày càng sâu sắc.
Năng lực sản xuất khu vực doanh nghiệp nội địa vẫn yếu, gặp nhiều khó khăn, chưa đảm bảo tình trạng bình thường. Trong khi đó, khu vực FDI tiếp tục tăng trưởng nhanh. Về nguyên tắc, việc gia tăng xuất khẩu từ nguồn FDI là xu hướng phổ biến và tích cực. Song, môi trường kinh tế trong nước đang có vấn đề lớn, việc phá sản, dừng hoạt động của doanh nghiệp nội địa tiếp tục gia tăng, năm sau cao hơn năm trước. Quý I năm 2015 đóng cửa nhiều hơn quý I năm 2014.
Trong khi đó, tỷ trọng khu vực FDI trong GDP không ngừng tăng nhanh, đặc biệt trong cơ cấu xuất nhập khẩu, năm 2014 khu vực FDI chiếm gần 60% kim ngạch nhập khẩu và hơn 65% kim ngạch xuất khẩu của nền kinh tế.
Còn theo đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị), nguy cơ tái bất ổn định kinh tế vĩ mô có thể sớm lặp lại nếu không được nhận diện đầy đủ và ngăn chặn kịp thời.
Cụ thể, cán cân thương mại diễn biến xấu trong 5 tháng đầu năm 2015. Khi tình trạng thâm hụt xuất hiện trở lại và gia tăng một cách đáng lo ngại, mức nhập siêu lũy kế đến giữa tháng 5 là 3,7 tỷ USD mặc dù khối doanh nghiệp FDI vẫn tiếp tục xuất siêu, tất nhiên giá trị đã sụt giảm đáng kể, không còn đủ bù đắp cho mức thâm hụt của khối doanh nghiệp nội địa như 3 năm trước.
Đặc biệt, sức cạnh tranh hầu hết các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như nông sản, dệt may, da giày, đồ gỗ đang có xu hướng giảm sút do Việt Nam đồng bị lên giá tương đối so với hầu hết các đồng tiền của các nước đối thủ cạnh tranh, như: Indonesia, Malaysia, và Ấn Độ.
Trong khi đó, các số liệu thống kê gần đây đã cảnh báo, nhiều mặt hàng, nhất là nông, lâm sản đang mất giá, mất thị trường trên toàn thế giới, gạo Việt Nam đang dần mất thế trước gạo: Ấn Độ, Bangladesh, Campuchia, Myanmar và duy trì mức giá thấp vẫn gặp khó khăn.
Cao su mất giá toàn cầu, nông dân bắt đầu chặt bỏ; thủy sản liên tiếp gặp phải các rào cản kỹ thuật, cạnh tranh giảm giá, trong nước thì dưa hấu, tỏi, vải thiều dồn ứ và mất giá.
Cây lúa, con cá, cao su, cà phê Việt Nam vẫn ở tầm thấp của thế giới, vẫn đa số là hàng chất lượng thấp và lấy giá rẻ cạnh tranh chơi với thế giới kiểu cầu may, nơm nớp bị ép giá trả về hay đổ bỏ.
Điều này cho thấy, “nội tại của chúng ta sau nhiều năm tái cơ cấu vẫn còn chưa có chuyển biến”, vị đại biểu này thẳng thắn.
“Ngay lúc này Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương có ai có thể trả lời Quốc hội một bản kế hoạch đưa gạo hay nông sản Việt Nam vào Liên minh Hải quan Nga, Belarus, Kazakhstan, Hàn Quốc vừa được Thủ tướng ký kết, hay sắp tới là bản kế hoạch nâng cao chất lương, giá cả và thương hiệu Việt Nam theo một lộ trình mở cửa một đến hai năm tới có được không?”, đại biểu đặt câu hỏi.
Nợ xấu, nợ công: Áp lực ngày càng lớn
Huỳnh Nghĩa - TP Đà Nẵng cho rằng, đến nay, nợ xấu trong nền kinh tế đã bị VAMC bắt nhốt lại, nhưng đó mới chỉ là nhốt lại, xích lại, nợ xấu hầu như vẫn còn nguyên và đang trở thành gánh nặng cho nền kinh tế.
“Điều quan ngại là chúng ta chưa xử lý nợ xấu theo nguyên tắc thị trường, qua 3 năm VAMC mới chỉ bán được 2-3% nợ xấu. Theo đà này, thì bao giờ chúng ta xử lý hết nợ xấu, đến bao giờ thì cả ngân hàng lẫn doanh nghiệp được giải phóng khỏi nợ xấu để nhanh chóng phá tan được cục máu đông hàng trăm, nghìn tỷ đồng để cứu vãn nền kinh tế hiện nay?”, đại biểu Nghĩa sốt ruột.
Nợ công đang tăng ở mức độ cao 15-20%/năm trong một thập niên gần đây, tỷ lệ nợ công/GDP tăng mấp mé, vay đỏ 65%. Nhưng, nguy hiểm hơn ở chỗ tỷ lệ giữa nghĩa vụ trả nợ và trên thu ngân sách đã vượt ngưỡng 25%. Dự kiến đến năm 2015 sẽ chạm mức gần 30%. Đây chính là mối nguy hiểm trực tiếp và đáng lo ngại nhất của nền kinh tế.
Đại biểu Hà Sỹ Đồng bày tỏ sự lo ngại về tình trạng thâm hụt ngân sách. Cụ thể, với kết quả phát hành rộng trái phiếu chính phủ 5 tháng đầu năm 2015 đạt âm 3,4 nghìn tỷ đồng, bằng âm 3,2% kế hoạch, tức mức phát hành mới không đủ bù đắp cho mức đáo hạn. Chính phủ đang tìm đến các kênh bổ sung thay thế như phát hành trái phiếu chính phủ bằng ngoại tệ cho một số định chế tài chính được chỉ định trong nước, như trường hợp 1 tỷ USD với Vietcombank mới đây hay dự định vay quỹ dự trữ ngoại hối quốc gia.
“Dồn tích các khoản thâm hụt, hệ quả là nợ công tiếp tục gia tăng với tốc độ cao, đồng thời như Bộ Tài chính đã báo cáo trong các năm 2015 - 2016 nghĩa vụ trả nợ đến hạn khá căng thẳng”, vị đại biểu này chia sẻ.
Từ những lo lắng đó, đại biểu Hà Sỹ Đồng đề xuất, nên tính toán lại các chỉ số về nợ công theo đúng bản chất kinh tế của nó thay vì tính toán theo các quy định của pháp luật về quản lý nợ công hiện hành.
Bởi, rõ ràng các khoản nợ như liệt kê sau đây mang bản chất nợ công phải sử dụng nguồn thu từ ngân sách nhà nước để trang trải, nên nhất thiết phải tính vào, ít nhất để biết thực chất đó là nợ cấp bù chênh lệch lãi suất và quản lý phí cho các ngân hàng thực hiện cho chính sách xã hội, nợ quỹ hoàn thuế giá trị gia tăng, nợ quỹ bảo hiểm xã hội, nợ đọng xây dựng cơ bản, một phần nợ của khối doanh nghiệp nhà nước.
“Nếu tính cho đủ, cho đúng mức nợ công theo bản chất kinh tế sẽ tăng thêm tới bao nhiêu, theo đó các con số về nợ công sẽ thế nào, nguồn thu ngân sách trong tương lai liệu có đảm bảo luôn trang trải được các nghĩa vụ trả nợ đến hạn hay không?”, đại biểu Đồng nói.
Để giải quyết vấn đề nợ xấu, vị đại biểu này cho rằng, cần có tư duy là phương pháp xử lý nợ xấu phải theo nguyên lý thị trường, tiền tươi thóc thật, sòng phẳng và gắn với tình trạng thị trường bất động sản, tránh nguy cơ ảo tưởng có thể giải quyết triệt để và nhanh chóng nợ xấu.
Trước đó, tổng hợp ý kiến thảo luận tại tổ, nhiều đại biểu cũng đề nghị việc đánh giá nợ xấu cần phải thực chất, chính xác và nghiêm túc hơn.
Đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên)
Phải “làm như nói”, dân mới tin
Còn ở một góc nhìn khác, đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) cho hay, nhiều cử tri bày tỏ sự thiếu tin tưởng của mình trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng.
“Vì sao tham nhũng được Đảng ta nhìn nhận, đánh giá ngày càng diễn biến phức tạp, chúng ta chưa ngăn chặn đẩy lùi được thực trạng này, nhưng công tác phát hiện, điều tra, tuy tố, xét xử đối với loại tội này ngày một giảm?”, đại biểu Học đặt vấn đề.
Theo báo cáo của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, tội tham nhũng khởi tố giảm 29 vụ và 21,8% so với cùng kỳ.
“Phải chăng chúng ta chưa chọc thủng được bức màn che đậy hành vi tham nhũng, để chúng ta xử lý một cách triệt để và quyết liệt”, đại biểu Học thẳng thắn.
Điều đáng buồn là “Quốc hội và Chính phủ ra nghị quyết rất đúng, thảo luận rất hay, nhưng đến khi triển khai thực hiện thì nói chưa đi đôi với làm”, vị đại biểu này chia sẻ.
Do đó, để dân tin, theo vị đại biểu quốc hội này, thì Chính phủ "làm như nói"./.
Bình luận