Bình Dương phát triển chiến lược thu hút đầu tư nước ngoài trong bối cảnh thuế suất tối thiểu toàn cầu
Bình Dương phát triển chiến lược thu hút đầu tư nước ngoài trong bối cảnh thuế suất tối thiểu toàn cầu |
Chính sách về thuế suất tối thiểu toàn cầu đặt ra yêu cầu thay đổi chiến lược thu hút FDI
Chính sách về thuế tối thiểu toàn cầu được yêu cầu áp dụng ngay từ ngày 1/1/2024. Mức thuế suất doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu 15% đang có xu hướng xáo trộn chiến lược về địa điểm đầu tư và cách thức hoạt động của các công ty đa quốc gia.
Do đó, chiến lược thu hút FDI của Việt Nam cần thay đổi khi toàn cầu áp dụng thuế suất tối thiểu. Mức thuế suất tối thiểu toàn cầu không chỉ ảnh hưởng đến những doanh nghiệp chịu tác động, mà còn đặt ra những yêu cầu mới đối với cộng đồng doanh nghiệp nói chung, đồng thời đòi hỏi chính sách thu hút đầu tư cần thích ứng nhanh chóng, kịp thời, chủ động trong xây dựng chủ trương chiến lược mới trong bối cảnh thuế suất tối thiểu toàn cầu.
Các tập đoàn lớn đang cẩn trọng, xem xét kỹ việc tiếp tục đầu tư lớn vào Việt Nam trong bối cảnh tác động của chính sách thuế tối thiểu toàn cầu
Trong 5 tháng đầu năm 2023, theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đã có 82 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, dẫn đầu là Singapore với hơn 2,53 tỷ USD, chiếm hơn 23,3% tổng vốn đầu tư, giảm 14,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Xét về số dự án, Hàn Quốc dẫn đầu cả về số dự án mới (chiếm 17,4%), số lượt điều chỉnh vốn (chiếm 25,2%) và góp vốn mua cổ phần (chiếm 28,5%).
Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 50 tỉnh, thành phố trên cả nước. Tốc độ tăng số dự án mới lớn hơn tốc độ tăng tổng vốn đầu tư. Điều đó cho thấy, các nhà đầu tư nước ngoài quy mô vừa và nhỏ tiếp tục quan tâm, tin tưởng vào môi trường đầu tư của Việt Nam.
Các dự án có quy mô vốn đầu tư dưới 1 triệu USD chiếm tới gần 70% số dự án mới, song vốn đầu tư chỉ chiếm gần 2,2% tổng vốn đầu tư đăng ký mới trong 5 tháng đầu năm nay.
Các dự án đầu tư mới vẫn tập trung vào các tỉnh, thành phố có nhiều lợi thế trong thu hút đầu tư nước ngoài (vị trí thuận lợi, cơ sở hạ tầng tốt, nguồn nhân lực ổn định, nỗ lực cải cách thủ tục hành chính và năng động trong công tác xúc tiến đầu tư…) như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Bắc Ninh, Hải Phòng, Bắc Giang…
Viện Quản trị Chính sách và Chiến lược phát triển phối hợp đánh giá tác động của thuế suất tối thiểu toàn cầu trong thu hút FDI tại Bình Dương
Viện Quản trị Chính sách tư vấn thiết kế chương trình phát triển Chiến lược thu hút FDI trong bối cảnh thuế suất tối thiểu toàn cầu tại các địa phương, trong đó Bình Dương là tỉnh tiên phong khảo sát đồng bộ và đồng hành cùng Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng về Thuế suất tối thiểu toàn cầu. Viện Quản trị Chính sách xây dựng chiến lược, tư vấn thiết kế chương trình nghiên cứu khảo sát các chính sách dựa trên dữ liệu địa phương và bối cảnh hiệp định thương mại và thuế suất toàn cầu. Hoạt động phối hợp hướng đến nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Mục tiêu của Tỉnh là tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư 2023 hiệu quả, thiết thực và hội nhập, phát triển liên kết cho cộng đồng doanh nghiệp Bình Dương tham gia vào hệ sinh thái chuyên gia – doanh nhân – truyền thông trong chiến lược phát triển Việt Nam để cùng chia sẻ thông tin, tăng cường góp ý chính sách, đồng hành liên kết cơ sở dữ liệu để tạo môi trường thuận lợi nhất cho doanh nghiệp.
Lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương và Trung tâm Chuyển đổi số Viện Quản trị Chính sách trao đổi về hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn |
Tỉnh Bình Dương tiên phong thúc đẩy khảo sát đánh giá tác động thuế suất tối thiểu toàn cầu để phát triển chiến lược thu hút đầu tư trên địa bàn.
Bình Dương luôn thuộc nhóm địa phương dẫn đầu về thu hút vốn FDI. Trong những năm qua, Tỉnh đã thu hút được nhiều doanh nghiệp, trong đó có các tập đoàn lớn toàn cầu và Việt Nam đến đầu tư.
Tính đến ngày 31/5/2023, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần trong toàn Tỉnh đạt 914,5 triệu USD, đạt 50,8% chỉ tiêu đề ra trong năm 2023. Trong đó, trong các khu công nghiệp thu hút được 382,4 triệu USD, ngoài các khu công nghiệp thu hút được 532,1 triệu USD.
Tính từ đầu năm nay đến ngày 31/5/2023, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút được 24 dự án đầu tư đăng ký mới, 10 lượt dự án điều chỉnh vốn và 42 lượt dự án đăng ký góp vốn, mua cổ phần với tổng số vốn đầu tư là 410 triệu USD, chiếm 44,88% tổng vốn đăng ký. Lĩnh vực kinh doanh bất động sản thu hút 1 dự án đầu tư mới, 5 lượt đăng ký góp vốn, mua cổ phần với tổng vốn đăng ký khoảng 468,9 triệu USD, chiếm 51,33% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tiếp theo lần lượt là các lĩnh vực xây dựng chiếm 3,21%; bán buôn, bán lẻ chiếm 1,1%...
Lũy kế đến ngày 31/5/2023, toàn Tỉnh có 4.109 dự án đầu tư nước ngoài đã đăng ký với tổng số vốn đầu tư đăng ký là 40 tỷ USD. Trong 64 quốc gia và vùng lãnh thổ có vốn đầu FDI tư tại Bình Dương, thì Đài Loan có 869 dự án với tổng số vốn đăng ký là 6,285 tỷ USD; Nhật Bản có 344 dự án với tổng vốn đăng ký 5,898 triệu USD; Singapore có 280 dự án với tổng số vốn đăng ký là 5,535 tỷ USD, Samoa có 140 dự án với tổng vốn đăng ký với 3,429 tỷ USD, Hàn Quốc có 763 dự án với tổng vốn đăng ký là 3,304 tỷ USD.
Thiết kế chương trình Chiến lược phát triển Bình Dương |
Trong bối cảnh thời điểm triển khai thuế suất tối thiểu toàn cầu đang cận kề, chiến lược thu hút đầu tư của các quốc gia và địa phương đều phải có những định hướng và giải pháp bền vững. Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại chương trình làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Dương cuối năm 2022: Bình Dương phải xác định một số nhiệm vụ trọng tâm như: tập trung cho công tác quy hoạch; xác định công việc để đầu tư trọng tâm, trọng điểm; tự lực, tự cường, đi lên bằng nội lực (con người, thiên nhiên, truyền thống văn hóa, lịch sử) là chính, cùng với sự hỗ trợ của Trung ương, huy động mọi nguồn lực khác và phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các địa phương khác; tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhà đầu tư, người dân, tạo môi trường đầu tư thuận lợi, minh bạch, công bằng, lành mạnh, ổn định, bền vững, góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh tại Bình Dương cuối tháng 12/2022 |
Sự phối hợp giữa tỉnh Bình Dương và Viện Quản trị Chính sách mở ra một chiến lược cụ thể, phương hướng rõ nét để phát huy những lợi thế đã có, nâng cao hình ảnh năng lực cạnh tranh của Bình Dương trong tổng thể chiến lược phát triển quốc gia và bối cảnh sắp triển khai chính sách thuế suất tối thiểu toàn cầu. Qua đó, tăng cường thu hút các nguồn lực đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư, cải cách hành chính, đẩy nhanh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số nhằm công khai, minh bạch các hoạt động, tạo thuận lợi tối đa để thu hút đầu tư cả trong nước và ngoài nước. Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh; nắm tình hình, diễn biến thị trường, hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa; nghiên cứu xây dựng “Sổ tay hướng dẫn đầu tư năm 2023” cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp, chú trọng thu hút vốn “đầu tư xanh”, tăng trưởng xanh, phát triển bền vững từ những doanh nghiệp FDI, tập đoàn lớn toàn cầu và các doanh nghiệp lớn của Việt Nam đến đầu tư trên địa bàn tỉnh Bình Dương./.
Bình luận