Phiên thảo luận vô cùng đặc biệt và hiếm hoi

Trong ngày họp thảo luận tại hội trường ngày 09/06/2017 đã có 56 đại biểu Quốc hội phát biểu ý kiến, có 5 đại biểu phát biểu tranh luận, một số thành viên của Chính phủ đã tham gia phát biểu giải trình làm rõ thêm một số vấn đề có liên quan.

Cũng rất hiếm khi cuộc thảo luận được kéo dài thêm 1 giờ 30 phút (tức là tới 18.30 Quốc hội mới nghỉ), xong vẫn còn 28 đại biểu đăng ký nhưng chưa được phát biểu.

Đa số ý kiến đại biểu Quốc hội đều đánh giá cao và thống nhất với nội dung báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế.

Các đại biểu đều đánh giá rằng năm 2016 là năm đầu tiên của kế hoạch 5 năm, có ý nghĩa rất quan trọng tạo tiền đề để thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2016-2020. So với báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ hai, trong số 13 chỉ tiêu Quốc hội giao có 11 chỉ tiêu đạt và vượt.

Mặc dù chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế không đạt mục tiêu đề ra nhưng vẫn đáng trân trọng trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thể hiện sự cố gắng của Chính phủ, của các cấp, các ngành, của cộng đồng doanh nghiệp và của các tầng lớp nhân dân.

Bên cạnh những kết quả đạt được, nhiều ý kiến cho rằng vẫn còn những tồn tại như đã được Chính phủ đánh giá bổ sung như tăng trưởng kinh tế chưa thực sự vững chắc, tồn tại nhiều hạn chế. Việc sử dụng tài nguyên, đất đai còn nhiều lãng phí, môi trường kinh doanh chưa được cải thiện nhiều, cải cách hành chính chưa triệt để, tình trạng thanh tra, kiểm tra chồng chéo vẫn xảy ra, phân giao nhiệm vụ chậm, nhất là giao kế hoạch đầu tư công trung hạn, nợ đọng xây dựng cơ bản còn lớn, bội chi ngân sách nhà nước còn cao, nợ công tiệm cận giới hạn an toàn.

Vẫn còn nhiều phân vân...

Về chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng GDP năm 2017, nhiều đại biểu đánh giá cao những cố gắng trong điều hành quyết liệt của Chính phủ, tạo cơ chế cho doanh nghiệp khởi nghiệp, tạo ra khí thế mới cho sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Do vậy, dư địa tăng trưởng của chúng ta còn lớn có thể đạt được tốc độ 6,7%.

Nhiều ý kiến bày tỏ sự lo ngại về việc chỉ tiêu này trong quý I năm 2017 chỉ đạt 5,1%, nên muốn đạt tăng trưởng theo kế hoạch 6,7% thì tăng trưởng trong các quý còn lại rất cao. Do vậy, đòi hỏi Chính phủ phải có giải pháp tích cực trong quá trình thực hiện.

Thể hiện sự phân vân về chỉ tiêu tăng trưởng 6,7% của năm 2017, đại biểu Nguyễn Thị Phúc (Bình Thuận), đề nghị Chính phủ cần giải thích rõ, có sức thuyết phục hơn cơ sở của chỉ tiêu này để đảm bảo tính khả thi cao.

Về những giải pháp cần tập trung thực hiện cho những tháng cuối năm 2017, vị đại biểu này cho rằng, 6 nhóm nhiệm vụ giải pháp chủ yếu được Chính phủ nêu chủ yếu chỉ tập trung vào lĩnh vực kinh tế, còn các lĩnh vực thường xảy ra trong thực tế cuộc sống như xã hội, môi trường, an ninh trật tự cử tri rất quan tâm lại chưa được Chính phủ đề cập.

“Vì vậy, tôi đề nghị trên cơ sở nghị quyết của Quốc hội về kinh tế-xã hội năm 2017, Chính phủ cần rà soát một cách toàn diện và đưa ra các giải pháp cụ thể trên tất cả các lĩnh vực, đề từ đó, các ngành các cấp tiếp tục cụ thể hóa trong triển khai thực hiện những tháng cuối năm năm 2017 đạt chỉ tiêu, kế hoạch mà nghị quyết Quốc hội đã đề ra”, vị đại biểu đến từ Bình Thuận đề nghị.

Đại biểu Nguyễn Thị Phúc nhận định, vấn đề tăng trưởng kinh tế hiện nay, nút thắt lớn nhất chủ yếu vẫn do tăng trưởng không tốt từ khu vực sản xuất, đặc biệt là khâu chế biến.

“Với thực trạng hiện nay, giá một số mặt hàng không ổn định như giá thịt lợn hơi, giá tiêu, giá trứng giảm mạnh gây thiệt hại lớn cho người sản xuất. Giải pháp của Chính phủ là đẩy nhanh tiến độ thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp, trong đó có giải pháp giải cứu ngành chăn nuôi lợn. Theo tôi, đây là giải pháp tức thời, để ngành nông nghiệp phát triển bền vững, tôi đề nghị Chính phủ cần có giải pháp căn cơ, đồng bộ hơn”, đại biểu Phúc đề xuất.

Ủng hộ Chính phủ vẫn tiếp tục chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế là 6,7%, đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, nếu chúng ta điều chỉnh để rồi hoàn thành thì việc hoàn thành đó không có ý nghĩa mà phải để chỉ tiêu đó để chúng ta phấn đấu bằng những nỗ lực, bằng sự kết hợp giữa trung ương và địa phương, nỗ lực của cả hệ thống chính trị.

Lý giải vì sao GDP quý 1/2017 tăng thấp, vị đại biểu này chỉ ra 3 nguyên nhân:

Nguyên nhân thứ nhất, nguyên nhân khách quan từ biến động khí hậu.

Nguyên nhân thứ hai, do ảnh hưởng nghiêm trọng của sự ô nhiễm môi trường từ Formosa Hà Tĩnh, tôi nghĩ rằng Việt Nam hiện nay là điểm đến của nhiều nhà đầu tư nước ngoài và đây là cơ hội để chúng ta chọn lọc những nhà đầu tư có công nghệ cao, công nghệ xanh, công nghệ sạch và chúng ta ưu tiên vào những lĩnh vực mà chúng ta đang cần nhất là phát triển nền công nghiệp. Chúng ta nên lưu ý đến lý lịch pháp nhân của các doanh nghiệp này để tránh trường hợp như Formosa Hà Tĩnh vừa qua.

Nguyên nhân thứ ba, đó là vấn đề phân bổ vốn. “Trong điều kiện chúng ta đã phát hành trái phiếu chúng ta phải trả lãi cho tiền phát hành đó nhưng vốn phân bổ bị tắc nghẽn, tôi thiết nghĩ rằng Chính phủ phải linh hoạt ở đây, những dự án nào đang tắc nghẽn thì chúng ta dùng tiền dự án đó để bổ sung cho dự án đang chạy được, đang đầu tư được, đang giải ngân được thì sớm đưa vào hoạt động hiệu quả hơn, tức là đòi hỏi sự năng động của Chính phủ ở điểm này”, đại biêu Ngân gợi ý cách giải quyết.

Một nguyên nhân quan trọng nữa làm cho GDP của chúng ta tăng thấp trong thời gian vừa qua là do Samsung thu hồi Galaxy note 7 và chuẩn bị tung ra sản phẩm mới.

“Tôi thấy rằng tháng 4, tháng 5 vừa rồi Samsung đã cải thiện được chỉ tiêu xuất khẩu mặt hàng này, nhưng điều này cho chúng ta thấy rằng chúng ta không nên để ảnh hưởng phụ thuộc rất lớn vào các nhà đầu tư nước ngoài”, đại biểu Ngân đánh giá.

Do đó, theo đại biểu Ngân, chúng ta cần phải có một chính sách để hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong nước, trong đó là sớm triển khai nhanh, hiệu quả tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 về phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế và triển khai tinh thần Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa nếu như được Quốc hội thông qua.

…với nhiều bất an

Đại biểu Đặng Thuần Phong (Bến Tre) thì lại chia sẻ 6 bất an mà nhân dân luôn bức xúc.

Bất an thứ nhất, tại sao chỉ có một mình Chính phủ hành động kiến tạo và liêm chính trong khi đất nước có cả hệ thống chính trị. Chức năng của Chính phủ là kiến tạo, nhưng còn hành động và liêm chính tại sao không song hành?

Bất an thứ hai, tham nhũng và lãng phí quá lớn, chưa được chặn đứng là vấn nạn đưa quốc gia đến bờ vực của sa sút lòng tin. Tiền của dân chắt chiu gom góp trong mồ hôi nước mắt nhưng tham nhũng nhiều, lãng phí lớn là dấu hiệu hết sức đáng báo động.

Bất an thứ ba, xuất hiện dấu hiệu mất cân đối ngân sách, tính ổn định bền vững của kinh tế vĩ mô chuyển biến chậm. Các yếu tố tăng trưởng chưa tận dụng hết, đặc biệt là nặng chú trọng đầu tư. Hiệu quả đầu tư thấp, nợ công còn cao. Nếu theo chỉ số, mỗi người dân Việt Nam gánh 1.000 USD tiền nợ và xu hướng còn tăng trong những năm tới, áp lực trả nợ lớn. Chi đầu tư phát triển chưa ngang tầm, chi thường xuyên gần 70%. Mức bội chi gấp 3 lần tăng trưởng.

“Như vậy, chúng ta làm 1 đồng nhưng xài tới 3 đồng. Người dân hưởng lớn và tạo sinh khí từ kết quả tăng trưởng GDP chưa như mong muốn”, đại biểu Phong lo lắng.

Bất an thứ tư, thương mại hóa các quan hệ xã hội. Đồng tiền đã chi phối mọi hoạt động và làm phai nhạt tính công tâm của các cơ quan công quyền.

Đáng lo hơn là đồng tiền đã làm suy thoái đạo đức, dẫn dắt chính sách và đâm thủng pháp luật, minh chứng cho vấn đề này là hiện tượng "chạy" ở Việt Nam.

“Thực tế rất đau lòng, trong bụng mẹ đã "chạy" chỗ sinh đẻ, chập chững đi đã "chạy" trường, học phổ thông các cấp và đại học cũng phải chạy trường, chạy lớp, chạy điểm. Được tuyển dụng thì chạy chỗ, chạy chức, chạy quy hoạch, chạy luân chuyển. Vi phạm pháp luật thì chạy điều tra, truy tố, chạy án và thậm chí chạy khỏi tổ quốc đến nơi Việt Nam chưa ký kết gì đến vấn đề tội phạm để an thân”, vị đại biểu đến Bến Tre đau xót .

Bất an thứ năm, dân không thể an tâm khi rừng đã hết, biển gần chết, tài nguyên khoáng sản quốc gia cho các đời sau chắc còn trong lịch sử. Đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số không có trong khi đó đất nông, lâm trường hoạt động kém hiệu quả, thậm chí còn phát canh, thu tô.

“Chính sách trải thảm và sử dụng lao động giá rẻ, kêu gọi đầu tư, sự hời hợt thiếu trách nhiệm trong thẩm định đánh giá từng bước đã biến Việt Nam thành điểm đến của công nghiệp rác, công nghệ lạc hậu và hệ lụy môi trường không sao tả nổi khi sông đã chết, đất chết và từ từ biển chết. Tiền có thể nhiều đến đâu đi nữa cũng không mua lại được môi trường tươi đẹp đã mất và chúng ta đang mất!”, đại biểu Phong chia sẻ.

Bất an thứ sáu, về an toàn sống, bữa cơm trong nhà cũng lo vì an toàn vệ sinh thực phẩm, bước ra đường thì sợ vì an toàn giao thông, gặp chuyện bất bình thì không giám can thiệp vì sợ vạ lây.

“Mọi thứ đều do người Việt hại người Việt và từng bước biến sự vô cảm trở thành vấn đề đạo đức mang tính phổ biến trong ứng xử của con người. Còn rất nhiều vấn đề bức xúc nhưng trong thời gian ít ỏi tôi xin nêu sáu vấn đề bất an đề nghị Chính phủ, Quốc hội, nghiên cứu, cân nhắc trong chỉ đạo, điều hành, nhằm tạo sự chuyển biến rõ nét trong ổn định phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong thời gian tới”, đại biêu Phúc mong mỏi.

Vậy làm thế nào để tăng trưởng đạt chỉ tiêu đề ra?

Đại biểu Lê Công Đỉnh (Long An) đề xuất một số giải pháp nhằm góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cụ thể như sau:

Một, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư, trước hết là nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước.

Vấn đề thứ hai, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp huy động nguồn lực trong dân vào sản xuất kinh doanh. Trong điều kiện huy động nguồn lực còn hạn chế như hiện nay thì việc huy động nguồn lực trong dân cho sản xuất, kinh doanh góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế là cấp thiết.

“Cùng với giải pháp tạo niềm tin mạnh mẽ cho người dân nêu trên, tôi đề nghị cần có chính sách ưu đãi đối với kiều hối không kém gì với đầu tư nước ngoài FDI. Đồng thời, phải có chính sách ứng xử với Việt kiều như thế nào cho phù hợp và tạo được lòng tin”, đại biểu Đỉnh đề xuất.

Còn đại biểu Phạm Phú Quốc (TP. Hồ Chí Minh) thì đề xuất thực hiện các giải pháp sau:

- Tăng khai thác dầu thô giúp tăng thu ngoại tệ nhưng cần cân đối về hiệu quả kinh tế vì giá cả biến động và vẫn bị các nước, các quốc gia ngoài Opec vừa có dầu thô, vừa sản xuất dầu từ đá phiến cạnh tranh về giá.

- Tận dụng lợi thế là nước chủ nhà của diễn đàn OPEC năm 2017 kỳ vọng du lịch sẽ tăng trưởng mạnh, sau khi đạt kỷ lục 10 triệu khách trong năm 2016.

- Triển vọng về sức tiêu thụ nội địa khi Việt Nam được xếp hạng rất cao thứ 32/140 quốc gia trong cạnh tranh toàn cầu về tiêu chí, quy mô thị trường 93 triệu dân. Cần khuyến khích phát triển thị trường trong nước và thúc đẩy các tập đoàn kinh tế dẫn dắt thị trường, chủ động chiếm lĩnh thị trường nội địa.

- Tiếp tục tháo gỡ rào cản và dồn các nguồn lực phân bổ ngân sách có mục tiêu vốn vay ưu đãi, vốn đầu tư cho các vùng kinh tế trọng điểm để tạo tăng trưởng GDP địa phương, góp phần tăng trưởng GDP cả nước.

- Đẩy nhanh cổ phần hóa, thoái vốn, thu cổ tức, thu các nguồn tích lũy từ doanh nghiệp nhà nước để góp phần tăng trưởng.

Về các giải pháp cho trung và dài hạn, một là tập trung giải quyết xong trước năm 2019, bớt các gánh nặng yếu kém của cơ cấu kinh tế đang kéo tăng trưởng đi xuống để nền kinh tế không phải gồng mình nuôi nợ xấu, nuôi sự phi hiệu quả của đầu tư công, chi phí thường xuyên cho một bộ máy biên chế quá nặng nề.

Cụ thể hơn về nâng cao năng lực cạnh tranh hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước, sớm hình thành cơ quan chuyên trách quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp ở Trung ương và tại các trung tâm kinh tế trọng điểm như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, cần phát huy mô hình quản lý vốn thực tiễn hiệu quả tại địa phương là các quỹ đầu tư phát triển địa phương theo mô hình doanh nghiệp.

“Tôi đề nghị Chính phủ cần sớm hình thành các thể chế đặc biệt, các Trung tâm tài chính kinh tế vượt trội, tạo động lực thúc đẩy, kéo cả nước phát triển. Nếu không phát triển được Trung tâm kinh tế tài chính lớn tầm khu vực thì Việt Nam khó có thể nâng vị trí xếp hạng”, đại biểu Quốc chỉ rõ.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé - Kiên Giang lại nhấn mạnh vào nông nghiệp với nỗi ám ảnh "được mùa mất giá" trong đời sống người nông dân.

“Mới đây, xã hội ta lại tiếp tục kêu cứu cho thịt lợn. Mặc dù giá bán rất rẻ nhưng cũng chẳng có ai mua. Tệ hơn nữa, đó là một số doanh nghiệp đã có chủ trương thu mua để giải cứu thịt lợn nhưng cuối cùng lại bỏ người nông dân, ôm gói ra đi. Chúng ta thấy sự cô độc của người nông dân trong vấn đề tự xử lý sản phẩm của người nông dân”, đại biểu Bé nêu rõ.

Để giải quyết nỗi ám ảnh trên, đại biểu Bé đề nghị Chính phủ đẩy mạnh hơn nữa tiến trình cơ cấu lại sản xuất của ngành nông nghiệp để hướng dẫn cụ thể hơn cho người nông dân trồng cái gì, nuôi con gì để đáp ứng được thị trường ngày nay, trong đó chú trọng đến việc xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt.

Nhà nước cần khẳng định và thể hiện rõ hơn, trách nhiệm hơn, hiệu quả hơn trong việc tạo mối liên kết chặt chẽ giữa các nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà nông và ngân hàng để cùng đồng hành cùng với người nông dân trong sản xuất và tiêu thụ nông sản.

Về vấn đề an toàn thực phẩm, đại biểu Bé cho rằng, “chiếc gậy thần” để buộc mọi người thực hiện nghiêm pháp luật về an toàn thực phẩm đó là hành lang pháp luật.

“Tuy nhiên, mức xử phạt hiện nay chưa đủ sức răn đe, kiểm tra, chưa xử lý kịp thời, điều kiện kiểm tra còn thiếu thốn. Đây là vấn đề cần có sự đầu tư của nhà nước, tôi kiến nghị các cấp, các ngành quan tâm nhiều hơn nữa để nâng cao trách nhiệm của đội ngũ cán bộ thực thi công vụ và đầu tư các cơ sở vật chất để thực hiện tốt, là nhiệm vụ chống hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm”, đại biểu Bé nói./.