Nhiều áp lực “đè nặng” CPI những tháng cuối năm

Từ sau 6 tháng đầu năm 2016, lạm phát đã trên đà tăng tốc. Tại hội thảo “Diễn biến giá cả thị trường ở Việt Nam 6 tháng đầu năm và dự báo cả năm 2016” do Học viện Tài chính tổ chức ngày 07/07/2016, các chuyên gia đều cho rằng, CPI năm nay tiềm ẩn nhiều nguy cơ tăng mạnh do tác động của thị trường thế giới về giá lương thực, nhiên liệu trong thời gian tới. Đặc biệt, những rủi ro tiềm ẩn về giá điện, giá nước, giá dịch vụ y tế, giá xăng dầu tăng lại là áp lực cho công tác kiểm soát lạm phát trong năm nay.

Chia sẻ tại Hội thảo, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, lạm phát tiềm ẩn khả năng diễn biến bất thường. Vì từ nay đến cuối năm 2016 có nhiều yếu tố dự báo sẽ gây áp lực lên CPI, đặc biệt trong nửa sau của năm 2016 khi các mặt hàng y tế và giáo dục được đồng loạt điều chỉnh; thiên tai, thời tiết mất mùa; tăng lương cơ bản; độ trễ của tăng cung tiền; áp lực tỷ giá… Ông Long dự báo năm 2016 khó thực hiện được mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 5%.

Trong khi đó, Phó giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại Lê Quốc Phương phân tích 6 tháng cuối năm, CPI có thể tăng cao ở mức 2,7%-3% là do giá hàng hóa thế giới có xu hướng tăng và giá dịch vụ y tế, dịch vụ giáo dục tiếp tục được điều chỉnh. Khả năng tăng trưởng tín dụng năm 2016 lên trên 20% để đổ vào các khu vực có tính đầu cơ như chứng khoán, bất động sản cũng có thể đẩy giá lên.

Còn ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hội siêu thị Hà Nội cũng dự báo lạm phát sẽ ở mức 5,2%-5,5% trong năm 2016, cao hơn chỉ tiêu đặt ra từ đầu năm.

Đại diện Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho rằng, trong 6 tháng cuối năm 2016, công tác quản lý, điều hành giá sẽ gặp nhiều thách thức do vẫn còn nhiều yếu tố có thể tác động mạnh đến chỉ số CPI. Trong đó sức ép từ cân đối ngân sách, việc tiếp tục điều chỉnh giá dịch vụ công (y tế và giáo dục) theo lộ trình thị trường, chính sách điều hành tỷ giá và mặt bằng lãi suất trong thời gian tới sẽ là những nhân tố cần được quan tâm, theo sát để điều hành cho phù hợp với diễn biến thị trường và thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát như đã đề ra.

Mục tiêu CPI tăng 5% cả năm 2016 là khá khó khăn trong bối cảnh hiện nay

Dù khẳng định lạm phát đang được kiểm soát nhưng trong báo cáo tình hình kinh tế - xã hội gần đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng tỏ ra hết sức lo ngại khi “vẫn tiềm ẩn nguy cơ lạm phát tăng cao”. Cơ quan này lưu ý, thời gian tới nhiệm vụ kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô vẫn là trọng tâm hàng đầu. Điều này đặt ra cho Chính phủ nhiều cố gắng để đưa nền kinh tế vượt khó.

Tại cuộc họp báo công bố CPI tháng 9 và quý III/2016 vào ngày 24/09/2016, theo bà Vũ Thị Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá, Tổng cục Thống kê, chỉ số lạm phát cơ bản sau 9 tháng đã tăng 1,81%, khá sát với mức tăng 2,07% của chỉ số lạm phát chung, chứng tỏ chính sách tiền tệ vẫn có những tác động lớn đến lạm phát.

Cũng tại cuộc họp báo, bà Đỗ Thị Ngọc, Vụ phó Vụ Thống kê giá cho biết, từ tháng 10 đến hết năm sẽ có nhiều yếu tố gây áp lực lên CPI đó là: giá dịch vụ y tế, giá xăng dầu, chi tiêu dùng cuối năm... Minh chứng cho thấy rõ ràng hơn, khi trong tháng 10, giá dịch vụ y tế và giá xăng dầu đã được điều chỉnh tăng.

Đầu tháng 08/2016, Ngân hàng HSBC cũng đưa ra dự báo về khả năng lạm phát năm 2016 “sẽ đánh bật mức dự báo 5% của Chính phủ Việt Nam”. HSBC cũng viện dẫn một loạt yếu tố có thể khiến CPI tăng cao trong những tháng cuối năm. Đó là giá thực phẩm và dịch vụ chăm sóc sức khỏe đã tăng dần đều trong suốt 6 tháng qua; Chính phủ cũng đang có kế hoạch tăng chi phí chăm sóc sức khỏe vào những tháng cuối năm 2016, nửa đầu năm 2017. Tương tự, học phí sẽ được điều chỉnh trong tháng 9/2016. Và một yếu tố không thể bỏ qua, đó là tăng trưởng tín dụng có thể vượt mức dự kiến 18%-20%.

Tại cuộc họp của Ban chỉ đạo điều hành giá, đánh giá kết quả kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, điều hành giá một số mặt hàng cụ thể trong 9 tháng năm 2016 và định hướng điều hành giá 3 tháng cuối năm vào ngày 19/10/2016 do Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ chủ trì, Phó Thủ tướng cũng chỉ ra những yếu tố gây áp lực tới CPI. Đó là: nhu cầu tiêu dùng tăng trong dịp lễ, Tết; diễn biến thất thường của thời tiết tác động tới giá lương thực, thực phẩm; tháng 11/2016, OPEC dự kiến sẽ đưa ra quyết định cắt giảm sản lượng khai thác dầu. Việc đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư công và độ trễ của chính sách tín dụng cũng ảnh hưởng tới lạm phát.

Cần hết sức thận trọng trong công tác điều hành giá

Như vậy, áp lực CPI 3 tháng cuối năm là rất nặng nề và nếu lơ là thì mục tiêu đặt ra 5% cho cả năm là khó đạt được. Tại cuộc họp của Ban chỉ đạo điều hành giá nói trên, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã đề nghị Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành giữ ổn định mức lạm phát cơ bản dưới 2% như hiện nay; tiếp tục chỉ đạo bằng mọi biện pháp giảm lãi suất cho vay.

Trong khi đó, Bộ Công Thương giữ không tăng giá điện trong năm nay; theo dõi sát diễn biến giá xăng dầu thế giới, sử dụng hợp lý Quỹ bình ổn để không tạo ra lạm phát kỳ vọng. Bộ Giao thông vận tải phối hợp với Bộ Tài chính tích cực hướng dẫn trong tháng 10/2016 giảm phí BOT ít nhất ở 10 trạm thu phí.

Các bộ, ngành quản lý lĩnh vực theo dõi sát diễn biến cung cầu những mặt hàng thiết yếu như muối, sữa trẻ em dưới 6 tháng tuổi... Các Bộ liên quan tới sản xuất chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chuẩn bị ngay từ bây giờ việc cung ứng đủ nguồn hàng cho thị trường dịp Tết.

Bộ Y tế, Bộ Tài chính và Bảo hiểm xã hội tích cực thực hiện việc đấu thầu thuốc để kéo giá thuốc xuống. Đối với giá dịch vụ y tế sẽ không tăng giá dịch vụ y tế trong năm nay với người không có bảo hiểm y tế nhưng chuẩn bị kịch bản tăng cho năm 2017 về thời điểm, lộ trình. Dư địa tăng giá dịch vụ y tế trong năm nay không còn nhiều, chỉ còn 1 đợt nên Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ phải tính toán kỹ, nếu bất lợi thì giãn bớt số lượng địa phương cần tăng sang năm 2017.

Đối với cơ chế quản lý các loại phí chuyển sang cơ chế giá từ ngày 01/01/2017, Trưởng Ban chỉ đạo yêu cầu với loại phí chuyển sang giá mà Nhà nước không định giá thì các địa phương tính đủ, tính đúng với chi phí hợp lý. Với khoản phí mà thuộc thẩm quyền nhà nước định giá thì phải kiểm soát hết sức cẩn trọng.

Thực tế, lạm phát cả năm 2016 hiện không phụ thuộc nhiều vào yếu tố bên ngoài, ngoại trừ trường hợp giá dầu thô tăng đột biến, mà chịu tác động lớn bởi các chính sách điều hành giá cả các mặt hàng do Nhà nước quản lý. Nếu không có sự điều hành khéo léo và không đi đúng lộ trình, việc điều chỉnh giá này sẽ ảnh hưởng tới lạm phát cả năm.

Nghiên cứu mới đây của Học viện Chính sách phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cũng đã chỉ ra rằng, tần suất xuất hiện lạm phát cao ngày càng dày. Nếu trước đây là 5 năm, thì nay là 3 năm. Điều đó có nghĩa rằng, một khi không kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, thì sau 1-2 năm nữa, lạm phát cao có thể quay trở lại. Khi đó, vòng xoáy suy giảm tăng trưởng lại bắt đầu và kinh tế Việt Nam sẽ càng khó khăn hơn.

Vì thế, không riêng các tổ chức quốc tế, mà nhiều chuyên gia trong nước cũng liên tiếp đưa ra khuyến nghị. Đó là, Chính phủ không nên hướng tới thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bằng mọi giá, thay vào đó vẫn phải kiên định các ưu tiên đề ra về cải cách kinh tế vi mô, củng cố dư địa điều hành chính sách kinh tế./.

Tham khảo từ các nguồn:

http://baochinhphu.vn/Thi-truong/Dieu-hanh-gia-Van-trong-tam-kiem-soat-cua-Chinh-phu/289356.vgp

http://baodautu.vn/lam-phat-co-dang-lo-d49943.html

http://www.doanhnhansaigon.vn/van-de/noi-lo-lam-phat-tro-lai-lam-chuyen-mau-buc-tranh-kinh-te/1098687/