7 khó khăn, vướng mắc của Quỹ Bảo lãnh tín dụng

Theo Bộ Tài chính, tính đến 30/09/2017, cả nước có 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã thành lập Quỹ bảo lãnh tín dụng, tổng số vốn điều lệ của các Quỹ Bảo lãnh tín dụng ước khoảng 1.579 tỷ đồng.

Doanh số bảo lãnh của các Quỹ Bảo lãnh tín dụng lũy kế từ năm 2002 đến 30/09/2017 ước khoảng trên 4.126 tỷ đồng với khoảng trên 2.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa được bảo lãnh vay vốn tại các tổ chức tín dụng. Số dư bảo lãnh đến 30/9/2017 của các Quỹ Bảo lãnh tín dụng ước đạt trên 411 tỷ đồng, số trả nợ thay đạt khoảng 83 tỷ đồng.


Quỹ Bảo lãnh tín dụng vẫn chưa thực sự trở thành công cụ đác lực của doanh nghiệp nhỏ và vừa

Trên cơ sở thực tế triển khai hoạt động bảo lãnh tín dụng qua Quỹ Bảo lãnh tín dụng địa phương, Bộ Tài chính tổng hợp các khó khăn, vướng mắc của các quỹ hiện nay tập trung chủ yếu ở các vấn đề sau:

(1) Năng lực tài chính của Quỹ tại các địa phương còn hạn chế, vốn hoạt động bảo lãnh tín dụng thấp, một số Quỹ chưa đáp ứng đủ vốn điều lệ theo quy định của pháp luật hiện hành; quy mô còn nhỏ, số dư trích lập dự phòng rủi ro của Quỹ thấp chưa đảm bảo bù đắp chi phí khi có rủi ro xảy ra, nguồn thu từ phí bảo lãnh thấp không đảm bảo để thực hiện nhiệm vụ, trong khi rủi ro bảo lãnh cao nên hoạt động của Quỹ còn gặp nhiều khó khăn.

(2) Một số tổ chức tín dụng, doanh nghiệp nhỏ và vừa và Quỹ Bảo lãnh tín dụng chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm, vai trò của người cho vay, người sử dụng vốn vay và người bảo lãnh trong hoạt động cấp bảo lãnh tín dụng; công tác phối hợp giữa các bên liên quan còn hạn chế trong quá trình thẩm định hồ sơ, cấp bảo lãnh, giải ngân, kiểm soát sử dụng vốn vay...

(3) Chất lượng nguồn nhân lực còn hạn chế, thiếu kinh nghiệm trong hoạt động cấp bảo lãnh tín dụng, đặc biệt là cán bộ thẩm định của các Quỹ gây ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động của Quỹ.

(4) Trong quá trình thực hiện hoạt động bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa đã phát sinh tranh chấp giữa các bên (chủ yếu giữa Quỹ Bảo lãnh tín dụng và ngân hàng thương mại) và đã phải đưa ra Tòa án để giải quyết, xử lý.

(5) Việc tham gia góp vốn điều lệ của tổ chức và cá nhân theo quy định của pháp luật đối với Quỹ chưa cao, có một số tổ chức tín dụng tham gia góp vốn điều lệ nhưng với số vốn góp còn rất khiêm tốn.

(6) Về mô hình hoạt động của Quỹ (mô hình độc lập, ủy thác hoặc giao cho Quỹ tài chính địa phương, trong đó, chủ yếu là Quỹ đầu tư phát triển địa phương thực hiện nhiệm vụ) còn phát sinh vướng mắc.

(7) Việc phối hợp giữa Quỹ và tổ chức tín dụng trong quá trình cấp bảo lãnh tín dụng, cho vay, thu hồi nợ… còn chưa được các bên quan tâm và triển khai, phối hợp thường xuyên.

Nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ Bảo lãnh tín dụng

Trước những tồn tại trên, Bộ Tài chính đang dự thảo Nghị định lần 3 về tổ chức và hoạt động Quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các quỹ này.

Hiện tại, Dự thảo Nghị định bao gồm 8 chương và 62 điều, cụ thể như sau:

Chương I (Điều 1-Điều 4): Quy định chung, bao gồm: phạm vi, đối tượng điều chỉnh, mô hình tổ chức, hoạt động, giải thích từ ngữ, vốn hoạt động của Quỹ , vốn góp của tổ chức tín dụng...

Chương II (Điều 5-Điều 15): Quy định các nội dung liên quan đến tổ chức của Quỹ bảo lãnh tín dụng Việt Nam: điều kiện thành lập Quỹ, trình tự thành lập Quỹ, điều lệ tổ chức và hoạt động, nguyên tắc hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng, trách nhiệm của Quỹ, quyền hạn của Quỹ, Cơ cấu tổ chức quản lý và điều hành của Quỹ, Hội đồng quản lý Quỹ, ban kiểm soát Quỹ, ban điều hành Quỹ, tổ chức điều hành hoạt động...

Chương III (Điều 16-Điều 29): Quy định các nội dung liên quan đến hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng: Đối tượng được bảo lãnh, điều kiện bảo lãnh, phạm vi bảo lãnh, thời hạn bảo lãnh, giới hạn bảo lãnh, phí bảo lãnh, hồ sơ đề nghị bảo lãnh, hợp đồng bảo lãnh, chứng thư bảo lãnh, biện pháp bảo đảm cho hoạt động bảo lãnh, quyền và nghĩa vụ của các bên...

Chương IV (Điều 30-Điều 38): Quy định các nội dung liên quan về thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh tín dụng: Quy trình thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh tín dụng, thông báo thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh tín dụng, thẩm định hồ sơ đề nghị trả nợ thay, thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh, nhận nợ và bồi hoàn bảo lãnh, xử lý rủi ro, thẩm quyền xử lý rủi ro, chấm dứt nghĩa vụ bảo lãnh vay vốn, phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro bảo lãnh…

Chương V (Điều 39-Điều 43): Quy định các nội dung về tài chính, hạch toán kế toán, thông tin, báo cáo, lương, phụ cấp lương, chênh lệch sau thu chi...

Chương VI (Điều 44-Điều 47): Quy định về giám sát và đánh giá hiệu quả hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng: Cơ quan giám sát và đánh giá hiệu quả hoạt động, nội dung giám sát và đánh giá hiệu quả hoạt động, căn cứ thực hiện giám sát, phương thức và tổ chức đánh giá hiệu quả hoạt động...

Chương VII (Điều 48-Điều 54): Quy định về cơ cấu lại và giải thể Quỹ bảo lãnh tín dụng: các trường hợp giải thể, hội đồng giải thể, quy trình giải thể, quyết định giải thể, trách nhiệm của Quỹ, của Hội đồng giải thể...

Chương VIII (Điều 55-Điều 62): Quy định nội dung về tổ chức thực hiện Nghị định./.