Đề xuất Quốc hội 3 vấn đề về chính sách bảo hiểm xã hội
Cần làm rõ lý do người hưởng chế độ BHXH một lần có nguy cơ tăng cao
Liên quan đến thực hiện chính sách, chế độ BHXH, nhiều vấn đề “nóng” đã được các đại biểu Quốc hội tập mổ xẻ, tại phiên thảo luận của Quốc hội về tình hình thực hiện chính sách, chế độ BHXH, quản lý và sử dụng Quỹ BHXH năm 2020, theo Văn phòng Quốc hội.
Đại biểu Quốc hội Đặng Bích Ngọc (Hòa Bình) cho rằng, thực tế cho thấy, việc phát triển lực lượng lao động tham gia BHXH còn thấp. Trong bối cảnh tác động của Covid-19 diễn biến phức tạp, việc thu BHXH bắt buộc gặp khó khăn nhất định, lao động tại các cơ sở sản xuất kinh doanh bị mất việc làm, không còn thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc…
“Vì vậy, sẽ có nhiều khó khăn trong thực hiện chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH bắt buộc năm 2021 theo Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH đề ra. Do đó, cần có sự vào cuộc rất tích cực từ phía Chính phủ, các bộ, ngành và chính quyền các cấp…”, bà Ngọc đề xuất.
Theo Đại biểu Quốc hội Đặng Bích Ngọc (Hòa Bình), việc phát triển lực lượng lao động tham gia BHXH còn thấp. Ảnh: Quốc hội |
Theo Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn (Hải Dương), việc hưởng BHXH một lần là nhu cầu thực tế của người lao động, tỷ lệ người hưởng BHXH một lần so với tổng số người tham gia BHXH những năm qua luôn ở mức khoảng 5%, nhưng ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả của công tác phát triển đối tượng. Với tốc độ, tình hình phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện và thực tế đời sống, thu nhập khó khăn như hiện nay, dự báo có thể số người hưởng chế độ BHXH một lần sẽ tăng cao trong các năm tiếp theo. Do đó, cần làm rõ nguyên nhân của tình trạng này, đồng thời rà soát quy định về điều kiện hưởng BHXH một lần, mức hưởng, thủ tục thực hiện hưởng BHXH một lần…
“Chính phủ cần ban hành văn bản quy định việc tham gia và hưởng bảo hiểm tai nạn lao động theo hình thức tự nguyện; ban hành quy định về giá dịch vụ tư vấn, giới thiệu việc làm từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động theo Nghị định số 61/2020/NĐ-CP, dù nghị định này đã có hiệu lực thi hành gần một năm…”, Đại biểu Quốc hội Trần Thị Hiền (Hà Nam) đề xuất.
Tạo cơ chế hấp dẫn người lao động tham gia BHXH
Giải trình, làm rõ các ý kiến Đại biểu Quốc hội nêu, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh – Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, đến nay, Quỹ BHXH đã thực sự trở thành quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách nhà nước có quy mô lớn nhất. Về quy mô của Quỹ, thời gian qua có bước phát triển rất nhanh. Hết năm 2020, quy mô đầu tư của Quỹ đã tăng gấp nhiều lần, tốc độ tăng trưởng bình quân năm sau cao hơn năm trước 20%...
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, sẽ nghiên cứu giải pháp tăng quyền lợi cho người lao động. Ảnh: Quốc hội |
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, cơ quan quản lý sẽ nghiên cứu triển khai giải pháp tăng quyền lợi cho người lao động; nghiên cứu điều chỉnh phát huy kết dư trong hỗ trợ thúc đẩy thị trường lao động; xây dựng các chính sách hấp dẫn người lao động tham gia BHXH... |
“Đối với các quỹ ngắn hạn, về cơ bản vừa đáp ứng được mục tiêu của các chính sách, nhưng đến nay kết dư tương đối an toàn. Trong bối cảnh dịch bệnh ảnh hưởng lớn đến đời sống người lao động và chủ sử dụng lao động, được sự đồng ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã ban hành 5 nghị quyết và các quyết định có liên quan. Trong đó, có nhiều chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động từ kết dư và các Quỹ BHXH… Qua đó, đến nay BHXH thực sự đã từng bước trở thành trụ cột của lưới an sinh xã hội, góp phần khắc phục rủi ro cho người lao động...”, ông Dung cho biết.
Liên quan đến phát triển lực lượng lao động tham gia BHXH mà các đại biểu Quốc hội quan tâm, Bộ trưởng giải trình thêm, trước mắt, Bộ Lao động, Thương binh – Xã hội sẽ tập trung đổi mới, tuyên truyền để người lao động khi bước chân vào thị trường lao động hiểu và đồng tình tham gia, dần dần hình thành văn hóa an sinh trong mọi người lao động như kinh nghiệm các quốc gia phát triển đã thực hiện...
“Chúng tôi đề xuất Quốc hội 3 vấn đề lớn gồm: (1) Tăng cường giám sát, kiểm tra triển khai chính sách BHXH; (2) Giao cho Chính phủ tiếp tục nghiên cứu đề xuất sử dụng kết dư của các Quỹ BHXH ngắn hạn nhằm hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch và các yếu tố rủi ro; (3) Đề nghị Quốc hội bổ sung vào Nghị quyết phiên họp một số nội dung kết luận làm căn cứ để Chính phủ triển khai…”, ông Dung nhấn mạnh./.
Bình luận