Đề xuất xóa nợ thuế cho DNNN: Chính sách “ngược”?
Cái lý của cơ quan đề xuất
Trước đó, tại hội trường Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế.
Dự thảo Luật quy định về xóa nợ cho DNNN để góp phần thúc đẩy thực hiện kế hoạch cổ phần hóa, giao, bán, khoán, sắp xếp lại. Đối tượng gồm:
(i) DNNN thuộc danh sách sắp xếp lại hoặc chuyển đổi sở hữu đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt mà hiện có số nợ thuế lớn hơn hoặc bằng số lỗ lũy kế của DNNN, thì được xem xét xóa nợ thuế ở mức để giá trị thực tế vốn nhà nước tại doanh nghiệp đủ điều kiện để thực hiện sắp xếp lại DNNN tại thời điểm thực hiện chuyển đổi, sắp xếp lại.
(ii) DNNN đã thực hiện cổ phần hóa hoặc chuyển đổi sở hữu mà khi xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa, giao, bán, khoán, cho thuê cơ quan có thẩm quyền chưa xác định số thuế nợ trong giá trị của doanh nghiệp và pháp nhân mới không chịu trách nhiệm đối với các khoản nợ tiền thuế, tiền phạt này.
(iii) DNNN đã có quyết định giải thể của cơ quan có thẩm quyền còn nợ tiền thuế, tiền phạt phát sinh mà nguồn tài chính còn lại không đủ để thanh toán nợ thuế theo quy định của pháp luật có liên quan.
Như vậy, nếu như Quốc hội đồng ý, thì sẽ có 1.082 tỷ đồng tiền thuế được xóa cho DNNN.
Cụ thể, với đối tượng 1, hiện có 36 đơn vị có tổng số nợ là 273 tỷ đồng (tính đến ngày 30/6/2015). Trong đó, tiền thuế là 101 tỷ đồng và tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp là 172 tỷ đồng.
Đối tượng 2 là, DNNN đã cổ phần hóa hoặc chuyển đổi sở hữu và pháp nhân mới không chịu trách nhiệm đối với các khoản nợ tiền thuế, tiền phạt phát sinh từ ngày 1/7/2007. Tính đến ngày 30/6/2015, tổng số có 68 doanh nghiệp còn nợ 209 tỷ đồng. Trong đó, tiền thuế là 136 tỷ đồng; tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp là 73 tỷ đồng.
Đối tượng 3 hiện có 150 đơn vị còn nợ 600 tỷ đồng tiền thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp (tính đến thời điểm ngày 30/6/2015).
“Việc xóa các khoản nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt của người nộp thuế như trên sẽ giải quyết dứt điểm các khoản nợ tồn đọng, qua đó giúp tháo gỡ gánh nặng cho cá nhân, doanh nghiệp cũng như cơ quan thuế; tiết kiệm chi phí quản lý hành chính thuế, đồng thời góp phần thực hiện thành công chính sách tái cơ cấu DNNN”, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh trong tờ trình.
Nhiều đại biểu quốc hội không đồng tình
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội về Dự thảo Luật, nhấn mạnh về điểm đề xuất xóa nợ cho DNNN cho biết, nhiều thành viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội ủng hộ đề xuất của Chính phủ nhằm đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa.
Bởi, với tổng số DNNN được xóa nợ là 254 đơn vị và tổng số thuế khoảng 1.082 tỷ đồng, nên không tác động lớn đến cân đối ngân sách nhà nước và cũng không ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, kinh doanh.
“Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, việc xóa nợ thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt chậm nộp sẽ dẫn đến trường hợp nhiều doanh nghiệp hiện nay chưa đến thời điểm cổ phần hóa cố tình chây ì, chậm nộp tiền thuế để tăng số nợ thuế lớn hơn số lỗ lũy kế hoặc cố tình không kê khai số thuế nợ trong giá trị của doanh nghiệp để được hưởng chính sách xóa nợ thuế của Nhà nước”, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển cung cấp thêm thông tin.
Với trường hợp xóa nợ thuế cho DNNN đã thực hiện cổ phần hóa hoặc chuyển đổi sở hữu và pháp nhân mới không chịu trách nhiệm đối với các khoản nợ tiền thuế, tiền phạt phát sinh từ ngày 1/7/2007, ông Phùng Quốc Hiển cho biết, hiện vẫn còn nhiều ý kiến quan ngại vì không phù hợp với pháp luật.
Bởi, theo Nghị định số 159/2011/NĐ-CP về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần và Luật Doanh nghiệp năm 2014, thì doanh nghiệp sau khi chuyển đổi đương nhiên kế thừa toàn bộ quyền và lợi ích hợp pháp, chịu trách nhiệm về các khoản nợ, gồm cả nợ thuế, hợp đồng lao động và các nghĩa vụ khác của doanh nghiệp trước khi chuyển đổi.
Chính phủ đề xuất xóa nợ thuế cho DNNN là quá ưu ái, tạo ra tiền lệ bất bình đẳng trong doanh nghiệp
Phát biểu tại Hội trường, đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP. Hồ Chí Minh) nhận định, việc xóa nợ thuế đối với DNNN thuộc diện sắp xếp lại, chuyển đổi sở hữu đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt là không nên bởi sẽ không bảo đảm cạnh tranh công bằng giữa các loại hình doanh nghiệp.
Đồng tình với quan điểm của đại biểu Ngân đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) cũng cho rằng, xóa nợ thuế sẽ tạo ra sự không bình đẳng, khuyến khích trốn thuế. Theo ông, nhà nước phải quản lý chặt, nếu không là có lỗi lớn.
Đi sâu vào vấn đề kỹ thuật, đại biểu Trần Du Lịch (TP. Hồ Chí Minh) thẳng thắn phản biện lại với lý luận của Chính phủ cho rằng, nếu như xóa nợ, thì cơ cấu tài chính sẽ tốt, định giá cao, bán được nhiều tiền cho Nhà nước, doanh nghiệp cổ phần hóa được. Ông chỉ rõ, với các doanh nghiệp chuẩn bị cổ phần hóa mà đang nợ thuế, thì việc xóa nợ chỉ là thủ thuật tài chính. Nếu tính tiền nợ thuế thì giá trị vốn chủ sở hữu có thể âm. Như thế, khi định giá trị doanh nghiệp để đi bán, thì về cơ cấu tài chính là cực xấu, không ai mua.
Còn các chuyên gia khẳng định: Đây là chính sách ngược
Về đề xuất xóa nợ cho DNNN, TS. Lê Đăng Doanh thẳng thắn, nếu với lý do xóa nợ để thúc đẩy cổ phần hóa, làm đẹp sổ sách hay như ví von của thứ trưởng Bộ Tài chính: xóa nợ để… cô gái đi lấy chồng là không hợp lý, trái quy luật thị trường, tùy tiện. Chính phủ đề xuất xóa nợ thuế cho DNNN là quá ưu ái, tạo ra tiền lệ bất bình đẳng trong doanh nghiệp.
Còn TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn (Chương trình giảng dạy Fublright) nhấn mạnh, đề xuất trên là… chính sách ngược.
Đặt nguyên tắc này trong bối cảnh của những ứng xử gần đây của cơ quan thuế cũng như Bộ Tài chính đối với các khoản nợ thuế của doanh nghiệp sẽ thấy rằng, cần tiếp tục đối xử công bằng hơn nữa giữa khu vực DNNN với doanh nghiệp dân doanh.
Khi cùng đối diện với hoàn cảnh khó khăn như nhau, cùng nợ thuế như nhau nhưng một bên thì bị cơ quan thuế ráo riết truy thu thuế, nào là thanh tra, nào là xử phạt, nào là dừng thủ tục hải quan, nào là bêu tên, nào là cấm xuất cảnh; còn một bên thì lại được đề nghị xóa nợ thuế.
TS. Tuấn chi rõ, tất cả những lý do được đưa ra để biện minh cho đề xuất này đều khó thuyết phục.
Cụ thể, theo vị chuyên gia này, trở ngại chính làm cho tiến trình cổ phần hóa chậm không phải vì những khoản nợ thuế mà vì những lý do khác. Do đó, việc xóa nợ thuế không phải là giải pháp để thúc đẩy nhanh cổ phần hóa. Thứ nữa, TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn cho rằng, việc xóa nợ thuế không phải là một biện pháp hỗ trợ, bởi xóa nợ thuế chỉ là một bút toán kế toán, không tạo nguồn lực tài chính thực sự cho doanh nghiệp.
“Thứ ba, DNNN nợ thuế hàm ý là những doanh nghiệp kém hiệu quả. Kém hiệu quả là nguyên nhân dẫn đến nợ thuế, thành ra xóa nợ thuế không phải là giải pháp chữa yếu kém của doanh nghiệp”, ông Tuấn chỉ rõ.
Nền kinh tế Việt Nam vừa trải qua giai đoạn vô cùng khó khăn mà cho đến nay sự phục hồi vẫn chưa thật bền vững. Số lượng doanh nghiệp giải thể, phá sản trong mấy năm qua đã lên đến con số hàng chục vạn.
“Không ai muốn rơi vào tình cảnh này, dù là khách quan, nhưng đã là kinh doanh thì phải chấp nhận quy luật “lời ăn lỗ chịu”. Trừ khi không còn khả năng thực hiện nghĩa vụ tài chính và buộc phải phá sản theo luật, còn nếu doanh nghiệp vẫn tiếp tục hoạt động thì phải trả nợ và nộp thuế. Đó là quy định bắt buộc không thể miễn trừ, không có ngoại lệ, nhằm đảm bảo tính nghiêm minh của luật pháp cũng như tính công bằng trong việc đối xử với những người nộp thuế khác nhau”, vị chuyên gia này lập luận.
Vì thế, “nếu doanh nghiệp nợ thuế lại được miễn trừ nghĩa vụ thì sẽ không công bằng với những doanh nghiệp tuân thủ thuế tốt và cả những doanh nghiệp làm ăn hiệu quả. Điều này tạo ra cơ chế khuyến khích ngược: tuân thủ, thì bị phạt, không tuân thủ lại được thưởng”, TS. Đỗ Thiên An Tuấn nhấn mạnh./.
Bình luận