Địa phương kiến nghị sửa đổi 6 nhóm vấn đề lớn
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, có tổng cộng 1.061 lượt kiến nghị, thuộc 06 nhóm vấn đề lớn: (i) thực hiện dự án đầu tư, xây dựng; (ii) chính sách tín dụng; (iii) chính sách thuế, phí, lệ phí; (iv) thị trường; (v) giấy phép lao động, (vi) visa xuất nhập cảnh.

1.061 lượt kiến nghị thuộc 6 nhóm vấn đề lớn

Báo cáo về các khó khăn, vướng mắc của các địa phương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, có tổng cộng 1.061 lượt kiến nghị, thuộc 06 nhóm vấn đề lớn: (i) thực hiện dự án đầu tư, xây dựng; (ii) chính sách tín dụng; (iii) chính sách thuế, phí, lệ phí; (iv) thị trường; (v) giấy phép lao động, (vi) visa xuất nhập cảnh.

Trong đó: (i) 144 kiến nghị về điều chỉnh, bổ sung các điều của các Luật: Đất đai, Khoáng sản, Xây dựng, Đầu tư, Đầu tư công, Nhà ở, Tổ chức chính quyền địa phương…, thuộc thẩm quyền Quốc hội;

(ii) 13 kiến nghị điều chỉnh bổ sung dự án ngân sách trung ương thuộc Kế hoạch Đầu tư công trung hạn 2021-2025 khác ngành, lĩnh vực hay bổ sung dự án đầu tư mới trong tổng số kế hoạch trung hạn đã được phân bổ thuộc thẩm quyền Uỷ ban Thường vụ Quốc hội;

(iii) 238 kiến nghị sửa đổi các nghị định: số 08/2022/NĐ-CP hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường; số 111/2015/NĐ-CP về phát triển công nghiệp hỗ trợ; số 152/2020/NĐ-CP về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam và tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam. Ban hành Nghị định về tổ chức và hoạt động Quỹ phát triển đất,… thuộc thẩm quyền Chính phủ;

(iv) 97 kiến nghị về phân cấp cho địa phương trong một số lĩnh vực, thủ tục hành chính, xác định giá đất trong trường hợp miễn tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê hoặc miễn tiền thuê đất; tính giá đất và hình thức trả tiền thuê đất (Novaworld); sửa đổi Quyết định số 326/QĐ-TTg; phê duyệt quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, thành phố... thuộc thẩm quyền Thủ tướng Chính phủ;

(v) 513 kiến nghị quy định, hướng dẫn thu hồi đất để thực hiện các dự án thương mại dịch vụ, giao đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất đối với các dự án phát triển nhà ở, xây dựng khu chức năng của Khu kinh tế; tháo gỡ thủ tục cho dự án thu hồi đất có chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng; quy hoạch mỏ Bauxit, titan ra khỏi Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản; quy định tại QCVN 06: 2022/BXD về phòng cháy chữa cháy, nhập khẩu nguyên liệu hạt điều thô từ Châu phi… thuộc thẩm quyền của các bộ, ngành;

(vi) 56 kiến nghị thuộc thẩm quyền của địa phương.

Cần xử lý nhanh, dứt điểm các ách tắc, kiến nghị của doanh nghiệp, người dân

Lý giải nguyên nhân của khó khăn, vướng mắc, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ rõ, do một số quy định, thủ tục hành chính còn phức tạp; một số quy định còn chồng chéo, mâu thuẫn, chưa thống nhất, chưa rõ ràng, được hiểu theo nhiều cách khác nhau, có thể dẫn đến rủi ro pháp lý cho cấp triển khai. Ví dụ như bất cập về thủ tục, quy định trong phòng cháy, chữa cháy; hoàn thuế VAT…

Việc cập nhật, phổ biến các quy định tại một số văn bản còn bất cập, dẫn tới cùng một vấn đề nhưng cách hiểu khác nhau, nơi làm nhanh, kết quả tốt, nơi vướng mắc kéo dài.

Công tác chỉ đạo, điều hành, nhất là của người đứng đầu ở một số địa phương còn chưa sâu sát, phân công, phân nhiệm chưa rõ ràng, kiểm tra giám sát chưa thường xuyên.

"Còn nhiều kiến nghị thuộc thẩm quyền của địa phương nhưng tổ chức thi hành pháp luật còn thiếu chủ động, phản ứng chậm, phụ thuộc vào sự chỉ đạo, khẳng định, hướng dẫn của Chính phủ, bộ, cơ quan", Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ rõ.

Đặc biệt, theo lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tâm lý e ngại, sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám làm trong thực thi công vụ của một bộ phận cán bộ, công chức là một nguyên nhân không nhỏ dẫn tới các khó khăn của địa phương.

Trên cơ sở phân tích này, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất rằng, trước tiên, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ trong việc giải quyết, xử lý nhanh, dứt điểm các ách tắc, kiến nghị của doanh nghiệp, người dân đã tồn đọng trong thời gian dài, nhất là ở địa phương.

Thứ hai, cần rà soát, tháo gỡ ngay vướng mắc về quy định pháp luật theo hướng: (1) không ban hành những nội dung thuộc thẩm quyền, nhưng không cần thiết, trái quy định, phát sinh thêm chi phí cho doanh nghiệp, người dân, trường hợp đã ban hành thì phải rà soát, sửa đổi ngay trong tháng 6; (2) tổng hợp, báo cáo ngay Thủ tướng Chính phủ đối với những vấn đề còn vướng mắc cho doanh nghiệp thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; (3) Giao Bộ Tư pháp tổng hợp những vướng mắc, chồng chéo thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 6.

Thứ ba, cần khẩn trương triển khai các chính sách đã ban hành, kiến nghị cho phép kéo dài, bổ sung, điều chỉnh kịp thời, phát huy cao nhất hiệu quả của chính sách, nguồn lực, đồng thời xem xét, rà soát có những chính sách mạnh hơn, kịp thời, hiệu quả trên tinh thần hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân, người lao động.

Về xây dựng Nghị quyết của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và an sinh xã hội trong tình hình mới: Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với các bộ, cơ quan nghiên cứu, dự thảo Nghị quyết.

Tuy nhiên, do tình hình còn nhiều khó khăn, các động lực tăng trưởng phục hồi chậm, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan nghiên cứu, đề xuất các chính sách mới theo hướng mạnh hơn, quyết liệt, hiệu quả, thiết thực, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 15/6/2023 để tổng hợp, báo cáo Chính phủ chậm nhất là tại Phiên họp thường kỳ tháng 6 năm 2023.