Phát triển bền vững đã trở thành xu thế tất yếu và mục tiêu hàng đầu mà các quốc gia đều hướng tới. Việt Nam trong tiến trình phát triển đã xác định mô hình tăng trưởng theo hướng xanh hóa các ngành kinh tế; Giảm cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP; Xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững; Xanh hóa quá trình chuyển đổi trên nguyên tắc bình đẳng, bao trùm, nâng cao năng lực chống chịu. Điều này đã được Chính phủ cụ thể hóa trong Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, đó cũng là quyết tâm của Việt Nam trong nỗ lực thực hiện cam kết tại COP26, đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050.

Là quốc gia đang phát triển và có tốc độ hội nhập cao, nên Việt Nam đang phải chịu nhiều tác động bởi bối cảnh quốc tế có những bất ổn, nền kinh tế thế giới nhiều biến động. Những tác động này có ảnh hưởng đến nhiều mặt của đời sống xã hội. Ở điều kiện này của Việt Nam, việc ban hành và thực thi các chính sách hướng tới mục tiêu chuyển đổi xanh, bao trùm là một thách thức lớn trong ngắn hạn, do phải lựa chọn đánh đổi giữa chi phí (khả năng giảm đầu tư, thu nhập, tiêu dùng) và lợi ích (khả năng cải thiện môi trường, kinh tế và xã hội).

Tuy nhiên, trong dài hạn, các chính sách này sẽ đem lại lợi ích tổng thể cho toàn bộ quốc gia trên cả 3 trụ cột: kinh tế, xã hội, môi trường, từ đó đẩy nhanh tốc độ đạt được mục tiêu phát triển bền vững. Như vậy, có thể thấy, “Tăng trưởng xanh bao trùm: Con đường dẫn tới phát triển bền vững” là xu thế không thể đảo ngược. Tuy nhiên, vấn đề được đặt ra là hành động như thế nào để phù hợp trong từng giai đoạn và điều kiện khác nhau? Câu hỏi này đòi hỏi tất cả các bên liên quan trong nền kinh tế Việt Nam phải cùng nhau trả lời để cùng đưa ra các giải pháp thực hiện, nhằm đảm bảo nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, tạo sự bình đẳng về điều kiện và cơ hội phát huy năng lực, cũng như thụ hưởng thành quả của sự phát triển, không để ai bị bỏ lại phía sau trong quá trình chuyển đổi xanh.

Là 2 đơn vị trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, được sự phân công, Học viện Chính sách và Phát triển phối hợp cùng Tạp chí Kinh tế và Dự báo tổ chức Diễn đàn quốc gia về phát triển bền vững Việt Nam 2023 với chủ đề Hội thảo khoa học quốc gia “Thúc đẩy chuyển dịch xanh, bao trùm ở Việt Nam”.

Hội thảo dự kiến tổ chức vào 30/11/2023 tại Hà Nội, nhằm tạo diễn đàn để các cơ quan quản lý nhà nước các cấp, các nhà khoa học, chuyên gia, doanh nghiệp cùng trao đổi quan điểm, kết quả nghiên cứu, kiến thức cùng các giải pháp, khuyến nghị thúc đẩy chuyển dịch xanh, bao trùm ở Việt Nam trong giai đoạn tới. Các bài viết nghiên cứu về chủ đề Hội thảo sẽ được giới thiệu trong Kỷ yếu Hội thảo, cũng như được lựa chọn đăng trên các ấn phẩm của Tạp chí Kinh tế và Dự báo (Tạp chí in/Tạp chí điện tử).

Các bài viết và nghiên cứu sẽ tập trung (nhưng không giới hạn) vào các chủ đề sau đây:

(1) Tăng trưởng xanh và đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế theo hướng chuyển đổi xanh, bao trùm;

(2) Phát triển hài hòa giữa kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường;

(3) Ứng dụng công nghệ số và chuyển đổi số;

(4) Đạo đức kinh doanh và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp;

(5) Hiệu quả xã hội từ xanh hóa nền kinh tế;

(6) Công bằng xã hội trong phát triển đảm bảo chuyển đổi xanh, bao trùm;

(7) Hành động của địa phương và doanh nghiệp trong chuyển đổi xanh, bao trùm;

(8) Phát triển hạ tầng xã hội thúc đẩy chuyển đổi xanh, bao trùm;

(9) Đầu tư kết cấu hạ tầng tạo điều kiện thúc đẩy chuyển đổi xanh, bao trùm;

(10) Đô thị hóa, công nghiệp hóa trong chuyển đổi xanh, bao trùm;

(11) Tiêu dùng xanh thúc đẩy tăng trưởng xanh, bao trùm;

(12) Phát triển nguồn lực cho chuyển đổi xanh, bao trùm (nhân lực, vốn, tài nguyên…);

(13) Thu hút đầu tư vào chuyển đổi xanh, bao trùm;

(14) Hoàn thiện thể chế, chính sách thúc đẩy chuyển đổi xanh, bao trùm;

(15) Các chủ đề liên quan khác.