Điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ 2024: Nền tảng đẩy nhanh tiến độ thực hiện các SDG ở Việt Nam
Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương tại Lễ ra quân Ảnh: GSO |
Cơ sở đánh giá tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ 2021-2025
Sáng 1/4, Lễ ra quân Điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024 đã diễn ra tại Hà Nội, đánh dấu sự bắt đầu của việc thu thập thông tin cần thiết về dân số và nhà ở trên toàn quốc.
Phát biểu tại Lễ ra quân, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương cho biết: “Điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024 là cuộc điều tra có quy mô tương đối lớn, nhiều nội dung thông tin. Hà Nội là một trong hai địa phương có số lượng địa bàn và đơn vị điều tra lớn. Giai đoạn thu thập thông tin tại địa bàn là cực kỳ quan trọng, việc thu thập được thông tin phản ánh đầy đủ, chính xác thực trạng dân số và nhà ở sẽ giúp cho Đảng, Nhà nước xây dựng được những kế hoạch, chiến lược đúng đắn, xây dựng nền tảng cho sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước; phát triển thành phố ngày càng phồn vinh, hạnh phúc”.
Theo Phương án của Tổng cục Thống kê, Điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024 được thực hiện từ 0 giờ ngày 1/4 đến ngày 30/4/2024, nhằm 2 mục đích chính:
Một là, thu thập thông tin về dân số và nhà ở làm cơ sở để đánh giá tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ 2021-2025; xây dựng chính sách, lập kế hoạch dân số và nhà ở phục vụ lập Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ 2026-2030; giám sát thực hiện các SDG của Liên hợp quốc mà Chính phủ Việt Nam đã cam kết.
Hai là, cung cấp số liệu về quy mô dân số đến cấp huyện 5 năm sau Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019; làm cơ sở rà soát, hiệu chỉnh số liệu dân số hàng năm giai đoạn 2020-2024; cập nhật kho dữ liệu dân số và nhà ở do Tổng cục Thống kê quản lý phục vụ nghiên cứu, phân tích và dự báo quá trình phát triển dân số và nhà ở giữa hai kỳ tổng điều tra trên phạm vi cả nước và từng địa phương; đáp ứng yêu cầu so sánh quốc tế.
Đáng chú ý, thông tin từ cuộc điều tra này là nguồn dữ liệu quan trọng để báo cáo SDG. Có tới 107 trong số 232 chỉ tiêu SDG yêu cầu dữ liệu dân số để tính toán. Gần 20 chỉ tiêu SDG có thể được tính toán trực tiếp và đầy đủ chỉ từ dữ liệu Điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ 2024, giúp hệ thống dữ liệu đảm bảo chất lượng phục vụ cho việc theo dõi, giám sát và đánh giá tiến độ thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra, cũng như các SDG nhằm đảm bảo để “không ai bị bỏ lại phía sau”.
Trong khuôn khổ Lễ ra quân, ông Matt Jackson, Trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNFPA), bày tỏ vinh dự khi tham gia sự kiện quan trọng, có tính chất dấu mốc trong lĩnh vực thống kê vì kết quả của cuộc điều tra này sẽ là nền tảng để đưa ra các quyết định chính sách quan trọng nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các SDG ở Việt Nam. “UNFPA Việt Nam tự hào được đồng hành cùng Tổng cục Thống kê trong gần 50 năm qua. Những quốc gia có dữ liệu chất lượng là những quốc gia đạt được mức tăng trưởng ấn tượng và giải quyết được các nhu cầu của người dân. Dữ liệu tốt hơn - Cuộc sống tốt hơn”.
Cũng theo ông Matt Jackson, cuộc Điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024 đóng một vai trò quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam là quốc gia đông dân thứ 15 trên thế giới với dân số trên 100 triệu người. Việt Nam đang trải qua những thay đổi đáng kể về nhân khẩu học với tình trạng già hóa dân số diễn ra nhanh chóng. Cuộc điều tra lần này sẽ thu thập những dữ liệu quan trọng chưa có trong cơ sở dữ liệu dân số hiện tại hoặc các nguồn dữ liệu hành chính khác, như: lịch sử sinh sản của phụ nữ, tử vong, di cư, mất cân bằng giới tính khi sinh, khuyết tật, hôn nhân/tảo hôn, trình độ học vấn, lực lượng lao động và nhà ở. Dữ liệu từ cuộc điều tra sẽ được sử dụng nhằm cập nhật các chỉ số Phát triển Bền vững của quốc gia và để so sánh với kết quả của các cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở trước đây, cũng như để xác minh lại một số chỉ số dự báo dân số quốc gia đến năm 2069.
Bổ sung đối tượng điều tra là người có quốc tịch nước ngoài nhằm bảo đảm các tiêu chuẩn thống kê và khuyến nghị của quốc tế
So với các cuộc điều tra trước về dân số, Điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ 2024 có một số điểm mới, cụ thể như sau:
Kết quả Điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ 2024 góp phần thực hiện Đề án 06
Để phát triển ứng dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia một cách linh hoạt, sáng tạo phù hợp Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, ngày 6/1/2022, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06) theo Quyết định số 06/QĐ-TTg. Đề án 06 giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) thực hiện nhiệm vụ thống kê, phân tích dân số, bảo đảm nhanh chóng, chính xác, tiết kiệm chi phí nhà nước. Kết quả của Điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ 2024 góp phần thực hiện nhiệm vụ này của Tổng cục Thống kê.
Thay đổi đối tượng điều tra
Lần đầu tiên, người có quốc tịch nước ngoài được đưa vào là đối tượng điều tra, khác với các cuộc điều tra chỉ bao gồm người có quốc tịch Việt Nam như trước kia, nhằm bảo đảm các tiêu chuẩn thống kê và khuyến nghị của quốc tế về thống kê dân số, cũng như thực hiện các SDG để "không ai bị bỏ lại phía sau". Công tác thu thập thông tin đối với người nước ngoài được quy định cụ thể như sau:
Đối với hộ có người nước ngoài sống cùng người Việt Nam: Thu thập các thông tin như đối với người Việt Nam (trường hợp người nước ngoài nghe và nói được tiếng Việt: phỏng vấn trực tiếp người nước ngoài; trường hợp người nước ngoài không thể nghe và nói được tiếng Việt: hỏi thông tin về người nước ngoài qua người Việt Nam sống cùng trong hộ).
Đối với hộ chỉ bao gồm người nước ngoài: Sử dụng phiếu dành riêng cho người nước ngoài chỉ gồm 10 câu hỏi để thu thập thông tin về giới tính, tuổi, quốc tịch, nơi sinh, tình trạng di chuyển, tình trạng nhà ở của hộ (phiếu điều tra được dịch ra 6 ngôn ngữ (Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản) để phù hợp nhất với hộ người nước ngoài được chọn).
Quy mô mẫu lớn
Điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ 2024 là cuộc điều tra chọn mẫu, thực hiện trên phạm vi toàn quốc. Dàn chọn mẫu sử dụng trong cuộc điều tra là dàn mẫu tổng thể của Tổng điều tra fân số và nhà ở năm 2019. Điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ 2024 có cỡ mẫu 20% địa bàn điều tra của cả nước (tương đương 39.340 địa bàn), mẫu được chọn ở tất cả các huyện với quy mô mẫu đảm bảo các chỉ tiêu về quy mô dân số được đại diện đến cấp huyện (khoảng trên 1,1 triệu hộ mẫu). Do đó, quy mô mẫu của cuộc điều tra này là khá lớn.
Kết hợp phương pháp thu thập thông tin trực tiếp và gián tiếp
Do đối tượng điều tra lần này có người nước ngoài, nên ngoài phương pháp thu thập thông tin phỏng vấn trực tiếp như các cuộc điều tra trước đây, Điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ 2024 còn kết hợp phương pháp gián tiếp, áp dụng đối với những hộ mà toàn bộ thành viên là người nước ngoài, không giao tiếp được bằng tiếng Việt.
Sử dụng kết hợp công cụ thu thập thông tin là phiếu điều tra điện tử và phiếu điều tra in trên giấy
Điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ 2024 sử dụng phiếu điều tra điện tử cài đặt trên thiết bị di động là chính. Bên cạnh đó còn sử dụng phiếu điều tra in trên giấy để gửi đến hộ kèm Thư gửi hộ đối với những hộ mà toàn bộ thành viên là người nước ngoài, không giao tiếp được bằng tiếng Việt.
Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, giảm bớt gánh nặng cho hộ dân cư trong quá trình điều tra
Điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ 2024 được thực hiện trên phạm vi cả nước tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (tỉnh, thành phố), gồm tất cả các quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (huyện), ngoại trừ 4 huyện đảo nhỏ là: Bạch Long Vỹ (TP. Hải Phòng); Cồn Cỏ (tỉnh Quảng Trị); Hoàng Sa (TP. Đà Nẵng) và Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa).
Nội dung cuộc điều tra bao gồm: Thông tin về nhân khẩu học của các thành viên hộ; Thông tin về di cư; Thông tin về giáo dục; Thông tin về hôn nhân; Thông tin về lịch sử sinh của nữ từ 10-49 tuổi; Thông tin về người chết của hộ; Thông tin về nhà ở và điều kiện sống của hộ.
Cuộc điều tra sử dụng 3 loại phiếu để thu thập thông tin phục vụ lập bảng kê hộ dân cư và thu thập thông tin phục vụ tổng hợp các chỉ tiêu, cụ thể: Phiếu 01/DSGK-BK: Thu thập các thông tin phục vụ lập bảng kê hộ dân cư. Phiếu 02/DSGK-PN: Thu thập thông tin nhân khẩu học và di cư của dân số, thông tin về người chết trong vòng 5 năm và nhà ở của hộ. Phiếu 03/DSGK-PD: Ngoài các thông tin như Phiếu 02/DSGK-PN, bổ sung thu thập các thông tin về tình trạng hôn nhân, giáo dục của thành viên hộ; lịch sử sinh của nữ từ 10-49 tuổi, thông tin về nhà ở và điều kiện sống của hộ.
Kết quả của cuộc điều tra cung cấp thông tin quan trọng giúp đánh giá tình hình phát triển dân số trong 5 năm qua, đánh giá một số thông tin chuyên sâu về nhân khẩu học giúp xây dựng chính sách, lập kế hoạch dân số và nhà ở trong thời gian tới. Đặc biệt, kết quả của điều tra này giúp ngành Thống kê phối hợp với các cơ quan liên quan như: Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ Y tế..., nghiên cứu để cải tiến Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2029 theo hướng kết hợp giữa dữ liệu hành chính và điều tra thống kê.
Để giảm bớt gánh nặng của hộ dân cư trong việc cung cấp thông tin, Tổng cục Thống kê đã tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình điều tra, trong đó, sử dụng phiếu hỏi điện tử nhằm giảm bớt thời gian kiểm tra thông tin phiếu trong quá trình thu thập thông tin tại hộ dân cư. Ngoài ra, đối với hộ dân cư người nước ngoài còn áp dụng phương pháp tự cung cấp thông tin giúp hộ linh hoạt thời gian để trả lời thông tin. Bên cạnh đó, để nâng cao hiệu quả điều tra, Tổng cục Thống kê thực hiện công tác tuyên truyền sâu rộng hơn để các hộ dân cư biết rõ hơn về mục đích điều tra, giúp hộ yên tâm cung cấp thông tin cho cơ quan thống kê./.
Bình luận