Doanh nghiệp cần được… “bơm oxy”
Nghẽn cơ chế
Sự sống còn với doanh nghiệp trong bối cảnh bị đại dịch Covid-19 “tàn phá” nặng nề đang đặt ra bức bách, nhưng nhiều chính sách tiếp sức về vốn cho họ đang bị… nghẽn.
Theo đó, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam Đặng Hồng Anh cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 14/2021/TT-NHNN, ngày 07/9/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
“Tuy nhiên, trong thực tiễn, rất nhiều doanh nghiệp chưa được hưởng lợi từ chính sách trên, vì theo Thông tư 14/2021/TT-NHNN, điều kiện tiên quyết là doanh nghiệp phải chứng minh doanh thu, thu nhập sụt giảm bởi Covid-19…”, ông Hồng Anh cho hay.
Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam Đặng Hồng Anh đề nghị Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước xem xét cho các doanh nghiệp được giãn nợ từ 6-12 tháng |
Cũng phản ánh về tình trạng chính sách chưa đi vào cuộc sống, ông Phạm Huy Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) Việt Nam, cho biết, vấn đề bảo đảm tiền vay là yếu tố quan trọng trong quan hệ vay mượn. Về lý thuyết, các ngân hàng thương mại chỉ yêu cầu doanh nghiệp phải có tài sản bảo đảm khi doanh nghiệp chưa có uy tín với tổ chức tín dụng, thông tin chưa minh bạch… Thế nhưng, trên thực tế rất ít DNNVV đáp ứng được các yêu cầu của ngân hàng thương mại đưa ra. Vì thế, để giảm rủi ro trong cho vay, các ngân hàng thương mại yêu cầu phải có tài sản bảo đảm.
“Để khắc phục điểm nghẽn trên, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 34/2018/NĐ-CP ngày 8/3/2018 về thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV, nhưng cho đến nay vẫn chưa tháo gỡ được khó khăn về bảo đảm tiền vay bằng tài sản…”, ông Hùng cho biết.
Giải cơn “khát” vốn, cách nào?
“Cần gói hỗ trợ vốn như bơm oxy cho doanh nghiệp. Gói hỗ trợ đó có thể lấy từ các nguồn vốn như: đầu tư công được Quốc hội thông qua trong chiến lược 5 năm (có các gói hiện dự án đã có chủ trương đầu tư, nhưng cần một hai năm tới mới có thể thực hiện…); sau khi cân nhắc các chỉ số nợ nước ngoài thì có thể cân nhắc lấy một phần từ dự trữ ngoại hối…”, ông Hồng Anh đề xuất.
Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, cần tính đến mở rộng diện xem xét vay tín chấp đối với các doanh nghiệp không có tài sản bảo đảm |
Một nguồn vốn quan trọng nữa cũng cần được khơi thông là dòng vồn từ các ngân hàng. Muốn khắc phục bất cập của Thông tư 14/2021/TT-NHNN là để được vay vốn doanh nghiệp phải chứng minh doanh thu, thu nhập sụt giảm bởi Covid-19, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam đề nghị Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước xem cho các doanh nghiệp được giãn nợ từ 6-12 tháng…
Để xử lý điểm nghẽn khi doanh nghiệp vay vốn tại các ngân hàng thương mại, Phó Chủ tịch Hiệp hội DNNVV) Việt Nam Phạm Huy Hùng đề nghị cần thay đổi nhận thức về Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho DNNVV là hỗ trợ, trợ giúp, tạo điều kiện để doanh nghiệp vay được vốn. Vì thế, cần rà soát lại điều kiện doanh nghiệp được bảo lãnh theo hướng thoáng hơn điều kiện vay vốn từ ngân hàng, phối hợp với ngân hàng tăng cường thẩm định tính hiệu quả của phương án, dự án vay vốn... |
Cùng góc nhìn trên, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, đề xuất các gói vay vốn với lãi suất 0% hoặc với lãi suất thấp trong thời hạn từ 3 đến 6 tháng để hỗ trợ doanh nghiệp trả lương cho người lao động trong giai đoạn khôi phục kinh tế cần được triển khai mạnh mẽ. Việc mở rộng diện xem xét vay tín chấp đối với các doanh nghiệp không có tài sản bảo đảm cũng cần tính đến, vì đây là khó khăn chính về mặt thủ tục của các cơ sở kinh doanh khi tiếp cận tín dụng…
“Tiếp tục rà soát theo hướng giảm lãi suất cho vay sâu hơn đối với DNNVV. Cần thiết thực hiện gói hỗ trợ lãi suất giúp doanh nghiệp phục hồi và phát triển. Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước cần trình Chính phủ, Quốc hội thu xếp gói hỗ trợ lãi suất (khoảng 7 -10% GDP), tương đương với mức dư nợ khoảng 100.000 tỷ đồng với thời gian tối đa 2 năm để hỗ trợ DNNVV. Để doanh nghiệp nhận được vốn từ gói hỗ trợ lãi suất, nhưng các ngân hàng thương mại không thể giảm thấp điều kiện cho vay, rất cần Chính phủ ban hành một quy định đặc thù để triển khai gói hỗ trợ lãi suất này một cách hợp lý và hiệu quả…”, ông Hùng kiến nghị.
Cũng theo ông Hùng, hình thức gọi vốn cộng đồng tuy còn khá mới đối với số đông doanh nghiệp, nhưng đã có hàng trăm doanh nghiệp thành công trong hình thức gọi vồn này. Tuy nhiên, các quy định pháp lý về hình thức gọi vốn này còn có khoảng trống, hoặc đã có quy định nhưng chưa hợp lý. Vì thế, cần nhanh chóng hoàn thiện hành lang pháp lý quy định về hình thức gọi vốn này, trong đó có thành lập, vận hành và cơ chế hoạt động của sàn giao dịch gọi vốn cộng đồng; vấn đề công bố thông tin cũng như quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia…/.
Bình luận