Doanh nghiệp FDI vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong hoạt động xuất - nhập khẩu Việt Nam năm 2024
Tuy nhiên, quy mô kim ngạch tăng trưởng cao, các doanh nghiệp FDI (doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài) vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam.
Lũy kế từ đầu năm đến hết ngày 15/11/2024, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp FDI vẫn tăng trưởng cao. |
Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp FDI vẫn tăng trưởng cao
Theo thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan, kỳ 1 tháng 11 (1-15/11/2024), tổng kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp FDI đạt 12,04 tỷ USD, giảm 12,9% (tương ứng giảm 1,79 tỷ USD) so với kỳ 2 tháng 10/2024.
Tuy nhiên, lũy kế từ đầu năm đến hết ngày 15/11/2024, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp FDI vẫn tăng trưởng cao.
Cụ thể, tổng kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp FDI đạt 252,17 tỷ USD, tăng 13% (tương ứng tăng 28,94 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước, chiếm 72% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Trong đó, một số nhóm hàng tăng như: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 12,79 tỷ USD, tương ứng tăng 26,1%; máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng tăng 8,08 tỷ USD, tương ứng tăng 21,7%; hàng dệt may tăng 3,07 tỷ USD, tương ứng tăng 10,6%; gỗ và sản phẩm gỗ tăng 2,46 tỷ USD, tương ứng tăng 21,4%; điện thoại các loại và linh kiện tăng 2,25 tỷ USD, tương ứng tăng 4,8%... so với cùng kỳ năm 2023.
Chiều ngược lại, nhập khẩu của doanh nghiệp FDI trong kỳ 1 tháng 11 đạt 10,43 tỷ USD, giảm 5,8% (tương ứng giảm 643 triệu USD) so với kỳ 2 tháng 10/2024.
Tương tự xuất khẩu, dù có chiều hướng giảm trong nửa đầu tháng này, nhưng tính chung từ đầu năm đến hết ngày 15/11/2024, tổng kim ngạch nhập khẩu của nhóm doanh nghiệp FDI vẫn tăng trưởng cao.
Hình: Trị giá nhập khẩu của một số nhóm hàng lớn lũy kế từ 01/01/2024 đến 15/11/2024 và cùng kỳ năm 2023. Nguồn: Tổng cục Hải quan |
Doanh nghiệp nội đang dần lấy lại vị thế chủ "sân nhà"
Như vậy, dù có sự sụt giảm, song kim ngạch nhập khẩu của doanh nghiệp FDI trong hơn 10 tháng qua đạt 209,16 tỷ USD, tăng 15,3% (tương ứng tăng 27,79 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2023. Với việc chiếm 63,6% tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước, khối doanh nghiệp FDI vẫn chiếm thế thượng phong so với khối doanh nghiệp nội.
Đặc biệt, doanh nghiệp FDI góp mặt trong hầu hết các nhóm hàng xuất nhập khẩu chủ lực của nước ta. Trong đó, có ưu thế lớn ở các nhóm hàng chục tỷ đô như máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; điện thoại và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phù tùng…
Theo chuyên gia kinh tế Lê Quốc Phương, trong nhiều năm qua, Việt Nam là thu hút rất mạnh FDI. Trong đó, đa số doanh nghiệp FDI định hướng xuất khẩu với thế mạnh lớn thị trường, quan hệ đối tác, có công nghệ, quản lý tốt, tiềm lực tài chính mạnh... Do đó, trong nhiều năm qua, tỷ trọng xuất khẩu của doanh nghiệp FDI liên tục tăng trưởng nhanh.
Kim ngạch xuất khẩu chiếm tỷ trọng lớn của doanh nghiệp FDI là điểm sáng của nền kinh tế, tuy nhiên xuất khẩu phụ thuộc quá nhiều vào FDI sẽ không tránh khỏi những tiềm ẩn rủi ro.
Theo Bộ Công Thương, mục tiêu của Việt Nam khi thu hút đầu tư FDI là phát triển kinh tế, tăng thu ngân sách, giải quyết việc làm và dần thực hiện chuyển giao công nghệ, mô hình cùng kỹ năng quản trị doanh nghiệp. Thế nhưng, nhìn lại trong nhiều năm qua, sự liên kết của doanh nghiệp FDI với DN trong nước chưa nhiều.
Với hàng loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam đã ký kết và việc mở cửa để thu hút đầu tư, Việt Nam đang được rất nhiều doanh nghiệp FDI lựa chọn. Hiện, các doanh nghiệpFDI đầu tư tại Việt Nam đều lớn về quy mô, công nghệ, tạo ra sản phẩm có hàm lượng cao... trong khi đó doanh nghiệp Việt Nam có đến hơn 90% là doanh nghiệpnhỏ và vừa, phần lớn các doanh nghiệp chưa tham gia được vào chuỗi giá trị toàn cầu mà chủ yếu là nơi gia công.
Phát triển công nghiệp hỗ trợ để cung ứng cho doanh nghiệp sản xuất là giải pháp để nâng cao nội lực của doanh nghiệp Việt, tránh phụ thuộc FDI. |
Tuy nhiên, 11 tháng năm 2024, đã có sự chuyển biến trong bức tranh xuất - nhập khẩu của Việt Nam. Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục Trưởng Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, cho đến thời điểm hiện tại, hàng loạt doanh nghiệp nội địa ở các ngành nghề đều có đơn hàng tăng cao. Phá vỡ tiền lệ nhiều năm qua, doanh nghiệp nội đang dần lấy lại vị thế chủ "sân nhà", lấn át khối doanh nghiệp FDI trên "đường đua" xuất khẩu bằng mức tăng trưởng khá ấn tượng.
Tuy nhiên, ông Hải cũng lưu ý việc hiện sản xuất và xuất khẩu của khối nội phụ thuộc rất mạnh vào chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu, nên rất nhạy cảm với những biến động xảy ra.
"Điều đó khiến hoạt động xuất khẩu thiếu tính ổn định và rõ ràng cần khắc phục sớm điểm yếu này", ông Hải nhấn mạnh.
Nhìn lại năm 2022, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, nhưng xuất khẩu cả năm của dệt may tăng 14,7% và xuất khẩu giày dép tăng tới 34,6% so với năm trước. Đây là những ngành luôn nằm trong "top" đầu có kim ngạchxuất khẩu lớn, nhưng thực chất giá trị thu về không cao bởi gia công là chủ yếu. Ngành dệt may, giày dép chưa chủ động được nguồn nguyên phụ liệu, phần lớn phải nhập khẩu. Như vậy, vấn đề đặt ra là song song với việc thu hút FDI có nguồn vốn hiệu quả, giá trị gia tăng cao, thì cơ quan chức năng cũng cần có chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp trong nước phát triển, xây dựng được những thương hiệu mạnh để tăng tỷ trọng kim ngạch trong cơ cấu xuất khẩu.
Ngoài ra, các chuyên gia cũng nhấn mạnh rằng, phát triển công nghiệp hỗ trợ để cung ứng cho doanh nghiệp sản xuất là giải pháp để nâng cao nội lực của doanh nghiệp Việt, tránh phụ thuộc FDI./.
Bình luận