Đổi mới sáng tạo là chìa khóa để thực thi khát vọng phát triển dài hạn
Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế và Dự báo Nguyễn Lệ Thủy phát biểu khai mạc Hội thảo. Ảnh: Anh Quyền |
Hội thảo “Đổi mới sáng tạo: Kết nối chính sách với doanh nghiệp Việt Nam”, do Tạp chí Kinh tế và Dự báo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức vừa khai mạc sáng nay, ngày 15/12, tại Hà Nội. Tham dự hội thảo có đại diện các cơ quan thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Khoa học và Công nghệ, UNDP, cùng nhiều doanh nghiệp, chuyên gia, nhà nghiên cứu về đổi mới sáng tạo…
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế và Dự báo Nguyễn Lệ Thủy cho biết, Chỉ số đổi mới sáng tạo của Việt Nam có sự cải thiện đáng kể khi tăng 10 bậc kể từ năm 2015. Năm 2020, Việt Nam đứng thứ 42/131 quốc gia, vùng lãnh thổ, đứng đầu nhóm 29 quốc gia, nền kinh tế cùng mức thu nhập. Năm 2021, Việt Nam xếp thứ 44 sau khi Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) cập nhật số liệu GDP theo tính toán mới của Việt Nam (tăng khoảng 36% so với năm 2020). Mặc dù đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, nhưng đổi mới sáng tạo của nước ta còn nhiều vấn đề cần hoàn thiện…
Theo Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế và Dự báo, chủ thể chính thực hiện đổi mới sáng tạo chính là cộng đồng doanh nghiệp, lực lượng tạo ra việc làm và tạo ra tăng trưởng |
Theo bà Nguyễn Lệ Thủy, các doanh nghiệp Việt Nam chi 1,6% doanh thu hàng năm cho hoạt động nghiên cứu và phát triển, thấp hơn nhiều các quốc gia trong khu vực, như: Lào (14,5%), Philippines (3,6%), Malaysia (2,6%). Khoảng 80% doanh nghiệp cho biết chưa có hợp tác với đơn vị/tổ chức khác để thực hiện các hoạt động đổi mới sáng tạo.
“Về phía Nhà nước, tỷ lệ chi cho khoa học công nghệ (cả khu vực Nhà nước và tư nhân) chỉ khoảng 0,44% GDP, đứng sau Singapore (2,22%), Malaysia (1,44%) và Thái Lan (0,78%)... Về phía, doanh nghiệp, một cuộc khảo sát của Bộ Khoa học và Công nghệ cho thấy, phần lớn các doanh nghiệp thực hiện đổi mới sáng tạo thông qua việc “Đầu tư vào công nghệ mới được gắn liền với hàng hóa, máy móc, thiết bị” (39,4%) hoặc “Nâng cấp/chỉnh sửa công nghệ, thiết bị hiện tại” (39,3%) mà ít có nghiên cứu và phát triển…”, bà Nguyễn Lệ Thủy cho biết.
Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế và Dự báo nhìn nhận, đại dịch Covid-19 kéo dài với diễn biến phức tạp đã và đang làm thay đổi sâu sắc trật tự, cấu trúc kinh tế, phương thức quản trị toàn cầu, cách thức hoạt động kinh tế và tổ chức đời sống xã hội của tất cả các quốc gia trên thế giới. Trong sự thay đổi này, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo đang ngày càng trở thành nhân tố quyết định đối với năng lực cạnh tranh của mỗi tổ chức, mỗi quốc gia. Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2021-2030 của Việt Nam đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân khoảng 7%/năm; GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đến năm 2030 đạt khoảng 7.500 USD...
“Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 đã khiến lần đầu tiên, GDP quý III/2021 ước tính giảm 6,17% so với cùng kỳ năm trước, là mức giảm sâu nhất kể từ khi Việt Nam tính và công bố GDP hàng quý đến nay. Trên bình diện doanh nghiệp, năm 2021 cũng là năm ghi nhận số doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động, rời khỏi thương trường tăng cao kỷ lục: khoảng gần 120.000 doanh nghiệp. Thực tế này đặt lên vai mỗi tổ chức, mỗi doanh nghiệp có trách nhiệm một câu hỏi lớn: Làm cách nào để vượt qua thách thức đại dịch và góp sức thực thi các mục tiêu dài hạn mà Đảng và Nhà nước đã đặt ra. Trong bối cảnh hiện nay, chúng ta ngày càng nhận thấy rằng, đổi mới sáng tạo chính là chìa khóa cho khát vọng phát triển dài hạn…”, bà Nguyễn Lệ Thủy nhấn mạnh.
Hội thảo “Đổi mới sáng tạo: Kết nối chính sách với doanh nghiệp Việt Nam” thu hút nhiều cơ quan hoạch định chính sách, doanh nghiệp, chuyên gia tham dự. Ảnh: Anh Quyền |
Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế và Dự báo cho rằng, chủ thể chính thực hiện đổi mới sáng tạo chính là cộng đồng doanh nghiệp, lực lượng tạo ra việc làm và tạo ra tăng trưởng. Với doanh nghiệp, hoạt động đổi mới sáng tạo chính là quá trình nghiên cứu, phát triển, làm mới sản phẩm, thay đổi quy trình, dịch vụ hoặc mô hình kinh doanh, nhằm tạo ra nhiều lợi ích hơn, đóng góp cho xã hội những giá trị cao hơn. Việc doanh nghiệp thiếu thông tin về các chính sách, các hình thức hỗ trợ của Nhà nước về đổi mới sáng tạo là một rào cản khiến doanh nghiệp chưa tận dụng được cơ hội, hay chưa phát huy tốt những điều kiện thuận lợi trong thúc đẩy đổi mới sáng tạo.
“Tôi mong rằng, Hội thảo này sẽ tạo nên những kết nối giá trị từ nền tảng chính sách đến các câu chuyện từ doanh nghiệp để cùng nhân lên niềm tin và sức mạnh bền vững, thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo nhằm vượt qua thách thức đại dịch và tiếp tục phát triển...”, bà Nguyễn Lệ Thủy tin tưởng. |
Theo bà Nguyễn Lệ Thủy, thời gian qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thực hiện nhiều hoạt động kết nối mạng lưới tri thức trên toàn cầu, kết nối các nguồn lực trong nước, quốc tế, nhằm tạo xung lực thúc đẩy tất cả các chủ thể, đặc biệt là khối doanh nghiệp đổi mới sáng tạo. Với vai trò Cơ quan truyền thông của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2021, Tạp chí Kinh tế và Dự báo đã mở chuyên mục “Đổi mới sáng tạo” trên ấn phẩm Tạp chí điện tử, nhằm kết nối và lan tỏa tinh thần đổi mới sáng tạo từ Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng như từ các cơ quan, bộ, ngành, doanh nghiệp, các chủ thể trong nền kinh tế Việt Nam. Hội thảo “Đổi mới sáng tạo - Kết nối chính sách với doanh nghiệp Việt Nam” do Tạp chí Kinh tế và Dự báo tổ chức ngày hôm nay là một sáng kiến nhằm tạo không gian để các nhà quản lý, các doanh nghiệp, các quý vị cùng nhau trao đổi, thảo luận, đưa chính sách đến gần doanh nghiệp, trong mục tiêu thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo tại Việt Nam./.
Bình luận