Từ khóa: đổi mới sáng tạo, năng lực cạnh tranh quốc gia, khởi nghiệp sáng tạo

Summary

Innovation is an objective requirement of development for any country, any period, any field and any person, because innovation is the source of development, which promotes the improvement of national competitiveness. However, innovation in Vietnam is currently facing a number of problems that needs to be solved by a comprehensive, synchronous, interconnected and inclusive implementation at all levels, sectors, localities, units, businesses and people.

Keywords: innovation, national competitiveness, innovative start-up

GIỚI THIỆU

Trong quá trình thực hiện cải cách từ những năm 1990 đến nay, Việt Nam đã nỗ lực ứng dụng khoa học và công nghệ (KH&CN), ĐMST, nhằm thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế bền vững. Trong bảng xếp hạng Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) 2022, Việt Nam đứng thứ 48/132 nền kinh tế, nằm trong top 50 và đứng thứ 2 trong nhóm 36 nền kinh tế thu nhập trung bình thấp, đứng thứ 10 trong số 17 nền kinh tế ở Đông Nam Á và Châu Đại Dương. Thực tế những năm qua đã minh chứng hoạt động ĐMST có vai trò động lực quan trọng đối với tăng trưởng và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Đặc biệt, việc đối mặt với những thách thức từ đại dịch Covid-19 đặt ra yêu cầu thúc đẩy hơn nữa hoạt động ĐMST, qua đó góp phần phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo hướng ổn định, bền vững hơn.

THỰC TRẠNG ĐMST Ở NƯỚC TA HIỆN NAY

Kết quả đạt được

ĐMST là việc tạo ra và ứng dụng các thành tựu, giải pháp kỹ thuật, công nghệ, giải pháp quản lý để nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng của sản phẩm, hàng hóa.

Trong những năm qua, Đảng và Chính phủ đã xác định, ĐMST đã thực sự trở thành động lực mới cho tăng trưởng và phát triển đất nước nhanh và bền vững. Chính phủ cũng xác định rõ mục tiêu của ĐMST phải góp phần thực hiện đạt được mục tiêu mà Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII đã đặt ra.

Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng khẳng định, coi KH&CN và ĐMST là một trong các đột phá chiến lược quan trọng nhất tiến tới phát triển nhanh, bền vững. Đồng thời yêu cầu: “Có thể chế, cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội, thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao công nghệ; nâng cao năng lực nghiên cứu, làm chủ một số công nghệ mới, hình thành năng lực sản xuất mới có tính tự chủ và khả năng thích ứng, chống chịu của nền kinh tế; lấy doanh nghiệp làm trung tâm nghiên cứu phát triển, ứng dụng và chuyển giao công nghệ, ứng dụng công nghệ số. Phát triển hệ thống ĐMST quốc gia, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo”.

Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam giai đoạn 2011-2020 đã nhấn mạnh tầm quan trọng của KH&CN, ĐMST, đặc biệt được thúc đẩy bởi quá trình công nghiệp hóa. Trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030, các nội dung KH&CN và ĐMST được thể hiện đồng bộ, xuyên suốt từ chủ đề của Chiến lược đến quan điểm phát triển, mục tiêu phát triển, đột phá chiến lược và phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển, bảo đảm được tính kế thừa, phát triển từ các thành công và có tính đến bối cảnh mới ở trong nước và quốc tế.

Thực tế những năm qua đã minh chứng hoạt động ĐMST có vai trò động lực quan trọng đối với tăng trưởng và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia. Trong quá trình thực hiện cải cách từ những năm 1990 đến nay, Việt Nam đã nỗ lực ứng dụng KH&CN, ĐMST, nhằm thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế bền vững.

Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) giai đoạn 2016-2020 đã tăng lên 45,2% so với mức 33,58% của giai đoạn 2011-2015 là 33,6%; tốc độ tăng năng suất lao động bình quân giai đoạn 2016-2020 đã tăng lên 5,8%/năm so với giai đoạn 2011-2015 là 4,3%/năm. Tỷ trọng giá trị xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao trong tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa tăng từ 19% năm 2010 lên khoảng 50% năm 2020... (Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt, 2021).

Với môi trường, thể chế, kinh doanh và đầu tư đang từng bước được cải thiện, hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST của Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ. Đồng thời, phong trào ĐMST đã được lan tỏa trong xã hội, cộng đồng doanh nghiệp, tiềm lực KH&CN quốc gia được củng cố, hoạt động KH&CN gắn với sản xuất, kinh doanh. Hệ thống các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, bảo vệ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ tiếp tục hoàn thiện dần đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập quốc tế. Tại Techfest Hàn Quốc 2023 tổ chức vào ngày 13/4/2023 ở Hàn Quốc, theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng, Việt Nam hiện có hơn 1.400 tổ chức có năng lực hỗ trợ khởi nghiệp, trong đó có 196 khu làm việc chung, 69 vườn ươm doanh nghiệp và 28 tổ chức thúc đẩy kinh doanh. Số lượng quỹ đầu tư mạo hiểm coi Việt Nam là thị trường mục tiêu hoặc có hoạt động tại Việt Nam hiện nay là 108 quỹ, trong đó có 23 quỹ có pháp nhân Việt Nam, 23 quỹ thuần Việt (Hoàng Giang, 2023). Những con số này liên tục tăng trong những năm qua thể hiện sự tham gia tích cực của cộng đồng vào sự phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST.

Đặc biệt, Chỉ số GII, chỉ số cạnh tranh toàn cầu (GCI) của Việt Nam đều được cải thiện và đứng thứ hạng cao cùng với các nước phát triển. Theo kết quả xếp hạng GII năm 2021 được Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) công bố, Việt Nam đứng ở vị trí 44/131 quốc gia và nền kinh tế. Việt Nam là một trong 4 quốc gia (cùng với Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ và Philippines), có thu nhập trung bình được WIPO đánh giá là đang bắt kịp đà tăng chỉ số ĐMST của thế giới. Năm 2022, theo kết quả xếp hạng GII năm 2022, Việt Nam đứng thứ 48/132 nền kinh tế, nằm trong Top 50 và đứng thứ 2 trong nhóm 36 nền kinh tế thu nhập trung bình thấp, đứng thứ 10 trong số 17 nền kinh tế ở Đông Nam Á và Châu Đại Dương.

Với việc tiếp tục coi ĐMST là một ưu tiên quốc gia, các chỉ số ĐMST làm công cụ đo lường và đánh giá hiệu quả hoạt động của nền kinh tế, Chính phủ Việt Nam đã có nhiều biện pháp đầu tư nâng cao các chỉ số đổi mới, như: xây dựng 40 nền tảng công nghệ số quốc gia trên các lĩnh vực từ nền tảng chia sẻ, tổng hợp, phân tích dữ liệu trong các ngành, họp trực tuyến, thanh toán, định danh đến thiết bị Internet vạn vật (IoT), AI, trợ lý ảo, chuỗi cung ứng. Nhờ sự hỗ trợ của công nghệ số trong các doanh nghiệp, các cơ quan nhà nước, trường học và các hộ gia đình, Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và bảo đảm phần nào duy trì, phục hồi nền kinh tế. Bên cạnh đó, để xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ ĐMST, Việt Nam đã bước đầu xây dựng hệ thống ĐMST, mạng lưới ĐMST quốc gia tập hợp các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước với hơn 1.000 thành viên và con số này đang tiếp tục được mở rộng (Trọng Đức, 2021).

Một số vấn đề đặt ra

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu nổi bật và những nỗ lực tổ chức thực hiện, hiện nay, ĐMST ở Việt Nam vẫn còn đối diện với không ít khó khăn, thách thức. Cụ thể là:

Thứ nhất, hệ sinh thái ĐMST còn tồn tại nhiều rào cản, chưa có hành lang pháp lý cho các sản phẩm, dịch vụ mới. Việc ứng dụng, phát triển, đổi mới công nghệ và thương mại hóa các sản phẩm KH&CN còn yếu; việc liên kết giữa các chủ thể tham gia vào ĐMST còn lỏng lẻo…

Thứ hai, lao động của Việt Nam khá dồi dào, song lại thiếu chuyên môn sâu, thiếu trình độ công nghệ cao và các kỹ năng cần thiết. Trong khi đó, yếu tố con người là một trong những điều kiện bắt buộc khi thực hiện ĐMST. Theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, năm 2022, thị trường lao động trong nước chỉ có khoảng 11% lao động có kỹ năng nghề cao và hơn 26% người lao động đã qua đào tạo, có bằng cấp, chứng chỉ. Số lao động còn lại phần lớn thiếu kỹ năng, không đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp. Từ bất cập trong cơ cấu đào tạo dẫn đến thị trường lao động Việt Nam dư thừa người có kỹ năng thấp và thiếu lao động kỹ thuật cao. Đại dịch Covid-19 vừa qua đã bộc lộ những hạn chế trình độ kỹ năng khiến lao động Việt gặp nhiều khó khăn khi dịch chuyển việc làm, trong khi lưới an sinh chưa đủ sức đảm đương chống đỡ rủi ro cho người lao động (XM, 2022).

Thứ ba, các chỉ về xếp hạng khoa học của Việt Nam còn thấp, phản ánh chất lượng ĐMST của Việt Nam chưa cao. Các chỉ số về nghiên cứu khoa học, xếp hạng trường đại học tại báo cáo Phân tích ngành giáo dục giai đoạn 2011-2020 công bố ngày 8/8/2022 của Viện Khoa học giáo dục Việt Nam cho thấy, Việt Nam bị bỏ xa so với nhiều nước trong khu vực. Theo bảng xếp hạng Times Higher Education gần đây, Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Bách khoa Hà Nội lọt vào top 1.000 trường đại học hàng đầu thế giới. Nhưng theo bảng tổng hợp vị trí các cơ sở đại học trong một số bảng xếp hạng top 1.000, Việt Nam vẫn ở vị trí cuối cùng. Cụ thể, Việt Nam chỉ có 2 trường trong top 1.000 trường đại học bảng xếp hạng QS (Quacquarelli Symonds) và 2 trường lọt vào top 1.000 trường đại học bảng xếp hạng THE (xếp hạng Times Higher Education). Trong khi đó, con số này của Trung Quốc lần lượt là 40 và 63; của Vương quốc Anh là 76 và 92; Đức là 45 và 47: Nhật Bản là 44 và 51; Hàn Quốc là 30 và 24; Malaysia là 13 và 9…

Thứ tư, ĐMST ở các doanh nghiệp tương đối yếu do số lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp siêu nhỏ chiếm tỷ lệ lớn là 97%, vốn ít, nhân lực không đủ, ngành, nghề quy mô nhỏ, không có tiềm lực để đổi mới công nghệ. Thực tế này phản ánh tăng trưởng kinh tế, đổi mới ở Việt Nam chưa thực sự bền vững. Thực tế, các kết quả phát triển của Việt Nam trong nhiều năm qua còn bắt nguồn từ những điều kiện thuận lợi về nhân khẩu học và tái cơ cấu ngành, nhưng động lực này đang giảm dần với sự suy giảm tỷ lệ sinh, già hóa dân số, sự chuyển đổi từ nông nghiệp năng suất thấp sang các ngành sản xuất và dịch vụ cũng giảm.

MỘT SỐ GIẢI PHÁP

Nhằm đẩy mạnh ĐMST, thúc đẩy nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, theo tác giả, cần thực hiện một số giải pháp sau:

Một là, mô hình tăng trưởng của Việt Nam giai đoạn 2021-2030 cần đặt trọng tâm vào chất lượng, chứ không phải tốc độ tăng trưởng, mà cụ thể là dựa trên sự tích lũy cân bằng và phân bổ các loại vốn khác nhau như vốn sản xuất, vốn nhân lực, vốn tự nhiên kết hợp với ĐMST, trong đó ĐMST ở đây cần sự hỗ trợ ĐMST của Nhà nước tập trung vào nâng cao năng lực của doanh nghiệp, sở hữu trí tuệ và tình hình tài chính của doanh nghiệp khởi nghiệp (cải cách sâu về thể chế và thị trường).

Hai là, tăng cường đổi mới công nghệ trong các doanh nghiệp. Nâng cao năng lực của các doanh nghiệp trong việc đổi mới công nghệ mới và đổi mới trong tổ chức thông qua thay đổi cơ cấu, chiến lược và văn hóa sẽ mang lại lợi ích kinh tế cao nhất cho Việt Nam tại thời điểm này trong sự phát triển của đất nước. Do đó, cần có các chính sách hỗ trợ đào tạo doanh nghiệp về cách sử dụng công nghệ tốt nhất và những chính sách này sẽ thay đổi khi năng lực công nghệ trong các doanh nghiệp được cải thiện và phát triển.

Ba là, thúc đẩy hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) và các ngành công nghiệp mới để nâng cao đường biên công nghệ. Hoạt động R&D giúp tăng khả năng hấp thụ công nghệ và tạo cơ hội tăng ngày càng nhiều sáng tạo công nghệ khi Việt Nam phát triển. Trọng tâm hiệu quả nhất của nỗ lực R&D là thúc đẩy áp dụng và thích ứng công nghệ trong tất cả các giai đoạn và các ngành: nhập khẩu, kỹ nghệ đảo ngược, áp dụng và thích ứng. Tại Việt Nam, hiện nay mức chi cho R&D/GDP còn quá thấp, do vậy, cần tăng mạnh trong thời gian tới, trước hết từ ngân sách nhà nước, đồng thời có cơ chế khuyến khích cao cho đầu tư vào R&D của doanh nghiệp nội và FDI, coi R&D là lĩnh vực được ưu đãi cao nhất.

Bốn là, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Sự phát triển các kỹ năng và năng lực của con người là điều kiện tiên quyết đối với ĐMST và phát triển KH&CN. Kỹ năng có thể được phát triển thông qua: giáo dục chính quy, đào tạo nghề, đào tạo tại chỗ, nhập khẩu hoặc chuyển dịch lao động có kỹ năng. Tầm quan trọng của các kênh này trong phát triển nguồn nhân lực phụ thuộc vào cơ cấu kinh tế, mức độ phức tạp của tri thức được sử dụng và khả năng hấp thụ công nghệ của các doanh nghiệp.

Năm là, tăng cường sự hỗ trợ của Chính phủ trong ĐMST. Hầu hết các công cụ chính sách hiện nay tập trung vào việc phát triển cơ sở hạ tầng KH&CN, các quy định, đào tạo về kỹ năng vận hành và các tiêu chuẩn công nghiệp. Tuy nhiên, cũng cần có nhiều hơn nữa các công cụ chính sách, như: khuyến khích tài chính về các khoản trợ cấp để phát triển kỹ thuật tiên tiến, thiết kế sản phẩm, đổi mới sản phẩm/quy trình/tiếp thị và R&D./.

TS. Đoàn Vân Hà - Khoa Kinh doanh quốc tế - Học viện Ngân hàng

(Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 14, tháng 5/2023)


Tài liệu tham khảo

1. Bộ trưởng KH&CN Huỳnh Thành Đạt (2021), Phát triển mạnh mẽ khoa học công nghệ, tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, tham luận tại phiên thảo luận của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, ngày 28/01/2021.

2. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị Quốc gia - Sự thật.

3. Hoàng Giang (2023), Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam kết nối quốc tế, truy cập từ https://baochinhphu.vn/he-sinh-thai-khoi-nghiep-sang-tao-viet-nam-ket-noi-quoc-te-102230413132403569.htm.

4. Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO) (2019-2021), Bảng xếp hạng Chỉ số ĐMST toàn cầu (GII) các năm 2019, 2020, 2021.

5. Trọng Đức (2021), ĐMST trở thành động lực tăng trưởng mới, truy cập từ http://hdll.vn/vi/tin-tuc/doi-moi-sang-tao-tro-thanh-dong-luc-tang-truong-moi.html.

6. Viện Khoa học giáo dục Việt Nam (2022), Báo cáo Phân tích ngành giáo dục giai đoạn 2011-2020, công bố ngày 8/8/2022.

7. XM (2022), Việt Nam đang thiếu nguồn lao động có kỹ năng nghề cao, truy cập từ https://baotintuc.vn/thoi-su/viet-nam-dang-thieu-nguon-lao-dong-co-ky-nang-nghe-cao-20220821102428111.htm.