Dự kiến tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn 2019-2020 đạt 6,90%
Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ cho biết, những năm qua, tăng trưởng kinh tế từng bước được cải thiện, đạt mức tăng khá.
Những năm qua, tăng trưởng kinh tế từng bước được cải thiện
Bình quân 3 năm 2016-2018 đạt 6,57%, đạt mục tiêu ở mức thấp của Kế hoạch 5 năm 2016-2020
Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2016 đạt 6,21%, năm 2017 tăng lên 6,81% (vượt mục tiêu Quốc hội đề ra) và ước tính năm 2018 đạt 6,7%.
Bình quân 3 năm 2016-2018 đạt 6,57% (cao hơn tốc độ tăng bình quân 5,91%/năm của giai đoạn 2011-2015), đạt mục tiêu tăng trưởng bình quân ở mức thấp của Kế hoạch 5 năm 2016-2020 (6,5%-7%/năm). Trong đó, các khu vực: nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 2,52%, công nghiệp và xây dựng đạt 7,72%, dịch vụ đạt 7,26%.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự báo, tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn 2019-2020 đạt 6,90%. Trong đó, các khu vực: nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 3,5%, công nghiệp và xây dựng đạt 7,89%, dịch vụ đạt 7,39%.
Tính chung cả giai đoạn 2016-2020, dự kiến tăng trưởng GDP bình quân đạt 6,71% (mục tiêu kế hoạch 5 năm là 6,5%-7%). Trong đó, các khu vực: nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 2,91%, công nghiệp và xây dựng đạt 7,79%, dịch vụ đạt 7,31%.
Theo giá hiện hành, GDP năm 2016 đạt 4.502,7 nghìn tỷ đồng (tương đương 205,3 tỷ USD); năm 2017 đạt 5.006 nghìn tỷ đồng (223,7 tỷ USD); ước tính năm 2018 đạt 5.555 nghìn tỷ đồng (khoảng 240,5 tỷ USD), gấp 1,33 lần quy mô GDP năm 2015 nhưng thấp hơn nhiều so với quy mô dự kiến đạt 6.030-6.175 nghìn tỷ đồng năm 2018 trong kế hoạch đề ra.
GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành tăng từ 2.109 USD/người năm 2015 lên 2.215 USD/người năm 2016 (tăng 106 USD); 2.389 USD/người năm 2017 (tăng 174 USD) và ước tính đạt 2.540 USD/người năm 2018 (tăng 151 USD), gấp 1,21 lần mức GDP bình quân đầu người năm 2015 nhưng thấp xa so với mục tiêu đạt 3.200-3.500 USD vào năm 2020.
Tăng trưởng kinh tế dần dịch chuyển sang chiều sâu
Để đưa ra nhận định này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã dẫn chứng mức đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) trong tăng trưởng của nền kinh tế ngày một lớn.
Tính chung cả giai đoạn 2011-2015, đóng góp của TFP vào tăng trưởng GDP là 33,58%; đóng góp của vốn là 51,20%; đóng góp của lao động là 15,22%.
Trong 3 năm đầu của giai đoạn 2016-2020, đóng góp của TFP vào tăng trưởng kinh tế tăng lên đáng kể, đạt 42,18%, trong đó năm 2016 đạt 40,68%; năm 2017 đạt 45,19% và ước tính năm 2018 đạt 40,23%.
Nếu so sánh với giai đoạn 2011-2015, đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp được cải thiện đáng kể tăng khoảng 8,6% (giai đoạn 2011-2015 đóng góp của TFP là 33,58%, vốn là 51,20% và lao động là 15,22%).
Năng suất lao động có sự cải thiện đáng kể theo hướng tăng đều qua các năm. Năng suất lao động của toàn nền kinh tế theo giá hiện hành năm 2016 đạt 84,5 triệu đồng/lao động; năm 2017 đạt 93,2 triệu đồng/lao động; ước tính năm 2018 đạt 102,3 triệu đồng/lao động.
Tính theo giá so sánh năm 2010, năng suất lao động toàn nền kinh tế năm 2016 tăng 5,3%; năm 2017 tăng 6%; ước tính năm 2018 tăng 5,55%.
Tốc độ tăng năng suất lao động năm 2018 thấp hơn 2017 do ngành khai khoáng tiếp tục giảm mạnh, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn duy trì mức tăng trưởng cao nhưng thấp hơn so với năm 2017 (năm 2017 công nghiệp chế biến chế tạo có mức tăng trưởng đột phá ở quý III và quý IV); khu vực dịch vụ dự kiến đạt mức tăng trưởng cao nhưng vẫn thấp hơn năm 2017.
Bình quân 3 năm 2016-2018 năng suất lao động tăng 5,62%, cao hơn cao hơn so với mức tăng bình quân 4,3%/năm của giai đoạn 2011-2015 và vượt mục tiêu tăng bình quân 5%/năm trong 5 năm 2016-2020 (đồng thời đạt cả mục tiêu Nghị quyết số 27/NQ-CP ngày 21/2/2017 của Chính phủ đề ra là tăng trên 5,5%). Nếu so sánh với giai đoạn 2011-2015, năng suất lao động của toàn nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 ước tăng thêm khoảng 1,27%.
Hệ số tiêu hao trong ngành năng lượng được cải thiện đáng kể, nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo được chú trọng phát triển. Tổn thất điện năng để truyền tải và phân phối điện năm 2015 là 7,9%, năm 2016 là 7,7%, đạt và vượt mục tiêu đến năm 2015 khoảng 8% và năm 2020 xuống dưới 8%.
Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch tích cực
Cụ thể, tỷ trọng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản trong GDP đã giảm từ 17% năm 2015 xuống 15,34% năm 2017 và ước tính năm 2018 còn 14,44%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng từ 33,25% năm 2015 lên 33,40% năm 2017 và 34% năm 2018; khu vực dịch vụ tăng từ 39,73% năm 2015 lên 41,26% năm 2017 và 41,61% năm 2018; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm giảm từ 10,02% năm 2015 xuống 10% năm 2017 và còn 9,95% năm 2018.
Nếu tính cả thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm (theo giá sản xuất), tỷ trọng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản trong GDP giảm từ 17,4% năm 2015 xuống còn 15,7% năm 2017; các ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ tăng từ 82,6% lên 84,3% (trong đó khu vực công nghiệp từ 38,0% lên 38,1%; khu vực dịch vụ từ 44,6% lên 46,2%), tiến sát mục tiêu đến năm 2020 tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và dịch vụ chiếm khoảng 85% GDP.
Điểm tích cực là chuyển đổi cơ cấu kinh tế không chỉ diễn ra ở các ngành kinh tế, mà những năm gần đây, xu hướng chuyển đổi trong nội bộ ngành cũng diễn ra tích cực.
Trong sản xuất nông nghiệp, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ loại cây có giá trị thấp sang loại cây có giá trị cao hoặc nuôi trồng thủy sản mang lại hiệu quả rõ rệt. Cơ cấu sản xuất được điều chỉnh theo hướng phát huy lợi thế của mỗi địa phương và cả nước, gắn với nhu cầu thị trường. Một số nông sản lớn, chủ lực đã khẳng định được vị thế và khả năng cạnh tranh trên thị trường thế giới, bảo đảm đứng vững khi hội nhập quốc tế.
Lĩnh vực công nghiệp chuyển dịch theo hướng phát triển các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao và giá trị xuất khẩu lớn, tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo tăng dần qua các năm. Tỷ trọng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP tăng từ 13,69% năm 2015 lên 14,27% năm 2016; 15,33% năm 2017 và ước tính đạt 16,21% trong 6 tháng đầu năm 2018.
Khu vực dịch vụ được cơ cấu lại theo hướng nâng cao chất lượng dịch vụ, tập trung đầu tư cơ sở vật chất và phát triển đa dạng các sản phẩm, nhất là sản phẩm có năng lực cạnh tranh. Đặc biệt ngành Du lịch bước đầu có chuyển biến tích cực, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt mức kỷ lục trong năm 2017 (gần 13 triệu lượt khách), ước tính cả năm 2018 đón khoảng 16 triệu lượt khách.
Song, quá trình cơ cấu lại các ngành kinh tế vẫn còn nhiều hạn chế
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng chỉ rõ, mô hình tăng trưởng vẫn chưa có thay đổi rõ nét. Năng suất lao động tăng chủ yếu do tăng cường độ vốn. Tốc độ gia tăng thâm dụng vốn tăng từ 5,9% năm 2016 lên 6,3% năm 2017.
Điều đáng quan ngại là quá trình cơ cấu lại các ngành kinh tế vẫn còn nhiều hạn chế.
Công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn chủ yếu đang hoạt động ở phân khúc thấp trong chuỗi giá trị, tỷ lệ nhập khẩu lớn về nguyên, nhiên liệu, trình độ công nghệ sản xuất vẫn thấp so với thế giới, tỷ lệ nội địa hóa còn ở mức thấp; Sản xuât nông nghiệp vẫn còn manh mún, kinh tế hộ nhỏ lẻ, thị trường tiêu thụ nông sản thiếu ổn định, chất lượng và khả năng cạnh tranh một số mặt hàng còn thấp.
Ngành dịch vụ có tốc độ tăng trưởng chưa bền vững, ngành du lịch vẫn chưa thể hiện được vai trò chủ đạo trong phát triển, hệ thống phân phối còn nhiều bất cập, chi phí logistics gần gấp đôi so với các nền kinh tế và cao hơn mức bình quân toàn cầu.
Dư địa thu NSNN, đặc biệt là thu ngân sách trung ương khó khăn; các khoản thu quan trọng của ngân sách trung ương như từ dầu thô, xuất nhập khẩu, DNNN tăng chậm hoặc giảm, trong khi việc điều chỉnh chính sách thu theo Kế hoạch 5 năm cơ bản chưa được thực hiện.
Tỷ trọng thu ngân sách trung ương giai đoạn 2016-2018 trong tổng thu ngân sách chỉ đạt bình quân khoảng 56% (mục tiêu là 60-65%), trong khi đó giai đoạn 2011-2015 là 61,3%.
Giải ngân vốn đầu tư công còn chậm, chi thường xuyên vẫn bao cấp hầu hết các lĩnh vực sự nghiệp; nhiều chế độ, chính sách còn trùng lặp; cơ cấu lại chi thường xuyên hạn chế do chậm đổi mới khu vực sự nghiệp công lập; nợ thuế cao, tình trạng chuyển giá, trốn thuế ngày càng tinh vi, thất thu từ khu vực ngoài quốc doanh lớn; chi sai chính sách, chế độ còn tồn tại; hiệu quả, hiệu lực công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán còn hạn chế... nợ bảo lãnh còn nhiều rủi ro./.
Bình luận