Cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng ở các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm miền Trung - thực trạng và giải pháp
Từ khóa: cơ cấu lại, mô hình tăng trưởng, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung
Summary
The article discusses the current situation of economic restructuring and economic growth patern renovation in the provinces in Central key economic region. By analyzing the achieved results as well as existing shortcomings, the author proposes a number of solutions to contribute to improving the efficiency of restructuring the economy in this region in the coming time.
Keywords: restructuring, growth patern, science and technology, innovation, Central key economic region
GIỚI THIỆU
Vùng KTTĐ miền Trung gồm 5 tỉnh/thành phố: Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, là vùng giữ vị trí đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế biển và các hoạt động kinh tế trên dải đất liền ven biển, có tiềm năng và cơ hội mở cửa, hội nhập với quốc tế, đặc biệt là các cơ hội, điều kiện về kinh tế. Những năm qua, thực hiện chủ trương cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng (MHTT), lấy khoa học công nghệ (KHCN) và đổi mới sáng tạo (ĐMST) làm động lực cho tăng trưởng, kinh tế các tỉnh vùng KTTĐ miền Trung đã có sự tăng trưởng vượt bậc, đóng góp ngày càng quan trọng vào tăng trưởng chung của cả nước. Tuy nhiên, nền kinh tế của Vùng vẫn đối mặt với những khó khăn, thách thức, chưa phát huy tiềm năng, thế mạnh của vùng động lực, đòi hỏi phải có những giải pháp mạnh mẽ và quyết liệt hơn nữa trong thời gian tới.
KẾT QUẢ THỰC HIỆN CƠ CẤU LẠI NỀN KINH TẾ, ĐỔI MỚI MHTT TẠI VÙNG
Một là, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới MHTT góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng ngày càng hợp lý.
Qua số liệu cho thấy, kinh tế - xã hội Vùng có nhiều chuyển biến, tốc độ tăng trưởng kinh tế của vùng đều duy trì ở mức cao qua mỗi giai đoạn. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2006-2010, 2011-2015 và 2016-2020 lần lượt là 11,3%/năm, 9,3%/năm và 6,42%/năm, tương ứng, mức bình quân cả nước là 7,01%/năm, 5,9%/năm và 5,99%/năm. Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đầu người của vùng KTTĐ miền Trung giai đoạn 2016-2020 đạt 15,6%, tương ứng 54,594 triệu đồng/năm (2.378USD), năm 2020 đạt 54,302 triệu đồng, tăng 1,12 lần so với năm 2016 (48,606 triệu đồng) (Bảng 1).
Bảng 1: Tăng trưởng vùng KTTĐ miền Trung qua các giai đoạn
Đơn vị: %
Địa phương |
2006 - 2010 |
2011-2015 |
2016-2020 |
Cả nước |
7,01 |
4,53 |
5,99 |
Vùng KTTĐ miền Trung |
11,3 |
9,3 |
6,42 |
Thừa Thiên - Huế |
12,08 |
9,52 |
6,2 |
Đà Nẵng |
13,73 |
8,04 |
7,3 |
Quảng Nam |
12,86 |
9,18 |
5,8 |
Quảng Ngãi |
18,70 |
5,65 |
4,8 |
Bình Định |
10,80 |
7,61 |
6,4 |
Cơ cấu ngành kinh tế các tỉnh vùng KTTĐ miền Trung thời gian qua đã có sự chuyển biến tích cực phù hợp với xu hướng chung của cả nước theo hướng hiện đại, tăng tỷ trọng ngành công nghiệp và dịch vụ, giảm dần ngành nông nghiệp; ngành công nghiệp - xây dựng và dịch vụ đóng vai trò đầu tàu trong tăng trưởng (Bảng 2).
Bảng 2: Cơ cấu kinh tế vùng KTTĐ miền Trung giai đoạn 2016-2020 xét theo ngành kinh tế
Đơn vị: %
Chỉ tiêu |
2016 |
2017 |
2018 |
2019 |
2020 |
2016-2020 |
Nông nghiệp |
15,0 |
14,75 |
14,74 |
14,1 |
12 |
14,12 |
Công nghiệp |
37,79 |
32,53 |
35,14 |
29,21 |
33,84 |
33,7 |
Dịch vụ |
40,5 |
45,70 |
43,00 |
46,6 |
43 |
43,76 |
Thuế trừ trợ cấp |
6,71 |
7,02 |
7,12 |
10,09 |
11,16 |
8,42 |
Tuy nhiên, cơ cấu kinh tế ngành của các địa phương nội Vùng có sự khác biệt đáng kể. TP. Đà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên Huế có biến đổi lớn trong cơ cấu kinh tế ngành với đóng góp phần lớn của ngành dịch vụ. Ngược lại, tỷ trọng đóng góp của ngành nông nghiệp trong GRDP của các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định còn khá cao, đặc biệt, tỷ lệ này của tỉnh Bình Định là 29,7% trong năm 2020, cao hơn so với mức bình quân chung toàn Vùng và cả nước. Trong khi đó, tỷ trọng đóng góp của ngành dịch vụ trong GRDP của tỉnh Quảng Ngãi chỉ ở mức 30,4% trong năm 2020, thấp hơn so với mức bình quân chung toàn Vùng.
Cơ cấu thành phần kinh tế có sự dịch chuyển hợp lý theo hướng giảm dần tỷ trọng khu vực kinh tế nhà nước, khu vực kinh tế ngoài nhà nước ngày càng đóng vai trò chủ đạo trong cấu trúc kinh tế vùng. Khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài mặc dù có cải thiện nhờ đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, kết cấu hạ tầng, nhưng tỷ trọng đóng góp vẫn còn khiêm tốn, với chỉ hơn 6%, cả về số dự án và quy mô (Bảng 3).
Bảng 3: Cơ cấu GDP vùng KTTĐ miền Trung theo thành phần kinh tế giai đoạn 2016-2020
Đơn vị: %
2016 |
2017 |
2018 |
2019 |
2020 |
|
Các thành phần kinh tế |
|
|
|
|
|
Kinh tế nhà nước |
19,21 |
21,63 |
18,97 |
16,37 |
21,42 |
Kinh tế ngoài nhà nước |
50,28 |
66,57 |
47,04 |
49,65 |
60,95 |
Khu vực FDI |
3,42 |
4,27 |
3,95 |
3,88 |
6,33 |
Thuế |
6,71 |
7,02 |
7,12 |
10,09 |
11,16 |
Hai là, cơ cấu lại kinh tế gắn với đổi mới MHTT đã góp phần nâng cao năng suất lao động (NSLĐ), hiệu quả đầu tư, đảm bảo cán cân ngân sách bền vững. NSLĐ của các tỉnh vùng KTTĐ miền Trung có sự tăng đều qua các năm, góp phần đáng kể vào tăng trưởng kinh tế (Bảng 4).
Bảng 4: NSLĐ của các địa phương vùng KTTĐ miền Trung giai đoạn 2016-2020
Đơn vị: Triệu đồng/người/năm
Địa phương |
2016 |
2017 |
2018 |
2019 |
2020 |
Cả nước |
105,7 |
117,2 |
129,1 |
141,7 |
150,1 |
Vùng KTTĐ miền Trung |
88,91 |
97,68 |
104,97 |
115,79 |
122,24 |
Thừa Thiên Huế |
63,2 |
71,5 |
72,9 |
88,5 |
94,5 |
Đà Nẵng |
144,10 |
157,18 |
162,9 |
176,49 |
188,98 |
Quảng Nam |
86,9 |
94,6 |
106,7 |
113,5 |
110,1 |
Quảng Ngãi |
79,8 |
87,83 |
97,7 |
104,67 |
111,08 |
Bình Định |
70,55 |
77,27 |
84,63 |
95,78 |
106,56 |
Về tổng vốn đầu tư, tính đến hết năm 2020, tổng vốn đầu tư toàn Vùng đạt 164,19 nghìn tỷ đồng, tăng gấp 2,44 lần so với năm 2010, đạt tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm giai đoạn 2011-2020 là 10,41%/năm. Đặc biệt, đa số các địa phương nội vùng đều có tỷ lệ đầu tư trên GRDP cao hơn mức bình quân chung của cả nước (ngoại trừ Quảng Nam) (Bảng 5). Việc duy trì tỷ lệ vốn đầu tư cao có thể là nhân tố đảm bảo cho Vùng duy trì mức tăng trưởng cao trong thời gian dài, song cũng phản ánh bản chất MHTT theo chiều rộng dựa trên mức độ thâm dụng vốn cao của nền kinh tế.
Bảng 5: Tỷ lệ vốn đầu tư/GRDP các địa phương vùng KTTĐ miền Trung giai đoạn 2016-2020
Đơn vị tính: %
Địa phương |
2016 |
2017 |
2018 |
2019 |
2020 |
Vùng KTTĐ miền Trung |
40,7 |
38,1 |
38,8 |
39,5 |
40,8 |
Cả nước |
32,6 |
33,0 |
33,4 |
33,5 |
33,9 |
Thừa Thiên Huế |
48,6 |
45,2 |
42,9 |
41,7 |
44,6 |
Đà Nẵng |
56,2 |
47,6 |
46,1 |
43,5 |
41,7 |
Quảng Nam |
34,2 |
29,3 |
28,8 |
30,7 |
32,1 |
Quảng Ngãi |
25,6 |
29,2 |
35,2 |
41,0 |
42,5 |
Bình Định |
43,5 |
41,9 |
43,6 |
42,9 |
46,8 |
Nguồn: Tính toán từ Niên giám Thống kê các địa phương vùng KTTĐ miền Trung
Ba là, cơ cấu lại kinh tế gắn với đổi mới MHTT dần dịch chuyển sang chiều sâu, trên cơ sở ứng dụng KHCN và ĐMST, đóng góp ngày càng quan trọng vào tăng trưởng của các ngành. Thực hiện chủ trương cơ cấu lại kinh tế theo hướng tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, các địa phương trong Vùng đã quan tâm đầu tư nghiên cứu, phát triển và ứng dụng KHCN trong tăng trưởng.
Bảng 6: Tỷ lệ đầu tư cho KHCN từ ngân sách nhà nước của vùng KTTĐ miền Trung
giai đoạn 2016-2020
Đơn vị tính: %
Tỷ lệ chi cho KHCN/NSNN |
2016 |
2017 |
2018 |
2019 |
2020 |
Vùng KTTĐ miền Trung |
0,22 |
0,23 |
0,22 |
0,23 |
0,26 |
Cả nước |
0,73 |
0,68 |
0,77 |
0,71 |
0,66 |
Thừa Thiên Huế |
0,57 |
0,52 |
0,54 |
0,57 |
0,54 |
Đà Nẵng |
0,20 |
0,24 |
0,20 |
0,19 |
0,37 |
Quảng Nam |
0,03 |
0,07 |
0,07 |
0,08 |
0,05 |
Quảng Ngãi |
0,12 |
0,10 |
0,08 |
0,09 |
0,12 |
Bình Định |
0,20 |
0,20 |
0,20 |
0,20 |
0,20 |
Nguồn: Tính toán từ Niên giám Thống kê các địa phương vùng KTTĐ miền Trung
MỘT SỐ TỒN TẠI, HẠN CHẾ
Mặc dù tăng trưởng kinh tế luôn đạt tốc độ cao và ổn định, song quy mô nền kinh tế Vùng còn khá nhỏ; trình độ phát triển tương đối thấp so với các vùng KTTĐ khác trong cả nước; đóng góp của Vùng trong sự phát triển chung của nền kinh tế quốc dân chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của Vùng, chưa tương xứng với vai trò là vùng kinh tế động lực. Các ngành kinh tế tuy có chuyển dịch cơ cấu, song vẫn tập trung chủ yếu vào các ngành có trình độ công nghệ sản xuất ở mức trung bình và thấp, giá trị gia tăng thấp, phụ thuộc vào khai thác lợi thế tài nguyên thiên nhiên và nguồn nhân lực giá rẻ. Nền kinh tế Vùng vận hành theo mô hình tăng trưởng chiều rộng với sự đóng góp chủ yếu bởi sự gia tăng vốn, các ngành kinh tế hiện hữu của vùng có trình độ KHCN thấp, thâm dụng lao động. MHTT của Vùng còn hàm chứa nhiều yếu tố không bền vững trong phát triển xã hội, bảo vệ tài nguyên và môi trường và khá khép kín trong bối cảnh hội nhập kinh tế khu vực và thế giới diễn ra hết sức mạnh mẽ.
Bên cạnh đó, NSLĐ dù đã được cải thiện, nhưng nhìn chung còn khá thấp, dưới mức bình quân chung của cả nước. NSLĐ giữa các địa phương nội vùng có sự chênh lệch đáng kể, trong đó TP. Đà Nẵng có NSLĐ cao nhất, do có nguồn nhân lực chất lượng và sự phát triển mạnh mẽ của ngành dịch vụ, là lĩnh vực có NSLĐ cao. Các địa phương trong Vùng có tiềm năng, thế mạnh khá giống nhau; cơ cấu thu hút đầu tư, cơ cấu sản phẩm cũng tương tự nhau; phát triển dàn trải, phân tán nguồn lực, dẫn đến tình trạng xung đột lợi ích, cạnh tranh giữa các địa phương trong việc xây dựng các công trình hạ tầng (bến cảng, sân bay…), khu đô thị, khu công nghiệp và một số sản phẩm với cơ cấu kinh tế tương tự nhau.
ĐỀ XUẤT GIẢI PHÁP
Một là, cần nhận thức rõ hơn về ý nghĩa, tầm quan trọng của quá trình tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới MHTT trên nền tảng KHCN và ĐMST. Đồng thời, cần xác định các trọng tâm ưu tiên với lộ trình cụ thể theo hướng quyết liệt hơn, hiệu quả và thực chất hơn đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.
Hai là, xây dựng và hoàn thiện quy hoạch phát triển các tỉnh vùng KTTĐ miền Trung trên cơ sở khai thác tiềm năng, thế mạnh của các vùng, miền. Các địa phương nội vùng tiếp tục hoàn thiện các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong hệ thống quy hoạch quốc gia; rà soát giải quyết các vướng mắc trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ở các địa phương theo Luật Quy hoạch năm 2023.
Ba là, xác định rõ định hướng phát triển cụm liên kết ngành trong thực hiện cơ cấu lại gắn với đổi mới MHTT. Đối với vấn đề này, cần chú trọng việc xây dựng và thực thi các chính sách với sự tham gia của khối kinh tế tư nhân và các bên liên quan tại địa phương; tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của các cụm liên kết ngành, đặc biệt là các đơn vị sản xuất trong cụm. Những chính sách này cần tập trung vào KHCN, phát triển nguồn nhân lực, thu hút FDI…
Bốn là, tập trung hoàn thành các mục tiêu cơ cấu lại kinh tế gắn với đổi mới MHTT nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của các tỉnh vùng KTTĐ miền Trung. Đối với ngành nông nghiệp, đẩy mạnh cơ cấu lại ngành theo hướng tăng cường ứng dụng KHCN và khuyến nông; đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi số trong NN, nông thôn. Đối với ngành công nghiệp, đẩy mạnh cơ cấu lại ngành theo hướng phát triển mạnh công nghiệp năng lượng (năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, điện khí), công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp phụ trợ, công nghiệp vật liệu xây dựng, công nghiệp sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường; phát triển công nghiệp năng lượng điện mặt trời, điện gió ở các tỉnh có tiềm năng, lợi thế, thế mạnh về nguồn năng lượng tái tạo. Đối với ngành dịch vụ, cơ cấu lại ngành dựa trên nền tảng công nghệ số, ứng dụng những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Năm là, xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới MHTT trên nền tảng KHCN và ĐMST. Cần có những chính sách nhằm định hướng phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; chính sách ưu đãi đối với đội ngũ các nhà khoa học, nhất là các nhà khoa học, chuyên gia quốc tế. Trung ương cần mạnh dạn trao cho Vùng KTTĐ miền Trung cơ chế ưu đãi đặc biệt nhằm khuyến khích mạnh mẽ quá trình đổi mới công nghệ của các doanh nghiệp nội vùng (chính sách giảm thuế, trợ giá, tín dụng phát triển, thuế nhập khẩu... gắn với các hoạt động đổi mới công nghệ). Chính sách ưu đãi cần hướng đến khuyến khích đổi mới công nghệ trong một số ngành, mà Vùng có lợi thế so sánh hoặc lợi thế so sánh động trong tương lai có thể quyết định sự phát triển bền vững Vùng./.
TS. Nguyễn Thị Kim Đoan - Học viện Chính trị khu vực III, Đà Nẵng
(Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 26, tháng 9/2023)
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Cục Thống kê các tỉnh vùng KTTĐ miền Trung (2017-2022), Niên giám Thống kê địa phương các năm từ năm 2016 đến năm 2021.
2. Chính phủ (2017), Nghị quyết số 27/NQ-CP, ngày 21/02/2017 về việc ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TW ngày 01/11/2016 của Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Sự thật.
3. Quốc hội (2017), Nghị quyết số 24/2016/QH14, ngày 08/11/2016 về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020.
4. Quốc hội (2021), Nghị quyết số 31/2021/QH15, ngày 12/11/2021 về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025.
5. Tổng cục Thống kê (2021), Niên giám Thống kê năm 2020, Nxb Thống kê.
Bình luận