Dù nhiều thách thức, GDP năm nay vẫn có khả năng tăng trưởng 4-6%
Tăng trưởng GDP năm 2022 dự báo sẽ phục hồi mạnh
“Dựa trên các khảo sát của Bloomberg, dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2022 là 7%, trong khi năm 2021 là 5,3%...”, bà Tamara Henderson, Chuyên gia kinh tế của Bloomberg cho biết tại cuộc Tọa đàm nhận định diễn biến thị trường cuối năm 2021 và năm 2022. Sự kiện được tổ chức trong khuôn khổ Chương trình Đối thoại chính sách, do Bộ Tài chính cùng Hiệp hội thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) phối hợp vừa tổ chức, theo VBMA.
Giai đoạn 2021 - 2025, Chính phủ sẽ cơ cấu lại ngân sách nhà nước bằng cách tăng tỷ trọng nguồn thu bền vững, tiết kiệm chi thường xuyên để tăng chi đầu tư. Chỉ tiêu tỷ lệ bội chi ngân sách trong giai đoạn này là 3,7% GDP. Trong đó, tập trung đầu tư nhiều dự án trọng điểm giúp thúc đẩy phát triển kinh tế như: Cao tốc Bắc - Nam, sân bay Long Thành. Đối với năm 2021, tuy tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 8 tháng đầu năm chỉ đạt 40%, nhưng Thủ tướng quyết liệt yêu cầu tỷ lệ giải ngân cả năm phải đạt ít nhất 95%. |
Dự báo lạc quan trên được đại diện Bloomberg đưa ra trong bối cảnh tổ chức này nhìn nhận, việc triển khai tiêm chủng vẫn chưa thể chấm dứt đại dịch như dự tính. Năm 2021 và 2022, dịch bệnh vẫn còn đó và khả năng miễn dịch cộng đồng ngày càng trở nên xa, khi mà các nước có tỷ lệ bao phủ tiêm vaccine cao vẫn tồn tại nhiều ca nhiễm, bởi sự đe dọa của biến chủng Delta cũng như các biến chủng khác. Khi mà đại dịch tiếp tục trong năm 2022, thì sự phục hồi đối với nhu cầu của toàn cầu trong năm tới mang tính chắp vá, nhiều gói kích thích của các chính phủ không thể tiếp tục mãi, cộng với các khó khăn không lường phía trước với các chính phủ.
“Các yếu tố cần theo dõi khi xem xét về sự phục hồi nhu cầu toàn cầu là: (i) Các yếu tố ảnh hưởng tới thời điểm FED bình thường hóa các chính sách; (ii) Các yếu tố định hướng triển vọng tăng trưởng ngắn hạn và dài hạn của Trung Quốc, bao gồm chiến lược chống Covid-19, các giải pháp với khả năng vỡ nợ của Công ty Evergrande và các tác động của chính sách tái cấu trúc mới (khả năng Chính phủ Trung Quốc sẽ có các động thái hỗ trợ để tránh Evergrande trở thành “Lehman Brother của Trung Quốc”) và (iii) Căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc…”, bà Tamara Henderson phân tích.
Bloomberg đưa ra dự báo tăng trưởng GDP của Mỹ cho năm 2021 là 6,9% và năm 2022 là 4,2%. Trong khi đó, dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc lần lượt là 8,4% và 5,6% cho năm 2021 và năm 2022.
Liên quan đến dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, các chuyên gia của VBMA tham gia phiên Tọa đàm cơ bản thống nhất với dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2021 sẽ trong khoảng 4% - 4.5% và rất lạc quan về triển vọng tăng trưởng cho năm 2022 với dự báo từ 7% - 7,5%. Cùng với đó là xu hướng VND tăng giá so với USD trong năm 2022.
Kết quả khảo sát các thành viên tham gia Toạ đàm của VBMA cũng cho thấy, phần lớn ý kiến dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam cho năm 2021 nằm trong khoảng từ 4% - 6%. Việt Nam có thể hoàn toàn mở cửa nền kinh tế trở lại trong quý I/2022 (30% dự báo) và II/2022 (38%).
Giữ lãi suất thấp đến hết năm 2021
Sự phục hồi kinh tế trong thời gian tới phụ thuộc nhiều vào chính sách “tiền rẻ” ở cả phạm vi toàn cầu, cũng như tại Việt Nam. Câu hỏi đặt ra là liệu chính sách này còn kéo dài bao lâu để tránh “tác dụng phụ” là đẩy lạm phát tăng cao?
“Ngân hàng Nhà nước tiếp tục hỗ trợ các hoạt động kinh doanh, giữ lãi suất thấp đến hết năm 2021. Trong năm 2020 và 2021, các chính sách miễn, giảm lãi vay, cũng như dư nợ được cơ cấu lại nợ là rất lớn…”, bà Nguyễn Huyền Dịu, Trưởng phòng nghiên cứu kinh tế, Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước, cho hay.
Bà Nguyễn Huyền Dịu, Trưởng phòng nghiên cứu kinh tế, Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước cho biết, trong năm 2021, Ngân hàng Nhà nước không giảm lãi suất. Ảnh: VBMA |
Phân tích cụ thể hơn về chính sách điều hành lãi suất, bà Dịu cho biết, sau 3 lần giảm lãi suất trong năm 2020, dư địa để giảm thêm là không còn nhiều. Do đó, trong năm 2021, Ngân hàng Nhà nước không giảm lãi suất nữa, qua đó để lại dư địa điều hành cho những bất ổn có thể phát sinh phía trước. Ngân hàng Nhà nước đã duy trì thanh khoản dồi dào bằng cách không hút tiền về, đồng thời giúp các tổ chức tín dụng giảm chi phí vốn nhằm giảm lãi suất đầu ra cho doanh nghiệp. Việc điều hành này sẽ được tiếp tục trong quý IV/2021.
Liên quan đến định hướng điều hành chính sách tiền tệ trong năm 2022, bà Dịu cho biết, trong bối cảnh diễn biến đại dịch khiến môi trường kinh tế thay đổi liên tục, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục duy trì chính sách điều hành linh hoạt và kiểm soát lạm phát là mục tiêu quan trọng. Nền kinh tế hoàn toàn có thể mở cửa trở lại vào khoảng quý II/2022 nếu tốc độ tiêm chủng tốt. Chính sách của nhà nước phải đảm bảo cân bằng giữa hai mục tiêu là kiểm soát lạm phát và hỗ trợ tăng trưởng...
Dự báo về mặt bằng lãi suất trong năm tới, kết quả khảo sát các thành viên VBMA cho thấy, lãi suất bình quân liên ngân hàng kỳ hạn 1 tháng năm 2022 sẽ nằm trong khoảng từ 1%-1,5% (53% dự báo) và từ 1,5%-2% (37%)./.
Bình luận