Đại diện Dược Cửu Long cho biết với công suất sản xuất 140 triệu sản phẩm thiết bị y tế một năm hiện nay của nhà máy không đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường và xuất khẩu. Do đó, nhà máy khởi công xây dựng sẽ góp phần nâng quy mô sản xuất của Dược Cửu Long để đón đầu sự gia tăng nhu cầu ngày càng lớn trong thời gian tới trên lĩnh vực này.

Phối cảnh Nhà máy Sản xuất Thiết bị y tế Benovas

Nhà máy Sản xuất Thiết bị y tế Benovas được xây dựng trên diện tích 10.846,6 m2 tại QL 57 Ấp Thanh Mỹ 1, xã Thanh Đức, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long có tổng vốn đầu tư khoảng 15 triệu USD. Nhà máy được xây dựng thành 2 giai đoạn, giai đoạn 1 có công suất thiết kế 35 triệu sản phẩm/tháng; giai đoạn 2 có công suất 20 triệu sản phẩm/tháng với các sản phẩm bao gồm: Bơm tiêm, kim tiêm, dây truyền dịch, kim cánh kiếm, kim luồn tĩnh mạch…

Những sản phẩm này được sản xuất trên dây chuyển hiện đại theo hướng tự động hóa đạt tiêu chuẩn CE của Châu Âu và FDA của Hoa Kỳ. Sau khi đi vào hoạt động vào quý I/2022 sản phẩm của Nhà máy Sản xuất Thiết bị y tế Benovas không chỉ đáp ứng tốt hơn nhu cầu khách hàng, mà còn góp phần cung cấp một lượng lớn trang thiết bị y tế cho công tác tiêm phòng vaccine Covid-19 đang được triển khai hiện nay. Bên cạnh đó, những sản phẩm này sẽ được xuất khẩu vào thị trường châu Âu và Hoa Kỳ. Doanh thu dự kiến của Nhà máy Sản xuất Thiết bị y tế Benovas đạt 500 tỷ đồng vào năm 2025.

Việc xây dựng nhà máy sản xuất thiết bị y tế theo hướng hiện đại của DCL cũng phù hợp với Đề án "Phát triển công nghiệp trang thiết bị y tế sản xuất trong nước đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030". Mục tiêu của đề án là phát triển ngành sản xuất trang thiết bị y tế trong nước đồng bộ, hiện đại, đáp ứng hội nhập quốc tế, phù hợp với năng lực sản xuất các mặt hàng có thế mạnh và điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước. Đồng thời, đẩy mạnh xã hội hóa, huy động đa dạng các nguồn lực trong xã hội để phát triển ngành sản xuất thiết bị y tế trong nước.

Năm 2021 DCL hoàn thành và đưa vào hoạt động nhà máy Capsule 4 với sản lượng 2,4 tỷ viên nang/năm, nâng tổng khối lượng nang sản xuất lên gần 8 tỷ viên/năm. Năm 2020, DCL cũng đã xin được cấp phép cho 2 loại thuốc điều trị ung thư, đây là các loại có nhu cầu cao tại Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung. Điều này hứa hẹn sẽ góp phần mang lại doanh số hàng triệu USD cho DCL trong năm 2021 và những năm tiếp theo.

Theo kế hoạch, dự kiến trong năm 2022, DCL sẽ tiếp tục khởi công xây dựng Nhà máy dược GMP-EU. Doanh nghiệp sẽ đồng thời tiếp tục đẩy mạnh và hoàn thiện mô hình bán hàng để tăng độ phủ của các sản phẩm Dược Cửu Long đến tất cả các địa phương trong cả nước và hướng đến xuất khẩu một số mặt hàng.

Năm 2015, DCL đã ghi dấu bước chuyển ngoặt mạnh mẽ khi trở thành công ty thành viên của Tập đoàn FIT với lợi nhuận ghi nhận tăng trưởng gấp đôi so với mức 30 tỷ đồng của năm liền trước, mở đầu cho chuỗi tăng trưởng trong những năm sau đó.

DCL hiện sở hữu 4 nhà máy: bao gồm 2 nhà máy dược phẩm đạt chuẩn GMP - WHO; 01 nhà máy sản xuất dụng cụ y tế; 1 nhà máy sản xuất viên nang cứng rỗng Vicancap. Vicancap là đơn vị tiên phong tại Việt Nam sản xuất và cung ứng sản phẩm capsule (viên nang cứng rỗng) các loại. Các nhà máy hiện chạy công suất tối đa, với công nghệ tiên tiến được nhập từ Canada.

Năm 2021, DCL đặt mục tiêu doanh thu 980 tỷ đồng tăng 50%, lợi nhuận trước thuế đạt 164 tỷ đồng tăng 116% so với năm 2020./.