2020 - Năm của tái cấu trúc

Năm 2020, mảng ETC có sự cạnh tranh về giá dẫn đến mặt bằng giá bán giảm so với trung bình 2019; mảng OTC, chịu ảnh hưởng do sự thay đổi về chính sách quản lý của Bộ Y Tế đối với nhóm thuốc kháng sinh và các thuốc quản lý đặc biệt làm cho việc kinh doanh nhóm thuốc này cho nhà thuốc khó khăn hơn; mảng Capsul và Vikimco chịu ảnh hưởng do dịch bệnh Covid – 19, nhưng DCL vẫn có doanh thu đạt trên 671 tỷ đồng, lợi nhuận gộp đạt gần 200 tỷ đồng, lợi nhuận gộp đạt 187,637 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 85,944 tỷ đồng. Đặc biệt trong quý IV/2020, lợi nhuận của DCL đạt mức kỷ lục khoảng 40 tỷ đồng.

ĐHCĐ Dược Cửu Long thông qua mục tiêu lợi nhuận tăng 30%

Để có được kết quả kinh doanh tăng kỷ lục này bên cạnh việc đầu tư máy móc, thiết bị để nâng cao chất lượng sản phẩm thì việc tái cấu trúc lại hệ thống bán hàng cũng đóng vai trò không nhỏ. Đầu quý IV/2020, DCL đã thay đổi mô hình bán hàng theo hướng các chi nhánh sẽ được trao quyền nhiều hơn, tăng độ phủ, tăng tính trách nhiệm và chủ động hơn trong công việc. Các sản phẩm sẽ được lưu thông thông suốt, nhanh chóng, đảm bảo đáp ứng kịp thời nhu cầu thị trường. Đồng thời kết hợp đồng bộ với Dự án Innovation trên toàn công ty, đội ngũ bán hàng cũng như các chi nhánh đang tiến hành sàng lọc để lựa chọn những nhân tố tích cực nhất. Qua đó, nâng cao được tính cạnh tranh của DCL.

Cũng trong năm 2020, DCL thay đổi logo nhằm phù hợp với các chiến lược trong thời gian sắp tới. Trong đó nổi bật với phần logotype “For Health – For Life” – khẳng định DCL sẽ tiếp tục kết nối và phát triển không ngừng để mang lại những giá trị đóng góp cho sức khoẻ cộng đồng trong thời gian tới.

DCL hiện sở hữu 4 nhà máy: bao gồm 2 nhà máy dược phẩm đạt chuẩn GMP – WHO; 01 nhà máy sản xuất dụng cụ y tế; 1 nhà máy sản xuất viên nang cứng rỗng Vicancap. Vicancap là đơn vị tiên phong tại Việt Nam sản xuất và cung ứng sản phẩm capsule (viên nang cứng rỗng) các loại. Các nhà máy hiện chạy công suất tối đa, với công nghệ tiên tiến được nhập từ Canada.

Kỳ vọng lợi nhuận tăng đột biến năm 2021

Theo thống kê của Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế), ngành dược sẽ đạt 7,7 tỷ USD vào 2021. Còn theo kết quả của Vietnam Report, dược phẩm là ngành có tiềm năng tăng trưởng cao nhất trong 2 năm tới vì vừa qua mọi người đều nhận thức được mức độ nguy hiểm của dịch bệnh, người dân đang dần chú trọng hơn đến việc bảo vệ sức khoẻ, dẫn đến ngành dược phẩm y tế được các doanh nghiệp đánh giá có triển vọng tăng trưởng cao trong tương lai.

Còn về yếu tố nội tại, trong năm 2021 DCL hoàn thành và đưa vào hoạt động nhà máy Capsule 4 với sản lượng 2,4 tỷ viên nang/năm, nâng tổng khối lượng nang sản xuất lên gần 8 tỷ viên/năm. Tháng 3/2021, DCL khởi công xây dựng Nhà máy Sản xuất Thiết bị y tế Benovas tại tỉnh Vĩnh Long nhằm đảm bảo cung cấp nhu cầu rất lớn về vật tư tiêu hao y tế, đặc biệt là bơm kim tiêm. Dự án xây dựng Nhà máy có tổng vốn đầu tư khoảng 15 triệu USD, chia thành 2 giai đoạn, giai đoạn 1 có công suất thiết kế 35 triệu sản phẩm/tháng; giai đoạn 2 có công suất 20 triệu sản phẩm/tháng. Không những thế, hiện DCL đã xin được visa cho 2 loại thuốc điều trị ung thư, đây là các loại có nhu cầu cao tại Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung. Điều này hứa hẹn sẽ mang lại doanh số dự kiến lên tới hàng triệu USD cho năm 2021 và những năm tiếp theo. Bên cạnh đó, doanh nghiệp tiếp tục đẩy mạnh và hoàn thiện mô hình bán hàng để tăng độ phủ của các sản phẩm Dược Cửu Long đến tất cả các địa phương trong cả nước và hướng đến xuất khẩu một số mặt hàng.

Trên nền tảng vững vàng này, năm 2021, Ban lãnh đạo DCL tự tin đặt mục tiêu doanh thu 805 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt trên 110 tỷ đồng tăng gần 30% so với năm 2020 và đã được ĐHCĐ thống nhất thông qua.

Cũng tại đại hội, các cổ đông đã thông qua Báo cáo về kết quả sản xuất kinh doanh 2020 và kế hoạch kinh doanh 2021, Báo cáo tài chính năm 2020 đã kiểm toán, Báo cáo của Hội đồng quản trị về việc bổ nhiệm Tổng Giám đốc và một số tờ trình liên quan khác thuộc thẩm quyền của Đại hội cổ đông./.