TS. Tạ Quang Bình

Trường Đại học Thương mại

Tóm tắt

Sự tồn tại của các doanh nghiệp sống thực vật (DNTV) hay còn gọi công ty xác sống là vấn đề lớn phải đối mặt đối với các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Trên cơ sở tổng quan các nghiên cứu trước đây, tác giả đã chỉ ra rằng, các nghiên cứu mới chỉ dừng lại trong phạm vi các lĩnh vực rời rạc như lĩnh vực ngân hàng, xử lý 1 phần nguyên nhân của nó như giải pháp cho nợ xấu, giải pháp cho các doanh nghiệp nhà nước, mà ít quan tâm đến nghiên cứu mang tính đồng bộ xuất phát từ nguyên nhân của tình trạng ngày càng gia tăng tỷ lệ DNSTV trong nền kinh tế. Bên cạnh đó, cũng có rất ít các nghiên cứu nhận diện về DNSTV trong các lĩnh vực khác ngoài ngân hàng, doanh nghiệp nhà nước đặc biệt là các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán, thị trường upcom làm ảnh hưởng lớn đến niềm tin của nhà đầu tư và nền tài chính quốc gia.

Từ khóa: doanh nghiệp sống thực vật, Việt Nam, khoảng trống nghiên cứu

Summary

In Vietnam, there has not yet been any comprehensive research on the reality of zombie companies so as to provide them feasible solutions. Based on an overview of previous studies, the author realizes that earlier researches only focus on discrete fields such as the banking sector, dealing with part of its causes such as solutions for bad debts and for state-owned enterprises, but pay little attention to synchronous research on the causes of the increasing rate of zombie companies in the economy. Besides, there are very few studies identifying zombie companies in other fields, especially companies listed on the stock market and upcom market, which greatly affects the investor confidence and national finances.

Keywords: zombie companies, Vietnam, research gap

ĐẶT VẤN ĐỀ

Các DNSTV là nhóm công ty không kiếm được đủ lợi nhuận để có thể thanh toán được các khoản nợ hay nói cách khác là những doanh nghiệp không thể trả nợ, đã mất thanh khoản và lỗ 3 năm liên tiếp, đã rơi vào tình trạng đau khổ tài chính, nhưng vẫn được hỗ trợ để tồn tại. Các doanh nghiệp này đã cướp đi cơ hội của nhiều doanh nghiệp khỏe mạnh trong nền kinh tế trong nỗ lực mở rộng thị trường, biến thành rào cản cho sự phát triển của các công ty mới và trẻ khi gia nhập, làm giảm nguồn vốn đầu tư, tạo gánh nặng cho nền kinh tế…

Vấn đề đặt ra từ các công ty này được xem là một vấn đề lớn phải đối mặt với các quốc gia không chỉ có Nhật Bản, Mỹ, Trung Quốc…, mà Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ cho sự tác động này. Sự bùng nổ các công ty dạng này và sự tác động tiêu cực của nó đến nền kinh tế trong nước, khu vực và thế giới khiến cho việc nghiên cứu các khía cạnh về các DNSTV dần dần trở thành một chủ đề nóng trong giới hàn lâm quốc tế.

THỰC TRẠNG CÁC NGHIÊN CỨU VỀ DNSTV TRONG NƯỚC VÀ NƯỚC NGOÀI

Trong nước

Ở Việt Nam, các DNSTV tồn tại dưới các dạng là công ty nhà nước hoạt động từ ngân sách nhà nước, nhưng trì trệ trong hoạt động, kém hiệu quả thua lỗ nhiều năm, hoặc các thể chế ngân hàng hoạt động đặc thù ảnh hưởng đến niềm tin của công chúng hoặc là các công ty trong các lĩnh vực đặc thù, các công ty tư nhân và cả các công ty vốn đầu tư nước ngoài tồn tại trong vỏ kén khi mức lãi suất thấp nghiêm trọng được hỗ trợ từ Chính phủ… Đây được coi là vấn đề nhạy cảm, nên nghiên cứu trong nước về các công ty xác sống vẫn còn khá khiêm tốn cả về nội dung và phạm vi.

Các nghiên cứu thường tập trung vào 2 nội dung cơ bản là nghiên cứu nhận diện, các nhân tố tác động của các DNSTV đến nền kinh tế và gợi ý đưa ra các giải pháp tổng quan trong việc giải quyết các công ty dạng này. Tuy nhiên, thực tế chưa có nghiên cứu khoa học nào toàn diện từ việc nhận diện, tác động của nó đến nền kinh tế đặc biệt là những tác động tiêu cực của nó. Cũng không có nghiên cứu toàn diện nào chỉ ra thực trạng tồn tại các công ty xác sống tại Việt Nam để từ đó có những giải pháp khả thi cho các công ty này. Các nghiên cứu mà nhóm nghiên cứu đã biết về đề tài này thường nhỏ lẻ, rời rạc từ các nhà khoa học và các chuyên gia kinh tế.

Nghiên cứu nhận diện và các nhân tố tác động của các DNSTV đến nền kinh tế

Cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2007-2009 đã gây ra nhiều tác động tiêu cực trong nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt với các lĩnh vực tài chính ngân hàng, bất động sản và sản xuất công nghiệp, tạo ra nhiều DNSTV trong các ngành này, bao gồm cả doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Chủ đề DNSTV được bàn luận nhiều hơn từ các nhà khoa học và chuyên gia kinh tế chủ yếu là nhận diện và các nhân tố mà nó tác động đến nền kinh tế Việt Nam.

Lê Trọng Nhi và Phùng Anh Tuấn (2012) đã đưa ra định nghĩa cơ bản về ngân hàng zombie (nhóm tác giả gọi là các ngân hàng thây ma biết đi). Ngân hàng zombie là ngân hàng có giá trị ròng nhỏ hơn 0; hoặc là ngân hàng mà tổng tài sản nợ lớn hơn tổng tài sản; hoặc là ngân hàng mà tất cả vốn góp – vốn đăng ký không còn nữa nhưng vẫn được cho phép hoạt động từ sự hỗ trợ của Chính phủ. Ở Việt Nam, theo nhóm tác giả để nhận biết ngân hàng zombie chính động thái phân nhóm của ngân hàng Nhà nước vừa qua là một cách rất tinh tế để chỉ điểm những ngân hàng zombie và có nguy cơ biến thành ngân hàng zombie trong hệ thống ngân hàng Việt Nam.

Cũng trong lĩnh vực ngân hàng tài chính, Trịnh Quang Anh (2012) đã đưa ra kết quả chuẩn đoán bệnh cho các ngân hàng khi đó là căn bệnh trầm kha thanh khoản. Đằng sau hiện tượng thanh khoản chính là vấn đề chất lượng tài sản ngân hàng và nợ xấu. Nhiều tổ chức tín dụng đã thực chất mất hết vốn tức là mất khả năng thanh toán nhưng vẫn tạo vỏ bọc bên ngoài chỉ là bị khó khăn về thanh khoản. Cái này được gọi là “chết lâm sàng” hay “zombie”.

Nguyễn Thị Tường Anh (2015) chỉ rõ, DNSTV (DNSTV) là doanh nghiệp làm ăn kém hiệu quả, có những khoản vay nợ lớn nhưng khả năng hoàn trả là rất thấp, công việc kinh doanh không sinh lời, trì trệ, có thể đang trên bờ vực phá sản, sở dĩ tồn tại được là do những khoản vay tiếp tục được “bơm” từ ngân hàng, với lãi suất rất thấp. Những doanh nghiệp đang này làm tăng chi phí ra nhập thị trường của những doanh nghiệp non trẻ, trở thành gánh nặng cho nền kinh tế. Trong nghiên cứu của mình tác giả cũng chỉ rõ 2 tiêu chí để xác định dạng công ty này dựa vào kinh nghiệm của Nhật Bản. Các tác động của nó đến nền kinh tế là tác động đến việc làm, tác động đến các công ty khác trong nền kinh tế. Đề tài chỉ dừng lại nghiên cứu phạm vi doanh nghiệp nhỏ, định lượng để xác định nhân tố ảnh hưởng đến sự tồn tại các DNSTV mà chưa có kiểm định và mở rộng các tác nhân của nó đến nền kinh tế.

Trần Đình Thiên (2018)[1] tại Hội thảo định hướng phát triển các thành phần kinh tế Việt Nam cho rằng hiệu quả sử dụng vốn, tốc độ tăng năng suất lao động của doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) giảm mạnh. Hiện nay, DNNN "đóng góp" nhiều nhất vào gánh nặng nợ quốc gia - cục máu đông cản trở phát triển kinh tế lớn nhất. Thậm chí, DNNN còn là yếu tố gây mất cân đối, phá vỡ ổn định vĩ mô, gây tổn thất lớn cho nền kinh tế, cả trực tiếp (mất vốn, gây lãng phí lớn) lẫn gián tiếp (làm méo mó môi trường kinh doanh). Tình trạng nhiều dự án đắp chiếu, nhiều DNSTV, gánh nặng nợ (nợ xấu của khu vực DNNN) đang trở thành vấn nạn phát triển thật sự của nền kinh tế. Cũng theo quan điểm này, Đào Thu Hằng (2016) cũng chỉ ra rằng, các doanh nghiệp nhà nước Việt Nam yếu kém làm nguy hại đến tăng trưởng dài hạn. Với đặc quyền tiếp cận các quỹ tín dụng từ các ngân hàng thương mại của Nhà nước, các doanh nghiệp nhà nước tiếp tục nhận được 49% đầu tư mặc dù tạo ra chỉ có một phần quá nhỏ các việc làm mới và hầu như không có gì đóng góp cho thu nhập từ xuất khẩu. Vốn vay của doanh nghiệp nhà nước chèn ép đầu tư từ khu vực tư nhân và do đó làm thui chột khả năng để các doanh nghiệp khối tư nhân có thể mở rộng.

Thuật ngữ DNSTV hay còn gọi là các công ty zombie vẫn còn nhiều mới mẻ ở Việt Nam nhưng các nghiên cứu để nhận diện các công ty dạng này thì có khá nhiều đề tài về nó. Các nghiên cứu tập trung chỉ rõ và phân tích cấu trúc vốn, khả năng thanh toán của các công ty trong nhiều lĩnh vực kể cả các công ty niêm yết hay không niêm yết trên thị trường chứng khoán, là doanh nghiệp Nhà nước hay doanh nghiệp khối tư nhân. Cũng có khá nhiều công ty nghiên cứu vấn đề nợ xấu của các ngân hàng thương mại Việt Nam và đề xuất giải pháp xử lý. Theo báo cáo của Trung tâm nghiên cứu khoa học – đào tạo chứng khoán của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (2011) đã nhận diện và đánh giá rõ cơ cấu vốn, khả năng thanh toán của 162 doanh nghiệp nhà nước niêm yết trên cả 2 sở giao dịch chứng khoán theo 7 nhóm ngành cơ bản: ngành công nghiệp, ngành tài chính, ngành tiện ích tiêu dùng, ngành hàng tiêu dùng, ngành dịch vụ tiêu dùng, ngành vật liệu cơ bản, ngành dầu khí. Báo cáo cảnh báo các doanh nghiệp có hệ số nợ/vốn chủ sở hữu cao hơn quy định là 3, đánh giá cả khả năng thanh toán lãi vay, khả năng thanh toán để đánh giá doanh nghiệp.

Tuy nhiên cấu trúc vốn như thế nào được coi là hợp lý thì lại phụ thuộc vào từng điều kiện cụ thể cũng như tính chất hoạt động của doanh nghiệp. Đó là nhận định được đưa ra theo Phạm Thị Thủy và Nguyễn Thị Lan (2013). Nghiên cứu chỉ ra không có cấu trúc tài chính chuẩn hay tối ưu cho tất cả các doanh nghiệp. Đối với nhà đầu tư, nợ phản ánh rủi ro mất khoản đầu tư nhưng lại phản ánh lợi nhuận tiềm năng từ đòn bẩy tài chính. Đòn bẩy tài chính là việc sử dụng nợ để tăng lợi nhuận kiếm được. Chính vì điều này khi xem xét đánh giá nhận diện công ty Zombie cần có cái nhìn từ nhiều hướng kết hợp nhiều chỉ tiêu tài chính.

Các nghiên cứu giải pháp đối với các DNSTV trong nền kinh tế

DNSTV được nhận diện là do quá trình hoạt động kém hiệu quả kéo dài dẫn tới làm ăn thua lỗ, nợ nần chồng chất và khó có khả năng trả nợ. Tuy nhiên chúng tồn tại được lại xuất phát từ nguyên nhân được tiếp vốn từ phía ngân hàng với mức lãi suất rất thấp, được hưởng các ưu đãi từ chính phủ…. Vậy đâu là giải pháp cho các DNSTV này. DNSTV nên “chết” vì những tác động tiêu cực đến nền kinh tế hay có những giải pháp khác cho chúng. Đây là vấn đề được rất nhiều nhà khoa học và chuyên gia kinh tế quan tâm nghiên cứu và bàn luận để gợi ý các giải pháp xây dựng nền kinh tế vững mạnh. Tuy nhiên, ở Việt Nam hiện nay các nghiên cứu chỉ mang tính nhỏ lẻ không có hệ thống toàn bộ nền kinh tế ở các lĩnh vực và xét trên 1 góc độ nào đó các lĩnh vực có sự đan xen nhau, sự xuất hiện gia tăng DNSTV trong lĩnh vực này cũng ảnh hưởng tiêu cực đến lĩnh vực khác hoặc làm gia tăng tình trạng này trong các lĩnh vực khác.

Lê Trọng Nhi và Phùng Anh Tuấn (2012) đã chỉ ra rằng, ngân hàng zombie sẽ tạo và sinh ra hàng trăm hàng ngàn công ty zombie và nhóm công ty zombie này đang ôm một lượng lớn các dự án zombie – những khu đô thị, những khu biệt thự, những cao ốc nhà ở văn phòng bỏ hoang và không có thị trường người mua – mua thật ở thật. Đó là mối nguy hại rất thật vì nó đã làm méo mó thị trường vốn, thị trường tín dụng, thị trường chứng khoán… và nếu vẫn còn kéo dài thêm thì hệ quả kinh tế sẽ rất lớn và khó lường được. Giải pháp nhóm tác giả muốn nhấn mạnh phân nhóm các ngân hàng, phân loại để khoanh vùng các ngân hàng zombie để từ đó có các biện pháp ngăn chặn kịp thời tình trạng này. Đây là việc mà Chính phủ và ngân hàng Nhà nước đã và đang làm và cần phải làm triệt để hơn nữa để thà “đau 1 lần” trong việc giải quyết những khối u ác tính đã được xác định và còn nhỏ.

Cũng trong lĩnh vực ngân hàng, Trịnh Quang Anh (2012) đưa ra nguồn cơn cho các “chết lâm sàng” chính là nợ xấu nên nhóm các giải pháp cho tình trạng này chính là nhóm giải pháp xử lý cho vấn đề nợ xấu ngân hàng. Tác giả cho rằng, không có giải pháp tối ưu chỉ có giải pháp tốt thứ nhì. Để giải quyết vấn đề này, theo tác giả, cần mạnh dạn cắt bỏ “khối u”. Khi các tổ chức tín dụng rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán mà không thể phục hồi “những thây ma – zombie phải được chôn để tránh làm hoại tử các phần còn lại lành mạnh khác của cơ thể”.

DNSTV không chỉ tồn tại trong các tổ chức tín dụng mà nhức nhối không kém từ các đại dự án, công trình “chết lâm sàng” gây ra cho nền kinh tế là vô cùng nghiêm trọng. Ngoài hậu quả nặng nề về tài chính không dễ gì khắc phục, những công nghệ cũ nát này còn không biết chôn vào đâu, báo động đỏ về nguy cơ ô nhiễm, rất khó xử lý triệt để. Các vấn nạn dự án, công trình, DNSTV dạng này để lại hệ lụy rất lớn và giải pháp cho nó luôn là những chủ đề nóng có tính thời sự. Nguyễn Đình Cung (2016) đã đưa ra nhận định, cũng thấy đâu đó nguyên nhân của tình trạng này là hiện tượng một số cá nhân coi việc đầu tư là cơ hội kiếm chác, vun vén lợi ích cá nhân, tiếp tay cho hành vi sai trái. Vì thế, trách nhiệm người đứng đầu, hơn lúc nào hết cần được đặt ra một cách nghiêm túc, quyền hạn phải gắn liền trách nhiệm. Cách hữu hiệu nhất cho các dự án xác sống là cho phá sản, thu hồi vốn cho Nhà nước. Đồng thời, quy trách nhiệm những tổ chức, cá nhân liên quan và xử lý nghiêm minh.

Giải pháp cho các DNSTV không chỉ là khai tử nó. Vẫn còn tồn tại các giải pháp cho nó để cứu sống những xác sống này. Trần Anh Vương - Tổng giám đốc SAM Holdings[2] chia sẻ về "khẩu vị đầu tư" của mình khi công ty của ông rót vốn đầu tư vào không chỉ những công ty làm ăn tốt mà có cả những công ty "xác sống". Khi tái cấu trúc một DNSTV cần tái cơ cấu cả tài chính và con người mới có thể thành công. Tái cấu trúc doanh nghiệp đặc biệt các doanh nghiệp nhà nước cần tuyệt đối tránh sự cực đoan. Đó là nhận định của Nguyễn Hồng Long (2012), tái cấu trúc lúc này là cần thiết, nhưng phải tuyệt đối tránh việc thực hiện một cách vội vã. Tái cấu trúc phải đảm bảo nguyên tắc có một lộ trình nhất định. Nội dung của lộ trình đó cần phải xác định rõ các DNNN nên chiếm giữ 100 cổ phần đối với lĩnh vực nào, chiếm trên 50 đối với lĩnh vực nào và những ngành nào thì hoàn toàn thoái vốn.

Như vậy có thể thấy, các nghiên cứu trong nước về các công ty được cho là “xác sống” trong nền kinh tế nhìn chung tuy đã chỉ ra được một số khía cạnh về nhận diện và tác động tiêu cực đến nền kinh tế cũng như đưa ra các quan điểm giải pháp cho vấn đề này ở 1 góc độ nào đó. Tuy nhiên, các nghiên cứu còn rời rạc, nhỏ lẻ chưa hệ thống để từ đó đưa ra các giải pháp làm lành mạnh nền kinh tế Việt Nam.

Các nghiên cứu ngoài nước

Các nghiên cứu về khái niệm, đặc điểm, tiêu chí xác định DNSTV

Khái niệm

Khái niệm DNSTV trong lĩnh vực kinh tế là một khái niệm tương đối mới. Thuật ngữ này xuất hiện vào cuối những năm 1980, theo dòng lịch sử đến nay có nhiều quan điểm, nhiều khái niệm về DNSTV trong các nghiên cứu khắp nơi trên thế giới (Jiang et al., 2017). Thuật ngữ DNSTV trở nên phổ biến trong giới truyền thông trong suốt năm 2008 để chỉ những công ty nhận cứu trợ theo chương trình TARP (troubled asset relief program) của chính phủ Hoa Kỳ (Thomas, 2012).

Kane (1987) đã nghiên cứu DNSTV trong các tổ chức tiết kiệm và cho vay (S&Ls) mà ngày nay gọi là các tổ chức tín dụng, ngân hàng. Ông cho rằng, các tổ chức tiết kiệm và cho vay "xác sống" là những tổ chức có khả năng vận động tài chính xác sống và gây ra các hành vi gây hại trên nhiều phương diện khác nhau. Các tổ chức này có xu hướng tăng lên bởi cách nó biến các đối thủ cạnh tranh thành các tổ chức xác sống khác. Có hai cách mà các DNSTV thực hiện: thứ nhất, DNSTV làm giảm lợi nhuận cận biên của ngành bằng cách chuyển số tiền trợ cấp bảo hiểm mà họ nhận được vào lãi suất huy động cao hơn và lãi suất cho vay thấp hơn. Thứ hai, họ tăng mức tiền gửi bảo hiểm hàng năm (đây là khoản tiền cuối cùng mà các tổ chức còn tồn tại phải đóng). Như vậy, DNSTV trong lĩnh vực tài chính ngân hàng chính là các "xác sống" vận động tài chính.

Trong nghiên cứu của mình, Hoshi (2006) cho rằng, các công ty xác sống là những công ty đang mất khả năng thanh toán và có rất ít hy vọng phục hồi nhưng lại tránh được sự thất bại nhờ sự hỗ trợ từ ngân hàng. Trong nhiều trường hợp, các DNSTV nhận được nguồn vay mới từ các ngân hàng, từ đó tiếp tục tồn tại một cách thực vật. Sự tồn tại của chúng làm giảm khả năng tiếp cận nguồn vốn của các doanh nghiệp khỏe mạnh trong nền kinh tế (Hoshi, 2006).

Khi nghiên cứu về các DNSTV, Caballero và cộng sự (2008) đã nghiên cứu mô hình nhận diện và đưa ra các đặc điểm về các doanh nghiệp này. Đây là những công ty có các khoản thanh toán lãi suất thấp hơn các khoản thanh toán lãi suất phi rủi ro giả định. Các DNSTV có tỷ lệ nợ cao và không hiệu quả với mức năng suất thấp và thậm chí là âm. Điều này sẽ gây ra tổn hại nghiêm trọng cho nền kinh tế và hạn chế tăng trưởng kinh tế của một quốc gia.

Tương tự, Mark Thomas (2010, 2012) nghiên cứu về các DNSTV ở Anh và Mỹ, ông cho rằng DNSTV là những doanh nghiệp chỉ đủ tiền mặt để chi trả cho các khoản lãi vay mà không thể trả được hết nợ. Những doanh nghiệp này sẽ tồn tại một cách vật vờ và không có khả năng sinh lời, và sẽ trở thành gánh nặng cho nền kinh tế. Các DNSTV có thể có doanh thu, thu về tiền mặt nhưng không thể thu hút đủ đầu tư để trả các khoản nợ. Sau khi chi trả hết các chi phí cố định, chi phí biến đổi, các DNSTV chỉ còn đủ tiền trả khoản lãi (interest) khổng lồ của những khoản vay chứ không thể trả được bản thân phần gốc vay (principal). Các doanh nghiệp này tuy nhiên vẫn tiến hành giao dịch, sống thực vật, phụ thuộc vào các ngân hàng liên tục hết lần này đến lần khác cho chúng những khoản vay ưu đãi để có thể tồn tại (Thomas, 2010).

Như vậy, chưa có sự thống nhất trong khái niệm của DNSTV và cũng chưa có sự phân định cụ thể trong khái niệm này (Papworth, 2013). Các nghiên cứu hiện nay chủ yếu dựa vào hệ thống quản trị rủi ro của ngân hàng để xác định một DNSTV (Ahearne and Shinada, 2005, Caballero et al., 2008, Imai, 2016, Hoshi, 2006, Fukuda and Nakamura, 2011). Tuy vậy, các nghiên cứu đều thống nhất những nội dung quan trọng nhất của một DNSTV. Theo đó, DNSTV là doanh nghiệp làm ăn kém hiệu quả, có những khoản vay nợ lớn nhưng khả năng hoàn trả là rất thấp, công việc kinh doanh không sinh lời, trì trệ, có thể đang trên bờ vực phá sản, sở dĩ tồn tại được là do những khoản vay tiếp tục được “bơm” từ ngân hàng, với lãi suất rất thấp. Những DNSTV này làm tăng chi phí gia nhập thị trường của những doanh nghiệp non trẻ, trở thành gánh nặng cho nền kinh tế.

Tiêu chí xác định DNSTV

Có nhiều nghiên cứu đưa ra các tiêu chí xác định DNSTV khác nhau, tuy nhiên có thể kể tới một vài nghiên cứu tiêu biểu đưa ra các tiêu chí xác định DNSTV được nhiều nghiên cứu sau đó thừa nhận.

Một trong những nghiên cứu nổi tiếng về việc đưa ra các tiêu chí xác định DNSTV là Caballero và cộng sự trong nghiên cứu công bố năm 2008. Ông đã phân tích và đưa ra một tiêu chí đơn giản để xác định DNSTV đó là các mức lãi suất thanh toán. Một doanh nghiệp là xác sống sẽ được hưởng mức lãi suất thanh toán thấp hơn so với một doanh nghiệp khỏe mạnh. Do đó, tiếp cận này xác định các DNSTV dựa trên sự khác biệt giữa lãi suất thực tế của các doanh nghiệp và các khoản thanh toán lãi suất phi rủi ro giả định (mức tối thiểu này được ước tính từ lãi suất mà người vay đáng tin cậy nhất trả). Nếu con số này là âm thì chắc chắn các doanh nghiệp là là xác sống vì lãi suất thấp hơn các doanh nghiệp khỏe mạnh.

Tuy nhiên, Fukuda and Nakamura (2011) đã chỉ ra rằng, nếu chỉ đưa ra một tiêu chí trên thì sẽ có thể xác định sai các DNSTV. Thứ nhất, trong nhiều trường hợp, một doanh nghiệp không phải xác sống cũng được hưởng chính sách lãi suất thấp so với thị trường. Do đó, chỉ tiêu này có thể xác định một doanh nghiệp khỏe mạnh trở thành một DNSTV. Thứ hai, có những giai đoạn khác nhau trong chu kỳ kinh tế, các DNSTV không được hỗ trợ mà cũng phải chịu mức lãi suất hiện hành. Do đó, theo tiêu chí trên thì DNSTV lại trở thành một doanh nghiệp không phải xác sống. Hai trường hợp trên được kiểm chứng trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế ở Nhật Bản.

Các nghiên cứu của Hoshi (2006), Imai (2016) và Urionabarrenetxea và cộng sự (2018) lại dựa vào một số chỉ tiêu từ báo cáo tài chính của các doanh nghiệp để xác định DNSTV. Chỉ tiêu chủ yếu dựa vào khả năng sinh lợi và mức vay của các doanh nghiệp và so sánh thấy được rằng, các chỉ tiêu này của các doanh nghiệp được coi là xác sống sẽ khác rất nhiều với các doanh nghiệp khỏe mạnh. Các DNSTV bao gồm các doanh nghiệp có giá trị tài sản cầm cố âm mà vẫn tiếp tục giao dịch mặc dù không có vốn chủ sở hữu. Các doanh nghiệp có vốn chủ sở hữu âm đã mất toàn bộ giá trị tài sản ròng do thua lỗ trong nhiều năm; về lý thuyết, các doanh nghiệp này nên được thanh lý nhưng thực tế nó vẫn có các giao dịch và tiếp tục kinh doanh.

Nghiên cứu trường hợp các DNSTV tại Trung Quốc, Shen và Chen (2017) cũng dựa vào tiêu chí xác định một DNSTV thông qua phương pháp của Caballero và cộng sự (2008) và Fukuda and Nakamura (2011). Ông đưa ra các tiêu chí cụ thể để xác định một doanh nghiệp là xác sống, cụ thể: thứ nhất, doanh nghiệp đó có hệ số đòn bẩy (tỷ lệ vốn vay trên vốn sở hữu lớn hơn 50%; thứ hai, lợi nhuận thực tế hàng năm âm; thứ ba, nợ phải trả hàng năm của nó vượt quá số nợ báo cáo của năm trước đó. Nếu như mô hình của Caballero và (2008), Fukuda và Nakamura (2011) tập trung vào liệu các DNSTV này có được trợ cấp bất thường từ các tổ chức tài chính hay không và cách tiếp cận này phù hợp với các nước phát triển vì ở đó việc phân bổ các nguồn lực là do thị trường thực hiện. Tuy nhiên, Shen và Chen (2017) lại cho rằng, khi nghiên cứu về Trung Quốc thì cần tính đến yếu tố trợ cấp và giảm thuế của Chính phủ cho các DNSTV, vì Trung Quốc có nhiều DNNN.

Đặc điểm của DNSTV

(i) Năng suất thấp làm giảm năng suất của các doanh nghiệp khoẻ mạnh trong ngành

Trong báo cáo chính sách kinh tế của OECD, Andrews et al. (2017) đã phân tích về đặc điểm của các DNSTV là các doanh nghiệp có năng suất thấp và kéo theo là rào cản của năng suất của các doanh nghiệp khỏe mạnh. Ahearne and Shinada (2005) cũng đưa ra đặc điểm các DNSTV ngăn chặn các công ty sản xuất nhiều hơn từ việc giành thị phần, làm cho năng suất của nền kinh tế giảm xuống.

DNSTV được đặc trưng bởi hiệu quả sản xuất và sản lượng thấp, tình trạng thua lỗ kéo dài hoặc mất khả năng thanh toán (Jiang et al., 2017). Các DNSTV chủ yếu được xác định thông qua các tiêu chí liên quan đến vấn đề về khả năng thanh toán các khoản nợ và chỉ tiêu lợi nhuận qua các năm. Bản chất của DNSTV là những doanh nghiệp thuộc trường hợp thua lỗ kéo dài qua nhiều năm, tỷ lệ vay nợ lớn hơn 50% so với vốn chủ sở hữu và thậm chí mất khả năng thanh toán nhưng vẫn được tồn tại trên thị trường. Do đó, những doanh nghiệp này hoạt động kém hiệu quả.

(ii) Tiếp tục hưởng những khoản vay của ngân hàng mặc dù các DNSTV làm ăn thua lỗ

Khi nghiên cứu về DNSTV của Nhật Bản, Ahearne and Shinada (2005) cho rằng, một yếu tố góp phần vào sự suy yếu kinh tế của Nhật Bản thập kỷ qua là các ngân hàng Nhật Bản tiếp tục cung cấp hỗ trợ tài chính cho các công ty nợ nần, không hiệu quả, đó chính là các DNSTV. Cùng quan điểm, Thomas (2010), Hoshi (2006), hay Jiang và cộng sự (2017) đưa ra phân tích cho thấy rằng các DNSTV tồn tại được là nhờ vào sự trợ cấp của Chính phủ và các khoản vay từ ngân hàng. Các DNSTV thuộc sở hữu Nhà nước hay tư nhân không ảnh hưởng đến mức trợ cấp mà họ nhận được. Ông cho rằng, các điều kiện cần thiết cho sự sống còn của doanh nghiệp là sản xuất tốt, công cụ quản lý mạnh và khả năng tạo ra những đổi mới công nghệ vượt trội. Doanh nghiệp cần hoàn thành ba nhiệm vụ: sản xuất ra sản phẩm có chất lượng biến hàng tồn kho của họ thành dòng tiền để tiếp tục sản xuất và đổi mới; và liên tục tạo ra lợi nhuận. Tuy nhiên, các DNSTV có hiệu quả hoạt động thấp và chịu thua lỗ trong thời gian dài, nhưng nó vẫn tồn tại. Nguyên nhân chính là các khoản trợ cấp từ Chính phủ. Mặc dù được hỗ trợ các nguồn lực bên ngoài nhưng các DNSTV này lại không cải thiện được năng suất do các DNSTV thiếu khả năng duy trì hoạt động lành mạnh.

(iii) Hoạt động không hiệu quả, có thể xoay xở trả lãi vay nhưng không thể trả nợ gốc

DNSTV hoạt động không hiệu quả, có thể xoay xở trả khoản lãi vay, nhưng không thể trả nợ gốc (Jiang và cộng sự, 2017). Đây là đặc điểm chính gây ra tình trạng “sống dở chết dở” cho các DNSTV. Lợi nhuận mang lại từ hoạt động kinh doanh của họ chỉ đủ để trả các khoản lãi vay, họ không thể trả nợ gốc cũng như không đủ vốn để tái đầu tư, phát triển hoạt động kinh doanh/sản xuất hay vực dậy công ty. Doanh nghiệp không đủ nguồn tài chính để tái cấu trúc và tạo ra lợi nhuận. Các doanh nghiệp này ở trong tình trạng chưa đến mức bị phá sản nhưng cũng không đủ nguồn lực để tăng trưởng, làm ăn có lãi (Jiang và cộng sự, 2017).

Tác động của DNSTV đến nền kinh tế

Tác động của DNSTV đến tăng trưởng năng suất

Các DNSTV được coi là một rào cản đối với kinh tế sản xuất do sự tồn tại của các doanh nghiệp yếu kém này làm giảm năng suất trung bình của nền kinh tế. Các nghiên cứu trước đây đã phát hiện ra rằng các DNSTV có thể làm suy yếu hiệu quả kinh tế (Caballero và cộng sự, 2008; Adalet McGowan và cộng sự, 2017; Banerjee, Ryan và Hofmann, Boris, 2018).

McGowan (2017) đã sử dụng dữ liệu cấp doanh nghiệp trong ngành công nghiệp của 13 quốc gia thuộc OECD trong giai đoạn 2003-2013 để xem xét mức độ mà các doanh nghiệp "zombie" làm tổn hại đến năng suất. Kết quả nghiên cứu cho thấy sự phổ biến của các doanh nghiệp zombie đã tăng lên kể từ giữa những năm 2000 và sự gia tăng của các DNSTV với năng suất thấp đã làm tăng tắc nghẽn thị trường và hạn chế sự tăng trưởng của các doanh nghiệp hiệu quả hơn. Từ kết quả thực nghiệm, các tác giả đi đến kết luận: sự gia tăng của các công ty zombie dẫn tới sự suy giảm tăng trưởng sản lượng tiềm năng của OECD thông qua hai kênh chính: đầu tư kinh doanh và tăng trưởng năng suất nhân tố tổng hợp.

Nghiên cứu của nhóm tác giả Ricardo J. Caballero, Takero Hoshi, Anil K. Kashyap (2016) cũng cho rằng: Các DNSTV có mức năng suất thấp, nếu tiếp tục tồn tại thì sẽ gián tiếp ngăn cản sự ra nhập thị trường của những doanh nghiệp có năng suất cao hơn. Sự tồn tại DNSTV làm giảm năng suất trung bình của toàn ngành cũng như của toàn bộ nền kinh tế. Các tác giả đã kết luận là việc làm, năng suất lao động sẽ tăng trưởng cao hơn ở tất cả các ngành nếu như số DNSTV ít đi.

Tóm lại: Các nghiên cứu thực nghiệm với dữ liệu cấp doanh nghiệp, trong một hoặc nhiều ngành tại một hoặc nhiều quốc gia đều khá thống nhất nhận định: DNSTV ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng năng suất lao động và năng suất nhân tố tổng hợp. Giải quyết được vấn đề DNSTV trong nền kinh tế có thể tác động tích cực đến tăng trưởng trong dài hạn.

Tác động của DNSTV đến sự phân bổ nguồn lực

Nghiên cứu của McGowan và cộng sự (2017) cho thấy: sự tồn tại của các công ty yếu kém làm giảm năng suất trung bình, nhưng hậu quả cho sự tăng trưởng thậm chí còn tồi tệ hơn. Vì các công ty như vậy chiếm dụng nguồn tài nguyên khan hiếm, sự tồn tại lâu dài của họ có thể làm tăng tiền lương liên quan đến năng suất, làm giảm giá thị trường và làm suy yếu đầu tư - tất cả đều ngăn cản việc mở rộng sản xuất của các công ty, đặc biệt là các công ty khởi nghiệp. Những phát hiện trong bài viết có ý nghĩa về chính sách liên quan đến việc cải cách chính sách phá sản tại nhiều nước, và đưa ra bằng chứng thực nghiệm về việc phân bổ sai nguồn vốn và sự tồn tại của các doanh nghiệp năng suất thấp đã góp phần kìm hãm năng suất chung.

Kết quả nghiên cứu thực nghiệm của các tác giả đối với 9 quốc gia OECD cho thấy: sự gia tăng 1 điểm phần trăm trong tỷ trọng zombie trong một lĩnh vực làm giảm tỷ lệ chi tiêu vốn của các công ty không phải zombie khoảng 1 điểm phần trăm, giảm 17% so với tỷ lệ đầu tư trung bình.

Xinfeng Jiang và cộng sự (2017) cho rằng: sự tồn tại lâu dài của zombie không chỉ chiếm các nguồn tài nguyên quý giá mà còn gây ra các vấn đề về tài chính cho các doanh nghiệp khác, làm giảm hiệu quả sản xuất của toàn ngành. Các tác giả đã sử dụng dữ liệu của các công ty niêm yết tại Thượng Hải, Trung Quốc giai đoạn 2009-2016 để kiểm định giả thuyết nhằm giải thích nguyên nhân tồn tại của các DNSTV tại Trung Quốc: (H1) Các DNSTV ngắc ngoải nhưng không chết do họ tiếp cận được nguồn lực của chính phủ dưới dạng trợ cấp chính phủ; và (H2) Các DNSTV đảm nhận vị trí công việc lớn hơn sẽ nhận được khoản hỗ trợ của chính phủ lớn hơn.

Tác động của DNSTV đến lao động và việc làm

Các nghiên cứu chuyên sâu về tác động của DNSTV đến lao động việc làm trên thế giới không nhiều thường nằm trong các nghiên cứu tác động của nhóm các công ty này đến nền kinh tế nói chung trong đó có đề cập đến khía cạnh lao động việc làm ở các góc độ tốc độ phá hủy việc làm, quá trình tạo việc làm.

* Về tác động phá hủy việc làm

Theo nghiên cứu của nhóm tác giả Ricardo J. Caballero, Takero Hoshi, Anil K. Kashyap (2016) cho rằng sự xuất hiện của các DNSTV trong nền kinh tế Nhật Bản làm chậm quá trình phá hủy việc làm trong một số nhóm ngành điển hình như sản xuất, xây dựng, dịch vụ, bán buôn, bán lẻ bằng việc phân tích tương quan thay đổi trong tốc độ phá hủy việc làm với thay đổi trong chỉ số Zombie theo giá trị phần trăm.

Bản chất những DNSTV đang hoạt động kém hiệu quả, năng suất rất thấp, việc giữ quá nhiều nhân công chỉ khiến những doanh nghiệp này mất thêm chi phí, hơn nữa bản thân những công nhân thừa này cũng không thể cải thiện hiện trạng doanh nghiệp. Sa thải bớt nhân công từ những DNSTV khi đó làm cho nguồn lao động xã hội được sử dụng một cách hiệu quả hơn. Bởi vậy mà tác giả Shin-ichi Fukuda1 và Jun-ichi Nakamura (2011) khi nghiên cứu trong lĩnh vực Zombie ngân hàng đã chỉ ra giải pháp để xử lý một ngân hàng zombie, giúp zombie này tái sinh, hai việc cần làm là tái cơ cấu và giảm nhân viên. Tuy nhiên, bài báo này chỉ giới hạn trong phạm vi rất hẹp là lĩnh vực tài chính ngân hàng của Nhật Bản mà chưa đưa ra được phân tích tổng quan về các lĩnh vực khác.

Mặc dù đa số các công ty zombie ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế, tuy nhiên, một công ty zombie có thể được chính phủ bảo lãnh chỉ vì công ty sử dụng một số lượng lớn người lao động. Nếu công ty phá sản, nhiều người lao động mất việc làm có thể gây ra tác động xã hội đáng kể (Xinfeng Jiang và cộng sự, 2017).

* Về khả năng tạo mới việc làm

Sự tồn tại của các DNSTV không chỉ tác động đến tốc độ phá hủy việc làm mà nó còn tác động đến khả năng tạo mới việc làm. Nghiên cứu của nhóm tác giả Ricardo J. Caballero, Takero Hoshi, Anil K. Kashyap (2016) cho rằng sự tồn tại của các DNSTV trong nền kinh tế còn làm trì trệ quá trình tạo mới việc làm. Khi một ngành nghề có tốc độ phá hủy việc làm thấp thì khả năng tái tạo việc làm sẽ thấp. Sự thay đổi tỷ lệ tạo mới việc làm giảm đi đáng kể trong những ngành mà ở đó chỉ có sự gia tăng các DNSTV như: xây dựng, bán buôn và bán lẻ hay dịch vụ.

Người lao động vẫn làm tại các DNSTV mặc dù những doanh nghiệp này không hoạt động hoặc hoạt động không hiệu quả trong tình trạng thoi thóp. Điều này khiến cho các doanh nghiệp khác hoặc lĩnh vực ngành nghề khác thiếu lao động, xã hội lãng phí đi một nguồn lao động thậm chí là nguồn lao động chất lượng. Bên cạnh đó, nó còn làm thui chột tài năng và sự cống hiến của người lao động làm năng suất lao động trong từng doanh nghiệp, từng ngành nghề và trong cả nền kinh tế giảm sút.

Như vậy, sự tồn tại các DNSTV tác động tiêu cực đến lao động việc nói riêng và nền kinh tế nói chung. Chính điều này cũng gây cản trở bóp méo cho hoạt động của những doanh nghiệp khỏe mạnh bình thường khác, ngăn cản những doanh nghiệp tiềm năng ra nhập thị trường, trầm trọng hơn chúng làm những chỉ số hiệu quả hoạt động của những doanh nghiệp khỏe mạnh bình thường bị xấu đi, càng làm cho nền kinh tế trở nên trì trệ, lấn vào khủng hoảng hoặc khó thoát khỏi khủng hoảng nếu như không có những biện pháp phù hợp để giải quyết vấn nạn những DNSTV.

Phương pháp ứng xử của các quốc gia với DNSTV

Tái cơ cấu doanh nghiệp

Theo nghiên cứu của Raphael et al. (2017), các công ty "zombie" đã trở thành mối quan tâm chính ở Trung Quốc. Các tác giả đã sử dụng dữ liệu khảo sát công nghiệp cấp công ty mới nhằm minh họa vai trò trung tâm của zombie và mối liên hệ chặt chẽ với doanh nghiệp nhà nước (DNNN) trong việc góp phần vào lỗ hổng nợ và năng suất thấp. Là một nhóm, các công ty zombie và DNNN chiếm tỷ trọng lớn trong nợ công ty, đóng góp phần lớn vào tăng sinh nợ và đối mặt với các yếu tố cơ bản yếu kém. Kết quả khảo sát cũng cho thấy rằng việc giải quyết những doanh nghiệp yếu kém này có thể tạo ra mức tăng đáng kể từ 0,7-1,2 điểm phần trăm trong tăng trưởng dài hạn mỗi năm. Những kết quả này cũng làm sáng tỏ chiến lược của chính phủ để giải quyết những vấn đề này bằng cách đánh giá tác động của các tùy chọn tái cơ cấu khác nhau. Đặc biệt, việc giảm bớt, giảm trợ cấp của chính phủ, cũng như tái cơ cấu hoạt động thông qua thoái vốn và giảm dự phòng có lợi ích đáng kể trong việc khôi phục hiệu suất doanh nghiệp cho các công ty zombie.

Fukuda và Nakamura (2011) đã mở rộng phương pháp của Caballero và cộng sự (2008) và xác định zombie từ các công ty niêm yết, tiếp đó, điều tra bản chất của việc tái cơ cấu doanh nghiệp có hiệu quả trong việc phục hồi các công ty zombie. Dựa trên kết quả của các hồi quy Logit đa thứ bậc, các tác giả đã nhận định việc giảm sức mạnh của nhân viên của các công ty zombie và việc bán tài sản cố định của nó mang lại lợi ích trong việc tạo điều kiện phục hồi cho các công ty zombie. Tuy nhiên, nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, việc tái cấu trúc doanh nghiệp mà không minh bạch về kế toán hoặc bằng cách khuyến khích các nhà quản lý không hiệu quả. Ngoài ra, việc tái cơ cấu doanh nghiệp còn thiếu hiệu quả khi không có môi trường kinh tế vĩ mô thuận lợi cũng như hỗ trợ tài chính bên ngoài đáng kể.

Trợ cấp của chính phủ

Nghiên cứu của Jiang và các cộng sự (2017) đã dựa trên lý thuyết trao đổi xã hội, sử dụng dữ liệu về công ty niêm yết của Thượng Hải và Thâm Quyến của Trung Quốc từ năm 2009 đến năm 2016 để kiểm tra lý do tại sao các doanh nghiệp zombie "cứng", nhưng không có cái chết. Qua nghiên cứu, các tác giả thấy rằng, các doanh nghiệp zombie có thể 'nán lại một cách khó thở' do sự hỗ trợ của chính phủ dưới hình thức tăng trợ cấp và vay ngân hàng. Chính phủ có khuynh hướng cấp nhiều hơn trợ cấp cho các công ty zombie giả định gánh nặng chính sách lớn hơn, cụ thể những người cung cấp nhiều việc làm hơn. Hơn nữa, quyền sở hữu của một doanh nghiệp không ảnh hưởng đến mức độ “truyền máu” nhận được và sự hỗ trợ của chính phủ không hỗ trợ hiệu quả hoặc giá trị hoạt động. Hiện tượng này còn xa hơn khám phá trong bối cảnh các ưu đãi của các quan chức chính quyền địa phương phải duy trì ổn định việc làm.

Bài viết “Japan’s disposal of bad loans: failure or sucess? A review of Japan’s experience with bad debts and its implications for the global financial crisis” của Sasaki (2010) cho rằng, để xử lý các khoản nợ xấu trong giai đoạn khủng hoảng tài chính trầm trọng năm 2009, Chính phủ Nhật Bản đã thực hiện việc bơm vốn vào các ngân hàng và bảo lãnh tín dụng đặc biệt trao đổi với các doanh nghiệp nhỏ và đã đạt được thành công đáng kể.

Tái cấu trúc cho vay

Trong bài viết “Zombie Lending and Depressed Restructuring in Japan” đăng tải trong American Economic Review, Ricardo (2008) đã chỉ ra rằng, các ngân hàng lớn của Nhật Bản thường tham gia vào các cơ cấu tái cấu trúc cho vay giả để giữ tín dụng chảy sang những người vay nợ khác (mà chúng ta gọi là thây ma). Các tác giả đã xem xét các tác động của việc kìm hãm quá trình cạnh tranh bình thường, theo đó các thây ma sẽ làm mất công nhân và mất thị phần. Tình trạng tắc nghẽn do các thây ma tạo ra làm giảm lợi nhuận cho các công ty lành mạnh, điều này làm cản trở việc đầu tư và đầu tư của họ. Các tác giả xác nhận rằng các ngành công nghiệp bị chi phối bởi zombie thể hiện sự tạo ra và phá hủy công việc chán nản hơn và năng suất thấp hơn. Các tác giả cũng trình bày các hồi quy cấp độ công ty cho thấy sự gia tăng các zombie làm giảm sự đầu tư và tăng trưởng việc làm của những người không phải là zombie và mở rộng khoảng cách năng suất giữa zombie và không phải là zombie.

ĐÁNH GIÁ THỰC TRẠNG NGHIÊN CỨU VÀ KHOẢNG TRỐNG NGHIÊN CỨU VỀ DNSTV TẠI VIỆT NAM

Xuất phát từ tổng quan nghiên cứu các công trình nghiên cứu ngoài nước và trong nước về DNSTV, có thể thấy rõ một số khoảng trống nghiên cứu sau đây chưa được các nghiên cứu đề cập, làm rõ:

Một là, về khái niệm của DNSTV các nghiên cứu đều chưa thống nhất một khái niệm chung nhất. Mỗi một nghiên cứu lại khái niệm DNSTV dựa trên những đặc điểm của chúng trong phạm vi ngành, loại hình doanh nghiệp mà nghiên cứu đó thực hiện.

Hai là, về tiêu chí xác định DNSTV, các nghiên cứu mới chỉ liệt kê các tiêu chí, yếu tố xác định DNSTV một cách rời rạc mà chưa có một nghiên cứu nào tổng quát hoá, trừu tượng hoá các yếu tố rời rạc đó thành các nhóm biến đại diện cho các đặc trưng/ nhóm yếu tố giúp nhận diện DNSTV

Ba là, về mô hình nhận diện DNSTV. Mẫu quan sát trong các nghiên cứu chủ yếu đều sử dụng nghiên cứu tình huống đối với một ngành cụ thể, hoặc một loai hình doanh nghiệp cụ thể. Chưa có một nghiên cứu nào nghiên cứu nhận diện DNSTV trên phạm vi tổng quát hoá cho các ngành, loại hình doanh nghiệp đại diện cho cả một nền kinh tế của một quốc gia. Lý giải vấn đề này, có thể xuất phát từ tính dễ tiếp cận số liệu. Trên bình diện nền kinh tế, một số quốc gia có tính công khai thông tin tốt hơn một số quốc gia khác, hoặc ngược lại. Do đó, khi thực hiện nghiên cứu thực nghiệm nhận diện các DNSTV, mỗi nghiên cứu sẽ chọn lựa các ngành, loại hình doanh nghiệp dễ tiếp cận số liệu nhất. Đây cũng là lý giải hợp lý cho thực trạng các nghiên cứu về DNSTV.

Bốn là, về tiếp cận nghiên cứu, các nghiên cứu về DNSTV của châu Á thường nghiên cứu theo tiếp cận nhận diện DNSTV trong khi các nghiên cứu của châu Âu lại nghiên cứu về DNSTV tác động như thế nào đến nền kinh tế và cách thức xử lý các DNSTV. Chưa có một nghiên cứu toàn diện nào giải quyết cả hai bài toán nhận diện và đánh giá tác động của DNSTV đến nền kinh tế.

Tóm lại: Nghiên cứu về DNSTV là một hướng nghiên cứu mới phát triển gần đây và được quan tâm nhiều tại các quốc gia như: Nhật Bản, Trung Quốc, các quốc gia thuộc EU và OECD... Các mô hình thực nghiệm nhằm xác định các yếu tố giúp nhận diện DNSTV khá phong phú, đa dạng và tùy thuộc vào quốc gia, các doanh nghiệp trong mẫu. Nghiên cứu về chủ đề này tại Việt Nam vẫn còn rất hạn chế và chưa có các nghiên cứu thực nghiệm. Trong khi đó, các vấn đề liên quan đến tái cơ cấu các doanh nghiệp tại Việt Nam làm ăn kém hiệu quả luôn được các nhà quản lý và hoạch định chính sách quan tâm. Do đó, rất cần có những nghiên cứu thực nghiệm tại Việt Nam để đưa ra những cơ sở khoa học giúp giải quyết các vấn đề liên quan DNSTV. Các nghiên cứu hiện tại chỉ dừng lại trong phạm vi các lĩnh vực rời rạc như lĩnh vực ngân hàng, xử lý 1 phần nguyên nhân của nó như giải pháp cho nợ xấu, giải pháp cho các doanh nghiệp nhà nước mà ít quan tâm đến nghiên cứu mang tính đồng bộ xuất phát từ nguyên nhân của tình trạng ngày càng gia tăng tỷ lệ DNSTV trong nền kinh tế. Bên cạnh đó, cũng có rất ít các nghiên cứu nhận diện về DNSTV trong các lĩnh vực khác ngoài ngân hàng, doanh nghiệp nhà nước đặc biệt là các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán, thị trường Upcom làm ảnh hưởng lớn đến niềm tin của nhà đầu tư và nền tài chính quốc gia. Đây sẽ là những hướng nghiên cứu có thể được tiến hành trong thời gian tới về các DNSTV tại Việt Nam nhằm góp phần đưa ra các khuyến nghị và giải pháp hữu ích cho các đơn vị chức năng nhằm làm lành mạnh nền kinh tế./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Các công trình nghiên cứu ngoài nước

Ahearne, A. G. & Shinada, N. (2005), Zombie firms and economic stagnation in Japan. International Economics and Economic Policy, 2, 363-381.

Andrews, D., Mcgowan, M. A. & Millot, V. (2017), Confronting the zombies: Policies for productivity revival, OECD Publishing.

Banerjee, Ryan and Hofmann, Boris, The Rise of Zombie Firms: Causes and Consequences (September 1, 2018). ThuyếtSpetember 2018. Available at SSRN: https://ssrn.com/abstract=3288098

Caballero, R. J., Hoshi, T. & Kashyap, A. K. (2008), Zombie lending and depressed restructuring in Japan. American Economic Review, 98, 1943-77.

Fukuda, S.-i. & Nakamura, J.-i. (2011), Why Did ‘Zombie’ Firms Recover in Japan? The World Economy, 34, 1124-1137.

Hoshi, T. (2006), Economics of the living dead. The Japanese Economic Review, 57, 30-49.

Imai, K. (2016), A panel study of zombie SMEs in Japan: Identification, borrowing and investment behavior. Journal of the Japanese and International Economies, 39, 91-107.

Jaskowski, M. (2015), Should zombie lending always be prevented? International Review of Economics & Finance, 40, 191-203.

Jiang, X., Li, S. & Song, X. (2017), The mystery of zombie enterprises – “stiff but deathless”, China Journal of Accounting Research, 10, 341-357.

Kane, E. J. (1987), Dangers of capital forbearance: The case of the FSLIC and “Zombie” S&Ls. Contemporary Economic Policy, 5, 77-83.

Mark Thomas (2010), The Zombie Economy: Leadership In Times Of Uncertainty, PA Consulting Group.

Papworth, T. (2013), The Trading Dead: The zombie firms plaguing Britain’s economy, and what to do about them, Adam Smith Research Trust, England.

Shen, G. & Chen, B. (2017), Zombie firms and over-capacity in Chinese manufacturing, China Economic Review, 44, 327-342.

Urionabarrenetxea, S., Garcia-Merino, J. D., San-Jose, L. & Retolaza, J. L. (2018). Living with zombie companies: Do we know where the threat lies? European Management Journal, 36, 408-420.

Nakamura and Fukuda (2013), What happened to “Zombie” firms in Japan? Reexamination for the lost two decades, Global Journal of Economics, 2(2), 1-18.

Nakamura, J,I, (2017), Japanese Firms during the lost two decades. The Recovery of Zombie Firms and Entrenchment of Reputable Firms, ISBN 978-4-431-55916-0, Springer.

Sara Urionabarrenetxea, Leire San-Jose, Jose-Luis Retolaza (2016), Negative equity companies in Europe: theory and evidence, Business: Theory and Practive 17(4), 307-316.

Dan Andrews và Filippes Petroulakis (2017), Breaking the shackles: Zombie firms, weak banks and depressed restructuring in Europe, Economics department working paper No. 1433, OECD.

Manuela Storz, Michael Koetter, Ralph Setzer, Andreas, Westpha (2017), Do we want these two to tango? On zombie firms and stressed banks in Europe, Working Paper Series, European Central Bank. No 2104/ October 2017.

Müge Adalet McGowan, Dan Andrews and Valentine Millot (2017a), Insolvency Regimes, Zombie Firms and Capital Reallocation, Economics department working papers, No. 1399

Müge Adalet McGowan, Dan Andrews and Valentine Millot (2017b), The Walking Dead? Zombie Firms and Productivity Performance in OECD Countries, Economics department working papers, No. 1372,https://www.oecd.org/eco/The-Walking-Dead-Zombie-Firms-and-Productivity-Performance-in-OECD-Countries.pdf.

Raphael Lam, Alfred Schipke, Yuyan Tan, and Zhibo Tan (2017), Resolving China’s Zombies: Tackling Debt and Raising Productivity, IMF Working Paper, WP/17/266.

Các công trình nghiên cứu trong nước

1. Nguyễn Thị Tường Anh (2015), Ảnh hưởng của những DNSTV tới tăng trưởng kinh tế Nhật Bản trong giai đoạn “Thập kỷ mất mát”, Tạp chí Kinh tế đối ngoại, số 198.071115

2. Lê Trọng Nhi và Phùng Anh Tuấn (2012), Ngân hàng Zombie và tài sản độc hại, truy cập từ http://www.bvsc.com.vn/News/2012319/177802/ngan-hang-zombie-va-tai-san-doc-hai.aspx

3. Trịnh Quang Anh (2012), Tái cấu trúc tổ chức tín dụng – Bàn thêm về cách tiếp cận, Tạp chí Phát triển và Hội nhập, 2012

4. Trịnh Quang Anh (2012), Vấn đề nợ xấu ở các ngân hàng thương mại Việt Nam, giải pháp xử lý, Tạp chí Phát triển và Hội nhập, 2012


[1] Xem tại https://www.tienphong.vn/kinh-te/nhieu-diem-nghen-can-tro-tang-truong-kinh-te-1264975.tpo

[2] Xem tại http://vneconomy.vn/cuu-song-mot-doanh-nghiep-co-khi-con-tot-hon-tao-ra-mot-doanh-nghiep-moi-20180405162757469.htm

Ngày nhận bài: 12/4/2024; Ngày phản biện: 05/5/2024; Ngày duyệt đăng: 15/5/2024