Michel Barnier khẳng định, đàm phán thất bại là điều ông không mong muốn. Tuy nhiên, điều đó có khả năng xảy ra và cần chuẩn bị cho kế hoạch này. Ông nhắc lại rằng, nếu không có thoả thuận nào về các điều khoản thương mại hậu Brexit, EU và Anh có thể sẽ tuân theo hệ thống thuế quan của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Theo Michel Barnier, việc tăng đề nghị chi trả “biên lai” hậu Brexit mà các quan chức EU đưa ra ở mức 60 tỷ Euro mang ý nghĩa quyết định, mở ra các cuộc đàm phán về thoả thuận thương mại trong tương lai. Đây là một trong ba vấn đề then chốt mà EU yêu cầu để chấp nhận khởi động giai đoạn đàm phán thứ hai về mối quan hệ thương mại song phương. Các vấn đề này bao gồm quyền của các công dân châu Âu sinh sống và làm việc tại Anh, vấn đề thanh toán “các hoá đơn” Brexit và biên giới giữa Ireland với vùng Bắc Ireland của Anh.


Ông Michel Barnier -Trưởng đoàn đàm phán về Brexit

Tuy nhiên, Bộ trưởng Anh phụ trách đàm phán về việc Anh rời khỏi EU, David Davis cho rằng, nước Anh sẽ không đưa ra con số nào cho một thoả thuận tài chính trước khi có thể chuyển sang đàm phán về mối quan hệ thương mại trong tương lai.

Trả lời kênh truyền hình Sky News, ông David Davis tuyên bố: “Trong mỗi cuộc đàm phán, các bên cần cố gắng kiểm soát lịch trình làm việc vì hạn chót thực sự là vào tháng 12”. Ngoài ra, ông Davis đề cập tới Hội nghị thượng đỉnh EU sắp tới dự kiến diễn ra tại Brussels trong các ngày 14-15/12 tới.

Việc đạt được thoả thuận này trong vòng 2 tuần sẽ cho phép EU có đủ thời gian để chuẩn bị đầy đủ cho hội nghị cũng như lên kế hoạch cho giai đoạn tiếp theo về các mối quan hệ tương lai.

Sau cuộc đàm phán hôm 10/11 với ông Michel Barnier, Bộ trưởng David Davis nói rằng, bất cứ giải pháp nào cho đường biên giới của Ireland cũng không thể gây tổn hại cho sự toàn vẹn Hiến pháp của Vương quốc Anh./.

Nguồn tham khảo:
http://www.bbc.com/news/world-europe-41961412
https://www.theguardian.com/politics/2017/nov/12/eu-planning-for-collapse-of-brexit-talks-says-michel-barnier