Đây là chia sẻ của ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Hội nghị "Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp năm 2017”, với chủ đề “Đồng hành cùng doanh nghiệp, ngày 17/05/2017.

Doanh nghiệp bức xúc nhất là gánh nặng chi phí

Phát biểu sơ kết một năm thực hiện Nghị quyết 35, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, theo phản ánh của cộng đồng doanh nghiệp, chi phí kinh doanh cơ bản ở Việt Nam còn ở mức cao, nhất là: chi phí vay vốn, logistic, tiền lương, bảo hiểm, chi phí giao dịch, tuân thủ thủ tục.

Cụ thể, lãi suất bình quân Việt Nam hiện là 7%-9%, trong khi Trung Quốc chỉ là 4,3%; Malaysia 4,6%; Hàn Quốc 2%-3%; Nhật Bản 0,95%. Chi phí vận chuyển một container từ cảng Hải Phòng về Hà Nội đắt gấp 3 lần chi phí vận chuyển từ Hàn Quốc, Trung Quốc về Việt Nam; chi phí tiếp cận điện năng cao gấp 49 lần Philippines; chi phí nộp thuế cao nhất so với ASEAN 4 (39% lợi nhuận làm ra, cao hơn 2 lần Singapore). Chi phí kiểm nghiệm lô hàng trước khi xuất khẩu tăng trung bình từ 1,5-2 lần so với trước đây; thời gian kéo dài từ 7-10 ngày…

“Ngoài ra, các chi phí không chính thức vẫn là gánh nặng lớn cho doanh nghiệp, đặc biệt trong các thủ tục tiếp cận mặt bằng sản xuất kinh doanh, tiếp đón thanh tra, kiểm tra, thủ tục cấp giấy phép kinh doanh có điều kiện (66% doanh nghiệp trong Khảo sát PCI năm 2016 xác nhận trả loại phí này)”, Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh.

Dưới góc độ doanh nghiệp, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Nguyễn Văn Thân thẳng thắn cho biết, doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, gian khổ, trong đó bức xúc nhất là gánh nặng chi phí.

Về chi phí chính thức, ông Nguyễn Văn Thân cho rằng, kết quả cải cách thủ tục hành chính và thể chế đã giúp giảm nhiều chi phí chính thức, nhất là trong những lĩnh vực như thuế, hải quan, tạo một bước tiến về môi trường kinh doanh. Tuy nhiên, chi phí tuân thủ pháp luật trong một số lĩnh vực còn cao, một số quy định chồng chéo, phức tạp làm tăng thời gian và chi phí cho doanh nghiệp.

Theo ông Thân, chi phí tiếp cận một số dịch vụ công như cấp chứng chỉ hành nghề, trong lĩnh vực đất dai, xây dựng, tiếp cận tín dụng… chưa có sự cải thiện. Trong các lĩnh vực mà doanh nghiệp thường xuyên bị kiểm tra, như: thuế, hải quan, đánh giá tác động môi trường, phòng cháy chữa cháy…, doanh nghiệp còn phải chi các khoản không chính thức. Chi phí còn cao khiến giá thành sản phẩm cao, làm giảm khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, ảnh hưởng tới quyền lợi người tiêu dùng.

Chi phí kinh doanh cao làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp

Nói về nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên, ông Thân cho rằng, mặc dù Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách, giải pháp, nhưng khâu thực thi vẫn là khâu yếu nhất, một bộ phận cán bộ, công chức vẫn thể hiện sự thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm, không hướng dẫn hoặc hướng dẫn không hết mà tìm cách bắt lỗi doanh nghiệp, không coi doanh nghiệp là đối tượng phục vụ. Do đó, doanh nghiệp phải “đi đêm”, “chung chi”, theo tinh thần “của công chia ba, của nhà chia đôi”. Doanh nghiệp hiểu một phần lý do là tiền lương của cán bộ, công chức còn thấp, đạo đức công vụ thấp, nên họ phải tìm nguồn thu nhập thêm.

Mặt khác, từ phía doanh nghiệp, một bộ phận doanh nghiệp nhận thức không đúng về kinh tế thị trường, thiếu năng lực cạnh tranh nên cạnh tranh bằng quan hệ, đi đêm, đi ngầm… Một số khác do bị sức ép từ các công chức nên phải chi để được việc mặc dù nhận thức được việc làm này là không đúng, vi phạm pháp luật, nhưng vì sự tồn tại của doanh nghiệp, vì việc làm nên miễn cưỡng thực hiện.

“Nếu các chi phí không chính thức không được đẩy lùi, sẽ gây muôn vàn khó khăn cho doanh nghiệp, giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp và của quốc gia, làm hỏng bộ máy, giảm niềm tin của nhân dân”, ông Thân khẳng định.

2017 sẽ là năm giảm chi phí cho doanh nghiệp

Trả lời những phản ánh của doanh nghiệp về gánh nặng thuế phí, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, chi phí thuế của doanh nghiệp Việt Nam ở mức cao nhất khu vực là đúng, nhưng chủ yếu do phần nghĩa vụ này tính cả thuế và phần đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế...

Theo khẳng định của lãnh đạo ngành tài chính, so với các nước cùng khu vực, chi phí thuế của Việt Nam thậm chí còn thấp hơn. Tuy nhiên, do tỷ lệ đóng bảo hiểm cao, nên tính chung, chi phí kinh doanh của doanh nghiệp bị đội lên (ở đây đề cập đến chi phí chính thức).

Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng khẳng định, thời gian tới sẽ tiếp tục xây dựng phương án để cắt giảm chi phí, hỗ trợ doanh nghiệp tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn...

Về vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng cho biết, Chính phủ cam kết sẽ tiếp tục rà soát các quy định và thực hiện quyết liệt các giải pháp nhằm giảm bớt gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp, như: chi phí thủ tục hành chính về thuế, hải quan, giấy phép, phí BOT, chi phí về logicstic, chi phí sử dụng các công trình dịch vụ công, nhất là chi phí kiểm định, thẩm định, giám định, các chi phí kiểm tra khác của Nhà nước. Đây là những khoản đang đè nặng lên doanh nghiệp mà chúng ta phải nghiên cứu để giảm bớt cho doanh nghiệp.

Với những chỉ đạo giảm chi phí cho doanh nghiệp từ thuế phí đến chi phí BOT, logistic, các chi phí về thẩm định giám định, Thủ tướng nói vui rằng: “Có người đề nghị tôi đặt tên năm nay là năm giảm phí cho doanh nghiệp”.

Đặc biệt, để cụ thể hóa “lời nói đi đôi với việc làm”, trước những phản ánh về tình trạng thanh, kiểm tra chồng chéo thời gian vừa qua, Thủ tướng đã ký vào một Chỉ thị ngay đầu chiều nay mang số hiệu 20 để chấn chỉnh tình trạng này.

“Tinh thần lớn mà tôi muốn nhấn mạnh, đó là Chính phủ kiến tạo, liêm chính và phục vụ phải xây dựng và đảm bảo được một môi trường kinh doanh tốt, có tự do kinh doanh, có năng lực cạnh tranh cao, trong đó không những có tự do kinh doanh, tự do sáng tạo, mà còn có an toàn cả với người đầu tư kinh doanh và cả với tài sản đầu tư; Không chỉ có chi phí kinh doanh thấp, mà rủi ro kinh doanh cũng phải thấp; Không những độc quyền kinh doanh được kiểm soát, mà còn có chống buôn lậu, hàng nhái, hàng giả một cách hiệu quả để đảm bảo cho cạnh tranh thực sự công bằng, bình đẳng”, Thủ tướng cho biết.

Theo đó, nhà đầu tư không những được khuyến khích, hỗ trợ, mà còn được tôn trọng, vinh danh, bảo vệ. Một môi trường kinh doanh luôn tạo ra độ tin cậy cao và vững chắc để mọi người yên tâm kinh doanh, đầu tư dài hạn không ngừng mở rộng và phát triển.

Đổi lại, phía doanh nghiệp cũng phải thực hiện nhiệm vụ xây dựng thương hiệu của sản phẩm Việt Nam.

“Nên tự tin chuyển sang tâm thế hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam, chiếm lĩnh thị trường thứ 13 thế giới chính là đồng bào của mình rồi đi ra các nước khác bằng việc nâng cao chất lượng và mẫu mã bao bì. Quên thị trường này thì chúng ta thất bại!”, Thủ tướng lưu ý.

Để đạt được những mục tiêu nói trên, Thủ tướng cho rằng, cần có sự đồng lòng đồng sức của doanh nghiệp, doanh nhân cùng với Chính phủ. Mặt khác, từng công chức viên chức phải thấu hiểu trách nhiệm nghĩa vụ của mình để luôn đồng hành và bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp, quyền tài sản, quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp như quy định trong Hiến pháp.

“Tôi nghĩ bình minh đang đến với đất nước chúng ta, tin rằng các doanh nghiệp sẽ mang lại một bình minh rực sáng cho kinh tế Việt Nam”, Thủ tướng nói tại hội nghị. Đồng thời đề nghị, các doanh nghiệp cần kinh doanh liêm chính và bảo vệ tốt hơn vấn đề môi trường.

Nhắc lại câu nói của nguyên Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, Thủ tướng cho biết: “Phải tự cứu mình trước khi trời cứu”, theo đó, muốn đất nước giàu mạnh, thì doanh nghiệp phải phát triển, dân cường thì nước mới thịnh. Và Chính phủ cam kết luôn đồng hành cùng doanh nghiệp!./.