Theo thông cáo báo chí phát đi của Bộ Công Thương, từ hôm nay (01/12), giá bán lẻ điện bình quân được điều chỉnh với mức giá mới là 1.720,65 đồng/kWh, tăng 6,08% so với giá bán điện bình quân hiện hành.

Việc điều chỉnh giá bán điện lần này được thực hiện trên cơ sở kết quả kiểm tra giá thành sản xuất, kinh doanh điện năm 2016, trong đó có xem xét đến các yếu tố tăng giảm chi phí đầu vào và các khoản chi phí chưa tính vào giá thành sản xuất, kinh doanh điện năm 2016 và chi phí ước thực hiện năm 2017 theo quy định tại Quyết định số Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg, ngày 30/06/2017 của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán điện lẻ bình quân.

Mức giá cho từng nhóm khách hàng được thực hiện theo quy định tại Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg, ngày 07/04/2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ.

Giá điện bán lẻ bình quân sẽ ở mức 1.720,65 đồng/kWh

Cũng trong thông cáo báo chí phát đi, Bộ Công Thương công bố về giá thành điện năm 2016 cho biết, tổng cộng hoạt động sản xuất kinh doanh điện năm 2016 và các hoạt động liên quan đến hoạt động điện năm 2016 EVN lãi 2.658,20 tỷ đồng.

Tuy nhiên, tính riêng hoạt động sản xuất kinh doanh điện năm 2016 của EVN thì kết quả lại là lỗ 593,46 tỷ đồng. EVN có lãi nhờ bù trừ các hoạt động liên quan đến điện.

Cụ thể, tổng chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2016 là 266.104,25 tỷ đồng (thu nhập từ thanh lý, nhượng bán tài sản cố định và vật tư thu hồi, thu nhập từ hoạt động cho thuê cột điện đã được tính giảm trừ trong chi phí sản xuất kinh doanh điện).

Với chi phí này, giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2016 là 1.665,29 đ/kWh.

Với con số chi phí trên, EVN gặt hái doanh thu bán điện năm 2016 là 265.510,79 tỷ đồng (tương ứng giá bán điện thương phẩm bình quân thực hiện là 1.661,57 đ/kWh). Đồng thời, EVN lãi nhờ vào các khoản thu nhập từ các hoạt động có liên quan đến sản xuất kinh doanh điện trong năm 2016 là 3.251,66 tỷ đồng.

Ngoài ra, EVN còn có khoản thu nhập từ cổ tức và lợi nhuận được chia của Công ty mẹ EVN (số liệu EVN báo cáo): 75,00 tỷ đồng và khoản thu nhập từ cổ tức và lợi nhuận được chia, lãi chuyển nhượng vốn của các Tổng công ty Điện lực (số liệu EVN báo cáo): 293,43 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo báo cáo của cơ quan kiểm toán độc lập, có một số các khoản chi phí hiện vẫn chưa tính vào giá thành sản xuất, kinh doanh điện năm 2016.

Đó là khoản chênh lệch tỷ giá chưa thực hiện phân bổ lũy kế đến ngày 31/12/2016 của các công ty sản xuất, kinh doanh điện do công ty mẹ EVN sở hữu 100% vốn, trong đó, Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia là 2.352,25 tỷ đồng; Công ty mẹ Tổng công ty phát điện 1 là 2.782,52 tỷ đồng; Công ty mẹ - Tổng công ty phát điện 3 là 3.374,22 tỷ đồng.

Khoản chênh lệch tỷ giá chưa thực hiện phân bổ lũy kế đến ngày 31/12/2016 của khối các công ty cổ phần có vốn góp chi phối của Tập đoàn Điện lực Việt Nam gồm Công ty cổ phần Nhiệt điện Hải Phòng là 714,26 tỷ đồng, Công ty cổ phần Nhiệt điện Quảng Ninh là 386,70 tỷ đồng và Công ty cổ phần Nhiệt điện Phả Lại là 185,48 tỷ đồng.

Như vậy, đây là lần đầu tiên sau 3 năm, giá điện chính thức tăng. Song mức tăng thấp hơn so đợt tăng 7,5% vào ngày 16/03/2015.

Trong cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá mới đây, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu Bộ Công Thương trong trường hợp cần thiết phải tăng giá điện cần cân nhắc điều chỉnh ở mức thấp nhất có thể, đồng thời kết hợp đồng bộ với các giải pháp hỗ trợ tăng trưởng khác để bù đắp cho mức giảm tốc độ tăng GDP tương ứng.

Đánh giá về tác động của tăng giá điện tới nền kinh tế, theo TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, ngành điện đã "kìm hãm" tăng giá trong vòng 2 năm qua và đây là áp lực rất lớn lên hoạt động đầu tư. Do đó, việc cân nhắc điều chỉnh giá điện là điều không thể tránh, nhất là trong bối cảnh cần cung cấp đủ điện phục vụ cho các chỉ tiêu phát triển kinh tế của Chính phủ.

Cũng dưới góc độ nghiên cứu, PGS, TS. Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý giá (Bộ Tài chính) đánh giá, giá điện là yếu tố đầu vào quan trọng đối với tất cả các ngành sản xuất kinh doanh, nên giá điện tăng chắc chắn tác động toàn bộ các ngành kinh tế, gây thêm trở ngại cho doanh nghiệp. Mức tăng nhiều hay ít tùy thuộc vào từng ngành nghề cụ thể sử dụng nhiều hay ít điện. Trước mắt, sẽ tác động lên chỉ số giá tiêu dùng tháng 12/2017 và sẽ kéo qua năm 2018. Người tiêu dùng sắp tới cũng sẽ chịu tăng thêm chi phí do giá điện sinh hoạt tăng và giá sản phẩm hàng hóa tăng theo giá điện.

Ở góc độ sản xuất, tiền điện chiếm phần không nhỏ trong tổng giá thành sản xuất của một doanh nghiệp. Vì vậy, khi giá điện tăng, tức là giá thành sản phẩm cũng tăng. Trong khi đó, trong bối cảnh không thể tăng giá bán sản phẩm thì lợi nhuận của doanh nghiệp sẽ ngày càng sụt giảm. Còn nếu tăng giá bán sản phẩm thì gánh nặng lúc ấy sẽ đổ lên người tiêu dùng./.