Giải “bài toán” chồng chéo trong quản lý an toàn thực phẩm
Quản lý vẫn yếu kém “tứ bề”
Theo báo cáo của Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (Nafiqad), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 3 tháng đầu năm, đã có 25 tỉnh kiểm tra các cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp, nông lâm thủy sản theo Thông tư số 45/2014/TT-BNNPTNT.
Kết quả cho thấy, các cơ sở loại C (không đủ điều kiện) vẫn còn cao, riêng trong lĩnh vực thủy sản chiếm tới 46%.
TS. Đào Thế Anh, Phó Viện trưởng Viện Cây Lương thực và Cây thực phẩm - Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, trước đây, Việt Nam chưa chú trọng kiểm soát ATTP nên không phát hiện tình trạng thiếu an toàn.
Sau khi Luật ATTP ra đời năm 2010, nhiều vấn đề nhức nhối được phát hiện, xử lý, tuy nhiên vẫn chưa thể kiểm soát tốt tình hình.
“Đơn cử như ngay tại các siêu thị lớn, nhiều nơi gắn mác bán rau VietGap nhưng thực tế siêu thị chỉ mua một lượng nhất định rau VietGap “xịn” từ nông dân rồi trà trộn thêm nhiều loại rau không rõ nguồn gốc khác, đánh lừa người tiêu dùng. Điều này xuất phát từ việc mua rau VietGap đắt hơn vì chi phí đầu tư cao, trong khi siêu thị chỉ tăng giá bán được khoảng 20% so với rau thông thường, gây ảnh hưởng đến lợi nhuận kinh doanh”, TS. Đào Thế Anh nói.
Tại Hội thảo tham vấn quốc gia về các thách thức trong thể chế quản lý ATTP ở Việt Nam mới đây, ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Nafiqad thừa nhận, quản lý ATTP của Việt Nam vẫn còn bộc lộ nhiều điểm yếu.
Đó là hệ thống chính sách, pháp luật văn bản dưới luật của các bộ chậm ban hành, chưa hoàn toàn đồng bộ và hài hòa; chưa gắn giải pháp kỹ thuật với giải pháp kinh tế, thương mại.
Bên cạnh đó, quản lý chất lượng, ATTP nông, lâm, thủy sản (đầu ra) với quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp (thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, phân bón, thức ăn chăn nuôi…) và hóa chất, phụ gia trong bảo quản, chế biến thực phẩm cũng thiếu sự gắn kết với nhau.
Trong khi đó, tổ chức sản xuất, kinh doanh nông sản còn manh mún, nhỏ lẻ, khó áp dụng tiến bộ kỹ thuật, quy trình sản xuất an toàn; thiếu phương thức liên kết bền vững giữa các nhà sản xuất nhỏ với nhà tiêu thụ, phân phối.
Nguồn lực hạn chế cả về nhân lực, hạ tầng kỹ thuật và kinh phí hoạt động. Công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành chưa bài bản, còn trùng lặp, chậm truy xuất, điều tra xử lý sự cố ATTP.
Đặc biệt, hiện nay, hệ thống kiểm soát ATTP tổ chức còn dàn trải, phân tán giữa các cấp. Mặc dù đã chuyển từ hình thức quản lý liên ngành sang phân chia mảng phụ trách độc lập, nhưng nhiều ý kiến cho rằng, hiệu quả quản lý ATTP chưa có nhiều cải thiện do sự vận hành của các cơ quan trong từng bộ cũng như sự phối hợp giữa các bộ liên quan còn thiếu nhịp nhàng. Theo TS. Đào Thế Anh, trong quản lý ATTP, muốn đảm bảo sự khách quan, nguyên tắc là phải tách rời được cơ quan thúc đẩy sản xuất với đơn vị thanh kiểm tra ATTP. Suốt thời gian dài, việc này vẫn chưa giải quyết được.
Đơn cử như tại Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục Bảo vệ thực vật là đơn vị thúc đẩy sản xuất nhưng sau đó lại chính các đơn vị này tự kiểm tra, đánh giá ATTP. Khi phát hiện ra những vấn đề mất ATTP, ví dụ như dư lượng tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong rau quả còn cao, cơ quan chức năng thường có tâm lý “ém” thông tin vì sợ lộ sự yếu kém của ngành. Hiện tượng “vừa đá bóng vừa thổi còi” này rất rõ ở địa phương.
Ngoài những bất cập trong quản lý của nội bộ ngành, công tác phối hợp giữa các bộ cũng thiếu nhịp nhàng, đặc biệt là giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công Thương.
Trách nhiệm của Bộ Công Thương phải quản lý tốt ATTP ở hệ thống bán lẻ nhưng hiện bộ này chưa làm được, từ đó không khuyến khích sản xuất an toàn phát triển. Trong nhiều năm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đầu tư tiền bạc, công sức đào tạo nông dân sản xuất đảm bảo ATTP. Song do quản lý khâu bán lẻ yếu kém không phân biệt được hàng hóa an toàn và không an toàn, làm mất lòng tin của người tiêu dùng, cho nên sau khi kết thúc dự án, người nông dân lại trở về cách làm cũ không đảm bảo ATTP nhưng chi phí thấp hơn.
Một trong những vấn đề bất cập hiện nay phải kể tới là quản lý ATTP tại các chợ thực phẩm tươi sống rất yếu kém. Hiện, chợ bán lẻ do Bộ Công Thương quản lý nhưng làm chưa đạt yêu cầu. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được phân công quản lý chợ đầu mối, thiếu kinh nghiệm nên cũng còn lúng túng. Mỗi bộ quản lý một chợ, không thống nhất, khập khiễng khiến tình trạng quản lý ATTP tại chợ gần như bị “bỏ ngỏ” và như vậy việc quản lý theo chuỗi dường như không hoạt động.
Nguyên nhân do đâu?
Có thể nhận thấy, điểm “mấu chốt” dẫn tới tình trạng “lệnh pha” giữa các bộ trong quản lý ATTP hiện nay là bởi trong chiến lược quản lý ATTP đang thiếu một lộ trình hành động, về thực hiện chính sách cụ thể, rõ ràng trong khi bản chất của quản lý ATTP là liên ngành.
Hiện nay, “mạnh ngành nào ngành ấy chạy”, không quan tâm để ý xem đơn vị khác làm đến đâu, làm như thế nào, công việc điều phối chỉ ở chủ trương chung chứ thiếu hẳn điều phối kỹ thuật cụ thể.
Công việc kiểm soát ATTP cũng được phân cấp mạnh theo ngành dọc cho các địa phương. Bộ, ngành, địa phương nào tích cực thì công tác quản lý ATTP khởi sắc và ngược lại.
Tuy nhiên, điều đáng bàn là ngay cả đối với những bộ, ngành địa phương thiếu tích cực, chậm chạp cũng không có chế tài xử phạt gì vì nguyên nhân chủ yếu vẫn là bài ca “thiếu người thiếu kinh phí”.
Thiếu lộ trình thực hiện chiến lược ATTP khiến cho hệ thống đầu tư giữa các bộ, ngành địa phương không đồng bộ. Ví dụ như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế có thể đầu tư hệ thống quản lý ATTP với máy móc, công nghệ hiện đại nhưng Bộ Công Thương lại từ từ...
Tình trạng này cũng có thể xảy ra ở giữa các địa phương với nhau, khi địa phương này chú trọng đầu tư cho quản lý ATTP còn địa phương khác lại lơ là. Khi đã thiếu đồng bộ thì không thể hình thành quản lý ATTP theo chuỗi từ trang trại đến bàn ăn. Để giải quyết tình trạng này, cần xây dựng lộ trình quản lý ATTP phù hợp hơn với tiếp cận quản lý rủi ro trong đó có những phân công, tiến độ cụ thể giữa các bộ, ngành như cùng một vấn đề bao giờ phải làm xong, làm đến đâu, không làm được sẽ chịu trách nhiệm như thế nào, ai chịu trách nhiệm?…
Xung quanh câu chuyện quản lý ATTP, bà Lucia Frick, tư vấn viên của Bộ Ngoại giao, Thương mại và Phát triển Canada (DFATD) nhận định, ở Việt Nam hiện không ai biết số liệu thực tế bao nhiêu % sản phẩm của mỗi chủng loại đảm bảo an toàn.
Các bộ, ngành có báo cáo nhưng là báo cáo nội bộ, dù có kiểm tra giám sát hoạt động sản xuất kinh doanh, nhưng danh tính các cá nhân và doanh nghiệp vi phạm không được chia sẻ nên không ai biết rõ doanh nghiệp nào vi phạm.
Ngoài ra, về mặt lý thuyết, Việt
Cần lập một đơn vị quản lý ATTP thực phẩm
Theo bà Lucia Frick, để giải quyết “bài toán” ATTP ở Viêt Nam hiện nay cần thành lập một cơ quan quản lý ATTP duy nhất, tách biệt, đảm bảo tính độc lập và khách quan.
Còn ông Nguyễn Như Tiệp lại cho rằng, để chất lượng quản lý ATTP được nâng cao, điều quan trọng là phải điều chỉnh tổ chức lực lượng của hệ thống quản lý, kiểm soát ATTP nhằm tăng cường phối hợp quản lý, kiểm soát hiệu quả trong toàn chuỗi cung ứng thực phẩm. Bên cạnh đó, đổi mới cơ chế chính sách, huy động nguồn lực đầu tư cho sản xuất kinh doanh nông sản an toàn quản lý, kiểm soát ATTP cũng là việc phải tính toán nghiêm túc.
Một số chuyên gia nhận định, về dài hạn từ năm 2020 cần thành lập cơ quan quản lý ATTP quốc gia trực thuộc Chính phủ trên cơ sở Cục ATTP (Bộ Y tế), Viện Kiểm nghiệm ATTP (Bộ Y tế) và Nafiqad.
TS. Đào Thế Anh cũng hiến kế, về lâu dài đây cũng là hướng đi cần thiết, đúng đắn trong quản lý ATTP tại Việt
Tuy nhiên, trước mắt, điều phải làm ngay là hoàn thiện cả hệ thống văn bản quy phạm pháp luật lẫn tăng cường năng lực bộ máy tổ chức thực thi pháp luật ATTP. Đồng thời, hoàn thiện văn bản thể chế hóa quản lý ATTP tại chợ đầu mối và chợ bán lẻ, lò mổ nhỏ đạt tiêu chuẩn ATTP và chính sách khuyến khích các tác nhân sử dụng các cơ sở này hiệu quả.
Ngoài ra, trong ngắn hạn từ năm 2015 phải thu gọn đầu mối quản lý giám sát ATTP theo 3 chuỗi ngành hàng trong Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản) và Nafiqad là cơ quan đầu mối, điều phối ATTP trong Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Tại cấp Trung ương cũng phải thay đổi về phân công nhiệm vụ quản lý ATTP, tập trung đầu mối giám sát ATTP, tiến tới tách biệt với quản lý chất lượng và GAP…
Đặc biệt, để quản lý tốt ATTP, thì ngoài việc trông chờ sự đổi thay từ phía cơ quan chức năng, người tiêu dùng cũng cần tăng sự chủ động tự bảo vệ quyền lợi cho chính mình. Theo đó, nếu người tiêu dùng phát hiện ra thực phẩm mất an toàn, gây sức ép lên hệ thống bán lẻ để buộc hệ thống này phải tìm nguồn hàng cung cấp an toàn hơn, nếu không người tiêu dùng sẽ “tẩy chay” hệ thống đó.
Thậm chí, người tiêu dùng còn tham gia đặt hàng cơ sở sản xuất và hệ thống bán lẻ, đồng thời trực tiếp tham gia giám sát, quản lý chuỗi ATTP. Ở vùng đô thị Việt
Bình luận