Giải ngân đầu tư công 6 tháng đầu năm 2022 ước đạt 192,2 nghìn tỷ đồng, đạt 35,3% kế hoạch năm
Nguồn: Báo Chính phủ

Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội quý II/2022 tăng 10,1%

Tổng cục Thống kê cho biết, vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội trong 6 tháng đầu năm 2022 theo giá hiện hành ước đạt 1.301,2 nghìn tỷ đồng, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam đạt mức cao nhất so với 6 tháng đầu năm của các năm 2018-2022, đây là động lực quan trọng đóng góp cho tăng trưởng 6 tháng đầu năm và cả năm 2022.

Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội quý II/2022 theo giá hiện hành ước đạt 738,6 nghìn tỷ đồng, tăng 10,1% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Vốn khu vực Nhà nước ước đạt 191,8 nghìn tỷ đồng, tăng 9,5%; khu vực ngoài Nhà nước đạt 415,9 nghìn tỷ đồng, tăng 10,4%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 130,9 nghìn tỷ đồng, tăng 9,7%.

Hình 1: Tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội theo giá hiện hành 6 tháng các năm 2018-2022

Đơn vị: Nghìn tỷ đồng

Nguồn: Tổng cục Thống kê

Theo Tổng cục Thống kê, ước tính 6 tháng năm 2022, vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội theo giá hiện hành đạt 1.301,2 nghìn tỷ đồng, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, vốn khu vực Nhà nước đạt 328,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 25,2% tổng vốn và tăng 9,5% so với cùng kỳ năm trước; khu vực ngoài Nhà nước đạt 739,3 nghìn tỷ đồng, bằng 56,8% và tăng 9,9%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 233,5 nghìn tỷ đồng, bằng 18% và tăng 8,9%.

Giải ngân đầu tư công tăng 10,1% so với cùng kỳ năm trước

Theo Tổng cục Thống kê, trong vốn đầu tư của khu vực Nhà nước, vốn thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2022 ước đạt 192,2 nghìn tỷ đồng, bằng 35,3% kế hoạch năm và tăng 10,1% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2021 bằng 34,8% và tăng 11,9%).

Theo cấp quản lý, vốn trung ương đạt 33,4 nghìn tỷ đồng, bằng 32,2% kế hoạch năm và tăng 14,6% so với cùng kỳ năm trước; vốn địa phương đạt 158,8 nghìn tỷ đồng, bằng 36,1% và tăng 9,2%.

Trong vốn địa phương quản lý, vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh đạt 104,1 nghìn tỷ đồng, bằng 34,3% và tăng 4,9%; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện đạt 47 nghìn tỷ đồng, bằng 39,3% và tăng 20,4%; vốn ngân sách Nhà nước cấp xã đạt 7,7 nghìn tỷ đồng, bằng 45% và tăng 8,2%.

Hình: Tốc độ tăng/giảm vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội theo giá hiện hành 6 tháng các năm giai đoạn 2018-2022

Nguồn: Tổng cục Thống kê

Theo báo cáo của UBND TP Hà Nội, kết quả giải ngân vốn đầu tư công cấp Thành phố đến nay là 3.375,205 tỷ đồng, chỉ đạt 14,5% kế hoạch.

Về kết quả giải ngân theo ngành, lĩnh vực, UBND TP. Hà Nội cho biết lĩnh vực văn hóa đạt cao nhất, với 238/493 tỷ đồng (48,3% kế hoạch); các lĩnh vực hạ tầng tái định cư, tòa án nhân dân, viện kiểm sát nhân dân đứng thứ 2 (31,3% kế hoạch); lĩnh vực giáo dục - đào tạo và giáo dục dạy nghề đứng thứ 3 (19,7% kế hoạch).

Tuy nhiên, lĩnh vực giao thông, lĩnh vực y tế, dân số và gia đình chỉ đạt 10-12% kế hoạch; nhiều lĩnh vực đạt dưới 10%. Đáng chú ý, lĩnh vực môi trường chỉ đạt 1%; lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật cấp, thoát nước chỉ đạt 1/272 tỷ đồng, đạt 0,4% kế hoạch.

Lĩnh vực thể dục, thể thao chưa giải ngân đồng nào, dù được giao kế hoạch 18 tỷ đồng; lĩnh vực phát thanh, truyền hình cũng rơi vào tình trạng tương tự dù được giao 28,5 tỉ đồng theo kế hoạch.

Kết quả giải ngân vốn đầu tư công cấp huyện đạt 5.738,287 tỷ đồng, đạt 23,03% kế hoạch Thành phố giao.

Báo cáo chung từ Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (sau khi 6 tổ công tác của Chính phủ có cuộc họp với một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương về kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2022) cho thấy, về cơ bản, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã thành lập tổ công tác trong từng cơ quan, đơn vị để rà soát khó khăn, vướng mắc các dự án đang triển khai trong năm 2022.

Ở các địa phương, chủ tịch UBND tỉnh đã phân công các phó chủ tịch tỉnh theo dõi các dự án lớn, trọng điểm của địa phương để thường xuyên rà soát, kiểm tra, đôn đốc quá trình triển khai dự án; chủ động thực hiện điều chuyển kế hoạch vốn giữa các dự án chậm giải ngân sang các dự án có tiến độ giải ngân tốt còn thiếu vốn.

Các bộ, cơ quan trung ương và địa phương cũng nêu khá chi tiết các nguyên nhân làm chậm tiến độ giải ngân vốn đầu tư.

Tuy nhiên, hầu hết vẫn là những vướng mắc đã được phát hiện từ nhiều năm nhưng chưa được xử lý dứt điểm; chưa có kiến nghị cụ thể đối với Chính phủ, từng bộ quản lý chuyên ngành, lĩnh vực (đầu tư công, đất đai, xây dựng…) trong việc giải quyết, xử lý vướng mắc cho từng dự án cũng như chưa có giải pháp căn cơ để thúc đẩy mạnh mẽ tiến độ giải ngân./.