Tình hình kinh tế Việt Nam năm 2023 với nhiều thuận lợi với khó khăn, thách thức đan xen, nhưng khó khăn nhiều hơn. Trong bối cảnh đó, khơi thông nguồn lực, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công có vai trò hết sức quan trọng, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân, tạo không gian phát triển mới cho các bộ, ngành, địa phương, góp phần phát triển nhanh và bền vững. Nhân kỷ niệm 78 năm Quốc khánh (02/9/1945-02/9/2023), Tạp chí Kinh tế và Dự báo có cuộc phỏng vấn Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương xung quanh những nội dung này.

Khơi thông nguồn vốn đầu tư công, thúc đẩy tăng trưởng nhanh và bền vững
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương. Ảnh Đức Trung

THÚC ĐẨY GIẢI NGÂN ĐẦU TƯ CÔNG – ĐỘNG LỰC TĂNG TRƯỞNG QUAN TRỌNG

PV: Ngay từ các tháng đầu năm 2023, các bộ, ngành và địa phương tập trung đẩy mạnh thực hiện nguồn vốn đầu tư công, đặc biệt trong quý II/2023. Đây là điểm sáng, là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế quý II. Bộ Kế hoạch và Đầu tư với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư công, xin Thứ trưởng cho biết một số nhận định về kết quả giải ngân đầu tư công những tháng qua?

Thứ trưởng Trần Quốc Phương: Kinh tế nước ta trong quý II/2023 ước tính tăng 4,14%, cao hơn mức tăng 3,28% của quý I/2023 cho thấy nhiều chính sách, giải pháp được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quyết liệt ngay từ đầu năm đã bước đầu phát huy hiệu quả, trong đó có giải pháp đẩy mạnh thực hiện nguồn vốn đầu tư công. Đây là điểm sáng, là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế quý II và những tháng đầu năm 2023.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư công, ngay từ đầu năm đã tham mưu trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP, Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 23/3/2023 với nhiều giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, Chương trình mục tiêu quốc gia và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ thành lập 05 Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; phân công các Thành viên Chính phủ chủ trì, cùng lãnh đạo các bộ, cơ quan trung ương liên quan trực tiếp đôn đốc làm việc với các địa phương về tình hình, giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đầu tư công...

Với sự nỗ lực của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng các bộ, cơ quan trung ương và địa phương, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công đã có những cải thiện rõ rệt. Ước thanh toán từ đầu năm đến hết tháng 7 là trên 284.238 tỷ đồng, đạt 35,17% kế hoạch. Riêng nguồn vốn thuộc kế hoạch năm 2023, ước thanh toán đến hết tháng 7 đạt trên 267.625 tỷ đồng, đạt 37,85% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (cùng kỳ đạt 34,47%), về số tuyệt đối cao hơn gần 81 nghìn tỷ đồng so với số vốn kế hoạch đầu tư vốn NSNN đã giải ngân trong 7 tháng đầu năm 2022. Ngoài ra, lũy kế thanh toán kế hoạch vốn các năm trước kéo dài sang năm 2023 đến hết tháng 7 đạt 16.613,2 tỷ đồng, đạt 30,7% kế hoạch.

Nhiều dự án trong Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội đã cơ bản hoàn thiện thủ tục, đến thời điểm này đang được tập trung triển khai thực hiện. Nhiều dự án cao tốc đã được khởi công, như: đường Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh; Vành đai 4 Hà Nội; đường cao tốc Cao Lãnh - An Hữu giai đoạn 1; các tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1; khánh thành 2 tuyến cao tốc Nha Trang - Cam Lâm và Vĩnh Hảo - Phan Thiết…

Với khối lượng vốn đầu tư công năm 2023 rất lớn, trên 700 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 23% so với kế hoạch năm 2022 và cũng là năm có nguồn lực lớn nhất trong vòng 10 năm trở lại đây, những tín hiệu tích cực từ giải ngân vốn đầu tư công trong quý II và trong thời gian tới sẽ là động lực rất quan trọng để hỗ trợ tăng trưởng nền kinh tế năm nay.

PV: Tuy nhiên, thực tế cũng đang cho thấy, vẫn còn nhiều vướng mắc trong giải ngân đầu tư công. Trong bối cảnh đó, liệu chúng ta có khả năng “tiêu” hết nguồn vốn rất lớn được Quốc hội, Chính phủ giao trong năm 2023? Đâu là điểm mấu chốt để có thể tạo ra đột phá nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, góp phần thúc đẩy tăng trưởng như kỳ vọng, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Trần Quốc Phương: Năm 2023 là năm thách thức với hoạt động đầu tư công vì nhiệm vụ phải giải ngân rất lớn, lại đặt trong bối cảnh độ trễ của lạm phát thế giới sẽ phản ánh vào tình hình kinh tế trong nước với những biến động khó lường về giá cả năng lượng, nguyên, vật liệu thiết yếu của ngành xây dựng.

Với khó khăn và bối cảnh đó, để thực hiện mục tiêu đạt tỷ lệ giải ngân trên 95% theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương cần tập trung, quyết liệt hơn nữa thực hiện các giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Trong đó, cần triển khai ngay các nhiệm vụ sau:

Thứ nhất, giao, điều chỉnh kế hoạch vốn cho các nhiệm vụ, dự án đã được Chính phủ báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5 ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch vốn trung hạn và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Thứ hai, điều chỉnh vốn giữa các nhiệm vụ, dự án của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội với các nhiệm vụ, dự án thuộc Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 đã được bố trí vốn trong kế hoạch năm 2023 theo đúng Nghị quyết số 93 của Quốc hội nhằm giải ngân cao nhất kế hoạch vốn của Chương trình. Trường hợp không thể điều chỉnh, đề nghị các bộ, ngành và địa phương có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền điều chỉnh cho các bộ, ngành và địa phương khác.

Đối với kế hoạch vốn năm 2023 đã bố trí cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Kế hoạch đầu tư công trung hạn, không trả lại kế hoạch vốn năm 2023 theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Thứ ba, tập trung rà soát, thu hồi vốn ứng trước, rà soát nợ đọng xây dựng cơ bản vốn NSNN theo quy định tại các Nghị quyết số 91, Nghị quyết số 93 của Quốc hội và hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023).

Thứ tư, phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng Báo cáo đánh giá giữa kỳ Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 trình Ban Chấp hành Trung ương, Quốc hội bảo đảm chất lượng, đúng tiến độ. Trong đó, các địa phương tập trung hoàn thiện dữ liệu về kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách địa phương trên Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư công. Các bộ, ngành địa phương đánh giá, phân tích sâu sắc kết quả giữa kỳ thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn, nhất là những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, qua đó kiến nghị hết sức cụ thể để Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6 được tổ chức vào tháng 10/2023.

Một điểm mấu chốt có thể tạo ra đột phá giúp đầu tư công giải ngân theo đúng như mục tiêu đặt ra, phát huy được vai trò là động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế, theo tôi, đó là việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong đầu tư công. Theo đó, các bộ, ngành và địa phương cần:

(1) Chủ động, thực sự vào cuộc và trả lời, hướng dẫn xử lý, tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn một cách kịp thời, hiệu quả. Người đứng đầu phải trực tiếp chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan và chịu trách nhiệm giải trình về kết quả giải ngân cũng như hiệu quả đầu tư;

(2) Tập trung chỉ đạo, thực hiện các giải pháp, khắc phục những tồn tại, hạn chế, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm; phân công lãnh đạo phụ trách từng dự án;

(3) Tăng cường tần suất kiểm tra hiện trường để kịp thời chấn chỉnh các tồn tại, bất cập; lựa chọn chủ đầu tư, ban quản lý dự án có đủ năng lực, kinh nghiệm để thực hiện dự án; yêu cầu ban quản lý dự án, nhà thầu có tiến độ tổng thể, chi tiết, ký cam kết về tiến độ hoàn thành dự án;

(4) Nâng cao năng lực, trách nhiệm thực thi công vụ, gắn trách nhiệm, đánh giá mức độ hoàn thành công việc với tiến độ thực hiện giải ngân của dự án, nhất là Ban Quản lý dự án các cấp; luân chuyển, điều động, kỷ luật đối với cán bộ gây khó khăn, không hoàn thành nhiệm vụ;

(5) Nâng cao chất lượng chuẩn bị đầu tư dự án, từ sớm, từ xa, hạn chế tối đa việc thay đổi, điều chỉnh dự án;

(6) Chính quyền các cấp phải tăng cường quản lý hiệu lực, hiệu quả đất đai, nhất là nguồn gốc đất, quy hoạch sử dụng các loại đất… hạn chế tối đa việc điều chỉnh phương án đền bù, bảo đảm tiến độ thực hiện;

(7) Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương công bố giá và chỉ số giá các loại vật liệu xây dựng theo tháng phù hợp với diễn biến thị trường.

(8) Nâng cao kỷ luật, kỷ cương, tuân thủ đúng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch được phê duyệt, hạn chế tư duy nhiệm kỳ trong việc xây dựng, lựa chọn danh mục dự án đầu tư công, bảo đảm mục tiêu, hiệu quả đầu tư.

Khơi thông nguồn vốn đầu tư công, thúc đẩy tăng trưởng nhanh và bền vững
Năm 2024, đầu tư công tiếp tục được xem là một trong các động lực quan trọng nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, là nhiệm vụ chính trị quan trọng của các cấp, các ngành, các địa phương. Ảnh minh họa

PV: Được biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xây dựng kế hoạch đầu tư công năm 2024. Xin Thứ trưởng cho biết, những yêu cầu chính trong xây dựng kế hoạch này?

Thứ trưởng Trần Quốc Phương: Năm 2024, đầu tư công tiếp tục được xem là một trong các động lực quan trọng nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, là nhiệm vụ chính trị quan trọng của các cấp, các ngành, các địa phương. Đây là năm chúng ta đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 khi hầu hết các dự án đã hoàn thiện thủ tục đầu tư. Đồng thời cũng bắt tay vào xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030 và chuẩn bị đầu tư cho các dự án dự kiến triển khai trong giai đoạn sau.

Trước bối cảnh và kỳ vọng đó, các bộ, địa phương cần khẩn trương triển khai các nhiệm vụ được giao, trong đó cần tập trung vào một số nội dung sau:

Một là, đánh giá kỹ tình hình thực hiện Kế hoạch đầu tư công năm 2023 để xác định nhu cầu vốn NSNN năm 2024 phù hợp, sát với khả năng giải ngân của từng dự án. Trong đó, đối với vốn nước ngoài, đề xuất kế hoạch vốn hằng năm phải đảm bảo cân đối tỷ lệ cấp phát, vay lại của từng dự án, phù hợp với cơ chế tài chính đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Hai là, chỉ đề xuất kế hoạch vốn cho các dự án dự kiến đến ngày 31/12/2023 sẽ hoàn thiện thủ tục đầu tư (Quyết định đầu tư).

Ba là, chỉ đạo chủ đầu tư chủ động, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị liên quan để chuẩn bị thật tốt các thủ tục, điều kiện cần thiết ngay trong năm 2023 (Quyết định đầu tư dự án khởi công mới, mặt bằng sạch, xây dựng Kế hoạch lựa chọn nhà thầu, chuẩn bị nhân công, máy móc, vật liệu...) để có thể giải ngân vốn ngay sau khi được giao kế hoạch vốn năm 2024, không để tình trạng “vốn chờ dự án”.

Bốn là, tăng cường kỷ luật kỷ cương, kiên quyết không để xảy ra tình trạng dự án được giao vốn nhưng không giải ngân được hoặc giải ngân không hết kế hoạch vốn được giao.

Năm là, chuẩn bị tốt công tác chuẩn bị đầu tư cho các dự án khởi công mới dự kiến triển khai trong giai đoạn 2026-2030, trong đó cần chủ động nghiên cứu, đề xuất bố trí đầy đủ nguồn vốn để thực hiện nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư, bảo đảm nhanh chóng phê duyệt chủ trương đầu tư dự án sau khi được Thủ tướng Chính phủ thông báo dự kiến kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2026-2030.

Khơi thông nguồn vốn đầu tư công, thúc đẩy tăng trưởng nhanh và bền vững
Tại bối cảnh khó khăn, chúng ta cần tìm cơ hội trong thách thức, tận dụng các cơ hội để tạo được các động lực tăng trưởng mới. Ảnh minh họa

TĂNG TRƯỞNG 6,5% NĂM 2023: NHIỆM VỤ HẾT SỨC KHÓ KHĂN

PV: Bối cảnh năm 2023 khó khăn nhiều hơn thuận lợi. Tăng trưởng quý II đạt thấp. Bối cảnh đó nhiều tổ chức và chuyên gia kinh tế đã điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng của Việt Nam. Quan điểm của Thứ trưởng về vấn đề này?

Thứ trưởng Trần Quốc Phương: Trong năm 2023, có thể thấy, nền kinh tế thế giới đang đối mặt với 4 rủi ro chính, bao gồm: (i) Xung đột địa chính trị kéo dài và gia tăng cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn; (ii) Sự đổ vỡ của một số ngân hàng tại Mỹ, Thụy Sỹ làm tăng rủi ro thị trường tài chính tiền tệ toàn cầu, rủi ro nợ xấu và vỡ nợ gia tăng; (iii) Rủi ro an ninh năng lượng, an ninh lương thực vẫn hiện hữu; (iv) Giá cả, lạm phát, lãi suất toàn cầu giảm, nhưng còn ở mức cao, rủi ro tài chính tiền tệ tăng khiến tiến trình phục hồi kinh tế toàn cầu mong manh hơn và tác động tiêu cực đến xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng, du lịch quốc tế và thị trường tài chính của Việt Nam.

Kinh tế thế giới đầy rủi ro cùng những khó khăn, thách thức nội tại khiến nửa đầu năm 2023, GDP tăng trưởng thấp ở mức 3,72%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu của Chính phủ đề ra tại Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023.

Nhiệm vụ tăng trưởng đặt ra cho năm 2023 rất nặng nề. Tính toán cho thấy, nếu tăng trưởng không đạt mục tiêu sẽ ảnh hưởng đến việc thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, Chiến lược 10 năm 2021-2025, thậm chí xa hơn là các mục tiêu 2030-2045 như Nghị quyết Ðại hội Ðảng lần thứ XIII đã đề ra. Ngay cả khi năm nay đạt mức 6,5%, thì bình quân 2 năm 2024-2025, tăng trưởng GDP phải đạt 7,76%/năm mới đạt tăng trưởng bình quân 5 năm là 6,5%, cận dưới mục tiêu 6,5%-7% theo Nghị quyết Ðại hội Ðảng lần thứ XIII đề ra.

PV: Trong bối cảnh đó, cần có những giải pháp gì để hóa giải thách thức, tận dụng cơ hội cho tăng trưởng, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Trần Quốc Phương: Trong những tháng cuối năm, cần thúc đẩy hơn nữa các động lực tăng trưởng, gồm: tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu; giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ người lao động... Đặc biệt, cần tập trung triển khai quyết liệt các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; tích cực đẩy nhanh tiến độ các công trình hạ tầng giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia, có tính liên vùng và hạ tầng đô thị lớn; xử lý kịp thời, hiệu quả các khó khăn, vướng mắc về pháp lý, tập trung xử lý ngay những điểm nghẽn, nút thắt chính trong hoạt động đầu tư công, như: công tác chuẩn bị dự án, giải phóng mặt bằng.

Tại bối cảnh khó khăn, chúng ta cần tìm cơ hội trong thách thức, tận dụng các cơ hội để tạo được các động lực tăng trưởng mới. Theo đó, cần tiếp tục bám sát, dự báo tình hình kinh tế, tài chính - tiền tệ quốc tế để có phương án ứng phó kịp thời; nâng cao hơn nữa hiệu quả phối hợp chính sách, nhất là giữa chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác nhằm giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và hỗ trợ tăng trưởng.

Ngoài ra, một giải pháp khác rất quan trọng, đó là cần cải cách thể chế, tạo ra những không gian chính sách mới cho kinh tế phát triển. Trước hết, cần đẩy nhanh hoàn thiện thể chế, bao gồm cả cơ chế, chính sách tháo gỡ vướng mắc cho những vấn đề hiện tại và xây dựng hành lang pháp lý (kể cả cơ chế thử nghiệm - sandbox) phục vụ phát triển kinh tế số, mô hình kinh doanh mới, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, vừa là để bắt kịp xu thế, vừa là tận dụng cơ hội và góp phần vượt qua thách thức hiện nay và sắp tới... Cùng với đó, phải quyết liệt cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh. Các bộ, ngành cần khẩn trương tham mưu, trình cấp có thẩm quyền ban hành quy định cụ thể, đủ thẩm quyền để thể chế hóa chủ trương bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách niệm vì lợi ích chung. Bên cạnh đó, việc tiếp tục rà soát, trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung một số cơ chế, chính sách liên quan đến sản xuất - kinh doanh và đầu tư là cần thiết để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

PV: Cám ơn Thứ trưởng đã dành thời gian trả lời phỏng vấn!

Phương Anh (thực hiện)

(Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 23/2023)