Vì sao vẫn còn nhiều Bộ và địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch đầu tư vốn năm 2023
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, vốn ngân sách địa phương chưa thể phân bổ chi tiết do các dự án dự kiến khởi công mới năm 2023 chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư

Vẫn còn 17.511,187 tỷ đồng chưa được phân bổ chi tiết

Năm 2023, tổng kế hoạch đầu tư vốn NSNN được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết nghị phân bổ cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương là 711.559,833 tỷ đồng, bao gồm: vốn ngân sách trung ương (NSTW) là 368.278,791 tỷ đồng (trong đó: vốn trong nước là 339.278,791 tỷ đồng, vốn nước ngoài là 29.000 tỷ đồng), vốn ngân sách địa phương (NSĐP) là 343.281,042 tỷ đồng.

Căn cứ quy định Luật Đầu tư công, Nghị quyết của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ đã giao kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2023 cho các bộ, cơ quan trung ương là 711.559,833 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch vốn năm 2023 đã được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội phân bổ.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến ngày 31/01/2024, theo tổng hợp trên Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư công, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã phân bổ, giao kế hoạch đầu tư vốn năm 2023 chi tiết cho danh mục nhiệm vụ, dự án là 694.048,646 tỷ đồng, đạt 97,5% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, bao gồm: vốn NSTW là 358.629,053 tỷ đồng, đạt 97,4% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, vốn NSĐP là 335.419,593 tỷ đồng, đạt 97,7% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Số vốn còn lại chưa phân bổ chi tiết là 17.511,187 tỷ đồng (chiếm 2,5% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao), bao gồm: vốn NTSW là 9.649,738 tỷ đồng (vốn trong nước là 7.193,553 tỷ đồng và vốn nước ngoài là 2.456,184 tỷ đồng) của 17/51 bộ, cơ quan trung ương và 28/63 địa phương, vốn cân đối NSĐP là 7.861,449 tỷ đồng của 11/63 địa phương.

Nguyên nhân nào khiến nhiều bộ và địa phương chưa phân bổ chi tiết hết vốn năm 2023

Nguyên nhân các bộ, cơ quan trung ương và địa phương chưa phân bổ chi tiết 100% kế hoạch đầu tư vốn NSTW trong nước chưa phân bổ chi tiết là 7.193,553 tỷ đồng là do huỷ dự toán khi kết thúc năm ngân sách và xử lý theo đúng quy định của Luật NSNN và pháp luật có liên quan đối với số vốn là 1.614,59 tỷ đồng, bao gồm: (i) 1.609,855 tỷ đồng của các dự án của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội không thể phân bổ kế hoạch năm 2023 do các nhiệm vụ dự án: không được phân bổ theo quy định tại Nghị quyết số 93/2023/NQ15 của Quốc hội; cơ quan chủ quản dự án báo cáo cấp có thẩm quyền cho phép dừng triển khai dự án; cơ quan chủ quản dự án phê duyệt quyết định đầu tư của dự án thấp hơn số vốn được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch từ Chương trình; (ii) 4,735 tỷ đồng của các dự án của Bộ Tài nguyên và Môi trường được giao từ giao nguồn thu sắp xếp, xử lý nhà đất đã hoàn thành việc quyết toán các nhiệm vụ ghi thu – ghi chi trong năm 2021.

Nguyên nhân thứ hai, đó là điều chỉnh giảm 3.706,005 tỷ đồng kế hoạch đầu tư vốn NSTW trong nước năm 2023 của 12 bộ, cơ quan trung ương và 01 địa phương để bổ sung cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương khác để đẩy nhanh tiến độ triển khai, thực hiện các nhiệm vụ, dự án.

Tuy nhiên, tại Thông báo số 3230/TB-TTKQH ngày 22/12/2023 của Tổng thư ký Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã kết luận: “Đề nghị không thực hiện điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư ngân sách trung ương năm 2023 giữa các bộ, cơ quan trung ương và địa phương do đã quá thời gian điều chỉnh theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước”. Do vậy, toàn bộ số vốn chưa phân bổ chi tiết cho các dự án nêu trên sẽ bị huỷ khi kết thúc năm 2023 theo quy định của Luật NSNN.

Ngoài ra, còn 84 tỷ đồng của 02 địa phương mới được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch vốn năm 2023 tại Quyết định số 1738/QĐ-TTg ngày 29/12/2023. Các địa phương này hiện đang hoàn thiện các thủ tục để báo cáo cấp có thẩm quyền phân bổ chi tiết kế hoạch vốn năm 2023 cho các nhiệm vụ, dự án theo quy định.

Đối với số vốn nước ngoài nguồn NSTW chưa phân bổ chi tiết là 2.456,184 tỷ đồng: có 1.568,737 tỷ đồng của 01 bộ và 08 địa phương chưa phân bổ chi tiết cho các nhiệm vụ, dự án vì một số lý do như: chưa hoàn thành thủ tục ký hiệp định vay; chưa được ký thỏa thuận vay với nhà tài trợ, đang lấy ý kiến nhà tài trợ hoàn thiện thủ tục sử dụng vốn dư. Tại Tờ trình số 614/TTr-CP ngày 01/11/2023, Chính phủ đã báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép điều chỉnh giảm 446,554 tỷ đồng kế hoạch đầu tư vốn nước ngoài nguồn NSTW năm 2023 của 02 địa phương, để bổ sung tương ứng cho 12 dự án của 07 địa phương khác để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, bàn giao đưa các dự án vào sử dụng. Tương tự như đối vốn NSTW trong nước, thực hiện kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Thông báo số 3230/TB-TTKQH ngày 22/12/2023, số vốn nước ngoài chưa phân bổ nêu trên sẽ sẽ bị huỷ khi kết thúc năm 2023 theo quy định của Luật NSNN.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, vốn ngân sách địa phương chưa thể phân bổ chi tiết do các dự án dự kiến khởi công mới năm 2023 chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư; nguồn chi đầu tư từ nguồn thu sử dụng đất, thu xổ số kiến thiết phụ thuộc vào tình hình thu thực tế nên chưa thể thực hiện phân bổ....

Năm 2023, giải ngân đạt 93,12% kế hoạch

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, ước thanh toán kế hoạch đầu tư vốn NSNN 13 tháng năm 2023 là 662.588,182 tỷ đồng, đạt 93,12% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, cao hơn cùng kỳ năm 2022 (91,42%); về số tuyệt đối, cao hơn khoảng 132 nghìn tỷ đồng, trong đó: vốn trong nước là 648.349,4 tỷ đồng (đạt 94,99% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao), vốn nước ngoài là 14.238,8 tỷ đồng (đạt 49,10% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao). Trong đó Chương trình phục hồi và phát triển KTXH là 88.998,4 tỷ đồng, đạt 66,4% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (132.867,5 tỷ đồng).

Tính theo tỷ lệ giải ngân, có 11 bộ, cơ quan trung ương và 41 địa phương có tỷ lệ giải ngân trên trung bình của cả nước (cao hơn 93,12% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao). Tuy nhiên, vẫn còn 40 bộ, cơ quan trung ương và 22 địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 13 tháng năm 2023 dưới mức trung bình của cả nước, trong đó: Đối với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam: Nếu không tính khoản hỗ trợ lãi suất của các ngân hàng thương mại (23.965,093 tỷ đồng), tỷ lệ giải ngân 13 tháng của NHNN đạt 100% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Tính theo giá trị giải ngân tuyệt đối, một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương có giá trị giải ngân cao như: Bộ Giao thông vận tải (91.754,584 tỷ đồng), Bộ Quốc phòng (21.850,691 tỷ đồng), Thành phố Hà Nội (52.499,79 tỷ đồng), Thành phố Hồ Chí Minh (46.961,204 tỷ đồng), Thành phố Hải Phòng (19.914,211 tỷ đồng), Bình Dương (19.216 tỷ đồng), Bà Rịa Vũng Tàu (15.587,392 tỷ đồng), Hưng Yên (13.568,658 tỷ đồng), Quảng Ninh (12.500,283 tỷ đồng), Thanh Hóa (11.878,331 tỷ đồng); Đồng Nai (11.848,335 tỷ đồng), Vĩnh Phúc (11.066,089 tỷ đồng), Long An (10.956,644 tỷ đồng).

Tính theo phân cấp đầu tư, tỷ lệ giải ngân kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2023 của các địa phương cao hơn các bộ, cơ quan trung ương, trong đó nổi bật là các tỉnh thuộc vùng Đồng bằng Sông Hồng và vùng Đồng bằng sông Cửu Long, với tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 bình quân cả vùng lần lượt là 116,27% và 105,3%.

Đến hết ngày 31/12/2023, tổng số vốn giải ngân của 09 dự án quan trọng quốc gia ngành giao thông vận tải là 107.317,78 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 84,1% trên tổng kế hoạch năm 2023 được giao (127.593,72 tỷ đồng), trong đó, vốn ngân sách trung ương là 88.899,78 tỷ đồng, đạt 92.2% và vốn ngân sách địa phương là 18.418 tỷ đồng, đạt 59%. Như vậy, kết quả giải ngân vốn ngân sách trung ương các dự án quan trọng quốc gia đạt tỷ lệ giải ngân cao hơn tỷ lệ bình quân chung 12 tháng của cả nước.

Tháng đầu tiên của năm 2024, giải ngân được 16.934,291 tỷ đồng, đạt 2,58% kế hoạch

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, ước thanh toán từ đầu năm đến ngày 31/01/2024 là 16.934,291 tỷ đồng, đạt 2,58% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, cao hơn cùng kỳ năm 2023 (1,81%).

Trong tháng 01/2024, các Bộ, cơ quan trung ương và các địa phương đang tập trung triển khai phân bổ chi tiết kế hoạch vốn cho các dự án và đang hoàn thiện thủ tục đầu tư để giải ngân kế hoạch vốn nên tỷ lệ giải ngân đạt thấp.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho biết, tổng kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2024 được Bộ Giao thông vận tải và các địa phương phân bổ chi tiết cho các dự án quan trọng quốc gia là 127.593,72 tỷ đồng, trong đó vốn NSTW là 96.396,14 tỷ đồng và vốn NSĐP là 31.197,58 tỷ đồng. Ước đến hết ngày 31/01/2024, các dự án giải ngân được khoảng 1.000 tỷ đồng.

Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công

Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân toàn bộ vốn NSNN năm 2024, ngay từ những ngày đầu năm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ chỉ đạo Thủ trưởng các Bộ, cơ quan trung ương và các cấp chính quyền địa phương tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, sự chủ động, sáng tạo, hiệu quả trong tổ chức thực hiện của các cấp, các ngành; phát huy hơn nữa vai trò của người đứng đầu và tinh thần trách nhiệm của mỗi cá nhân.

Trong đó các bộ, cơ quan trung ương và địa phương tập trung phân bổ chi tiết toàn bộ kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2024; Tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra tại các Nghị quyết của Chính phủ, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, tiếp tục coi đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm năm 2024, xác định vốn đầu tư công là vốn mồi, đóng vai trò dẫn dắt, thu hút tối đa các nguồn lực của các thành phần kinh tế khác để phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế xã hội; nâng cao hiệu quả sử dụng vốn NSNN. Thực hiện lồng ghép các nguồn vốn NSTW và NSĐP, đồng thời tích cực huy động thêm các nguồn vốn hợp pháp khác để triển khai thực hiện các dự án đầu tư công. Tích cực thu hút nguồn vốn của các thành phần kinh tế khác cho xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững.

Hoàn thành thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản, hoàn trả các khoản vốn ứng trước chưa thu hồi; Tập trung thực hiện tốt các dự án của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; tập trung bố trí vốn để hoàn thành và đẩy nhanh tiến độ chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia, chương trình, dự án trọng điểm có ý nghĩa lớn đối với phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, của các cấp, các ngành; Khởi công mới một số dự án có tính chất cấp bách, quan trọng, có tác động tích cực đến quá trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm đi đôi với phối hợp, giám sát, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện và khen thưởng, kỷ luật kịp thời, nghiêm minh; Công tác kiểm tra, giám sát phải được tiến hành một cách thường xuyên, toàn diện, công khai, dân chủ, thận trọng và chặt chẽ. Các cuộc kiểm tra phải bảo đảm yêu cầu, chất lượng, giúp phát hiện sớm và đầy đủ các khó khăn, vướng mắc để đề xuất biện pháp xử lý kịp thời. Tăng cường tư vấn, giám sát độc lập, trong đó có giám sát cộng đồng nhằm nâng cao chất lượng công trình.

Rà soát, kiên quyết loại bỏ những dự án kém hiệu quả, dự án chưa thật sự cần thiết, ưu tiên vốn cho các dự án trọng điểm, cấp bách, tạo động lực cho phát triển nhanh và bền vững; thực hành tiết kiệm, chống thất thoát, lãng phí trong đầu tư công; nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị và tổ chức thực hiện dự án, bảo đảm phù hợp với thực tế, hạn chế phải điều chỉnh trong quá trình thực hiện.

"Người đứng đầu bộ, cơ quan trung ương và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo kiểm tra, rà soát từng dự án cụ thể, nhất là các dự án khởi công mới; kiểm soát chặt chẽ sự cần thiết, quy mô từng dự án theo đúng quy hoạch, mục tiêu đã được duyệt, bảo đảm hiệu quả đầu tư và kết quả đầu ra của từng dự án; nâng cao chất lượng công tác lựa chọn tư vấn trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị dự án", Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất.

Xây dựng kế hoạch giải ngân theo từng tháng, quý cho từng nhiệm vụ, dự án; Phân công Lãnh đạo chịu trách nhiệm theo dõi tiến độ thực hiện và giải ngân của từng nhiệm vụ, dự án theo kế hoạch đã đặt ra, đôn đốc, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho từng dự án; Kết quả giải ngân của từng nhiệm vụ, dự án được phân công theo dõi là căn cứ để đánh giá, bình xét thi đua của các cấp, các ngành và mức độ hoàn thành nhiệm vụ năm 2024 người đứng đầu.

Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công; tập trung đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tiến độ thi công, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc về đất đai, tài nguyên...; có chế tài xử lý nghiêm theo quy định pháp luật các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án, tổ chức, cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trở, làm chậm tiến độ giao vốn, thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công. Thay thế kịp thời những cán bộ, công chức, viên chức yếu kém về năng lực, sợ sai, sợ trách nhiệm, đùn đẩy, né tránh khi thực thi công vụ, trì trệ, gây nhũng nhiễu, phiền hà, kiên quyết xử lý các hành vi tiêu cực, tham nhũng trong quản lý đầu tư công.

Thực hiện nghiêm chế độ báo cáo định kỳ hoặc đột xuất về đầu tư công theo quy định; chú trọng nâng cao chất lượng thông tin, báo cáo, phải đánh giá đầy đủ kết quả thực hiện, những tồn tại, hạn chế và kịp thời đề xuất, kiến nghị cấp có thẩm quyền giải quyết các khó khăn, vướng mắc.

Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong việc xử lý thủ tục về đầu tư công như thẩm định dự án đầu tư có cấu phần xây dựng, triển khai kiểm soát chi vốn trong nước và đơn rút vốn của các nhà tài trợ bằng chứng từ điện tử, chữ ký số, đơn giản hóa quy trình kiểm soát chi và hồ sơ yêu cầu rút vốn; tăng cường công tác hậu kiểm trong giải ngân vốn đầu tư công.

Thứ hai, các bộ quản lý ngành, lĩnh vực theo phân công có phương án bảo đảm vật liệu xây dựng (đất, đá, cát…) đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu của các dự án giao thông quan trọng quốc gia, có tính liên vùng; hướng dẫn các bộ, địa phương về quy trình cấp phép mỏ, khai thác nguyên vật liệu đá, cát, đất, sỏi, cát biển cho dự án đầu tư công bảo đảm nhanh, hiệu quả, đúng quy định của pháp luật. Thường xuyên theo dõi bám sát diễn biến thị trường vật liệu xây dựng, đặc biệt là vật liệu chủ yếu phục vụ dự án đầu tư công, đề xuất các giải pháp để bảo đảm cung cầu hàng hóa, giá cả vật liệu xây dựng.

Thứ ba, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan theo dõi, đôn đốc tiến độ thực hiện phân bổ, giải ngân của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương, kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ ban hành các giải pháp điều hành linh hoạt, thích ứng với điều kiện thực tế nhằm hoàn thành các mục tiêu giải ngân vốn năm 2024.

Tổng hợp tình hình phân bổ kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2024 của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương, tổng hợp, đề xuất phương án xử lý đối với số còn lại chưa được các bộ, cơ quan trung ương và địa phương phân bổ chi tiết cho các nhiệm vụ, dự án đến ngày 28/02/2023, báo cáo Chính phủ tại Phiên họp thường kỳ tháng 02 năm 2024./.