TÌNH HÌNH THU HÚT FDI VÀO TỈNH SAVANNAKHET

Cơ cấu và quy mô vốn FDI

Savannakhet có điều kiện tự nhiên, đất đai, khí hậu phù hợp cho phát triển nông nghiệp, do vậy trong giai đoạn 2015-2020, Tỉnh thu hút được 15 dự án FDI vào ngành nông nghiệp với số vốn đăng ký đạt 88,560 triệu USD, chiếm 47,40% tổng vốn đăng ký trên địa bàn. Bên cạnh đó, Tỉnh cũng thu hút 8 dự án FDI vào ngành công nghiệp với số vốn đầu tư đăng ký là 81,170 triệu USD, chiếm 35,36%; 4 dự án FDI vào ngành dịch vụ với số vốn đầu tư là 29,532 triệu USD, chiếm 17,24% (Bảng 1). Nhìn chung, giai đoạn 2015-2020, cơ cấu FDI của tỉnh Savannakhet cũng đi theo xu hướng chung của cả nước, khi các dự án vào ngành nông nghiệp luôn chiếm tỷ trọng cao nhất cả về số dự án và vốn đầu tư.

Giải pháp tăng cường thu hút FDI vào tỉnh Savannakhet, CHDCND Lào giai đoạn 2021-2025

Bảng 2 cho thấy, phần lớn vốn FDI vào tỉnh Savannakhet tập trung ở 2 huyện Kaisone Phomvihane và Outhoumphone, vì 2 huyện này đều sở hữu nhiều điều kiện thuận lợi để thu hút các doanh nghiệp FDI, như: dân số đông; trình độ dân trí và trình độ của lực lượng lao động cao hơn các vùng khác trong Tỉnh; hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và các dịch vụ khác cơ bản được đáp ứng…

Địa bàn đầu tư

Giải pháp tăng cường thu hút FDI vào tỉnh Savannakhet, CHDCND Lào giai đoạn 2021-2025

Đối tác đầu tư

Nhìn chung, các đối tác đầu tư vào tỉnh Savannakhetđa dạng, chủ yếu là các nước trong khu vực có mối quan hệ hợp tác tốt và đối tác có tiềm lực tài chính, kỹ thuật, công nghệ cao, có uy tín và kinh nghiệm trong việc đầu tư vào CHDCND Lào. Xét về số dự án, Việt Nam đứng đầu các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Tỉnh với 10 dự án, tiếp sau là Trung Quốc (9 dự án) và Thái Lan (3 dự án). Xét về vốn đầu tư, Trung Quốc có lượng vốn FDI đầu tư vào tỉnh Savannakhet nhiều nhất, tiếp đến là Việt Nam, Thái Lan, Đan Mạch, Nga… (Bảng 3).

Giải pháp tăng cường thu hút FDI vào tỉnh Savannakhet, CHDCND Lào giai đoạn 2021-2025

ĐÁNH GIÁ CHUNG

Những kết quả đạt được

Nguồn vốn FDI vào tỉnh Savannakhet đã tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, được thể hiện qua những mặt sau:

Thứ nhất, đóng góp vào thu ngân sách của tỉnh Savannakhet.

Savannakhet là một tỉnh nghèo, thu ngân sách chưa đủ đáp ứng cho chi thường xuyên và hàng năm phải dựa vào cân đối của Trung ương. Do vậy, hoạt động của các doanh nghiệp FDI đã giúp bổ sung thêm vào nguồn thu ngân sách của tỉnh Savannakhet thông qua việc đóng góp các loại thuế, bao gồm: thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế tài nguyên... Đóng góp của khu vực FDI có xu hướng ngày càng tăng do hoạt động của các doanh nghiệp FDI ngày càng đi vào ổn định và đã qua thời hạn miễn, giảm thuế.

Thứ hai, nâng cao năng lực sản xuất, năng suất lao động.

Sự có mặt của các doanh nghiệp FDI đã đưa công nghệ tiên tiến vào tỉnh Savannakhet thông qua việc nhập khẩu nhiều thiết bị với dây chuyền công nghệ hiện đại, tân tiến. Công nghệ được chuyển giao từ phía nhà đầu tư nước ngoài từng bước nâng cao chất lượng và số lượng sản phẩm. Nhiều sản phẩm dần thay thế được hàng hóa nhập khẩu, như: vật liệu xây dựng, các thiết bị điện, thức ăn chăn nuôi… Công nghệ tiên tiến từ phía doanh nghiệp FDI còn góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cho các mặt hàng xuất khẩu tại tỉnh Savannakhet.

Giải pháp tăng cường thu hút FDI vào tỉnh Savannakhet, CHDCND Lào giai đoạn 2021-2025
Nguồn vốn FDI đã tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Savannakhet.

Sự mở rộng của các dự án FDI đã tạo thêm nhiều việc làm cho hàng nghìn lao động trực tiếp với thu nhập bình quân khoảng 2,3 triệu Kíp, cao hơn mức lương tối thiểu mà Chính phủ Lào quy định cho doanh nghiệp FDI.Thứ ba, tạo việc làm, tăng thu nhập và nâng cao chất lượng nhân lực tại tỉnh Savannakhet.

Hơn nữa, thông qua sự tham gia trực tiếp vào hoạt động của các doanh nghiệp, các dự án FDI đã đào tạo được trên 300 cán bộ làm công tác quản lý điều hành và trên 2.000 công nhân kỹ thuật có trình độ tay nghề, ngoại ngữ; từng bước tiếp cận được với khoa học, kỹ thuật, công nghệ cao, tác phong công nghiệp hiện đại, kỷ luật lao động tốt, học hỏi được các phương thức, kinh nghiệm tiên tiến (Sở Lao động tỉnh Savannakhet, 2020).

Thứ tư, tác động lan tỏa đến các thành phần kinh tế khác trong Tỉnh.

Hiệu quả hoạt động của khu vực FDI đã tác động lan tỏa đến các thành phần khác thông qua sự liên kết giữa khu vực FDI với các khu vực doanh nghiệp khác trong tỉnh Savannakhet. Sự lan tỏa theo hàng ngang được thể hiện qua việc các doanh nghiệp trong Tỉnh có thể học hỏi công nghệ của các doanh nghiệp khu vực FDI. Ngoài ra, khu vực FDI và các khu vực doanh nghiệp khác trong tỉnh Savannakhet cũng liên kết trong sản xuất, mua - bán nguyên vật liệu, hàng hóa với nhau, tạo ra sự lan tỏa theo chiều dọc có lợi cho nền kinh tế.

Những mặt hạn chế và nguyên nhân

Bên cạnh những kết quả đạt được, thì hoạt động của khu vực FDI ở tỉnh Savannakhet còn một số hạn chế, cụ thể như sau:

Một là, các dự án FDI có quy mô vốn không đồng đều và thiếu ổn định.

Phần lớn các dự án FDI tại tỉnh Savannakhet có quy mô nhỏ, thậm chí có dự án chỉ vài chục nghìn USD. Rất ít dự án lớn với công nghệ hiện đại mang tính đột phá làm chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế của Tỉnh.

Hai là, cơ cấu thu hút vốn FDI vào tỉnh Savannakhet còn mất cân đối.

- Mất cân đối giữa vốn đăng ký và vốn thực hiện: Qua tính toán của nhóm tác giả, trong giai đoạn 2015-2020, vốn thực hiện trên vốn đăng ký của các doanh nghiệp FDI đạt 35,08%. Trong đó, số vốn đăng ký đạt khoảng 6,42 triệu USD/dự án, còn số vốn thực hiện đạt 2,35 triệu USD/dự án. Điều này phản ánh tình hình triển khai hoạt động của các dự án FDI còn chậm, thậm chí nhiều dự án không triển khai được, như: Dự án sản xuất răng hàm giả Savakit, Dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện Đa khoa Manysavanh...

- Mất cân đối trong thu hút vốn FDI theo ngành kinh tế: Ngoài các dự án FDI vào lĩnh vực nông nghiệp, thì các dự án FDI chủ yếu tập trung vào các ngành công nghiệp chế biến, gia công, lắp ráp, dệt may… mang hàm lượng công nghệ thấp. Những dự án FDI đầu tư vào ngành công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng còn chiếm tỷ trọng nhỏ về số dự án, vốn đăng ký, cũng như vốn thực hiện. Việc mất cân đối về thu hút vốn FDI theo ngành kéo theo những hậu quả cho nền kinh tế, như: tài nguyên thiên nhiên suy giảm, khoa học chậm phát triển, ô nhiễm môi trường gia tăng, tác động xấu đến sự phát triển bền vững của nền kinh tế...

- Mất cân đối theo hình thức đầu tư: Trong các hình thức FDI ở tỉnh Savannakhet, hình thức 100% vốn nước ngoài chiếm tới 96% số dự án, 99,79% vốn đăng ký, còn lại là hình thức liên doanh. Như vậy, đã có sự mất cân đối trong các hình thức FDI. Điều này tác động đến khả năng tiếp thu kinh nghiệm quản lý, kinh doanh và công nghệ từ đối tác nước ngoài. Đó là chưa kể, Tỉnh chưa thu hút được dự án nào đầu tư vào cơ sở hạ tầng thông qua hình thức BOT, BTO, BT, mặc dù đã kêu gọi rất nhiều (Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Savannakhet, 2020).

- Mất cân đối trong đối tác đầu tư: Tỉnh Savannakhet đã thu hút được các nhà đầu tư từ 8 quốc gia trên thế giới, nhưng nhà đầu tư chủ yếu vẫn tập trung ở các nước châu Á, trong khi đầu tư từ các nước EU còn rất thấp. Đó là một bất lợi cho nền kinh tế vì doanh nghiệp đến từ EU là những đối tác lớn, có trình độ công nghệ cao và là đối tác quan trọng bậc nhất của Lào hiện nay.

Ba là, chưa tạo ra được sự chuyển biến quan trọng về chuyển giao công nghệ và năng lực nội sinh về công nghệ.

Số dự án FDI có công nghệ nguồn còn ít, số lượng hợp đồng chuyển giao công nghệ tiên tiến, hiện đại trên thế giới còn quá nhỏ trong các dự án đã đăng ký. Trong nhiều trường hợp, nhà đầu tư nước ngoài nhập khẩu nhiều máy móc thiết bị lạc hậu, thậm chí là phế thải của các nước khác. Điều này có thể lý giải vì sao sau nhiều năm thu hút vốn FDI, trình độ kỹ thuật, công nghệ của Tỉnh vẫn thấp.

Bốn là, mức độ đóng góp của khu vực FDI vào kinh tế - xã hội tỉnh Savannakhet còn thấp.

Lao động trong ngành sản xuất công nghiệp ở khu vực FDI chiếm tỷ trọng thấp trong tổng số lao động tại tỉnh Savannakhet, tỷ lệ này chỉ vào khoảng 2%. Mức độ tạo ra giá trị gia tăng của khu vực FDI còn ít. Tình trạng trốn và tránh thuế diễn ra khá phổ biến, thực tế có nhiều doanh nghiệp FDI kê khai lỗ liên tục. Đây có thể là dấu hiệu xuất hiện hiện tượng “chuyển giá” gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước, gây ra tình trạng kinh doanh thiếu minh bạch, cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp.

Qua nghiên cứu của nhóm tác giả, những hạn chế trên xuất phát từ các nguyên nhân chủ yếu sau:

(i) Hệ thống pháp luật, chính sách liên quan đến thu hút vốn đầu tư của Lào nói chung và của tỉnh Savannakhet nói riêng còn nhiều bất cập.

Đối với các chính sách ưu đãi đầu tư của Trung ương, chưa có quy định cụ thể quy trình, cách thức thực hiện các chính sách ưu đãi đầu tư. Luật Đầu tư mới chỉ đề cập đến việc ghi các nội dung ưu đãi đầu tư vào giấy chứng nhận đầu tư, mà chưa quy định cụ thể quy trình thực hiện các nội dung ưu đãi ấy như thế nào. Mặt khác, chưa có sự phối hợp và lồng ghép giữa các quy định về chính sách ưu đãi đầu tư nói chung với các cơ chế chính sách khuyến khích phát triển các ngành, lĩnh vực đặc thù (như: lĩnh vực xã hội hóa, xây dựng nghĩa trang, các dự án nhà ở xã hội...), dẫn đến sự chồng chéo, thiếu nhất quán.

Trong khi đó, các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư của tỉnh Savannakhet chưa đủ mạnh, chưa có sức thuyết phục đối với các nhà đầu tư có tiềm lực kinh tế mạnh, các tập đoàn tài chính, các công ty đa quốc gia đầu tư vào những dự án có quy mô lớn. Những ưu đãi đầu tư này nếu so với chi phí khi đầu tư vào tỉnh Savannakhet là không đáng kể. Do vậy, tác động của các chính sách ưu đãi đầu tư đối với việc thu hút các dự án FDI vào Tỉnh là chưa mạnh mẽ.

Hơn nữa, Tỉnh chưa có chính sách cụ thể cho việc khuyến khích các nhà đầu tư trên các lĩnh vực ưu tiên kêu gọi đầu tư (các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ; dược phẩm; chế biến nông sản, thực phẩm; đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp; dự án đầu tư phát triển công nghệ cao và dự án sản xuất công nghệ cao...).

(ii) Hoạt động xúc tiến thu hút đầu tư kém hiệu quả.

Các sở, ban, ngành trong Tỉnh còn bị động trong việc chuẩn bị dự án, tổ chức kêu gọi, vận động xúc tiến thu hút vốn FDI. Thông tin, tài liệu chưa được cập nhật, đổi mới. Chưa chủ động tìm kiếm đối tác để xúc tiến đầu tư, chất lượng danh mục các dự án kêu gọi đầu tư của Tỉnh chưa cao.

Ngoài ra, các chương trình, công tác tuyên truyền chưa được triển khai đồng bộ và chưa thu hút được sự quan tâm của doanh nghiệp. Công tác quản lý nhà nước trong cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh còn nhiều hạn chế, do chưa có cơ sở dữ liệu doanh nghiệp, chưa ứng dụng công nghệ thông tin trong cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

(iii) Cơ sở hạ tầng chưa phát triển đồng bộ.

Thời gian qua, tỉnh Savannakhet đã có nhiều nỗ lực trong việc huy động các nguồn lực cho phát triển hạ tầng kỹ thuật, nhưng còn chưa đồng bộ, chất lượng thấp. Trên địa bàn Tỉnh, nhiều tuyến đường đã xuống cấp, chật hẹp, mặc dù được sửa chữa, nâng cấp nhiều, nhưng không cải thiện đáng kể, thậm chí có xu hướng ngày càng xấu đi do lưu lượng tham gia giao thông ngày càng đông. Hệ thống cấp thóat nước, hệ thống xử lý nước thải trong tình trạng chắp vá, xây dựng chưa hoàn chỉnh và đồng bộ. Điều này dẫn đến chi phí đầu tư, kinh doanh vào Tỉnh cao.

ĐỀ XUẤT GIẢI PHÁP

Để tăng cường thu hút vốn FDI vào tỉnh Savannakhet, nước CHDCND Lào giai đoạn 2021-2025, trên cơ sở phân tích thực trạng, nhóm tác giả kiến nghị thực hiện một số giải pháp sau:

Một là, Chính phủ cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về khuyến khích đầu tư nước ngoài. Hoàn thiện và xây dựng đồng bộ, nhất quán các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến đầu tư nước ngoài. Hệ thống pháp luật cần phải hấp dẫn, thông thóang, rõ ràng, ổn định và mang tính cạnh tranh cao so với các nước trong khu vực. Nghiên cứu sửa đổi hệ thống các loại thuế nhằm thúc đẩy và thu hút nguồn vốn FDI.

Hai là, thường xuyên thực hiện cải cách thủ tục hành chính, loại bỏ các thủ tục hành chính rườm rà, không cần thiết, gây phiền toái cho các nhà đầu tư. Phân công trách nhiệm cụ thể cho các cơ quan gắn với thời gian cụ thể liên quan đến hoạt động đầu tư, như: xử lý hồ sơ, thủ tục đền bù, giải phóng mặt bằng bảo đảm thực hiện đúng tiến độ. Giải quyết nhanh chóng thủ tục ưu đãi, hỗ trợ đầu tư theo quy định hiện hành; bảo đảm tính ổn định lâu dài trong chính sách ưu đãi đầu tư.

Thu hẹp các dự án gây ô nhiễm môi trường hoặc thua lỗ kéo dài, không có đóng góp với ngân sách nhà nước như tính toán ban đầu. Kiên quyết đóng cửa hoặc di chuyển ra khỏi khu vực đông dân cư và trung tâm những doanh nghiệp gây ô nhiễm, buộc giải thể các doanh nghiệp làm ăn thua lỗ triền miên. Chú trọng sự giám sát của cộng đồng, lựa chọn các dự án có nhiều tác động tích cực đến môi trường.

Ba là, thúc đẩy hoạt động xúc tiến thu hút FDI. Để tăng cường thu hút nguồn vốn FDI, Tỉnh cần đẩy mạnh hơn nữa hoạt động xúc tiến kêu gọi đầu tư thông qua các hoạt động quảng bá, giới thiệu về sự hấp dẫn của môi trường đầu tư của Tỉnh với các nhà đầu tư; giới thiệu và cung cấp thông tin về chính sách và môi trường đầu tư, cơ chế đăng ký, cấp phép, hỗ trợ đối với các nhà đầu tư.

Đổi mới công tác tuyên truyền, quảng bá đầu tư; đưa ra những chương trình, biện pháp mới riêng có ở Tỉnh, như: tổ chức các cuộc hội thảo giới thiệu, quảng bá, tuyên truyền các hình ảnh, chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư; chú trọng các đối tác chiến lược có nhiều dự án đầu tư, đồng thời, tiếp cận đến các đối tác tiềm năng khác có công nghệ hiện đại.

Bốn là, phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng. Để có kết cấu hạ tầng phát triển, đồng bộ, thu hút ngày càng nhiều dự án FDI, Tỉnh cần huy động mọi nguồn lực của các thành phần kinh tế. Bên cạnh đó, cần rà soát, phê duyệt và công bố quy hoạch xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội gắn với quy hoạch phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp làm cơ sở thu hút các dự án FDI đầu tư vào xây dựng và hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của Tỉnh.

Mặt khác, Tỉnh cũng cần tiếp tục đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, hạ tầng năng lượng, hạ tầng thông tin và truyền thông, hạ tầng kỹ thuật đô thị, hạ tầng khu kinh tế và khu công nghiệp, hạ tầng thương mại, hạ tầng giáo dục - đào tạo, y tế, văn hóa… và cải thiện các dịch vụ khác, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp FDI đầu tư sản xuất, kinh doanh./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Quốc hội nước CHDCND Lào (2016). Luật Khuyến khích đầu tư sửa đổi năm 2016

2. Sở Công Thương tỉnh Savannakhet (2020). Báo cáo tổng kết giai đoạn 2016-2020 và kế hoạch 2021-2025

3. Sở Giáo dục (2020). Báo cáo tổng kết giai đoạn 2016-2020 và kế hoạch 2021-2025

4. Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Savannakhet (2020). Tổng kết đánh giá phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2016-2020 và kế hoạch 5 năm 2021-2025

5. Sở Lao động tỉnh Savannakhet (2020). Báo cáo tổng kết giai đoạn 2016-2020 và kế hoạch 2021-2025

6. UBND tỉnh Savannakhet (2020). Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh Savannakhet lần thứ VII

7. UBND tỉnh Savannakhet (2016). Báo cáo tổng kết kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm lần thứ V giai đoạn 2016-2020 và kế hoạch 2021-2025 của tỉnh Savannakhet

Manichanh Xaiyavong

Trường Đại học Quốc gia tỉnh Savannakhet, CHDCND Lào

TS. Nguyễn Hồng Minh

Trường Đại học Kinh tế Quốc dân

(Bài đăng trên Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 29 năm 2021)