Đó là ý kiến của ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam tại hội thảo Lấy ý kiến doanh nghiệp dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải tổ chức, ngày 27/8/2018.

Toàn cảnh hội thảo

Dự kiến 7 nhóm vấn đề sửa đổi

Theo Bộ Giao thông Vận tải, qua 10 năm triển khai thi hành, Luật Giao thông đường bộ 2008 đã đạt được những kết quả nhất định, tạo hành lang pháp lý cho hoạt động giao thông vận tải đường bộ nói riêng và giao thông vận tải nói chung; thúc đẩy phát triển giao thông vận tải và kinh tế đất nước; tạo điều kiện thuận lợi để Việt Nam chủ động tham gia vào hoạt động giao thông vận tải với các nước trong khu vực.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, cùng với sự phát triển kinh tế, xu thế hội nhập kinh tế quốc tế, trong quá trình triển khai thi hành, Luật Giao thông đường bộ 2008 đã xuất hiện một số tồn tại và các vấn đề phát sinh: phương tiện giao thông cá nhân phát triển nhanh, nhiều loại phương tiện mới xuất hiện; công tác quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng còn nhiều bất cập; vận tải công cộng chưa đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân; số người bị chết, bị thương do tai nạn giao thông vẫn ở mức cao và còn tiềm ẩn nguy cơ gia tăng, tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng trên đường bộ vẫn còn thường xuyên xảy ra…

Vì vậy, bà Trịnh Thị Hằng Nga, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Giao thông Vận tải) cho biết, việc sửa đổi Luật Giao thông đường bộ sẽ tập trung vào 7 nhóm vấn đề nóng hiện nay, cụ thể:

Thứ nhất, sửa đổi bổ sung các quy định về quy tắc giao thông đường bộ đảm bảo phù hợp với công ước về biển báo và tín hiệu đường bộ, công ước về giao thông đường bộ và các quy định chưa phù hợp thực tế hiện nay.

Thứ hai, điều chỉnh việc phân loại hệ thống đường bộ, nội dung bảo trì đường bộ, trách nhiệm của các cơ quan trong công tác quản lý, khai thác, bảo trì bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

Thứ ba, bổ sung khung pháp lý đối với các phương tiện mới, phương tiện giao thông thông minh, quản lý chất lượng, khí thải đổi với xe mô tô.

Thứ tư, xem xét việc quy định màu biển số xe để phân biệt xe kinh doanh vận tải và xe không kinh doanh vận tải.

Thứ năm, xem xét quy định trách nhiệm đăng ký tài khoản ngân hàng của chủ xe ô tô.

Thứ sáu, điều chỉnh hạng giấy phép lái xe phù hợp với Công ước Viên và các vấn đề có liên quan.

Thứ bảy, phân lại các loại hình kinh doanh vận tải, trên cơ sở đó điều chỉnh, sửa đổi điều kiện kinh doanh vận tải.

Cần có quy định quản lý xe thông minh trong thời đại công nghệ

Tại hội thảo ghi nhận ý kiến của nhiều doanh nghiệp và luật sư về một số bất cập trong quản lý nhà nước đối với lĩnh vực giao thông đường bộ.

Theo ông Phan Bá Mạnh, Giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ An Vui cho rằng, nên đưa nội dung về "mã số định danh dành cho phương tiện giao thông" vào Luật. Mỗi xe cần có 1 mã số định danh và đó là mã duy nhất. Từ mã số này có thể thu phí không dừng, quản trị hành khách, định vị phương tiện.

Trên cơ sở pháp lý này, Nhà nước có thể tạo ra cơ sở dữ liệu chung, thống nhất quản lý phương tiện. Các doanh nghiệp muốn kinh doanh cũng sẽ có nơi truy xuất thông tin về xe. Ngược lại, thông tin về hành trình, số thuế cũng được doanh nghiệp cập nhật lên hệ thống của cơ quan chức năng theo thời gian thực, ông Mạnh nói.

Đóng góp cho Dự thảo Luật, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, Dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) cần có độ mở để quản lý các loại hình vận tải mới. Do Luật hiện hành chỉ ghi nhận 5 loại hình kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô, nên cơ quan chức năng buộc phải định danh Uber, Grab vào 1 trong 5 loại hình. Tuy nhiên, điều kiện kinh doanh giữa taxi và những xe hợp đồng điện tử Uber, Grab lại không bình đẳng, Bộ Giao thông Vận tải cũng đang soạn thảo Dự thảo Nghị định 86 về vấn đề này. Trong khi đó, "hợp đồng điện tử" chỉ là phương thức giao kết hợp đồng và doanh nghiệp nào cũng có thể áp dụng.

Do đó, ông Thanh đề nghị không cần phân loại loại hình nào cả. Nếu phân loại thì phải thật rõ ràng, chi tiết. Nhưng làm vậy thì không theo kịp sự kiến bộ của khoa học kỹ thuật và cũng không thể chạy theo các loại hình mới sẽ xuất hiện trong thời đại giao thông thông minh. Vì vậy, Nhà nước chỉ nên quy định chung xe có kinh doanh và không kinh doanh.

Ngoài ra, ông Thanh cũng đề nghị, Luật mới cần quy định chặt chẽ các điều kiện kinh doanh. Xe kinh doanh vận tải thì lái xe, phụ xe, phục vụ trên xe phải được đào tạo, trải qua các khóa tập huấn. Tránh tình trạng Luật Giao thông đường bộ đã quy định nhưng Nghị định hướng dẫn lại không nhắc đến.

Bên cạnh đó, bàn về vấn đề quản lý đối với xe thông minh, ông Ngô Khắc Lễ, Hiệp hội Doanh nghiệp Logistics Việt Nam cho rằng, thực tế, nhiều doanh nghiệp logistics trên thế giới cũng đã sử dụng những phương tiện vừa đi trên bộ, vừa đi dưới nước hoặc phương tiện vừa tham gia giao thông đường bộ lại có thể bay lên để giao hàng (drone). Vì vậy, Hiệp hội mong muốn Dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) cần có tầm nhìn xa để phù hợp với tốc độ biến đổi của công nghệ.

Nói thêm về vấn đề này, ông Phạm Quang Vinh, đại diện Công ty FPT cho rằng, Luật mới cần có quy định về phương tiện giao thông thông minh. FPT mong muốn Bộ Giao thông Vận tải cho phép thử nghiệm xe tự lái của công ty tại khuôn viên công cộng. Hiện nay, Nhà nước chưa có quy định về việc này và xe tự lái của FPT vẫn đang thử nghiệm trong trụ sở công ty.

"Để xe tự lái được hoàn chỉnh, cần có thời gian thử nghiệm vận hành trong nhiều điều kiện. Chúng tôi mong Bộ Giao thông Vận tải cho phép thử nghiệm xe tự lái trong khuôn viên công cộng. Đồng thời, quy định rõ chính sách và bảo hiểm đối với xe điện và xe tự lái, quy định về hệ thống liên lạc…", đại diện FPT nêu đề nghị.

Dưới một góc nhìn khác, ông Nguyễn Văn Lập, Giám đốc Bến xe khách Nước Ngầm Hà Nội kiến nghị, việc đầu tư bến xe theo hình thức xã hội hóa nên được đưa vào Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi). Vì hiện nay, quy hoạch giao thông vận tải đường bộ chỉ được lập cho 10 năm, trong khi đầu tư cho bến xe đòi hỏi nguồn vốn rất lớn. Điều này gây cản trở không nhỏ, khiến nhiều nhà đầu tư tư nhân ngần ngại khi bỏ tiền vào đầu tư bến xe.

“Nếu quy hoạch được điều chỉnh lên 50 năm, chắc chắn các nhà đầu tư sẽ sẵn sàng bỏ ra số tiền lớn để đầu tư, trang bị các trang thiết bị hiện đại, theo tiêu chuẩn quốc tế”, ông Lập bày tỏ.

Cũng bàn về vấn đề đầu tư cho hệ thống giao thông, ông Vũ Sỹ Cường, Học viện Tài chính Việt Nam chia sẻ, Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) cần có cơ chế khuyến khích đầu tư giao thông, vì hiện nay các doanh nghiệp xây dựng đường chưa được Nhà nước tạo điều kiện đúng mức. Hầu hết các nhà đầu tư đang phải vay vốn thương mại.

“Ở các nước khác, Chính phủ đồng ý cho doanh nghiệp làm đường vay từ vốn ngân hàng chính sách”, ông Cường cho hay.

Một bất cập khác, theo ông Cường, phí tu sửa các tuyến đường tại Việt Nam đang quá cao, việc phân bổ nguồn vốn bảo trì đường bộ cũng chưa được hiệu quả. Do đó, Luật cần xem xét và đưa ra giải pháp hợp lý.

Ghi nhận các ý kiến từ hội thảo, bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, đại diện cơ quan biên soạn Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) cho biết, phía cơ quan biên soạn Luật sẽ tích cực lắng nghe thêm các quan điểm từ các doanh nghiệp, Hiệp hội và mong muốn nhận được thêm nhiều ý kiến đóng góp trong quá trình xây dựng Luật trong thời gian tới./.