Gian lận xuất xứ làm tăng chi phí của các doanh nghiệp làm ăn chân chính
Hành vi gian lận chỉ mang lại lợi ích nhất thời
Nhằm nghiên cứu những cam kết về phòng vệ thương mại và những tác động của các biện pháp này đối với các hoạt động xuất khẩu, sáng ngày 19/12/2019, Cục Phòng vệ Thương mại – Bộ Công Thương phối hợp cùng một số đơn vị liên quan tổ chức Hội nghị đối thoại: Hạn chế rủi ro về gian lận xuất xứ và phòng vệ thương mại trong hoạt động xuất khẩu.
Chương trình có sự đồng hành của Tổng Công ty Khí Việt Nam – CTCP (PV GAS), Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất dầu khí – CTCP.
Tại hội nghị, ông Lê Triệu Dũng, Cục trưởng Cục Phòng vệ Thương mại cho biết, các biện pháp phòng vệ thương mại hiện nay được xem là một phần quan trọng trong chính sách thương mại quốc tế của mỗi quốc gia. Bởi, đây là những công cụ chính sách được Tổ chức thương mại thế giới cho phép để bảo vệ các ngành sản xuất trong nước tránh thiệt hại từ hàng nhập khẩu.
Theo ông Lê Triệu Dũng, tới đây, các vụ điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ toàn cầu và lẩn tránh phòng vệ thương mại có ảnh hưởng đến Việt Nam từ các nước có thể tăng lên.
Vì vậy, các doanh nghiệp cần có nhận thức đầy đủ về nguy cơ xảy ra các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại, điều tra gian lận xuất xứ hàng hóa và có sự chuẩn bị để tránh ảnh hưởng bất lợi đối với hoạt động sản xuất, xuất khẩu của doanh nghiệp cũng như của cả ngành.
Phân tích tác động của các hành vi gian lận xuất xứ và phòng vệ thương mại, ông Chu Thắng Chung, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại cho rằng, hành vi gian lận xuất xứ, chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp từ các quốc gia khác qua Việt Nam để xuất khẩu… chỉ đem lại lợi ích nhất thời cho một vài doanh nghiệp có hành vi bất chính.
Ông Chu Thắng Chung, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại phát biểu tại hội nghị
Trong khi đó, hành vi này lại làm tăng chi phí và nguồn lực rất lớn của các doanh nghiệp làm ăn chân chính khi muốn chứng minh sự tuân thủ quy định của các quốc gia xuất khẩu.
“Gian lận xuất xứ ngày càng gia tăng sẽ tạo ra nguy cơ cản trở xuất khẩu của Việt Nam, làm ảnh hưởng rất lớn đến uy tín hàng xuất khẩu. Hành vi này làm giảm lợi ích mà Việt Nam có được từ các nỗ lực hội nhập kinh tế quốc tế đã và đang gây dựng”, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại bày tỏ lo ngại.
Chính vì thế, theo ông Chung, các biện pháp phòng vệ thương mại hiện nay được xem là một phần quan trọng trong chính sách thương mại quốc tế của mỗi quốc gia. Bởi đây là những công cụ chính sách được Tổ chức Thương mại Thế giới cho phép để bảo vệ các ngành sản xuất trong nước tránh bị thiệt hại từ hàng hoá nhập khẩu.
Để hạn chế rủi ro về gian lận xuất xứ
Liên quan đến quy tắc xuất xứ và biện pháp hạn chế rủi ro về gian lận xuất xứ đối với hàng xuất khẩu, bà Trịnh Thị Thu Hiền, Trưởng phòng Phòng Xuất xứ hàng hóa, Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công Thương cho hay, hiện nay có nhiều dạng gian lận xuất xứ, một số doanh nghiệp làm giả giấy xác nhận của địa phương; giả nhà sản xuất cung cấp nguyên vật liệu, cắt dán con dấu, thậm chí xin xác nhận của địa phương nhưng nội dung chung chung.
Bà Hiền cũng đưa ra ví dụ cụ thể, có rất nhiều doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu nhưng lại bán thành phẩm. Chẳng hạn đối với sản phẩm khăn lụa, doanh nghiệp nhập cả chiếc khăn nhưng chỉ có thao tác thêm một đường diềm xung quanh chiếc khăn cũng 'nghiễm nhiên' coi đó là sản phẩm khăn “Made in Vietnam”.
Ngoài ra, bà Trịnh Thị Thu Hiền cũng thông tin, việc một công ty ở Tây Ninh khi nhập khẩu nguyên liệu đầu vào, trong giấy tờ ghi là nhập hạt nhựa và sản phẩm cao su tổng hợp. Tuy vậy, khi về đến Việt Nam chỉ gia công thêm một số công đoạn nhỏ nhưng khi xuất khẩu đi là sản phẩm thảm cỏ nhân tạo “Made in Vietnam”. Trong khi đó, thực chất khi nhập về đã gần như là sản phẩm hoàn chỉnh.
Hơn nữa, không ít những trường hợp giả mạo cả chữ ký của người đã nghỉ hưu; nhiều doanh nghiệp rất tuân thủ các quy định về quy tắc xuất xứ nhưng chưa biết cách để chứng minh hàng hoá đáp ứng xuất xứ.
Theo đại diện Cục Xuất nhập khẩu, thông thường cơ quan hải quan nước ngoài sẽ tiến hành một loạt các câu hỏi: Thế nào là tiêu chí xuất xứ, chứng minh nguồn gốc nguyên liệu đầu vào, mô tả quy trình sản xuất… đó là những “đề bài” mà đến bất cứ một thị trường nào trong các FTA, doanh nghiệp sẽ được yêu cầu.
“Do đó, doanh nghiệp cần nắm hết các yêu cầu đó để có thể chuẩn bị đầy đủ thông tin, dữ liệu… từ đó có những đáp án tốt đáp ứng yêu cầu phía đối tác đưa ra”, bà Hiền lưu ý.
Bổ sung thêm, ông Chu Thắng Chung kiến nghị, doanh nghiệp không nên tiếp tay cho các hành vi gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp. Đồng thời, nắm vững các quy định về xuất xứ và cung cấp thông tin cho các cơ quan quản lý về các hành vi nghi ngờ gian lận xuất xứ.
Ngoài ra, các chuyên gia tại hội nghị cho rằng, các cơ quan chức năng, doanh nghiệp cần chú trọng tổ chức sắp xếp, đào tạo cán bộ công chức ở khâu thủ tục để tăng cường công tác kiểm tra; thực hiện thu thập, phân tích thông tin để xác định những mặt hàng, doanh nghiệp có dấu hiệu rủi ro cao về gian lận, giả mạo xuất xứ; chủ động rà soát xác định những giao dịch, doanh nghiệp xuất nhập khẩu có kim ngạch xuất nhập khẩu tăng đột biến so với năng lực; tăng cường công tác kiểm tra sau thông quan đối với lĩnh vực xuất xứ hàng hóa để kịp thời phát hiện hành vi vi phạm./.
Bình luận