Giới thiệu Tạp chí Kinh tế và Dự báo số 4 (540)
Chuyên mục Định hướng triển vọng với bài viết Những tín hiệu lạc quan của nền kinh tế năm 2013. Năm 2013, kinh tế trong và ngoài nước còn nhiều khó khăn và thách thức. Tuy nhiên, cùng với các giải pháp quyết liệt của Chính phủ cũng như các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản và doanh nghiệp hy vọng rằng nền kinh tế sẽ có nhiều khởi sắc.
Quy hoạch là một công cụ quản lý nhà nước được áp dụng khá phổ biến ở nhiều quốc gia trên thế giới. Trong xu thế toàn cầu hóa, nội hàm của quy hoạch cũng có những thay đổi để phù hợp với thời đại, nhất là với nhu cầu phát triển không gian cả bên trong và bên ngoài của mỗi quốc gia. Thêm nữa, công tác quy hoạch ở Việt Nam còn nhiều chồng chéo, trùng lắp, lỗ hổng gây trở ngại trong chỉ đạo, điều hành và đặc biệt là nguyên nhân của tình trạng lãng phí tài nguyên, hiệu quả đầu tư thấp. Những vấn đề này sẽ được phản ánh qua Chuyên mục Diễn đàn xây dựng Luật quy hoạch số ra kỳ này.
Tiếp đến, chuyên mục Nghiên cứu trao đổi, là một loạt bài viết rất đáng quan tâm dưới ngòi bút sắc sảo của các chuyên gia uy tín. Trước tiên là bài Tác động của chính sách tài khóa tới tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam của tác giả Vũ Thị Minh Luận, Nguyễn Linh cho bạn đọc hiểu sâu sắc những nghiên cứu phân tích các công cụ chính sách tài khóa tới tăng trưởng kinh tế và kết quả rút ra một số kết luận khá bất ngờ. Một số bài viết nối tiếp như Một số giải pháp trong việc sử dụng vốn nhà nước hiện nay của tác giả Nguyễn Thanh Hương; Chủ động vượt khó – Nét chấm phá trong bức tranh xuất – nhập khẩu 2012-2013 của tác giả Lưu Quang Khánh; Ảnh hưởng của các nhân tố tới luồng xuất – nhập khẩu hàng hóa giã Việt Nam và các nước TPP của tác giả Đào Ngọc Tiến, Về năng lực của Doanh nghiệp Việt Nam của tác giả Dương Thu Minh; Để ngành nông nghiệp Việt Nam phát triển như kỳ vọng của tác giả Nguyễn Thị Xuân; Những Thách thức của Việt Nam trong việc thu hút FDI của tác giả Nguyễn Hùng Thái; Tinh thần doanh nhân sáng tạo: Yếu tố “lõi” của văn hóa doanh nghiệp của tác giả Nguyễn Thị Anh Thư; Chính sách tài chính hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa vượt qua khó khăn của tác giả Trương Văn Khánh, Trẩm Bích Lộc; Phát triển nguồn nhân lực cho công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước của tác giả Đặng Thị Thúy Duyên; Công nghiệp Việt Nam: Tìm cơ hội trong năm 2013 của tác giả Lê Thủy Trung. Bạn đọc sẽ tìm được những vấn đề mình quan tâm trong từng bài viết của các chuyên gia.
Dựa trên các nguồn dữ liệu thứ cấp, bài viết khái quát lại toàn cảnh thị trường dầu nhờn và phân tích các nhóm đối thủ cạnh tranh để đưa ra những gợi ý trong xây dựng chiến lược marketing cho các công ty đang có kế hoạch xâm nhập thị trường dầu nhờn Việt Nam. Nội dung này được đề cập qua bài viết Chiến lược Marketing xâm nhập thị trường dầu nhờn Việt Nam của tác giả Nguyễn Viết Lâm, Trần Diễm Hồng. Tiếp đến, 2 bài viết Từ thành công của CEP đến định hướng tài chính vi mô ở Đồng Nai và Huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi: Thành tựu, thách thức trong phát triển nông nghiệp của các tác giả Nguyễn Chí Tranh, Lê Kiên Cường và Phùng Tấn Nhỏ, đã kết thúc chuyên mục Kinh tế ngành - địa phương.
Chuyên mục Phổ biến kiến thức trong số ra kỳ này, đề cập đến một số điểm chưa hợp lý trong các quy định về hai loại thuế GTGT và TNDN đối với hàng hóa tiêu dùng nội bộ và đề xuất ý kiến hoàn thiện. Nội dung này được tác giả Hà Thị Thúy Vân phản ánh qua bài viết Thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp đối với hàng hóa tiêu dùng nội bộ.
Cuối cùng là chuyên mục Nhìn ra thế giới với bài Kinh nghiệm phát triển nguồn nhân lực nông thôn của Hàn Quốc của tác giả Vũ Văn Hùng, Nguyễn Thị Linh Hương.
Bình luận