Chủ quyền Biển Đông dưới góc nhìn luật quốc tế

Việt Nam đã công bố một văn bản luật quy định đầy đủ chế độ pháp lý các vùng biển, đảo theo đúng Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982. UNCLOS tạo cơ sở pháp lý quan trọng trong việc quản lý, bảo vệ và phát triển kinh tế biển, đảo của đất nước.

Sau hơn 30 năm ra đời, không thể phủ nhận tầm quan trọng và vị trí pháp lý của UNCLOS trong đời sống luật pháp quốc tế. Đây là thành quả của một cuộc thương lượng lâu dài giữa các nhóm nước khác nhau, Công ước là một giải pháp cả gói công bằng và đỉnh cao trong quá trình pháp điển hóa và phát triển tiến bộ ngành luật biển quốc tế.

Tham gia UNCLOS 1982, Việt Nam, quốc gia ven biển được thừa nhận có vùng lãnh hải rộng 12 hải lý, vùng đặc quyền kinh tế rộng 200 hải lý, thềm lục địa rộng ít nhất 200 hải lý và có thể mở rộng tới 350 hải lý tính từ đường cơ sở. Diện tích các vùng biển và thềm lục địa mà nước ta được hưởng theo quy định của Công ước, khoảng gần một triệu km2, rộng gấp ba lần diện tích lãnh thổ đất liền. Tính đến nay đã có 161 quốc gia và tổ chức quốc tế tham gia UNCLOS năm 1982, trong đó có 7 quốc gia ven Biển Đông là Việt Nam, Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Brunei.

Áp dụng UNCLOS 1982 của Liên hợp quốc vào điều kiện cụ thể của Biển Đông có thể thấy mấy điểm cơ bản sau đây. Các quốc gia ven Biển Đông có chủ quyền đối với nội thủy và lãnh hải 12 hải lý kể từ đường cơ sở của mình. Đáng lưu ý là theo Luật Biển quốc tế những năm 40-50 của thế kỷ trước, vùng lãnh hải của các quốc gia ven Biển Đông chỉ có 3 hải lý và toàn bộ phía ngoài 3 hải lý đó là vùng biển quốc tế. Như vậy, Công ước đã mở rộng phạm vi vùng lãnh hải của các quốc gia ven Biển Đông thêm 9 hải lý.

Mỗi quốc gia ven Biển Đông có quyền chủ quyền đối với vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và thềm lục địa tối thiểu 200 hải lý của mình. Chiều rộng của hai vùng biển này đều được đo từ đường cơ sở dùng để tính lãnh hải. Trong trường hợp thềm lục địa thực tế lớn hơn 200 hải lý thì quốc gia ven Biển Đông có thể mở rộng thềm lục địa của mình đến 350 hải lý với điều kiện tuân thủ đúng các quy định và thủ tục nêu trong Công ước.

Bên cạnh đó, ỗi quốc gia ven Biển Đông có toàn quyền thăm dò, khai thác các tài nguyên trong các vùng biển của mình, đặc biệt là trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa để phục vụ đời sống nhân dân và phát triển đất nước. Mỗi quốc gia ven Biển Đông có toàn quyền quyết định cho phép hay không cho phép các quốc gia khác khai thác tài nguyên trong các vùng biển của mình. Mỗi quốc gia ven Biển Đông có nghĩa vụ tôn trọng các quyền chủ quyền đó của các quốc gia láng giềng khác ven Biển Đông.

Xuất phát từ UNCLOS 1982 thì sự kiện Trung Quốc hạ đặt giàn khoan HD 981 trong vùng biển Việt Nam là sự vi phạm trắng trợn chủ quyền Việt Nam theo UNCLOS 1982.

Về yêu sách “đường lưỡi bò” hay “đường 9 đoạn”, thì tại Hội thảo quốc tế về Biển Đông ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, cũng như các hội thảo quốc tế khác, các học giả Pháp, Bỉ, Mỹ và nhiều học giả quốc tế khác đã nêu rõ yêu sách “đường lưỡi bò” mơ hồ, không có cơ sở và cho rằng Trung Quốc cần giải thích rõ bản chất pháp lý của các vùng biển trong “đường lưỡi bò” đó. Nhưng cho đến nay, cả chính giới lẫn học giả Trung Quốc đều không thể đưa ra các câu trả lời thỏa đáng.

Yêu sách về đường lưỡi bò của Trung Quốc

Dùng các quy định của UNCLOS năm 1982 mà Trung Quốc cũng là một bên tham gia để đối chiếu thì ai cũng thấy rằng yêu sách này hoàn toàn trái với các quy định của Công ước. Không một quy định nào của Công ước có thể biện minh cho yêu sách “đường lưỡi bò”. Đơn giản bởi vì vùng biển mà “đường lưỡi bò” ngoạm vào không thể nào là lãnh hải hoặc vùng đặc quyền kinh tế hoặc là thềm lục địa của Trung Quốc. Đó chính là vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, Philippines, Malaysia, Indonesia và Brunei.

Yêu sách “đường lưỡi bò” phi lý nói trên đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của 5 nước ASEAN đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình. Trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, bên cạnh những chứng cứ lịch sử, pháp lý chứng minh chủ quyền của Việt Nam đã được xác lập liên tục, hòa bình từ lâu đời đối với hai quần đảo, UNCLOS là công cụ pháp lý để phản bác những yêu sách phi lý, ngang ngược của Trung Quốc đối với cái gọi là “đường lưỡi bò” chiếm đến 80% diện tích Biển Đông, vốn là vùng biển nửa kín được bao bọc bởi 9 quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Kịch bản cho Biển Đông trong tương lai

Hiện tại, Biển Đông đang trở thành điểm nóng tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Theo phân tích của Hoàng Việt trên Vietnamnet, trong tương lai, khu vực này sẽ có 3 khả năng xảy ra:

Thứ nhất, Trung Quốc sẽ tiếp tục có các hành động gây căng thẳng ở Biển Đông và các khu vực biển khác. Hành động đặt tên lửa trên các đảo tranh chấp được hiểu như việc thể hiện thái độ cứng rắn của Bắc Kinh đối với những nơi mà Trung Quốc kiểm soát thực tế đối với các thực thể tranh chấp ở khu vực.

Thực tế cho thấy, với các hành động của mình trong suốt thời gian vừa qua, Trung Quốc đã cho Mỹ và các đồng minh của Mỹ thấy rằng điều quan trọng trong tranh chấp lãnh thổ trên biển là sự “chiếm hữu” thực tế các thực thể, và khi quân đội Trung Quốc thực hiện sự kiểm soát quân sự đối với các thực thể chủ chốt, họ sẽ khai thác tối đa lợi thế của các vị trí đó để hỗ trợ cho các yêu sách lãnh thổ rộng lớn hơn. Và, sự kiểm soát của Trung Quốc đối với các khu vực biển này chủ yếu thông qua các phương tiện gián tiếp.

Hậu quả ngay lập tức của việc lắp đặt radar mới ở Trường Sa và triển khai các tên lửa trên đảo Phú Lâm là Bắc Kinh có khả năng thiết lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Biển Đông, qua đó đảm bảo sự thống trị biển và không phận xung quanh. Vì vậy, khả năng Trung Quốc gây hấn bên ngoài khu vực tranh chấp ở khu vực Đông Nam Á có thể xảy ra trong tương lai. Khu vực biển Hoa Đông, Ấn Độ Dương sẽ là những địa bàn mà Trung Quốc tiếp tục bành trướng ảnh hưởng.

Thứ hai, căng thẳng về quân sự và chạy đua vũ trang ngày càng gay gắt. Đây là một trong những lý do khiến tình hình Biển Đông ngày càng nóng. Để đáp lại các hành động “hung hăng” của Trung Quốc, trong chiến lược “Xoay trục châu Á”, hải quân Mỹ đã tăng cường bố trí quân sự, hoạt động quân sự tại Biển Đông và khu vực xung quanh.

Đầu năm 2016, Mỹ bất ngờ tăng cường bố trí biên đội mẫu hạm tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, tăng cường lực lượng giám sát trên không tại đảo Guam, tăng cường bố trí tàu ngầm hạt nhân và tàu chiến trên biển, đồng thời Mỹ còn trực tiếp cử tàu chiến hoạt động tuần tra tại Biển Đông. Mỹ cũng đang tập hợp lực lượng gồm Nhật Bản, Australia tổ chức tuần tra chung trên Biển Đông để gây áp lực cho Trung Quốc.

Cụm hàng không mẫu hạm của Mỹ

Ngoài ra, xây dựng quân sự và cạnh tranh vũ khí giữa các nước ngày càng gay gắt. Để chống lại đe dọa từ Trung Quốc, lực lượng hải quân, không quân của Việt Nam, Ấn Độ, Malaysia trong vài năm qua có bước phát triển mạnh mẽ.

Khu vực Biển Đông đã trở thành khu vực lực lượng hải quân, không quân trên biển phát triển nhanh nhất, tập trung nhiều nhất và cạnh tranh ngày càng gay gắt nhất trên thế giới. Trong bối cảnh không có sự tin cậy về chiến lược và các cơ chế kiểm soát khủng hoảng, mối đe dọa xảy ra khủng hoảng tại Biển Đông sẽ ngày càng tăng.

Thứ ba, biện pháp đấu tranh về pháp lý và dư luận mà các nước có yêu sách áp dụng sẽ ngày càng tăng. Philippines đưa vụ kiện lên Tòa trọng tài quốc tế, tuyên bố “khiến Trung Quốc rút khỏi Biển Đông”, điều này phần nào khiến các nước liên quan cảm thấy đây là một hướng đi tốt, có những kết quả nhất định. Chính vì vậy, hiện nay dư luận tại Việt Nam và Nhật Bản cũng đã có nhiều ý kiến yêu cầu sử dụng biện pháp tài phán này.

Việt Nam cần làm gì?

Cho đến nay, Việt Nam luôn khẳng định việc theo đuổi biện pháp hòa bình cho các tranh chấp trên Biển Đông. Đồng thời, Việt Nam cũng tuyên bố chính sách “ba không” bao gồm: không tham gia bất cứ liên minh quân sự nào, không cho quốc gia nào đặt căn cứ quân sự trên lãnh thổ Việt Nam và không liên kết với một nước để chống lại nước thứ ba.

Chính sách “ba không” này cốt lõi là không liên minh. Có lẽ, bên cạnh “lời nguyền địa lý” khi luôn phải chung sống với một cường quốc láng giềng như Trung Quốc, Việt Nam cũng có nhiều kinh nghiệm trong lịch sử khi trở thành nước nhỏ tham gia vào “ván bài của các cường quốc”.

Do đó, không liên minh được hiểu thực chất chính là không liên minh với các cường quốc khác để chống Trung Quốc. Tuy nhiên, Việt Nam cũng khẳng định là sẽ làm tất cả để bảo vệ trước bất cứ sự xâm phạm nào tới lãnh thổ quốc gia (bao gồm cả vùng đất, vùng biển và vùng trời) cũng như các lợi ích quốc gia. Chính vì vậy, nếu Trung Quốc tiếp tục có những hành động căng thẳng trên Biển Đông, điều đó sẽ khiến Việt Nam buộc phải suy nghĩ nghiêm túc về chính sách “ba không” của mình trước một Trung Quốc hung hăng và đầy tham vọng.

Hơn nữa, Việt Nam cũng như Philippines, Hoa Kỳ… đang trông chờ một phán quyết thích đáng đối với “đường lưỡi bò” mà Trung Quốc tự ý đặt ra trên Biển Đông. Nếu phán quyết có lợi cho Philippines, tức là cũng có lợi cho Việt Nam và nhiều quốc gia khác. Khi đó, nếu Trung Quốc tiếp tục có những hành động gây hấn, thì Việt Nam cần đặt ra phương án “tiếp bước” Philippines, đưa Trung Quốc ra công luận thế giới trước một phiên Tòa quốc tế.

Đáng chú ý là, sáng kiến gần đây của Philippines thuê máy bay của Nhật tuần tra trên Biển Đông là một sáng kiến thông minh. Việt Nam và các quốc gia ASEAN có thể nhân rộng mô hình này. Việc tiếp tục có các chuyến tuần tra trên biển và trên bầu trời Biển Đông theo quy định của luật quốc tế là hết sức cần thiết. Điều này nhằm bác bỏ các “yêu sách phi lý” của Trung Quốc trên Biển Đông, duy trì tự do hàng hải, tự do hàng không theo quy định của luật quốc tế.

Tuy nhiên, với tiềm lực có hạn về các phương tiện và kỹ thuật hàng hải, hàng không của mình, Việt Nam và các quốc gia ASEAN trực tiếp tham gia tranh chấp khó có thể thực hiện những chuyến tuần tra như vậy.

Mặt khác, mặc dù rất muốn thực hiện hoạt động tuần tra tại khu vực này, nhưng một số cường quốc sẽ gặp trở ngại khi phải thuyết minh về chi phí cho những chuyến tuần tra như vậy trước công luận của quốc gia đó. Chính vì vậy, việc các quốc gia ASEAN, trong đó có Việt Nam, thuê các máy bay và tàu chiến của các cường quốc biển như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia… thực hiện các chuyến tuần tra trên Biển Đông theo sự cho phép của luật quốc tế là một biện pháp cần thiết trong lúc này./.

Tham khảo từ các nguồn:

http://bienphongvietnam.vn/nghien-cuu-trao-doi/thong-tin-tu-lieu/1321-ccc.html

http://tapchiqptd.vn/zh/nghien-cuu-trao-doi/bao-ve-chu-quyen-cac-vung-bien-dao-cua-to-quoc-trong-tinh-hinh-moi/791.html

http://tcdcpl.moj.gov.vn/qt/tintuc/Pages/xay-dung-phap-luat.aspx?ItemID=83

http://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/294585/viet-nam-can-lam-gi-trong-the-tran-hien-nay.html