Tiếp tục chương trình giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn giám sát do Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương vừa làm việc với TP. Hà Nội về “việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 01/7/2016 đến ngày 01/7/2021”, theo Văn phòng Quốc hội.

Hà Nội được đề nghị thực hiện nghiêm việc tiếp công dân
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị Hà Nội tăng cường thanh tra, kiểm tra công vụ, nhất là những lĩnh vực phát sinh nhiều khiếu nại, tố cáo phức tạp (ảnh: Quốc hội)

Trong giai đoạn báo cáo, các cơ quan hành chính tại Hà Nội đã tiếp thường xuyên hơn 165.000 lượt công dân (với 1.395 lượt đoàn đông người/119 vụ việc). Tỷ lệ tiếp công dân định kỳ của Chủ tịch UBND 3 cấp đều không vượt quá 50%, trong đó của Chủ tịch UBND Thành phố đạt 35%. Tình hình khiếu nại, tố cáo trên địa bàn vẫn còn tiềm ẩn những yếu tố phức tạp; số vụ khiếu nại, tố cáo tăng khoảng 8,1% so với giai đoạn 2010 -2015.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị Hà Nội chỉ đạo người đứng đầu các cơ quan thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả việc tiếp công dân; tăng cường thanh tra, kiểm tra công vụ, nhất là những lĩnh vực phát sinh nhiều khiếu nại, tố cáo phức tạp.

Nội dung đơn chủ yếu tập trung trong lĩnh vực quản lý đất đai, quá trình thu hồi đất, thực hiện chế độ bồi thường giải phóng mặt bằng (chiếm trên 70%), quá trình chuyển đổi mô hình một số chợ, việc thực hiện dồn điền, đổi thửa đất nông nghiệp... Mặc dù Thành phố đã giải quyết hơn 9.100 vụ khiếu nại (tỷ lệ 96,5%); giải quyết xong hơn 4.300 vụ tố cáo (đạt tỷ lệ 94,4%), nhưng việc ban hành văn bản hướng dẫn, tổ chức thực hiện lại chậm so với yêu cầu. Việc nhầm lẫn trong xử lý phân loại đơn cũng là vấn đề cản trở rất lớn đến hiệu quả giải quyết đơn thư của công dân.

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Trần Thị Hoa Ry đề nghị phân tích thêm về nhầm lẫn đơn khiếu nại tố cáo và kiến nghị, việc phân loại không chính xác dẫn đến lòng vòng, gây bức xúc cho người dân, thời gian tới khắc phục thế nào?”

Ông Hoàng Anh Công, Phó Trưởng Ban Dân nguyện đặt vấn đề, phải chăng chúng ta coi nhẹ thanh tra trách nhiệm vấn này? Vì vậy, cần đánh giá sâu hơn về kết quả thanh tra trách nhiệm, xử lý cán bộ và định hướng thời gian tới để làm chuyển động công tác này.

Với đặc thù của Hà Nội, các đại biểu đề nghị Thành phố làm rõ những nguyên nhân, giải pháp và dự báo về khiếu nại tố cáo, tập trung về đất đai, giải phóng mặt bằng, tái định cư, quy hoạch, cũng như trách nhiệm tiếp công dân của người đứng đầu. Chẳng hạn như vấn đề triển khai đường vành đai 4 tới đây dễ phát sinh khiếu nại tố cáo, thì rút kinh nghiệm vấn đề này thế nào?

Hà Nội được đề nghị thực hiện nghiêm việc tiếp công dân
Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Trọng Đông dự báo thời gian tới tình hình khiếu nại sẽ phức tạp (ảnh: Quốc hội)

Theo Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Trọng Đông, đường vành đai 4 tới đây dự kiến thu hồi đất liên quan tới hơn 20.000 hộ dân, trong đó hơn 1.000 hộ thu hồi về đất ở phải tái định cư, lượng giải phóng mặt bằng rất lớn. Thời gian tới, dự báo tình hình khiếu nại không biết có tăng không, nhưng sẽ phức tạp.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị các lãnh đạo chỉ đạo rốt ráo, quyết liệt bởi vì số đơn thư chưa xử lý còn lớn sẽ có tình trạng là việc cũ chưa xong, việc mới đã chồng lên thì không biết bao giờ có hồi kết? Tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo phải đến với người dân bằng tất cả tình cảm, trách nhiệm của mình trước nỗi trăn trở, suy tư và nhu cầu chính đáng của người dân, chứ dân hỏi mà ta trả lời căn cứ điều a, điều b luật này, luật khác và đề nghị bác, cô, chú về nghiên cứu thì có ổn…?./.