Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp: Nhìn lại quá trình hình thành và phát triển
Hầu hết các thủ tục hành chính về đăng ký doanh nghiệp đều có thể thực hiện trực tuyến.
Bối cảnh hình thành và phát triển
Việt Nam đã bắt đầu tiến hành các chương trình cải cách tổng thể công tác đăng ký kinh doanh bằng việc ban hành và thực hiện Luật Doanh nghiệp 1999. Theo thời gian, khung khổ pháp lý về đăng ký kinh doanh đã và đang ngày một hoàn thiện để đáp ứng tốt nhất yêu cầu của thực tiễn, đảm bảo được ý nghĩa, vai trò của công tác đăng ký kinh doanh trong nền kinh tế nói chung, cũng như trong việc tạo động lực để phát triển doanh nghiệp nói riêng.
Từ năm 2007, Chương trình cải cách đăng ký kinh doanh được khởi xướng với sự ra đời của Nghị quyết số 59/2007/NQ-CP, ngày 30/11/2007 của Chính phủ về một số giải pháp xử lý những vướng mắc trong hoạt động đầu tư xây dựng và cải cách một số thủ tục hành chính đối với doanh nghiệp và các thông tư liên tịch của 3 Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính và Công an. Các văn bản quy phạm này đã tạo mở đường cho sự liên thông cơ chế một cửa giữa ba thủ tục đăng ký kinh doanh, đăng ký thuế và khắc dấu; đồng thời, hợp nhất quy trình đăng ký kinh doanh, đăng ký thuế thành một thủ tục duy nhất là đăng ký doanh nghiệp.
Qua đó, thiết lập nguyên tắc pháp lý về thông tin lưu trữ tại Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp là thông tin gốc có giá trị pháp lý về doanh nghiệp. Tạo cơ sở pháp lý cho việc đăng ký kinh doanh qua mạng và cung cấp thông tin cho cộng đồng.
Trên cơ sử đó, đến ngày 31/12/2010, Hệ thống thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia được chính thức đi vào vận hành trên phạm vi toàn quốc, góp phần đưa đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế trở thành mô hình liên thông điện tử đầu tiên trong khối các cơ quan nhà nước.
Tiếp đó, Luật Doanh nghiệp năm 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành, như: Thông tư liên tịch số 04/2015/TTLT-BKHĐT-BTC-BNV, ngày 28/5/2015 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ về ban hành quy chế phối hợp mẫu của các cơ quan nhà nước ở địa phương trong hậu kiểm doanh nghiệp; Nghị định số 78/2015/NĐ-CP, ngày 14/9/2015 của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp; Thông tư số 20/2015/TT-BKHĐT, ngày 1/12/2015 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn về đăng ký doanh nghiệp; Thông tư liên tịch số 01/2016/TTLT-BKHĐT-BTC, ngày 23/2/2016 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính về cung cấp thông tin doanh nghiệp giữa cơ quan thuế và cơ quan đăng ký kinh doanh; Thông tư liên tịch số 05/2016/TTLT-BKHCN-BKHĐT, ngày 5/4/2016 của Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư về xử phạt doanh nghiệp xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; Thông tư số 02/2017/TT-BKHĐT, ngày 18/4/2017 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về phối hợp liên thông giữa đăng ký đầu tư và đăng ký kinh doanh đã góp phần hoàn thiện khung khổ pháp lý cho công tác đăng ký kinh doanh nhằm tạo điều kiện cho công tác này phát huy vai trò của mình trong hỗ trợ phát triển doanh nghiệp.
Năm 2018, nhằm đẩy mạnh chia sẻ thông tin qua phương thức điện tử với các bộ, ngành, địa phương, góp phần thực hiện thành công mục tiêu xây dựng Chính phủ điện tử, Cổng Thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp đã được thí điểm kết nối với Hệ thống dịch vụ công của Bộ Giao thông vận tải và Hệ thống một cửa điện tử của tỉnh Thừa Thiên Huế thông qua Trục tích hợp dữ liệu quốc gia (NGSP) theo đúng Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử 1.0.
Bên cạnh đó, sự ra đời của Luật Doanh nghiệp năm 2020 và Nghị định số 122/2020/NĐ-CP, ngày 15/10/2020 của Chính phủ quy định về phối hợp, liên thông thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện, khai trình việc sử dụng lao động, cấp mã số đơn vị tham gia bảo hiểm xã hội, đăng ký sử dụng hóa đơn của doanh nghiệp đã đưa ra các yêu cầu nâng cấp đối với Cổng thông tin. Theo đó, Cổng tiếp tục được thiết kế để triển khai việc kết nối, chia sẻ dữ liệu với các cơ quan quản lý nhà nước (cơ quan quản lý nhà nước về lao động, cơ quan bảo hiểm xã hội, cơ quan thuế). Từ đó, giúp doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước giảm đáng kể thời gian, chi phí, nguồn lực thực hiện và xử lý thủ tục đăng ký doanh nghiệp.
Nhiều dịch vụ tiện ích cho người dân, doanh nghiệp
Theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, đến nay, Cổng Thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp đã kết nối, chia sẻ dữ liệu điện tử với 8 hệ thống thông tin của các cơ quan quản lý nhà nước và với 26 địa phương trên toàn quốc. Với gần 90 triệu lượt truy cập mỗi năm, dịch vụ đăng ký doanh nghiệp trực tuyến được coi là dịch vụ nổi bật nhất mà Cổng Thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp cung cấp cho người dân, doanh nghiệp.
Hiện nay, hầu hết các thủ tục hành chính về đăng ký doanh nghiệp đều có thể thực hiện trực tuyến thông qua các ứng dụng trên Cổng Thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp với 18 dịch vụ công được triển khai ở mức độ 4 và 4 dịch vụ công được triển khai ở mức độ 3; đồng thời, thực hiện công khai hóa toàn bộ quy trình đăng ký doanh nghiệp cũng như tình trạng hồ sơ doanh nghiệp trên Cổng Thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, từ khi đi vào hoạt động đến nay, Cổng đã cung cấp hơn 150 nghìn sản phẩm thông tin cho cá nhân, tổ chức có nhu cầu, trong đó: Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp có 107.848 sản phẩm (chiếm 71,3%); Thông tin đăng ký doanh nghiệp mới nhất có 11.957 sản phẩm (chiếm 7,9%); Thông tin lịch sử doanh nghiệp trong 3 năm gần nhất có 22.626 sản phẩm (chiếm 15%) và Vai trò của cá nhân có 8.766 sản phẩm (chiếm 5,8%).
Tính đến ngày 28/10/2020, Ứng dụng dịch vụ thông tin của Cổng Thông tin đã tiếp nhận gần 174 triệu lượt truy cập. Số lượng các sản phẩm thông tin được yêu cầu cung cấp ngày càng tăng đã thể hiện nhu cầu ngày càng cao về tra cứu thông tin doanh nghiệp của các cá nhân, tổ chức và cộng đồng doanh nghiệp.
Ngoài ra, số liệu từ Cục Quản lý đăng ký kinh doanh cũng cho thấy, chỉ tính riêng năm 2019, có hơn 600.000 bố cáo đã được đăng trên Cổng Thông tin. Số lượng bố cáo tăng gần 17% so với cùng kỳ năm 2018. Đến tháng 10/2020, Ứng dụng dịch vụ đăng bố cáo điện tử có gần 174 triệu lượt truy cập.
Sự gia tăng liên tục về số lượt đăng bố cáo trên Cổng Thông tin đã cho thấy, các doanh nghiệp đang ngày một thích ứng với việc sử dụng các dịch vụ công trực tuyến nói chung cũng như dịch vụ đăng bố cáo của Cổng Thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp nói riêng, góp phần nâng cao ý thức tuân thủ các quy định của pháp luật của doanh nghiệp.
Có thể thấy rằng, Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp ngày càng trở thành một địa chỉ quen thuộc giúp người dân, doanh nghiệp khai thác và sử dụng các tiện ích, dịch vụ công trực tuyến cũng như tra cứu các thông tin có giá trị pháp lý của doanh nghiệp để qua đó giảm thiểu các chi phí cũng như rủi ro cho doanh nghiệp./.
Bình luận