Từ khóa: cơ chế thu thập, cập nhật và lưu trữ thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi (CSHHL) của doanh nghiệp; đăng ký doanh nghiệp

GIỚI THIỆU

Năm 2007, việc trở thành thành viên Nhóm châu Á - Thái Bình Dương về phòng, chống rửa tiền (APG) đã khẳng định cam kết và nỗ lực của Việt Nam trong quá trình hội nhập với thế giới trên lĩnh vực này. Bên cạnh những lợi ích thành viên, Việt Nam phải thực hiện các nghĩa vụ thành viên của APG, bao gồm: cam kết thực hiện các chuẩn mực quốc tế về phòng, chống rửa tiền/tài trợ khủng bố/tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt (PCRT/TTKB/TTPBVKHDHL) (40 Khuyến nghị của Lực lượng đặc nhiệm tài chính - FATF ban hành), trong đó, có yêu cầu về việc thu thập, cập nhật và lưu trữ thông tin về CSHHL của doanh nghiệp (FATF, 2022).

ĐKDN là thủ tục “khai sinh”, bước đầu tiên để một doanh nghiệp gia nhập thị trường, vì vậy, việc thu thập, quản lý thông tin về CSHHL ngay từ bước này đóng vai trò hết sức quan trọng. Trước tình hình mới có nhiều biến động phức tạp và khó lường như hiện nay, thì việc hoàn thiện khung khổ pháp lý về công tác PCRT nói chung và các quy định về CSHHL trong lĩnh vực ĐKDN nói riêng ngày càng trở nên cấp thiết, đòi hỏi phải có những giải pháp kịp thời, phù hợp với bối cảnh của nước ta dựa trên kinh nghiệm sẵn có của các quốc gia trên thế giới.

SỰ CẦN THIẾT PHẢI XÂY DỰNG CƠ CHẾ THU THẬP, CẬP NHẬT VÀ LƯU TRỮ THÔNG TIN VỀ CSHHL

Các nội dung về CSHHL theo khuyến nghị của FATF

Theo Bảng chú giải chung cho các Khuyến nghị của FATF trong Báo cáo Các chuẩn mực quốc tế về PCRT/TTKB/PBVKHDHL, CSHHL được định nghĩa như sau: “CSHHL đề cập tới (các) cá nhân là người sở hữu hoặc kiểm soát cuối cùng[1] đối với một khách hàng và/hoặc là cá nhân mà thay mặt cho người đó, giao dịch đang thực hiện. Khái niệm này cũng bao gồm cả những người thực hiện quyền kiểm soát thực sự cuối cùng đối với một pháp nhân hoặc một thỏa thuận pháp lý” (FATF, 2022).

Cũng theo tài liệu này, “các cơ quan có thẩm quyền phải có thể thu thập hoặc có quyền truy cập kịp thời các thông tin đầy đủ, chính xác và cập nhật về CSHHL và kiểm soát của các doanh nghiệp và pháp nhân khác (thông tin về CSHHL) được thành lập ở quốc gia đó, cũng như các doanh nghiệp và pháp nhân có rủi ro RT/TTKB có liên kết với quốc gia của họ (nếu chúng không được thành lập trong nước). Trong đó, yêu cầu về thông tin CSHHL bao gồm: Các quốc gia phải yêu cầu các doanh nghiệp thu thập và nắm giữ thông tin đầy đủ, chính xác và cập nhật về CSHHL của doanh nghiệp; yêu cầu thông tin đầy đủ, chính xác và cập nhật về CSHHL của pháp nhân do cơ quan có thẩm quyền nắm giữ (ví dụ: cơ quan thuế, cơ quan đăng ký kinh doanh (ĐKKD) hoặc cơ quan đăng ký CSHHL); Có cơ chế đảm bảo thông tin cơ bản và thông tin có lợi về CSHHL, bao gồm thông tin được cung cấp cho cơ quan ĐKKD và bất kỳ thông tin sẵn có nào được đề cập trong Khuyến nghị 24.7 là đầy đủ, chính xác và cập nhật[2]; Tất cả các cá nhân, cơ quan chức năng và các tổ chức liên quan và bản thân doanh nghiệp phải duy trì thông tin và hồ sơ trong ít nhất 5 năm sau ngày khi doanh nghiệp bị giải thể hoặc không còn tồn tại (FATF, 2022).

Sự cần thiết phải xây dựng cơ chế thu thập, cập nhật và lưu trữ thông tin về CSHHL của doanh nghiệp

Thứ nhất, việc xây dựng cơ chế thu thập, cập nhật và lưu trữ thông tin về CSHHL của doanh nghiệp nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn của FATF, cũng như khắc phục những thiếu hụt đã được APG chỉ ra trong quá trình đánh giá đa phương về cơ chế PCRT/TTKB/TTPBVKHDHL của Việt Nam.

Thứ hai, đáp ứng yêu cầu về cải thiện môi trường kinh doanh quốc gia theo bộ chỉ số mới của Ngân hàng Thế giới. Bên cạnh việc thực hiện các quy định về PCRT, việc đăng ký thông tin về CSHHL khi doanh nghiệp khởi sự kinh doanh là một nội dung quan trọng được Ngân hàng Thế giới đưa vào nội dung đánh giá về chỉ tiêu Gia nhập thị trường của Dự án BEE (“Business Enabling Environment” - Môi trường Kinh doanh Thuận lợi)[3] (World Bank, 2022).

Nội dung đánh giá chủ yếu của chỉ tiêu này là về các quy định: (i) Gửi thông tin cần thiết, bao gồm xác minh đối với CSHHL; (ii) Khi phát sinh các thay đổi (ví dụ: thay đổi tên doanh nghiệp, thông tin cổ đông, thông tin về quyền sở hữu có lợi), cũng bắt buộc khung khổ pháp lý phải xác định các quy tắc và thời hạn để thực hiện các cập nhật cần thiết về thông tin ĐKKD. Đây là nội dung dựa trên các tiêu chuẩn của FATF, đảm bảo tính minh bạch và giúp ngăn chặn việc lợi dụng các doanh nghiệp để rửa tiền hoặc các hoạt động bất hợp pháp khác (World Bank, 2022).

THỰC TRẠNG TRIỂN KHAI TẠI VIỆT NAM

Với việc chính thức gia nhập APG từ năm 2007, Việt Nam phải tham gia vào các vòng đánh giá đa phương của APG theo Phương pháp luận đánh giá của FATF. Kể từ khi trở thành thành viên đến nay, Việt Nam đã trải qua 2 lần đánh giá đa phương của APG (năm 2008 và năm 2019).

Trên cơ sở yêu cầu tại 40 Khuyến nghị của FATF, để khắc phục những thiếu hụt trong cơ chế PCRT/TTKB/PBVKHDHL của Việt Nam được xác định trong Báo cáo đánh giá đa phương, tháng 8/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia (KHHĐQG) về PCRT, TTKB và TTPBVKHDHL giai đoạn 2021-2025[4], bao gồm Danh mục 41 hành động quốc gia về PCRT, TTKB, TTPBVKHDHL giai đoạn 2021-2025 và Phụ lục 83 hành động thực hiện Kế hoạch đến tháng 3/2023. Theo Kế hoạch này, bên cạnh việc ban hành Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) và các văn bản hướng dẫn chi tiết, còn phải triển khai thực hiện một loạt các hành động khác liên quan đến trách nhiệm của nhiều bộ, ngành; sửa đổi, bổ sung nhiều quy định pháp luật có liên quan tại Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Phòng, chống khủng bố, Luật Tương trợ tư pháp, Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán…, các văn bản hướng dẫn các luật nêu trên và các quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực có liên quan, cũng như triển khai hàng loạt các biện pháp nhằm thúc đẩy cơ chế thực thi hoạt động có hiệu quả tại các ngành, các lĩnh vực khác nhau.

Theo kết quả đánh giá đa phương của APG, kể từ sau đợt đánh giá đa phương năm 2009, Việt Nam có nhận thức ngày càng cao về rủi ro rửa tiền và TTKB. Trong năm 2019, Việt Nam đã hoàn thành báo cáo Đánh giá rủi ro quốc gia (NRA) đầu tiên và sau đó đã bổ sung các đánh giá rủi ro về các tổ chức phi lợi nhuận (NPO), pháp nhân và đánh giá rủi ro về TTPBVKHDHL. APG đánh giá Việt Nam có khuôn khổ pháp lý phù hợp để minh bạch thông tin cơ bản liên quan đến pháp nhân thương mại, nhưng còn thiếu sót trong việc thu thập và cung cấp thông tin về CSHHL (FATF, 2019).

Hiện nay, khung pháp lý về PCRT của Việt Nam đã có những khái niệm về CSHHL và quy định về minh bạch thông tin của pháp nhân. Cụ thể: khoản 7, Điều 3 - Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022 quy định: CSHHL được định nghĩa là “cá nhân có quyền sở hữu trên thực tế một hoặc một số tài sản, có quyền chi phối khách hàng thực hiện giao dịch liên quan đến tài sản cho cá nhân này; là cá nhân có quyền chi phối một pháp nhân hoặc một thỏa thuận pháp lý”. Điều 21 của luật này cũng quy định: “Cơ quan ĐKKD, cơ quan cấp phép thành lập, hoạt động cho pháp nhân phải cập nhật, lưu trữ thông tin cơ bản của pháp nhân, bao gồm: tên và loại hình pháp nhân, quyết định thành lập, giấy phép hoạt động, tình trạng pháp lý, địa chỉ trụ sở chính, cơ cấu tổ chức quản lý; danh sách người quản lý của pháp nhân, điều lệ; CSHHL của pháp nhân (nếu có). Các thông tin này phải được lưu trữ ít nhất 5 năm sau ngày pháp nhân chấm dứt hoạt động theo quy định của pháp luật”. Tuy nhiên, chưa có quy định cụ thể về cơ chế, quy trình thu thập và lưu trữ thông tin dữ liệu về CSHHL của doanh nghiệp.

KINH NGHIỆM QUỐC TẾ

Áo

Năm 2018, Áo đã thiết lập sổ đăng ký CSHHL. Các công ty được yêu cầu cập nhật thông tin về CSHHL hàng năm. Nếu không báo cáo, sẽ bị xử phạt cưỡng chế tự động và chuyển đến cơ quan phòng, chống gian lận để xử lý. Áo đã thực hiện một cách tiếp cận đa chiều để đảm bảo rằng, thông tin về CSHHL được đầy đủ, chính xác và cập nhật thông qua các đánh giá, kiểm toán dựa trên rủi ro và kiểm tra chéo đối với các pháp nhân và các quy định.

Theo Đạo luật Đăng ký CSHHL (BORA), doanh nghiệp sẽ bị phạt nếu vi phạm nghĩa vụ báo cáo do báo cáo không chính xác hoặc không đầy đủ hoặc do không gửi báo cáo (Khoản 1, Điều 15 - BORA). Trong trường hợp liên tục không khai báo, sẽ bị áp dụng hình phạt cưỡng chế 2 lần theo quy định tại Điều 16 - BORA. Ngoài ra, sẽ bị xử phạt đối với hành vi cố ý hoặc sơ suất nghiêm trọng, nếu pháp nhân đã vi phạm nghĩa vụ lưu giữ các bản sao của tài liệu và thông tin cần thiết cho nghĩa vụ thẩm định của họ dựa trên BORA. Các trường hợp thông tin chính xác về CSHHL đã được báo cáo, nhưng trong quá trình gửi tài liệu có sự sai lệch hoặc giả mạo trong khi gửi đến Cơ quan đăng ký CSHHL sẽ bị phạt lên tới 75.000 Euro. Việc tuân thủ nghĩa vụ báo cáo được đảm bảo liên tục thông qua việc thực hiện các hình phạt cưỡng chế tự động.

Indonesia

Kể từ năm 2018, tất cả các pháp nhân tại Indonesia được yêu cầu tiết lộ CSHHL của họ và cung cấp quyền sở hữu hưởng lợi bằng điện tử thông qua AHU Online. AHU Online là một ứng dụng, bao gồm: thông tin cơ bản và thông tin về quyền sở hữu hưởng lợi của pháp nhân được duy trì bởi Bộ Pháp luật và Nhân quyền (cơ quan phụ trách việc ĐKDN). Để đảm bảo rằng các bên báo cáo có thể truy cập thông tin về quyền sở hữu lợi ích một cách kịp thời, Quy định số 13 năm 2018 của Tổng thống yêu cầu bắt buộc cơ quan đăng ký công ty phải cung cấp quyền truy cập trực tiếp cho các bên báo cáo. Hơn nữa, các cơ quan có thẩm quyền, đặc biệt là các cơ quan chính phủ (ví dụ: Bộ Năng lượng và Tài nguyên khoáng sản, Bộ Nông nghiệp…), có quyền xem xét về việc cấp giấy phép kinh doanh cho pháp nhân chưa tiết lộ hoặc cung cấp thông tin CSHHL. Cơ quan có thẩm quyền sẽ quyết định dựa trên đánh giá của cơ quan chức năng.

Hồng Kông (Trung Quốc)

Tại Hồng Kông, thông tin được cung cấp cho Cơ quan đăng ký công ty (CR) phải được CR kiểm tra và xác minh. Các tổ chức tài chính cũng phải tuân theo các yêu cầu về thẩm định khách hàng (CDD) và lưu giữ hồ sơ theo luật định khi bất kỳ công ty nào mở tài khoản ngân hàng. CR cũng tiến hành kiểm tra địa điểm thường xuyên để kiểm tra sổ đăng ký kiểm soát viên quan trọng (SCR) có được các công ty lưu giữ đúng cách hay không. CR sẽ kiểm tra tính chính xác của thông tin có trong SCR so với các nguồn sẵn có khác theo cách tiếp cận dựa trên rủi ro.

Kể từ tháng 3/2014, Hồng Kông (Trung Quốc) đã cấm phát hành chứng quyền cổ phiếu vô danh. Bất kỳ ai bằng hành vi kinh doanh hoặc sắp xếp để một người làm cổ đông hoặc giám đốc công ty cho người khác sẽ bị coi là cung cấp dịch vụ ủy thác hoặc dịch vụ công ty theo Pháp lệnh PCRT và TTKB và phải có giấy phép từ CR để làm như vậy. Kể từ tháng 3/2018, những người được cấp phép phải tuân theo các yêu cầu về lưu giữ hồ sơ và thẩm định khách hàng theo luật định theo Pháp lệnh PCRT và TTKB. Hồng Kông có nhiều điều khoản khác nhau trong CO (Điều 622 của Luật Hồng Kông) về các biện pháp trừng phạt đối với các công ty không tuân thủ việc nộp hồ sơ thông tin. Theo đó, sẽ loại các công ty ra khỏi Sổ đăng ký công ty nếu họ không khai thuế hàng năm trong liên tục vài năm, vì đây là nguyên nhân khiến chính quyền Hồng Kông tin rằng, các công ty đó không hoạt động hoặc không tiếp tục kinh doanh.

MỘT SỐ GIẢI PHÁP TRONG ĐĂNG KÝ DOANH NGHIỆP TẠI VIỆT NAM

Thông qua những kinh nghiệm quốc tế, các nghiên cứu của chuyên gia và khuyến nghị của FATF, có thể rút ra một số giải pháp cho Việt Nam, như sau:

- Rà soát luật pháp hiện hành và các quy định pháp luật hiện hành, đảm bảo tính sẵn có và khả năng tiếp cận thông tin về quyền sở hữu hưởng lợi; xây dựng khung pháp lý về doanh nghiệp theo hướng trao quyền thu thập, xác minh và yêu cầu duy trì cập nhật thông tin về CSHHL cho cơ quan ĐKKD để phục vụ mục tiêu PCRT/TTKB.

- Xác định các lỗ hổng (nếu có) cản trở việc cung cấp đầy đủ thông tin về quyền sở hữu hưởng lợi cho tất cả các thực thể và/hoặc sự phù hợp với tiêu chuẩn EOIR, bao gồm: định nghĩa, xác định, xác minh, cập nhật thông tin về CSHHL; chú trọng khâu thực thi chính sách.

- Sử dụng kết hợp các phương pháp tiếp cận bổ sung, còn được gọi là phương pháp tiếp cận đa hướng cho phép minh bạch và hoàn thiện hơn về quy định quyền sở hữu hưởng lợi, đồng thời, có thể dùng để phát hiện những điểm không thống nhất và không chính xác trong bất kỳ nguồn thông tin nào.

- Lập nghĩa vụ cho các pháp nhân phải duy trì, cập nhật thông tin về CSHHL, đồng thời, thiết lập một sổ đăng ký thống nhất và duy nhất lưu giữ thông tin về quyền sở hữu hưởng lợi. Đảm bảo tính chính xác và phù hợp với tiêu chuẩn của thông tin CSHHL được các doanh nghiệp lưu giữ trong sổ đăng ký của họ, cũng như việc tuân thủ nghĩa vụ lưu giữ hồ sơ theo khuyến nghị của FATF.

- Nghiên cứu, nâng cấp Hệ thống thông tin quốc gia về ĐKDN, phát triển các công cụ hỗ trợ kê khai thông tin, ứng dụng các nền tảng công nghệ thông tin đa dạng để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong cung cấp, cập nhật thông tin về CSHHL thông qua hệ thống này.

- Các cơ quan nhà nước cần thực hiện việc giám sát và xác định một chiến lược rõ ràng để đảm bảo các doanh nghiệp tuân thủ các nghĩa vụ sở hữu hưởng lợi, trong đó bao gồm:

(i) Các biện pháp phòng ngừa và nâng cao nhận thức cho các doanh nghiệp về nghĩa vụ của họ, đồng thời phổ biến và đào tạo cho các cán bộ của cơ quan quản lý nhà nước về nhiệm vụ liên quan đến thu thập, lưu trữ, cập nhật thông tin về CSHHL, nhằm cung cấp kiến thức để xác định chính xác và phù hợp theo đúng yêu cầu tại các Khuyến nghị của FATF. Cơ quan nhà nước về PCRT nên cung cấp hướng dẫn và quy trình chi tiết để xác định chủ sở hữu hưởng lợi trong chuỗi sở hữu phức tạp và các tình huống khó xác định.

(ii) Xây dựng khung pháp lý quy định về các biện pháp cưỡng chế, bao gồm: xử phạt hành chính và hình sự tương ứng với hành vi vi phạm trong trường hợp doanh nghiệp không tuân thủ nghĩa vụ về CSHHL. Các biện pháp trừng phạt không chỉ được áp dụng đối với doanh nghiệp và người quản lý doanh nghiệp, mà còn đối với chủ sở hữu và/hoặc các bên liên quan và bất kỳ người nào khác trong chuỗi sở hữu, bao gồm cả CSHHL, nếu họ không tuân thủ nghĩa vụ cung cấp thông tin và các tài liệu hỗ trợ để xác định quyền sở hữu hưởng lợi./.

Võ Huy Hùng - Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư

ThS. Đỗ Hải Long - Thanh tra Ủy ban Chứng khoán Nhà nước

(Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo số 28, tháng 10/2023)


TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. FATF (2019), Best Practices Beneficial Ownership Legal-Persons.

2. FATF (2022), Báo cáo Các chuẩn mực quốc tế về PCRT, TTKB và chống phổ biến vũ khí, bản cập nhật tháng 3/2022

3. Global Forum on Transparency and Exchange of Information for Tax Purposes (2021), Building Effective Beneficial Ownership Frameworks - A joint Global Forum and IDB Toolkit.

4. Hiran Cabraal (2022), Tính minh bạch về CSHHL, PwC Việt Nam.

5. Mizuho Kida and Simon Paetzold (2021), The Impact of Gray-Listing on Capital Flows: An Analysis Using Machine Learning, IMF Working Paper WP/21/153.

6. Quốc hội (2022), Luật Phòng, chống rửa tiền, số 14/2022/QH15, ngày 15/11/2022.

7. Thủ tướng Chính phủ (2022), Quyết định số 941/QĐ-TTg, ngày 05/8/2022 ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về PCRT, TTKB và TTPBVKHDHL giai đoạn 2021-2025.

8. World Bank (2022), Business Enabling Environment - Concept Note.


[1] Dẫn chiếu đến “Sở hữu hoặc kiểm soát cuối cùng” và “kiểm soát thực sự cuối cùng” nói đến các trường hợp trong đó quyền sở hữu/kiểm soát được thực hiện thông qua một chuỗi quyền sở hữu hoặc bằng các phương tiện kiểm soát khác so với kiểm soát trực tiếp.

[2] Thông tin đầy đủ là thông tin đủ để xác định (các) thể nhân là (các) CSHHL, và các phương tiện và cơ chế thông qua đó họ thực hiện quyền sở hữu hoặc quyền kiểm soát có lợi. Thông tin chính xác là thông tin đã được xác minh để xác nhận tính chính xác bằng cách xác minh danh tính và tình trạng của CSHHL bằng cách sử dụng các tài liệu, dữ liệu hoặc thông tin đáng tin cậy, có nguồn gốc được thu thập một cách độc lập. Mức độ của các biện pháp xác minh có thể thay đổi tùy theo mức độ rủi ro cụ thể.

[3] Dự án BEE là một cách tiếp cận mới của Nhóm Ngân hàng Thế giới trong việc đánh giá môi trường đầu tư và kinh doanh thế giới nhằm thay thế Báo cáo Môi trường Kinh doanh (Doing Business - DB đã ngừng đánh giá kể từ ngày 16/9/2021).

[4] Quyết định số 941/QĐ-TTg, ngày 05/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt giai đoạn 2021-2025