Hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng lộ trình chuyển đổi số một cách bài bản
Năm 2023, dự báo tình hình kinh tế thế giới tiếp tục biến động rất phức tạp, khó lường, thậm chí khó khăn hơn năm 2022. Khu vực doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề, lãi suất tăng nhanh tạo áp lực lớn về huy động vốn, tăng chi phí sản xuất; động lực thúc đẩy xuất khẩu tại các thị trường lớn gặp nhiều thách thức khi đơn hàng, thị trường xuất khẩu bị thu hẹp do sức cầu suy giảm...
Trước những khó khăn, thách thức này, Chính phủ đã xác định chuyển đổi số là xu thế tất yếu và là giải pháp quan trọng để các doanh nghiệp nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường, cắt giảm chi phí, thích ứng với bối cảnh mới của nền kinh tế số. Nhận định rõ những thách thức này, ngay từ tháng 01/2021, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành và triển khai Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025 giao Cục Phát triển doanh nghiệp là cơ quan đầu mối triển khai thực hiện.
Trong giai đoạn đầu, Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) thông qua dự án Thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của doanh nghiệp nhỏ và vừa (USAID LinkSME) tập trung vào xây dựng các công cụ, tài liệu hướng dẫn, triển khai các hoạt động nâng cao nhận thức và đào tạo chuyển đổi số cho doanh nghiệp. Nhiều công cụ, nội dung đào tạo cũng được Chương trình số hóa, xây dựng thành các video để phổ biến cho toàn người dân, doanh nghiệp truy cập một cách dễ dàng, thuận lợi.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành và triển khai Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025 để hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển đổi số hiệu quả |
Tính đến nay, Chương trình đã đạt được một số kết quả tích cực như: hơn 2 triệu lượt truy cập các tài liệu hướng dẫn, video đào tạo, chia sẻ kinh nghiệm về chuyển đổi số của Chương trình; khoảng 1.500 doanh nghiệp tự đánh giá mức độ sẵn sàng chuyển đổi số để có phương hướng triển khai; hơn 10.000 doanh nghiệp tại 40 địa phương được đào tạo trực tiếp về chuyển đổi số…
Các hoạt động của Chương trình đã góp phần vào sự tăng trưởng rõ rệt trong nhận thức và đầu tư cho chuyển đổi số tại các doanh nghiệp. Theo Báo cáo thường niên chuyển đổi số doanh nghiệp năm 2022 của Cục Phát triển doanh nghiệp, kết quả khảo sát 1.000 doanh nghiệp triển khai cho thấy, trong năm 2022, số lượng các doanh nghiệp được khảo sát đang tiến hành chuyển đối số có dấu hiệu gia tăng và nhiều doanh nghiệp cũng đã dành ngân sách cụ thể cho hoạt động này dù ít hay nhiều (năm 2021, nhiều doanh nghiệp đang ở bước học tập, tìm hiểu và tham khảo thông tin, chuẩn bị cho việc triển khai chuyển đổi số). Sự thay đổi này chủ yếu đến từ sự trưởng thành trong nhận thức, kỹ năng và kinh nghiệm liên quan tới chuyển đổi số của lãnh đạo và đội ngũ nhân lực của doanh nghiệp.
Gói hỗ trợ xây dựng lộ trình chuyển đổi số cho doanh nghiệp
Tuy nhiên, thực thế cho thấy việc áp dụng công nghệ số tại nhiều doanh nghiệp, mà đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) vẫn còn rời rạc do thiếu mục tiêu, kế hoạch cũng như chiến lược thực hiện chuyển đổi số một cách rõ ràng ngay từ đầu, khiến việc chuyển đổi số chưa mang lại thành công như mong đợi ở nhiều doanh nghiệp.
Vì vậy, một trong các hoạt động quan trọng của Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025 là triển khai hiệu quả Gói xây dựng lộ trình Chuyển đổi số cho doanh nghiệp để hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số một cách bài bản. Theo số liệu thống kê của Cục Phát triển doanh nghiệp, sau khi công bố, đến nay, gói hỗ trợ đã nhận được hơn 200 doanh nghiệp đã đăng ký tham gia triển khai chương trình chuyển đổi số thuộc các lĩnh vực, như: cơ khí chế tạo, điện tử, nông nghiệp và chế biến nông sản, chế biến gỗ, sản phẩm nội thất…
Hơn 200 doanh nghiệp đã đăng ký tham gia triển khai chương trình chuyển đổi số thuộc các lĩnh vực |
Từ những doanh nghiệp đăng ký, Chương trình đã sàng lọc ra 50 doanh nghiệp có độ sẵn sàng cao theo một số tiêu chí ưu tiên. Từ đó, cử các chuyên gia giàu kinh nghiệm trong mạng lưới của Chương trình đến từng doanh nghiệp để khảo sát, đánh giá và tư vấn chuyên sâu về định hướng chuyển đổi số cho từng doanh nghiệp. Các chuyên gia đã làm việc cùng doanh nghiệp trong 3 tháng liên tục để giúp doanh nghiệp từng bước chuyển đổi số, có phương hướng và lộ trình bài bản để đầu tư chuyển đổi số trong vài năm tới.
Doanh nghiệp đánh giá cao hiệu quả khi tham gia Chương trình
Đánh giá cao tính bài bản và hiệu quả của Gói lộ trình Chương trình chuyển đổi số là những nhận định chung được hầu hết các doanh nghiệp tiên phong tham gia chương trình chuyển đổi số đưa ra. Công ty cổ phần cơ khí Nguyên Phúc cho rằng, lộ trình mà chuyên gia xây dựng trong gói hỗ trợ là rất phù hợp với các hoạt động dự kiến triển khai và thay đổi của Công ty.
“Chúng tôi biết đây là hành trình dài và gian nan, nhưng để làm được điều này rất mong sự hỗ trợ sâu sát của các cơ quan nhà nước trong việc hỗ trợ DNNVV lớn mạnh hơn”, đại diện Công ty cổ phần cơ khí Nguyên Phúc bày tỏ.
Chuyên gia Chương trình hỗ trợ tư vấn, hướng dẫn chuyển đổi số tại Công ty cổ phần cơ khí Nguyên Phúc |
Tương tự, Công ty TNHH Sản xuất - Dịch Vụ Thương mại Tiến Thịnh cho hay, Gói lộ trình chuyển đổi số không những giúp doanh nghiệp giải quyết triệt để vấn đề chuẩn hóa quy trình sản xuất, quản trị công ty, mà còn góp phần đưa văn hóa Công ty thay đổi toàn diện, tạo ra hướng đi mới về việc giải quyết các vấn đề tổ chức, sản xuất và bán hàng.
Còn theo Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Vĩnh Phát, sau khi nhận được báo cáo lộ trình, lãnh đạo doanh nghiệp đã họp nội bộ và thống nhất chương trình làm việc. “Khi biết được sự hỗ trợ sát sao của Nhà nước theo Luật hỗ trợ DNNVV, chúng tôi đã an tâm hơn vì hành trình của chúng tôi không cô đơn", lãnh đạo doanh nghiệp chia sẻ.
Đại diện Công ty TNHH hóa công nghệ Na No nhấn mạnh: “Chúng tôi tin rằng, với sự hỗ trợ của Chính phủ, chúng tôi sẽ có thể thực hiện được hành trình chuyển đổi số một cách hiệu quả và nhanh chóng. Chúng tôi cũng hy vọng rằng hành trình của chúng tôi sẽ tiếp tục được Chính phủ và các bộ, ban, ngành theo sát để triển khai thành công Lộ trình chuyển đổi số dài hơi này”
Cũng là một trong những doanh nghiệp tham gia gói lộ trình chuyển đổi số từ những ngày đầu, đại diện Công ty TNHH Cơ khí Nhật Nam cho biết: “Chúng tôi lo lắng về việc triển khai không đồng bộ các hoạt động chuyển đổi số cho các phòng, ban dẫn đến tốn thời gian và nguồn lực. Tuy nhiên, Lộ trình của chuyên gia đưa ra rất chi tiết, vẽ ra một bức tranh tổng thể rõ ràng để chúng tôi có thể chuẩn hóa quy trình và thực hiện.
Gói lộ trình chuyển đổi số giúp doanh nghiệp giải quyết triệt để vấn đề chuẩn hóa quy trình sản xuất, quản trị công ty, xây dựng văn hoá doanh nghiệp |
Để hỗ trợ doanh nghiệp triển khai lộ trình chuyển đổi số một cách hiệu quả, Công ty TNHH Aqua Mina cho rằng, các hỗ trợ tiếp theo của Chính phủ trong việc tư vấn, đào tạo là rất quan trọng với doanh nghiệp để thực hiện triển khai lộ trình chuyển đổi số một cách thành công.
“Chúng tôi rất mong Chính phủ sẽ cung cấp cho chúng tôi các quy định và hướng dẫn cần thiết để hỗ trợ trong quá trình chuyển đổi này”, đại diện doanh nghiệp kiến nghị. Công ty cổ phần Sản xuất thương mại Liên Vinh cũng khẳng định, các hỗ trợ của Nhà nước trong các bước tiếp theo sẽ giúp doanh nghiệp giải quyết hiệu quả các bài toán đang gặp phải về sự sụt giảm đơn hàng, trong khi tiêu chuẩn của các đối tác lớn nước ngoài ngày càng tăng.
Như vậy, có thể thể thấy, Gói xây dựng lộ trình Chuyển đổi số cho doanh nghiệp đã được triển khai một cách có hệ thống, khoa học, giúp các doanh nghiệp xác định hướng đi đúng, tiết kiệm thời gian, chi phí và nguồn lực khi triển khai chuyển đổi số, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
Những doanh nghiệp tiên phong chuyển đổi số này sẽ trở thành những điển hình thành công, truyền cảm hứng giúp các doanh nghiệp khác có thêm niềm tin, động lực, bài học kinh nghiệm tốt để thực hiện chuyển đổi số. Đây cũng là một trong những mục tiêu chính của Chương trình Hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư./.
Bình luận