5 nhóm quan điểm, giải pháp hỗ trợ phát triển doanh nghiệp

Phát biểu chỉ đạo định hướng thảo luận góp ý cho dự thảo Nghị quyết tại cuộc họp, Thứ trưởng Trần Duy Đông nêu rõ, phát triển các khu vực doanh nghiệp là yêu cầu rất quan trọng nhằm thực hiện mục tiêu của Nghị quyết là hỗ trợ DN thích ứng với tình hình mới, ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh, nhanh chóng phục hồi, tạo tiền để bứt phá, nâng cao năng lực cạnh tranh và lớn mạnh về quy mô. Để có thể cụ thể hóa được việc thực hiện mục tiêu này, Dự thảo Nghị quyết phải thể hiện được tính kết nối, hồi phục phát triển; tích hợp các giải pháp đưa vào chương trình phục hồi kinh tế, theo đó làm rõ hơn các các vấn đề về chỉ tiêu; hộ kinh doanh; các nhóm giải pháp, định hướng phát triển…

Hoàn thiện dự thảo Nghị quyết hỗ trợ phát triển doanh nghiệp giai đoạn 2021-2025
Cuộc họp diễn ra dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông

Trình bày dự thảo Nghị quyết hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp giai đoạn 2021-2025 và tổng hợp ý kiến góp ý của các bộ, ngành vừa qua, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp Bùi Thị Thu Thủy cho biết, dự thảo Nghị quyết được xây dựng nhằm phát triển các doanh nghiệp Việt Nam cả về số lượng, chất lượng, hiệu quả, bền vững, thực sự trở thành lực lượng quan trọng đảm bảo tính tự chủ của kinh tế. Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương thực hiện quyết liệt, hiệu quả dự trên 5 nhóm quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp.

Thứ nhất, quan điểm và định hướng chung là quán triệt thực thi đầy đủ và hiệu quả các Nghị quyết, chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển doanh nghiệp, trong đó khu vực kinh tế nhà nước đóng vai trò chủ đạo, khu vực kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng để phát triển kinh tế; bảo vệ quyền sở hữu tài sản hợp pháp và quyền tự do kinh doanh của người dân, doanh nghiệp theo Hiến pháp và pháp luật; củng cố niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân nhằm khơi thông các điểm nghẽn, huy động, giải phóng các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển.

Thứ hai, xây dựng tư tưởng, văn hóa phục vụ cho các cán bộ, cơ quan Nhà nước; lấy doanh nghiệp là đối tượng phục vụ, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh và phát triển. Việc xây dựng thể chế, chính sách phải bảo đảm tính ổn định, nhất quán, dễ dự báo, rõ ràng, minh bạch, hiệu quả và thực chất; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh theo hướng thông thoáng, thuận lợi, an toàn và thân thiện, hài hòa với pháp luật quốc tế, đặc biệt là các cam kết, thỏa thuận quốc tế mà Việt Nam đã ký kết, gia nhập; xóa bỏ cơ chế xin cho; đơn giản hóa khâu tiền kiểm, tăng cường hậu kiểm dựa trên tiêu chuẩn, tiêu chí rõ ràng, minh bạch, hợp lý; nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ thực hiện hậu kiểm cũng như hoàn thiện các chế tài liên quan; bảo đảm quyền bình đẳng cho tất cả các doanh nghiệp, không phân biệt loại hình, thành phần kinh tế trong cơ hội tiếp cận các nguồn lực và chính sách.

Thứ ba, mạnh dạn thí điểm các giải pháp, chính sách, mô hình kinh doanh mới dựa trên đổi mới sáng tạo, kinh tế số mà pháp luật chưa quy định trên nguyên tắc bám sát tình hình thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp và thông lệ quốc tế tốt; kịp thời đánh giá, tổng kết quá trình thí điểm để thể chế hóa các giải pháp, chính sách, mô hình phù hợp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển.

Thứ tư, hỗ trợ các doanh nghiệp phục hồi và tăng trưởng, trong đó ưu tiên doanh nghiệp có khả năng dẫn dắt trong các ngành, lĩnh vực có lợi thế, tiềm năng tạo động lực tăng trưởng mới, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động, có đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước, các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, doanh nghiệp công nghệ cao.

Thứ năm, chú trọng và khuyến khích việc ứng dụng các nền tảng công nghệ, bao gồm công nghệ thông tin và các công nghệ tiên tiến khác trong hoạt động của cả doanh nghiệp và cơ quan nhà nước trong quá trình hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp.

Trên cơ sở 5 nhóm quan điểm mục tiêu nhiệm vụ định hướng này, các đại biểu đã thảo luận, góp ý về mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp để tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, minh bạch, công bằng, tạo điều kiện để doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế phát triển. Các định hướng và giải pháp hỗ trợ phục hồi, thúc đẩy phát triển các khu vực doanh nghiệp được đề xuất bao gồm tập trung kích cầu nội địa, thúc đẩy mở rộng thị trường trong nước và quốc tế; hỗ trợ tăng cường tiếp cận tài chính; hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo; phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cho doanh nghiệp; đào tạo, tư vấn nâng cao kỹ năng, chuyển đổi ngành nghề lao động, lĩnh vực kinh doanh mới; tăng cường liên kết doanh nghiệp, tham gia chuỗi giá trị; hỗ trợ phục hồi, khuyến khích phát triển doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp có quy mô lớn, có vai trò dẫn dắt trong một số ngành kinh tế mũi nhọn; nâng cao hiệu quả hoạt động và khai thác dư địa của khu vực doanh nghiệp nhà nước… Thứ trưởng Trần Duy Đông đề nghị Cục Phát triển doanh nghiệp tiếp thu các ý kiến góp ý của các bộ, ngành và rà soát lại dự thảo Nghị quyết. Trên cơ sở đó, hoàn thiện Dự thảo Nghị quyết trên tinh thần thể hiện được trọng tâm, trọng điểm nhưng phải bao quát và cụ thể, các giải pháp gắn với nhiệm vụ được giao và có định hướng.

Liên quan tiến độ xây dựng và lấy ý kiến góp ý hoàn thiện Dự thảo Nghị quyết, đại diện Cục Phát triển doanh nghiệp cũng cho biết ngày18/9/2021 vừa qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có công văn gửi các bộ ngành, địa phương, các hiệp hội doanh nghiệp lấy ý kiến góp ý cho Dự thảo Nghị quyết. Trên cơ sở tổng hợp ý kiến các đơn vị, Bộ tiếp tục hoàn thiện dự thảo Tờ trình và Dự thảo Nghị quyết để sớm trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt

Hỗ trợ doanh nghiệp sớm phục hồi, phấn đấu năm 2025 có trên 2 triệu doanh nghiệp

Từ đầu năm 2020, sự xuất hiện và kéo dài của các làn sóng đại dịch Covid-19 đã gây ảnh hưởng nặng nề tới phát triển kinh tế xã hội nói chung cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh của các khu vực doanh nghiệp nói riêng. Mặc dù các doanh nghiệp đã và đang rất nỗ lực vượt khó, nhưng thách thức ngày càng thêm chồng chất, bộn bề do những hạn chế nội tại cố hữu của khu vực doanh nghiệp, cộng thêm ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch bệnh. Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành kịp thời các chính sách, giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh bị tác động bởi dịch bệnh Covid-19, trong đó gần đây nhất là Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 9/9/2021 về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 được cộng đồng doanh nghiệp trong ngoài nước đánh giá cao. Đây là các giải pháp hỗ trợ tháo gỡ những vấn đề cấp bách, ngắn hạn cho khu vực doanh nghiệp. Tuy nhiên, tác động của dịch bệnh Covid-19 sẽ còn gây ra những hậu quả lâu dài và nghiêm trọng hơn nếu khu vực doanh nghiệp không được tiếp sức kịp thời.

Do đó, bên cạnh những giải pháp hỗ trợ ngắn hạn cũng cần chuẩn bị ngay giải pháp hỗ trợ trong trung và dài hạn, tạo nền tảng giúp khu vực doanh nghiệp có thể thích ứng với tình hình mới, phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh nhanh chóng, tạo đà bứt phá, góp phần đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội mà Đảng và Nhà nước đã đề ra trong giai đoạn 2021-2025. Vì vậy, việc xây dựng Nghị quyết của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp giai đoạn 2021-2025 là thực sự cần thiết.

Trên cơ sở các mục tiêu về phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2021-2025, mức độ tăng trưởng phát triển doanh nghiệp trong giai đoạn 5 năm 2016-2020 và đánh giá tác động bởi dịch bệnh Covid-19 tới khả năng phục hồi sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, dự thảo Nghị quyết đề ra một số mục tiêu và chỉ tiêu về phát triển doanh nghiệp trong giai đoạn 2021-2025, trong đó có các mục tiêu chủ chốt như: Phấn đấu luỹ kế đến năm 2025 có hơn 2,1 triệu doanh nghiệp đăng ký thành lập, trong đó khoảng 710.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới giai đoạn 2021-2025; khoảng 70 doanh nghiệp có vốn hóa trên thị trường chứng khoán đạt trên 1 tỷ USD; khoảng 10 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo được định giá trên 1 tỷ USD; khoảng 35-40% tổng số doanh nghiệp có hoạt động ứng dụng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; 100% doanh nghiệp được tiếp cận chuyển đổi số, trong đó 100.000 doanh nghiệp được hỗ trợ chuyển đổi số; mỗi năm tăng 10% số lượng doanh nghiệp được vào danh sách doanh nghiệp có giá trị thương hiệu cao nhất của các tổ chức xếp hạng uy tín trên thế giới...

Thực hiện mục tiêu này, Dự thảo Nghị quyết đề xuất 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp thực hiện như: tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, minh bạch, công bằng, tạo điều kiện để DN thuộc mọi thành phần kinh tế phát triển; kích cầu nội địa, thúc đẩy mở rộng thị trường trong nước và quốc tế; hỗ trợ phục hồi, khuyến khích phát triển DN, đặc biệt là những DN có quy mô lớn, có vai trò dẫn dắt trong một số ngành kinh tế mũi nhọn…/.