Theo tuyên bố hôm 18/9 của Chính phủ Hy Lạp, mỗi cá nhân sẽ được chuyển khoản 500 Euro (khoảng 550 USD) ra nước ngoài mỗi tháng. Đối với những bậc phụ huynh có con đi du học nước ngoài, cứ ba tháng sẽ được chuyển 5.000 Euro, hoặc thậm chí là 8.000 Euro nếu có giấy tờ chứng minh các khoản chi phí.

Đồng thời, hoạt động chuyển tiền ra nước ngoài để thanh toán cho khoản chi nhập khẩu liên quan đến các mặt hàng như dược phẩm, nhiên liệu và thực phẩm cũng trở nên dễ dàng hơn, mặc dù vẫn chịu kiểm soát từ Chính phủ.

Trong khi đó, hạn mức rút tiền mặt tại Hy Lạp vẫn được giữ nguyên ở mức 420 Euro/tuần theo quy định hôm 20/7. Ngoài ra, người dân Hy Lạp cũng được phép mở tài khoản ngân hàng mới để thanh toán các khoản nợ, đóng góp an sinh xã hội hoặc nộp thuế. Tuy nhiên, những tài khoản này sẽ không cho phép họ rút tiền.

Các biện pháp kiểm soát vốn trước đó của Chính phủ Thủ tướng Alexis Tsipras đã khiến doanh nghiệp nước này lao đao khi những khoản thanh toán lớn của họ cho các nhà cung cấp nước ngoài phải chờ đợi Chính phủ thông qua, khiến hoạt động mua bán diễn ra chậm trễ và nhiều nhà cung cấp thậm chí còn đòi hỏi phải những doanh nghiệp này phải thanh toán trước khi nhận hàng.

Tuần trước, các chủ nợ đã đồng ý cho Hy Lạp vay thêm 86 tỷ Euro. Đổi lại, Athens sẽ phải tăng thuế và thúc đẩy việc tư hữu hóa. Điều đó dẫn đến nguy cơ xung đột và mâu thuẫn trong xã hội nước này ngày càng cao và cái giá phải trả có thể là sự sụp đổ của Chính phủ của Thủ tướng Tsipras.

Tăng thuế nhiều khả năng sẽ càng khiến xã hội Hy Lạp trở nên căng thẳng và người dân thêm bất mãn, do những năm tháng "thắt lưng buộc bụng" để vay nợ đã khiến họ bị bần cùng hóa và đẩy hàng triệu người ra đường vì thất nghiệp. Trong khi đó, việc thúc đẩy tư hữu hóa, với việc cổ phần hóa các cảng biển lớn cũng như hệ thống đường sắt quốc gia Hy Lạp được cho là một hình thức phụ thuộc chặt chẽ hơn nữa về chính sách kinh tế của Chính phủ nước này vào Liên minh châu Âu (EU)./.