Ông có thể cho biết, IKEA đánh giá và định vị Việt Nam như thế nào trong chuỗi cung ứng của IKEA vào thời điểm hiện tại?

Việt Nam là một thị trường cung ứng chiến lược trong chuỗi cung ứng toàn cầu của IKEA. Việt Nam sở hữu năng lực sản xuất ngày càng phát triển, các chính sách tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất nhập-khẩu, cùng với nhiều lợi thế trong lĩnh vực logistics đã giúp Việt Nam trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu của chúng tôi.

IKEA: Việt Nam là thị trường chiến lược trong chuỗi cung ứng toàn cầu của tập đoàn
Việt Nam được nhận định là thị trường chiến lược trong chuỗi cung ứng toán cầu của IKEA

Tập đoàn mong đợi gì khi tham gia sự kiện Viet Nam International Sourcing 2023, thưa ông?

IKEA mong muốn chia sẻ quá trình hoạt động trong việc xây dựng chuỗi cung ứng bền vững của chúng tôi theo chiến lược phát triển bền vững "Lợi ích tích cực cho nhân loại và hành tinh” (People & Planet Positive Strategy), bao gồm tất cả các hoạt động trong chuỗi giá trị của IKEA trên toàn cầu. Hơn nữa, chúng tôi mong muốn cập nhật những thông tin và kinh nghiệm đến từ các doanh nghiệp tham gia và góp phần chia sẻ nhằm thúc đẩy vai trò của Việt Nam - một địa điểm cung ứng với tiềm lực sản xuất mang tính cạnh tranh cao.

Là doanh nghiệp tư nhân bán lẻ đồ nội thất lớn nhất thế giới, những năm vừa qua, IKEA có sử dụng nguồn nguyên liệu từ Việt Nam hay không? Ông đánh giá thế nào về các sản phẩm đồ nội thất có xuất xứ từ Việt Nam?

Chúng tôi đã có mặt tại Việt Nam thông qua hoạt động thu mua, cung ứng từ năm 1993 và liên tục mở rộng hợp tác với các đối tác cung ứng khác nhau trong nước suốt thời gian vừa qua. Trên toàn cầu, chúng tôi không ngừng phấn đấu trong quá trình làm việc với các nhà cung cấp của mình, để tạo ra các sản phẩm chất lượng và an toàn nhất cho người tiêu dùng, bất kể chúng được sản xuất ở đâu. Vì thế, các nhà cung cấp của IKEA tại Việt Nam cũng cùng chia sẻ tầm nhìn, văn hóa và giá trị trong việc tạo ra các sản phẩm nội thất nhà ở được thiết kế với chất lượng tốt, tiện dụng, với giá cả hợp lý và mang tính bền vững cao.

Xin ông cho biết tiêu chí lựa chọn nhà cung cấp của IKEA là gì? Để trở thành đối tác của IKEA nói riêng và các nhà bán lẻ đồ nội thất ở Thuỵ Điển nói chung, doanh nghiệp Việt Nam phải đáp ứng được các tiêu chí gì?

Chúng tôi không thể bình luận cho các nhà sản xuất, bán lẻ nội thất khác, nhưng chúng tôi có thể chia sẻ từ quá trình hoạt động của mình. Đối với IKEA, các đối tác cung ứng và nhà cung cấp dịch vụ của chúng tôi đóng vai trò then chốt trong việc tạo ra một cuộc sống hằng ngày tốt đẹp hơn cho nhiều người. Cùng nhau, chúng tôi khám phá những cách thức mới để vận hành và phát triển hoạt động kinh doanh có trách nhiệm với xã hội và môi trường, đồng hành trong việc giải quyết thách thức và hợp tác nhằm tạo ra sự thay đổi tích cực.

Chúng tôi lựa chọn các nhà cung cấp cùng chia sẻ giá trị và hoài bão nhằm tạo nên ảnh hưởng tích cực cho nhân loại và hành tinh. Vì thế, chúng tôi đã xây dựng tiêu chuẩn IWAY - Bộ Quy tắc thu mua, Cung ứng có trách nhiệm - là tiền đề cốt lõi trong hoạt động kinh doanh dành cho các nhà cung cấp của IKEA.

IWAY là cách IKEA cùng các nhà cung cấp đảm bảo hoạt động tìm nguồn cung ứng cho các sản phẩm, dịch vụ, vật liệu và linh kiện có trách nhiệm, bằng cách xác định các kỳ vọng và cách thức làm việc rõ ràng đối với các nhà cung cấp, đảm bảo hoạt động kinh doanh luôn vì môi trường, xã hội, điều kiện làm việc của người lao động và cả phúc lợi động vật.

Thực hiện các tiêu chuẩn IWAY cũng là điều kiện tiên quyết và bắt buộc đối với tất cả các đối tác cung ứng và nhà cung cấp dịch vụ khi làm việc với IKEA. Bộ quy tắc IWAY mong muốn đem lại giá trị việc làm có ý nghĩa cho tất cả người lao động, góp phần đem lại thay đổi tích cực tại cộng đồng địa phương trong toàn bộ chuỗi giá trị của IKEA trên toàn cầu.

Việt Nam đang vươn lên là một trong những thị trường xuất khẩu đồ gỗ lớn nhất thế giới. Ông có kỳ vọng gì về việc tìm kiếm, nhập khẩu nguồn hàng từ Việt Nam khi tham gia sự kiện Chuỗi kết nối Viet Nam International Sourcing 2023?

Việt Nam là một thị trường cung ứng gỗ quan trọng cho các nhà cung cấp của IKEA. Nơi đây cung cấp một lượng lớn gỗ keo (gỗ Acacia) - loại gỗ sẫm màu có nguồn gốc được chứng nhận bởi Hội Đồng Quản Lý Rừng (FSC), phù hợp với các sản phẩm bàn ghế ngoài trời của chúng tôi.

Trong thời gian sắp tới, chúng tôi sẽ nghiên cứu thu mua gỗ cao su với nhiều ứng dụng trong việc sản xuất đồ nội thất. Trong nhiều thập kỷ, chúng tôi đã làm việc cùng các đối tác khác nhau ở Việt Nam để cải thiện công tác quản lý rừng bền vững. Bất kể nhà cung cấp của chúng tôi thu mua gỗ từ đâu, để giảm thiểu rủi ro gỗ không đáp ứng yêu cầu của chuỗi cung ứng, bao gồm cả yêu cầu về pháp lý, chúng tôi yêu cầu các đối tác chỉ cung cấp và sử dụng nguyên liệu từ gỗ được FSC chứng nhận.

Hy vọng thông qua sự kiện lần này, chúng ta có thể tập trung nhấn mạnh việc xây dựng và chia sẻ kiến thức để cải thiện hoạt động tìm nguồn cung ứng gỗ song hành với việc quản lý rừng bền vững, từ đó nâng cao sinh kế và tăng cường khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu, nhằm sẵn sàng đón nhận mọi thay đổi về điều kiện cung ứng từ các thị trường khác nhau trên thế giới.

Hiệp định EVFTA đã và đang mang lại cơ hội lớn cho hàng Việt Nam ở Thuỵ Điển nói chung và châu Âu nói riêng. Ông có khuyến nghị gì cho doanh nghiệp Việt Nam để tận dụng hiệu quả Hiệp định này, đưa hàng vào sâu hơn thị trường Thuỵ Điển và châu Âu?

Hiệp định EVFTA là một công cụ quan trọng trong việc thúc đẩy khả năng sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam. Các nhà sản xuất nên tập trung vào việc duy trì các tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm cao và nghiên cứu xu hướng tiêu dùng, cũng như sở thích của khách hàng toàn cầu để phát huy lợi thế sẵn có. Ngoài ra, các doanh nghiệp nên xây dựng mạng lưới phân phối mạnh và tập trung phát triển các hoạt động kinh doanh bền vững để tận dụng tối đa cơ hội mà Hiệp định mang lại./.