CHÍNH SÁCH VỀ XUẤT KHẨU LAO ĐỘNG NGÀY CÀNG HOÀN THIỆN

Vấn đề xuất khẩu lao động ra nước ngoài là nội dung luôn được quan tâm, thể hiện bằng việc Đảng, Chính phủ đã ban hành nhiều nghị quyết, luật, nghị định, chính sách phù hợp với từng giai đoạn.

Những năm 1980, khi mô hình hợp tác xã không tạo ra sự cạnh tranh, các nhà máy hoạt động kiểu bao cấp khó phát triển, Việt Nam bắt đầu đưa chuyên gia, lao động đi làm việc ngoài nước. Ngày 29/11/1980, Hội đồng Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 362/CP về việc hợp tác sử dụng lao động với các nước xã hội chủ nghĩa. Ngày 9/11/1991, Chính phủ ban hành Nghị định số 370-HĐBT về quy chế đưa người lao động Việt Nam đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, cho phép các tổ chức kinh tế được thành lập và cấp giấy hoạt động xuất khẩu lao động.

Năm 1995, Nghị định số 370-HĐBT được thay thế bằng Nghị định số 07/CP, ngày 20/01/1995 về việc quy định chi tiết một số điều của Bộ luật Lao động về đưa người lao động Việt Nam đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài và Nghị định số 05/CP, ngày 20/01/1995 về việc quy định chi tiết thi hành pháp lệnh thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao.

Năm 2006, Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng chính thức được Quốc hội Việt Nam khóa XI thông qua ngày 12/12/2006 và có hiệu lực từ ngày 01/7/2007.

Đến năm 2007, nhiều nghị định liên quan làm rõ và hướng dẫn Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng ra đời, bao gồm: Nghị định số 126/2007/NĐ-CP, ngày 01/8/2007 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; Nghị định số 144/2007/NĐ-CP, ngày 10/9/2007 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Ngoài ra, còn một số quyết định về việc thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước; ban hành chương trình bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài; quy định về tổ chức bộ máy chuyên trách xuất khẩu và bồi dưỡng kiến thức lao động sang nước ngoài; ban hành chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài…

Xuất khẩu lao động Việt Nam ra nước ngoài sau hơn 4 thập niên
Thực tập sinh làm việc tại Nhật Bản

Ngày 8/5/2012, Ban bí thư Trung ương Đảng khóa XI đã ban hành Chỉ thị số 16-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với công tác đưa người lao động và chuyên gia Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.

Năm 2020, tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi), có hiệu lực từ ngày 01/01/2022. Ngay sau đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 38/2020/NĐ-CP, ngày 03/4/2020 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Ngày 15/12/2021, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục ban hành Thông tư số 21/2021/TT-BLĐTBXH hướng dẫn Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Ngày 31/12/2021, Thủ tướng ban hành Quyết định số 40/2021/QĐ-TTg về Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước.

NHIỀU KẾT QUẢ ĐÁNG GHI NHẬN

Với hành lang pháp lý ngày càng hoàn thiện, hoạt động xuất khẩu lao động của Việt Nam sau hơn 4 thập niên đã có sự chuyển biến cả về lượng và chất (Bảng). Hoạt động xuất khẩu lao động Việt Nam ra nước ngoài đã mở rộng nhanh chóng, từ 4 quốc gia chủ yếu tiếp nhận lao động Việt Nam trong giai đoạn 1980-1990, thì từ năm 2007 đến nay đã mở rộng ra đến 40 quốc gia và vùng lãnh thổ tiếp nhận lao động xuất khẩu của Việt Nam. Thị trường tiếp nhận lao động ngày càng đa dạng, ban đầu chỉ là thông qua các hiệp định của Chính phủ, đến nay có sự gia tăng nhanh chóng của các trung tâm, tổ chức có chức năng xuất khẩu lao động. Việt Nam đã xác định những thị trường trọng điểm, có tính chiến lược, như: Nhật Bản, Hàn Quốc… để đưa lao động sang.

Bảng: Kết quả 40 năm hoạt động xuất khẩu lao động Việt Nam ra nước ngoài

Giai đoạn

Thị trường

Số lượng lao động

Thu ngoại tệ

1980-1990

- Hợp tác với các nước xã hội chủ nghĩa: Liên Xô, CHDC Đức, Tiệp Khắc, Bungari

- Châu Phi: Angola, Algieria, Mozambique, Congo, Madagasca

- 245.000 lao động

- 7.200 chuyên gia y tế

- 18.000 cán bộ, kỹ sư quản lý

- 245.000 học sinh học nghề

300 triệu USD

1991-2000

- Nga, Séc

- Trung Đông: Iraq, Kuwait, Arab Saudi

- Nhật Bản, Hàn Quốc

160.000 lao động

500 triệu USD

2001-2007

20 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó, thị trường trọng điểm là: Đài Loan, Malaysia, Nhật Bản, Hàn Quốc

Trên 500.000 lao động

1,5-2 tỷ USD/năm

2007- nay

40 quốc gia và vùng lãnh thổ

- Thị trường trọng điểm: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan

- Thị trường truyền thống: Malaysia, Arab Saudi, Đài Loan

- Thị trường hướng tới: Đức, Australia, châu Âu

- Trên 600.000 lao động đang làm việc

- Đưa trên 1.000.000 lượt lao động đi

3-4 tỷ USD/năm

Nguồn: Tổng hợp từ Cục Quản lý lao động ngoài nước

Doanh nghiệp làm dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài tăng nhanh qua các năm, đến năm 2022 có 451 tổ chức, doanh nghiệp; đã đưa được hơn 1 triệu lượt người lao động và chuyên gia đi làm việc ở nước ngoài, tạo việc làm cho khoảng 7%-10% lực lượng lao động tăng thêm hàng năm.

Đặc biệt, sau 2 năm “đóng băng” do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thị trường xuất khẩu lao động dần hồi phục. Cùng với các chính sách hỗ trợ, thị trường xuất khẩu lao động đã lấy lại đà tăng trưởng và về đích sớm. Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, ộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trong 9 tháng đầu năm 2022, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 103.026 lao động, đạt 114,47% kế hoạch năm. Trong đó, thị trường Nhật Bản là 51.859 lao động (23.421 lao động nữ), Đài Loan là 44.584 lao động (13.329 lao động nữ), Hàn Quốc là 1.668 lao động (43 lao động nữ), Singapore là 1.498 lao động (2 lao động nữ), Trung Quốc là 643 lao động nam, Rumania là 540 lao động (102 lao động nữ), Hungary là 522 lao động (255 lao động nữ), Liên bang Nga là 318 lao động (20 lao động nữ), Ba Lan là 315 lao động (57 lao động nữ) và các thị trường khác.

Lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài tập trung nhiều vào các lĩnh vực, như: sản xuất - chế tạo, nhà máy, công xưởng (chiếm trên 80% số lượng người đi làm việc tại nước ngoài hàng năm). Ngoài ra, người lao động còn làm việc trong các lĩnh vực khác, như: chăm sóc sức khỏe (điều dưỡng, hộ lý làm việc tại bệnh viện, cơ sở chăm sóc người cao tuổi), nông nghiệp, xây dựng... Đây cũng là những ngành nghề mà các quốc gia/vùng lãnh thổ có nhu cầu tiếp nhận nhiều lao động nước ngoài.

Cả doanh nghiệp và người lao động đã chú trọng chọn những thị trường tốt, thu nhập cao để đi làm việc. Bản thân người lao động cũng đã ý thức hơn trong việc tự rèn luyện nâng cao tay nghề, giúp họ dễ dàng hơn trong tìm kiếm cơ hội việc làm có chất lượng cao và thu nhập tốt hơn. Chất lượng lao động xuất khẩu từng bước được nâng lên. Những năm gần đây, với việc luật hóa công tác đào tạo trước khi phái cử lao động, đã dần hình thành một lực lượng lao động chuẩn mực tại nhiều thị trường tiếp nhận lao động Việt Nam. Lao động Việt Nam được người sử dụng lao động và các cơ quan hữu quan tại nước tiếp nhận đánh giá tích cực về sự chăm chỉ, cần cù, nắm bắt nhanh công việc, làm việc có chất lượng và năng suất.

Qua đó, nguồn thu nhập từ hoạt động xuất khẩu lao động của Việt Nam đã được nâng lên rõ rệt, đặc biệt một số thị trường và ở một số nghề người lao động có thu nhập khá cao: thu nhập bình quân của lao động Việt Nam tại Đài Loan từ 700-800 USD/tháng; tại Nhật Bản từ 1.200-1.400 USD/tháng; tại Hàn Quốc từ 1.400–1.800 USD/tháng…

Nguồn thu nhập này đã góp phần cải thiện đời sống gia đình và thân nhân của họ, giúp nhiều gia đình trở nên khá giả. Nhiều lao động sau khi về nước đã trở thành các nhà đầu tư và chủ doanh nghiệp, tạo việc làm cho một bộ phận lao động khác, đóng góp vào sự phát triển và ổn định kinh tế - xã hội. /.