Trong bối cảnh đó, việc đẩy mạnh và kết nối chặt chẽ giữa hoạt động sản xuất, kết nối cung cầu của doanh nghiệp với các địa phương trên các lĩnh vực là vô cùng quan trọng, trong đó không thể thiếu vai trò của cơ quan đầu mối và quản lý, trực tiếp triển khai hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng. Ông Vũ Quang Hùng, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công thương, Bộ Công Thương cho rằng, việc đẩy mạnh kết nối cung cầu không chỉ là cách để thúc đẩy sự phát triển kinh tế, mà còn là một hướng đi cần thiết để xây dựng một nền kinh tế mạnh mẽ, đáp ứng nhu cầu của thị trường và đảm bảo sự thịnh vượng bền vững cho tương lai. Sự kết nối cung cầu giúp tối ưu hóa tài nguyên, khuyến khích sự đổi mới và phát triển sản phẩm, cũng như tạo cơ hội hợp tác và tăng cường cạnh tranh.

Các cơ chế kết nối cung - cầu

Trong những năm qua, để kết nối sản phẩm với các tỉnh, thành phố trong cả nước, với vai trò là cơ quan đầu mối về hoạt động xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương đã tổ chức các hội nghị kết nối cung cầu với các tỉnh, thành phố và hỗ trợ doanh nghiệp. Thông qua các hội nghị, các doanh nghiệp giao lưu, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm; từ hoạt động sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, thông qua các hoạt động giao thương, kết nối cung cầu đã góp phần thúc đẩy các doanh nghiệp chuyển dần sang cách tiếp cận mới về thị trường như: nhận thức cách làm nhãn hiệu, đóng gói bao bì, nắm bắt thị hiếu và xu hướng tiêu dùng, xây dựng thương hiệu cho doanh nghiệp và sản phẩm của mình, nhất là nâng cao chất lượng sản phẩm để có chỗ đứng và cạnh tranh trên thị trường.

Kết nối cung cầu doanh nghiệp và địa phương tạo cơ hội hợp tác và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
Diễn đàn Đẩy mạnh hiệu quả kết nối cung - cầu

Bên cạnh các hoạt động hội nghị, hội thảo xúc tiến thương mại, các hình thức gặp gỡ B2B, hoạt động khuyến công cũng được đánh giá là mang lại nhiều hiệu quả trong việc kết nối giới thiệu sản phẩm của các doanh nghiệp với các đối tác và địa phương, góp phần mở rộng thị trường cho doanh nghiệp.

Theo số liệu báo của của Cục Công thương địa phương (Bộ Công Thương) tại “Diễn đàn Đẩy mạnh hiệu quả kết nối cung - cầu" do Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương – Bộ Công Thương phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức ngày 22/11 vừa qua, trong giai đoạn 2013-2022, Bộ Công Thương đã phối hợp với một số sở công thương tổ chức thành công 28 hội chợ triển lãm hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp khu vực và cấp quốc gia. Trong đó, khu vực các tỉnh, thành phố phía Bắc tổ chức được 8 lần; khu vực các tỉnh, thành phố miền Trung và Tây Nguyên tổ chức được 9 lần; khu vực phía Nam tổ chức được 8 lần; tổ chức được 3 Hội chợ triển lãm sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia tại Hà Nội. Quy mô mỗi Hội chợ triển lãm đạt khoảng 350 - 450 gian hàng tiêu chuẩn và trung bình có sự tham gia của khoảng 155-200 doanh nghiệp công nghiệp nông thôn.

Ngoài ra, các hoạt động kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế cũng được đẩy mạnh triển khai để hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia mạnh mẽ vào chuỗi cung ứng của quốc tế, trong đó có thể kể tới Đề án Thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp vào mạng lưới hàng hóa nước ngoài đã được Bộ Công Thương triển khai hiệu quả. Trong khuôn khổ Đề án này, từ năm 2022 đến nay, nhiều sự kiện tuần hàng Việt Nam đã được tổ chức tại ở các nước trên thế giới như: Pháp, Thái Lan, Nhật Bản. Cùng với đó, sự kiện Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế 2023 cũng đã được triển khai với 1.000 lượt kết nối giao thương giữa 200 doanh nghiệp xuất khẩu uy tín của Việt Nam (nhiều doanh nghiệp xuất khẩu nông, lâm, thủy sản) kết nối với 150 đoàn thu mua, phân phối của nước ngoài. Ngoài ra, hàng loạt hội thảo phổ biến, tuyên truyền thông tin về các hiệp định thương mại tự do và thị trường quốc tế được thường xuyên đều đặn tổ chức, nhằm cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp.

Những khó khăn trong hoạt động kết nối

Bên cạnh những kết quả đạt được, theo Bộ Công Thương, việc kết nối giữa nhà sản xuất và nhà phân phối vẫn còn gặp nhiều khó khăn như: Việc đưa sản phẩm vào các nhà phân phối lớn như các siêu thị còn gặp phải trở ngại nhất định, nhất là các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ. Một số doanh nghiệp chưa chủ động tìm hiểu, kết nối với các nhà sản xuất, phân phối tham gia hội nghị; chưa chủ động tìm hiểu, nghiên cứu đối tác, thị trường của địa phương tổ chức hội nghị để hợp tác hoặc đặt vấn đề hợp tác. Ngoài ra, tình trạng thiếu lao động vẫn gây khó khăn cho các doanh nghiệp, nhất là lao động qua đào tạo. Công tác đào tạo nghề cho lao động chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của các doanh nghiệp. Một số doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô sản xuất kinh doanh, gặp khó khăn trong việc thực hiện tiến độ đầu tư các dự án mở rộng sản xuất.

Bên cạnh đó, hệ thống phân phối hàng hoá, nhất là đối với những mặt hàng thiết yếu chưa được quan tâm phát triển đồng bộ. Các chợ đa số là chợ tạm, chợ đã xuống cấp nhưng chưa được đầu tư xây mới, số chợ thực hiện chuyển đổi mô hình quản lý còn thấp, nhất là các chợ ở nông thôn, miền núi, vùng cao. Thiếu các mô hình kinh doanh thương mại tiên tiến ở trung tâm tỉnh và các trung tâm huyện, thị xã. Trong khi đó, tình trạng hàng giả, hàng nhái nhãn hiệu, hàng kém chất lượng còn trà trộn trên thị trường. Công tác quản lý việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết chủ yếu thực hiện tại các siêu thị. Còn ở các chợ, tình trạng niêm yết giá, nhưng bán không theo giá niêm yết vẫn còn phổ biến. Việc tổ chức các phiên chợ hàng Việt tại khu dân cư chỉ hướng vào mục đích bán hàng, chưa tạo được sức lan toả mạnh về Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Bản thân người tiêu dùng chịu ảnh hưởng rất nhiều từ quảng cáo qua nền tảng điện tử, điện tử xuyên biên giới, trong khi các hình thức quảng cáo này gây nhiễu loạn khiến doanh nghiệp, người tiêu dùng truy cập dễ nhầm lẫn về chất lượng, thương hiệu sản phẩm, làm mất niềm tin, nguy hại đến sức khỏe của người tiêu dùng.

Giải pháp nâng cao chất lượng kết nối cung - cầu

Để khắc phục các bất cập, tồn tại, nhằm nâng cao hiệu quả và chất lượng hoạt động kết nối cung cầu, góp phần phát huy các thế mạnh của các tỉnh, tạo cơ hội cho phát triển kinh tế - xã hội, đại diện Bộ Công Thương khuyến nghị trong thời gian tới, cần tập trung thực hiện một số giải pháp, cụ thể như sau:

Cơ quan nhà nước cần đổi mới và đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại; tư vấn, hỗ trợ cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong việc xây dựng nhãn hiệu, bao bì, phát triển thương hiệu, quảng bá sản phẩm, kết hợp với xu thế phát triển của thương mại điện tử. Phát huy vai trò cầu nối, giới thiệu, liên kết hợp tác sản xuất, tiêu thụ sản phẩm giữa các doanh nghiệp thương mại và người sản xuất; giới thiệu sản phẩm hàng hóa tham gia vào chuỗi cung cấp hàng hóa của các nhà phân phối, các hệ thống trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi của cả nước. Phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai các hoạt động kết nối cung cầu, xúc tiến thương mại để hỗ trợ tiêu thụ các mặt hàng nông sản. Phối hợp chặt chẽ giữa các tỉnh, thành trong khu vực và cả nước để tổ chức hội nghị kết nối cung cầu, tránh tổ chức trùng hoặc sát thời gian. Nghiên cứu tổ chức liên kết theo nhóm ngành, lĩnh vực có lợi thế của các địa phương, nhằm nâng cao hiệu quả kết nối. Nghiên cứu thay đổi hình thức tổ chức kết nối cung cầu cho phù hợp, trong đó hội nghị kết nối cung cầu nên có nội dung tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp trong việc phát triển thị trường, xây dựng thương hiệu. Cùng với đó, tăng cường công tác quản lý thị trường, có kế hoạch quản lý giá cả các mặt hàng thiết yếu, trường xuyên kiểm tra, kiểm soát thị trường, không để xảy ra hiện tượng thiếu hàng, sốt giá, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, sản xuất kinh doanh hàng giả, gian lận thương mại, đầu cơ, tăng giá, trục lợi bất chính gây mất ổn định thị trường.

Kết nối cung cầu doanh nghiệp và địa phương tạo cơ hội hợp tác và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
Doanh nghiệp cần chủ động nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu và đón đầu xu hướng tiêu dùng

Về phần mình, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất cần chủ động nâng cao năng lực quản trị của doanh nghiệp. Tập trung sản xuất và kinh doanh đối với những sản phẩm, lĩnh vực mà doanh nghiệp có lợi thế. Ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất kinh doanh, nhằm nâng cao năng suất lao động, cải thiện chất lượng và hạ giá thành sản phẩm. Liên kết chặt chẽ với các nhà sản xuất để tạo nguồn hàng ổn định và kiểm soát chất lượng nguyên liệu đầu vào. Đồng thời, tăng cường liên kết trong kinh doanh, đặc biệt là liên kết giữa các doanh nghiệp có cùng ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh để hỗ trợ, bổ sung nguồn lực. Đầu tư đổi mới, nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến mẫu mã, bao bì đóng gói, giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Chú trọng xây dựng và phát triển thương hiệu cho sản phẩm, ổn định chất lượng sản phẩm, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với các doanh nghiệp, các siêu thị nhà phân phối, để từng bước tham gia vào chuỗi cung ứng thị trường trong nước và quốc tế. Tìm hiểu, khai thác thị trường, tùy theo năng lực khả năng đáp ứng tài chính để chọn kênh phân phối phù hợp.

Về phía các nhà phân phối, cần quan tâm và ưu tiên hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm trong nước; tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá sản phẩm để giúp người tiêu dùng biết và sử dụng sản phẩm theo đúng chỉ dẫn. Hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất trong nước thực hiện đúng các quy định về chất lượng sản phẩm theo yêu cầu của nhà phân phối, để cung cấp cho người tiêu dùng; chú trọng cung cấp thông tin đầy đủ đến người dân về tình hình nguồn cung hàng hóa để tạo tâm lý ổn định cho người tiêu dùng, xử lý kịp thời các thông tin sai lệch gây tâm lý bất ổn cho người tiêu dùng.

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, để kết nối cung cầu hiệu quả, thì bên cạnh sự hỗ trợ từ cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp cần sự chủ động trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu và đón đầu xu hướng tiêu dùng trực tuyến. Về mặt tổng thể, cần có sự phối hợp đồng bộ từ các cơ quan, doanh nghiệp, giúp tối ưu hóa sử dụng tài nguyên sản xuất, từ đó tạo ra hiệu suất kinh tế cao hơn và giảm thiểu lãng phí; thúc đẩy sự đổi mới trong cách doanh nghiệp và ngành công nghiệp kết nối với nhau dẫn đến việc phát triển các sản phẩm, dịch vụ mới và cải thiện khả năng cạnh tranh của Việt Nam trên thị trường quốc tế. Đồng thời, việc xây dựng hệ thống hỗ trợ và chính sách kinh tế cần được chú trọng và liên tục hoàn thiện để thúc đẩy hiệu quả kết nối cung và cầu, từ đó giúp các doanh nghiệp và ngành nghề phát triển bền vững. Bằng cách tối ưu hóa cấu trúc kinh tế và tăng cường kết nối giữa cung và cầu, chương trình có tiềm năng tạo ra động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế Việt Nam, giúp đảm bảo sự ổn định và phát triển trong tương lai. Để nắm bắt kịp thời các xu thế mới trong thương mại toàn cầu, cần chủ động tìm hiểu và nhận định các định hướng đẩy mạnh xúc tiến thương mại, nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác kết nối cung cầu, hợp tác giữa doanh nghiệp với các địa phương; đề xuất các chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh và các giải pháp giúp doanh nghiệp ứng phó với khó khăn, đồng thời tận dụng cơ hội trong thời gian tới, đẩy mạnh hiệu quả kết nối cung-cầu, tạo động lực phục hồi tăng trưởng kinh tế Việt Nam./.