NĂM 2021: GỠ CÁC NÚT THẮT TRONG LƯU THÔNG HÀNG HÓA, GÓP SỨC ỔN ĐỊNH SẢN XUẤT VÀ ĐỜI SỐNG NGƯỜI DÂN

Thời điểm cuối năm 2020 và năm 2021, dịch Covid-19 bùng phát mạnh, nhanh trên diện rộng, nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước đã áp dụng Chỉ thị số 15/CT-TTg, ngày 27/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về quyết liệt thực hiện đợt cao điểm phòng, chống dịch Covid-19 và Chỉ thị số 16/CT-TTg, ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19.

Trong quá trình áp dụng Chỉ thị số 15/CT-TTg và Chỉ thị số 16/CT-TTg, nhiều tỉnh, thành phố đã ban hành các văn bản trái với chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, gây ách tắc trong quá trình vận chuyển, lưu thông hàng hóa.

Trước tình hình đó, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo giao Bộ Giao thông vận tải là đầu mối, chủ trì phối hợp với các bộ, ngành liên quan xử lý, giải quyết và hướng dẫn các địa phương bảo đảm về vận chuyển, lưu thông hàng hóa; Bộ Y tế chủ trì phối hợp với các bộ, ngành liên quan xử lý và hướng dẫn các địa phương bảo đảm về công tác phòng, chống dịch Covid-19 (xét nghiệm, tiêm vacxin…).

Tuy nhiên, trong quá trình theo dõi và hỗ trợ các doanh nghiệp trong hoạt động lưu thông phân phối hàng hóa phục vụ nhu cầu thiết yếu của nhân dân cũng như nguyên, nhiên liệu, vật tư phục vụ sản xuất công - nông nghiệp, vẫn có tình trạng một số tỉnh, thành phố chưa thực hiện triệt để, vẫn còn quy định chưa đúng với Chỉ đạo của Chính phủ và các bộ, ngành.

Tăng cường kết nối cung - cầu, tạo động lực cho sản xuất và tăng trưởng kinh tế năm 2022
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên

Trước tình hình đó, Bộ Công Thương đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai, thực hiện hàng loạt các giải pháp trong thời điểm dịch Covid 19 vừa qua, nhằm đẩy mạnh lưu thông phân phối hàng hóa phục nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của doanh nghiệp, người dân như sau:

Một là, ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn trong hoạt động lưu thông, tiêu thụ phân phối hàng hóa, hạn chế tình trạng hàng hóa bị ách tắc trong lưu thông; chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương chuẩn bị sẵn các kịch bản, kế hoạch tiêu thụ nông sản để ứng phó theo từng cấp độ của dịch bệnh Covid-19; thành lập Ban Chỉ đạo cung ứng hàng hóa, dịch vụ thiết yếu cho TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và 2 tổ công tác đặc biệt của Bộ Công Thương: tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam và các tỉnh miền Bắc và miền Trung đã kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn trong hoạt động lưu thông, tiêu thụ hàng hóa, nông sản.

Hai là, trước khó khăn của doanh nghiệp hoạt động vận chuyển hàng hóa do yêu cầu xét nghiệm y tế, thiếu nhân lực, Bộ Công Thương đã có Công văn số 4045/BCT-TTTN, ngày 08/7/2021 gửi Bộ Y tế và Bộ Giao thông vận tải về việc tạo điều kiện thuận lợi trong vận chuyển, lưu thông hàng hóa thiết yếu; Công văn số 4344/BCT–TTTN, ngày 21/7/2021 gửi Đồng chí Thượng tướng Nguyễn Tân Cương, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng về việc hỗ trợ nhân lực, vận tải để bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 bùng phát tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam.

Ba là, trước kiến nghị của các doanh nghiệp không thể xin cấp thẻ nhận diện ưu tiên để vận chuyển lưu thông hàng hóa theo quy định, Bộ Công Thương đã trao đổi, phối hợp Bộ Giao thông vận tải ban hành các văn bản để tháo gỡ, đó là: Văn bản số 7630/BGTVT-VT, ngày 27/7/2021 về việc tạo thuận lợi cho phương tiện vận chuyển hàng hóa thiết yếu, xe đưa đón công nhân, chuyên gia được lưu thông thuận lợi khi đi, đến hoặc đi qua khu vực thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg, theo đó, phương tiện vận chuyển hàng hóa thiết yếu khi lưu thông giữa các địa phương nếu đăng ký thẻ nhận diện ưu tiên nhưng chưa được cấp thì vẫn được lưu thông bình thường, chỉ thực hiện kiểm tra test nhanh Covid-19; Công văn số 5223/TCĐBVN-VT, ngày 25/7/2021 của Tổng cục Đường bộ Việt Nam về việc điều chỉnh, bổ sung một số nội dung liên quan đến đăng ký Giấy nhận diện phương tiện có mã QRCode; Công văn số 7630/BGTVT-VT, ngày 27/7/2021 của Bộ Giao thông vận tải về việc tạo thuận lợi cho phương tiện vận chuyển hàng hóa thiết yếu, xe đưa đón công nhân, chuyên gia được lưu thông thuận lợi khi đi, đến hoặc đi qua khu vực thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg.

Bốn là, do việc thực hiện không thống nhất và cách hiểu khác nhau về hàng hóa thiết yếu tại nhiều địa phương đã gây nhiều khó khăn cho hoạt động vận chuyển, lưu thông hàng hóa, trước hiện tượng này, Bộ Công Thương đã nhanh chóng ban hành các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo để tháo gỡ, đó là: Công văn số 4349/BCT-TTTN, ngày 21/7/2021 của Bộ Công Thương gửi sở công thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc hàng hóa dịch vụ thiết yếu; Công văn số 4482/BCT-TTTN, ngày 27/7/2021 của Bộ Công Thương gửi Thủ tướng Chính phủ về việc lưu thông hàng hóa khi thực hiện giãn cách theo Chỉ thị số 16/CT-TTg; Công văn số 4481/BCT-TTTN, ngày 27/7/2021 của Bộ Công Thương gửi sở công thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc hàng hóa, dịch vụ thiết yếu.

Từ đề xuất của Bộ Công Thương, ngày 29/7/2021, Văn phòng Chính phủ đã ban hành Công văn số 5187/VPCP-CN về việc tạo thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa trong tình hình dịch Covid-19, theo đó, tất cả các loại hàng hóa phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, sinh hoạt của người dân được vận chuyển, lưu thông (trừ hàng hóa cấm kinh doanh theo quy định của pháp luật).

Năm là, Bộ Công Thương đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ và có văn bản kiến nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: (i) Cho phép “người chuyên chở hàng hóa” (shippers) được phép hoạt động nếu đáp ứng được các điều kiện về phòng, chống dịch Covid-19; (ii) Chỉ đạo ngành y tế địa phương và các cơ quan liên quan ưu tiên tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho nhóm đối tượng là: người lao động tại các cơ sở thuộc chuỗi cung ứng các mặt hàng thiết yếu thuộc lực lượng tuyến đầu trong thúc đẩy, phát triển kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội (lương thực, thực phẩm, xăng dầu, dược phẩm, hàng hóa chống dịch…); người lao động trong các ngành vận tải và logistics, đặc biệt là lái xe, phụ xe vận tải, liên tỉnh, đội ngũ lao động tại các cảng biển, cửa khẩu… nhằm đảm bảo dòng lưu thông hàng hóa được thông suốt, tránh đứt gãy chuỗi cung ứng hàng phục vụ sản xuất.

Sáu là, các tổ công đặc biệt của Bộ Công Thương đã phối hợp với Tổ công tác đặc biệt của các bộ, ngành liên quan kịp thời tiếp thu phản ánh của các địa phương, doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh nông sản để tháo gỡ; công bố đường dây nóng để tiếp nhận, xử lý thông tin 24/24 (qua đường dây nóng này, Tổ đã tiếp nhận và xử lý hàng trăm kiến nghị của doanh nghiệp… đã tháo gỡ và góp phần giúp vận chuyển, lưu thông nông sản được thông suốt).

Bảy là, chủ động, tích cực phối hợp với các bộ, ngành ban hành các văn bản hướng dẫn để kịp thời tháo gỡ, khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp trong hoạt động vận chuyển, lưu thông hàng hóa.

Tám là, thường xuyên, đôn đốc, chỉ đạo các sở công thương, cục quản lý thị trường tại các địa phương phối hợp các sở ngành, đơn vị liên quan trên địa bàn hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động lưu thông hàng hóa của doanh nghiệp; tiếp nhận và phối hợp xử lý các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp; căn cứ thực tế, tham mưu cho lãnh đạo UBND tỉnh, thành phố ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn để nhanh chóng tháo gỡ khó khăn vướng mắc làm cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp đặc biệt là công tác vận chuyển, lưu thông hàng hóa là vấn đề nóng thời gian vừa qua.

Chín là, tham gia họp trực tuyến hàng tuần về công tác vận chuyển, lưu thông hàng hóa trong bối cảnh dịch Covid-19 do Bộ Giao thông vận tải chủ trì (với sự tham gia của các bộ, ngành liên quan, UBND các tỉnh, thành phố, các hiệp hội, ngành hàng và 63 sở giao thông vận tải…) để lắng nghe các vướng mắc khó khăn trong vận chuyển, lưu thông hàng hóa và thống nhất các biện pháp giải quyết.

Có thể thấy, với sự vào cuộc tích cực của Bộ Công Thương, các bộ, ngành liên quan và các địa phương, các vướng mắc trong hoạt động lưu thông hàng hóa đến nay đã cơ bản được tháo gỡ, hiện tượng ùn ứ tại các chốt kiểm soát đã giảm thiểu tối đa, góp phần đảm bảo mục tiêu kép vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế của Chính phủ. Bên cạnh đó, công tác cung ứng hàng hóa phục vụ nhu cầu thiết yếu của doanh nghiệp, người dân tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 cũng được đảm bảo.

NĂM 2022: 8 GIẢI PHÁP TĂNG CƯỜNG KẾT NỐI CUNG - CẦU, TẠO ĐỘNG LỰC CHO SẢN XUẤT VÀ TĂNG TRƯỞNG

Để thực thi các mục tiêu tăng trưởng trong năm tới, việc duy trì huyết mạch của nền kinh tế trong các khâu từ sản xuất, cung ứng, lưu thông hàng hóa đến người tiêu dùng là hết sức quan trọng. Theo đó, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp, nhiệm vụ sau:

Thứ nhất, triển khai thực hiện Chỉ thị số 12/CT-BCT, ngày 12/11/2021 về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2021 và dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần trong những tháng đầu năm 2022. Trong đó, Bộ Công Thương đã chỉ đạo sở công thương các địa phương chủ động tham mưu cho UBND tỉnh các phương án bảo đảm nguồn cung hàng hóa theo các cấp diễn biến của dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn; có kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng, dự trữ hàng hóa thiết yếu phục vụ tiêu dùng của người dân trong trường hợp dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp trong dịp Tết (những tháng đầu năm 2022).

Thứ hai, tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 08/CT-BCT, ngày 25/5/2021 về việc tạo điều kiện thuận lợi trong lưu thông và tăng cường hỗ trợ tiêu thụ tại thị trường trong nước các sản phẩm nông sản của các địa phương có sản lượng nông sản lớn, sản xuất tập trung trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

Thứ ba, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương trong việc triển khai Chương trình bình ổn thị trường, giá cả, tăng cường tổ chức các hội nghị kết nối cung cầu, thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa nông sản tại thị trường trong nước và xuất khẩu.

Thứ tư, tích cực thực hiện Chương trình khuyến mại tập trung quốc gia năm 2021, Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"; Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, về khu, cụm công nghiệp theo phương thức phù hợp, thích ứng an toàn với dịch bệnh Covid-19 đối với các chương trình xúc tiến thương mại thị trường trong nước và các chương trình: Xúc tiến thương mại quốc gia; Thương hiệu quốc gia; Khuyến công quốc gia; Phát triển Thương mại điện tử…

Thứ năm, chỉ đạo các địa phương tích cực thực hiện Đề án “Đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản giai đoạn 2021-2025 định hướng đến năm 2030” (Quyết định số 194/QĐ-TTg, ngày 08/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ).

Thứ sáu, đẩy mạnh chương trình xúc tiến thương mại quốc gia, mở rộng thị trường tiêu thụ ngoài nước thông qua hệ thống cơ quan thương vụ của Việt Nam tại nước ngoài.

Thứ bảy, đẩy mạnh xúc tiến thương mại trên môi trường mạng internet, thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa nông sản thông qua các nền tảng, ứng dụng thương mại điện tử.

Thứ tám, tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành (đặc biệt là Bộ Giao thông vận tải) và các địa phương để tháo gỡ khó khăn trong lưu thông hàng hóa nói chung, các mặt hàng nông sản nói riêng khi các địa phương thực hiện các biện pháp phòng chống dịch./.