Đề nghị làm rõ sự lãng phí khi chuyển đổi các loại đất sang đất đô thi, đất để hoang hóa

“Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã nghiêm túc thực hiện các quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí…”, đại diện Tổ công tác của Đoàn giám sát của Quốc hội, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Minh Nam cho biết, khi báo cáo kết quả rà soát sơ bộ về Báo cáo việc thực hiện chính sách, pháp luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021 của Bộ TN&MT, khi Đoàn giám sát của Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021”, vừa có cuộc làm việc với Bộ TN&MT, theo Văn phòng Quốc hội.

Tuy nhiên, đại diện Tổ công tác cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế như: phần lớn các quyết định về chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của Bộ đều ban hành chậm so với quy định, ảnh hưởng đến chất lượng thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Thực hiện giao dự toán ngân sách nhà nước, kế hoạch đầu tư công hàng năm trong giai đoạn 2016-2018 còn chậm. Vẫn còn một số nội dung báo cáo có nhận định, đánh giá về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí nêu chung chung, chưa có số liệu chi tiết, hoặc có số liệu tổng hợp, nhưng chưa cụ thể thông tin đánh giá kết quả đạt được, hạn chế, vướng mắc, chỉ rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí…

Khai thác khoáng sản vi phạm, trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường đến đâu?
Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp Nguyễn Công Long đề nghị Bộ TN&MT làm rõ trách nhiệm của Bộ và của địa phương trước tình trạng khai thác khoáng sản vi phạm nghiêm trọng (ảnh: Quốc hội)

Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp Nguyễn Công Long đề nghị Bộ TN&MT làm rõ tình trạng khai thác khoáng sản vi phạm nghiêm trọng, trách nhiệm của Bộ và của địa phương như thế nào? Ví dụ như dự án đường vành đai 3 ở TP. Hồ Chí Minh, việc khai thác khoáng sản vật liệu xây dựng gây thất thoát, lãng phí lớn, đề nghị Bộ làm rõ vấn đề này.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Vân Chi đề nghị Bộ TN&MT chỉ ra lãng phí trong chuyển đổi đất trồng lúa màu mỡ sang đất công nghiệp; lãng phí trong quản lý và khai thác khoảng sản như: không có giấy phép, không được cấp phép; quản lý nông lâm trường gây lãng phí và thất thoát… Các nội dung này báo cáo không thể hiện rõ.

Theo Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường, Bộ đã chỉ ra việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí vẫn còn nhiều hạn chế liên quan đến lĩnh vực đất đai, khoáng sản, nhưng đề nghị cần làm rõ các hạn chế, tồn tại về nội dung này.

“Đề nghị Bộ cung cấp thêm thông tin thực hiện các lĩnh vực mà Đoàn giám sát trực tiếp, tiếp tục rà soát việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ở các địa phương như: Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Đồng Nai… Các địa phương này để xảy ra tình trạng thất thoát không nhỏ, thậm chí trục lợi liên quan đến đất đai, tài nguyên, khoáng sản, nhất là vấn đề đền bù, giải phóng mặt bằng. Ngoài chế tài hành chính, đề nghị nghiên cứu chế tài hình sự để quy trách nhiệm, trên cơ sở đó ràng buộc trách nhiệm chính trị để quản lý Nhà nước tốt hơn trong lĩnh vực này…”, ông Cường đề nghị.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách Trần Văn Lâm đề nghị Bộ làm rõ sự lãng phí rất hiện hữu khi chuyển đổi các loại đất sang đất đô thi, đất để lãng phí hoang hóa ngày càng tăng. Có phải nguyên nhân xuất phát từ các cơ chế, chính sách không? Có giải pháp nào khắc phục tình trạng này?

Làm rõ trách nhiệm người đứng đầu

Giải trình, làm rõ một số nội dung đại biểu nêu, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho biết, nội dung giám sát rất rộng, mỗi ý kiến đề cập đến những khía cạnh cụ thể, các ý kiến của Đoàn phân tích rất xác đáng. Tuy nhiên, cần khu trú lại để đúng trọng tâm của Đoàn giám sát lần này. Bộ sẽ tiếp thu tối đa ý kiến các thành viên của Đoàn giám sát, để hoàn thiện báo cáo chặt chẽ, đầy đủ hơn, bổ sung các số liệu cụ thể.

Khai thác khoáng sản vi phạm, trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường đến đâu?

Liên quan đến các khuyết điểm, hạn chế, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị Bộ TN&MT làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu (ảnh: Quốc hội)

Kết thúc cuộc họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị Bộ TN&MT, về khuyết điểm, cần đánh giá tầm vĩ mô nguyên nhân khách quan và chủ quan, trách nhiệm của người đứng đầu ra sao và giải pháp khắc phục. Đề nghị Bộ cần bổ sung thêm kiến nghị cụ thể hơn, tránh trùng lặp, mâu thuẫn giữa đánh giá ưu điểm, nhược điểm, nguyên nhân chủ quan, khách quan; cần xử lý mâu thuẫn số liệu giữa các báo cáo, sao cho chính xác để hạn chế việc lãng phí tài nguyên, nguồn lực, mất niềm tin.

“Với những vấn đề đã chín, đã rõ, đề nghị Bộ TN&MT tiếp tục tập trung chỉ đạo khắc phục, tạo chuyển biến ngay trong quá trình giám sát, chứ không đợi Báo cáo và Nghị quyết của Quốc hội về chuyên đề này, qua đó tác động tốt đến nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị, đồng thời phấn đấu sửa đổi Luật Đất đai, tháo gỡ điểm nghẽn, tránh lãng phí…”, ông Phương lưu ý./.