Không gọi được vốn đầu tư, nhiều startup “chết yểu”!
Ngày 11/07/2017, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân tổ chức tọa đàm “Tư duy kiến tạo khởi nghiệp và bài học kinh nghiệm ở Việt Nam”.
Vốn là “nút thắt” chính trong khởi nghiệp
Phát biểu tại tọa đàm, ông Trần Thọ Đạt, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết, trong vài năm gần đây, phong trào khởi nghiệp được đẩy mạnh hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, vẫn chưa đạt được như kỳ vọng.
Ông Trần Thọ Đạt dẫn chứng, năm 2017, chỉ số đổi mới sáng tạo của Việt Nam chỉ đứng số 47/127 và đứng thứ 9 trong các quốc gia Đông Nam Á. Trong khi đó, chỉ số kinh doanh toàn cầu 2015, 2016, mặc dù có nhiều cải thiện trong nhận thức xã hội trong kinh doanh, cơ hội kinh doanh, khởi sự kinh doanh, nhưng vẫn còn khoảng cách xa so với các quốc gia trong khu vực, trong đó có 4 chỉ số đạt thứ hạng thấp nhất, đó là giáo dục kinh doanh sau phổ thông, giáo dục kinh doanh bậc phổ thông, chương trình hỗ trợ của Chính phủ và tài chính cho kinh doanh.
Vốn vẫn là "nút thắt" chính tỏng khởi nghiệp |
Đưa ra nguyên nhân khiến khởi nghiệp nước ta còn chưa được đánh giá cao, bà Thạch Lê Anh, Giám đốc Dự án Vietnam Silicon Valley cho biết, hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam còn nhiều yếu, kém.
Bà Thạch Lê Anh chia sẻ một thực tế đáng buồn, đó là các dự án khởi nghiệp đến với Dự án Vietnam Silicon Valley để tư vấn gần như không còn cơ hội sống sót, bởi không gọi được vốn đầu tư, dẫn đến không thử nghiệm được sản phẩm và “chết yểu”.
Bà Anh cũng cho biết, theo một nghiên cứu vào năm 2013-2014, thì Việt Nam có 400 triệu USD dành cho đầu tư các doanh nghiệp khởi nghiệp, nhưng trung bình mỗi năm có khoảng 20 startup nhận được vốn đầu tư. Tuy nhiên, trên thực tế số đó còn ít hơn rất nhiều.
“Vốn quan trọng là thế, cần thiết là thế, nhưng ở Việt Nam thị trường vẫn còn chưa phát triển, chủ yếu mới chỉ có nguồn vốn vay từ các ngân hàng thương mại. Ở các nước trên thế giới, các quỹ đầu tư mạo hiểm rất phát triển, còn ở Việt Nam thì mới chỉ sơ khai và chỉ đếm được trên đầu ngón tay”, bà Anh nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, các startup còn thiếu cố vấn, người hướng dẫn và thiếu luôn cả kỷ luật để thực hiện ý tưởng kinh doanh của mình. Ngoài ra, khởi nghiệp chưa phát triển còn do nước ta chưa có văn hóa tự chủ để có thể tự đứng trên đôi chân của mình.
Bà Anh cho biết, cái tư duy “nhỏ thì bố mẹ nuôi”, “lớn thì Chính phủ nuôi” đã tồn tại từ hồi bao cấp đến giờ vẫn khó có thể sửa được, nên doanh nghiệp của ta không phát triển được.
Cũng coi khó khăn về vốn là “nút thắt” chính gây khó khăn trong quá trình khởi nghiệp, ông Trịnh Minh Giang, Nhóm công tác về khởi nghiệp sáng tạo Diễn đàn Kinh tế tư nhân cho biết, khởi nghiệp sáng tạo đang trở thành làn sóng và kỳ vọng tạo động lực cho kinh tế Việt Nam, tuy nhiên hiện nay nguồn vốn vẫn là khó khăn chính của các startup. Ông Giang cũng cho biết, Việt Nam chưa xuất hiện quỹ đầu tư mạo hiểm nào do chính Việt Nam làm chủ. Đồng thời, người Việt Nam cũng không có văn hóa đầu tư vào các startup.
“Điều này rất khác với văn hóa đầu tư của các nước, đặc biệt là các nước phương Tây, bởi nhà đầu tư các nước thấy một ý tưởng có thể phát triển, thì họ sẽ dùng vốn mồi để đầu tư thử vào dự án đó xem như thế nào?”, ông Giang chia sẻ.
Cần phải là gì?
Để tháo gỡ khó khăn về vốn cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, ông Trịnh Minh Giang cho biết, hiện nay Nghị định về quỹ đầu tư mạo hiểm đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiến hành soạn thảo, dự kiến cuối năm nay sẽ chính thức được ban hành và có hiệu lực. Tuy nhiên, cuối năm có quỹ rồi, nhưng chưa chắc đã có luồng tiền để đầu tư cho các startup, bởi những người đầu tư vào quỹ chưa có văn hóa đầu tư cho startup.
Chính vì vậy, ông Trịnh Minh Giang cho rằng, Việt Nam không chỉ đang cần một làn sóng đào tạo cho khởi nghiệp, mà còn phải đào tạo cho các nhà đầu tư về văn hóa đầu tư.
Để gọi được vốn từ các nhà đầu tư, ông Trịnh Minh Giang cũng khuyên các startup nên xây dựng thương hiệu cá nhân để tạo uy tín với các nhà đầu tư và nếu có sai, có thất bại, thì cũng vẫn tìm được nhà đầu tư cho mình. Tuy nhiên, để làm được điều này, thì cần khai thác tốt các mối quan hệ từ các tổ chức, các hiệp hội kinh doanh, hoạt động cộng đồng, bởi các hoạt động này sẽ rút ngắn thời gian tạo dựng thương hiệu cá nhân đi rất nhiều.
Để khởi nghiệp thành công, theo ông Trần Thọ Đạt, bên cạnh chiến lược và chính sách quốc gia khởi nghiệp mà Chính phủ đã và đang nỗ lực xây dựng rất cần có sự thay đổi mạnh mẽ của các doanh nghiệp, đổi mới, sáng tạo và những người tiên phong đi đầu của những nhà quản trị trẻ để tạo nên một hệ sinh thái khởi nghiệp bền vững, từ đó đưa Việt Nam trở thành quốc gia khởi nghiệp, trong đó, Chính phủ đóng vai trò “kiến tạo”, doanh nghiệp là chủ thể đổi mới, sáng tạo.
Còn theo GS. Harald Von Korflesch, Phó Hiệu trưởng Đại học Koblenz Laudau, thì các start up cần có tư duy kiến tạo khởi nghiệp, tức là một quá trình mở thúc đẩy đổi mới sáng tạo dựa trên sự đồng cảm và tính linh hoạt. Thông qua quá trình này, các doanh nhân tương lai có thể dần dần trải nghiệm thành công với những ý tưởng kinh doanh bám sát nhu cầu, mong muốn của khách hàng tương lai.Inv
Theo GS. Harald Von Korflesch, tư duy kiến tạo thông qua 3 tiến trình cơ bản: hiểu được khách hàng; phát hiện ra các ý tưởng và các vấn đề mà khách hàng gặp phải; cụ thể hóa và tiến hành thử nghiệm.
“Chúng ta phải hiểu được nhu cầu của khách hàng cần gì, mới có được chiến lược marketing hiệu quả hơn. Sau khi phát hiện ra được nhu cầu và khó khăn khách hàng gặp phải, thì đến giai đoạn xác định vấn đề. Cuối cùng là giai đoạn thử nghiệm đối với đối tượng khách hàng tiềm năng, từ đó có được phản hồi của khách hàng và hoàn thiện sản phẩm”, GS. Harald Von Korflesch chia sẻ./.
Bình luận