Không thiết kế được những chính sách đủ hấp dẫn, thì đặc khu sẽ khó thành công
Thay mặt cơ quan soạn thảo, giải trình một số vấn đề xung quanh dự thảo Luật Đặc khu, tại phiên họp Quốc hội ngày 23/05/2018, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, đây là một luật mới, luật khó và chưa có tiền lệ ở Việt Nam, nên tính phức tạp và phạm vi ảnh hưởng rất lớn, đòi hỏi phải có nghiên cứu hết sức thận trọng.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng
Thận trọng, nhưng cũng không quá cầu toàn
Trên cơ sở tổ chức đánh giá, tổng kết, nghiên cứu, tham khảo quốc tế, lấy ý kiến tư vấn các nhà khoa học, các nhà chuyên gia và làm việc rất kỹ với cả 3 địa phương, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định: “Vấn đề quan trọng nhất hiện nay là chúng ta phải ban hành sớm để triển khai. Trong quá trình triển khai thực hiện, chúng ta có thể xem xét để điều chỉnh, sửa đổi chứ không chỉ dừng lại ở đây”.
Hiện nay Hàn Quốc trong 10 năm họ đã sửa 6 lần, Nhật Bản trong 3 năm cũng sửa 2 lần, cho nên chúng ta cũng không quá cầu toàn, tất nhiên cần thận trọng như tất cả các ý kiến mà các vị đã nêu. Vấn đề hiện nay là việc tổ chức thực hiện.
Sẽ cùng các bộ, các ngành rà soát một lần nữa về các điều kiện và các ngành nghề kinh doanh có điều kiện
Lý giải tại sao lại lựa chọn các ngành nghề ưu tiên như trong Dự thảo Luật, Bộ trưởng cho biết, việc lựa chọn đã được tiếp cận theo hướng lựa chọn các ngành nghề, lĩnh vực hiện nay đang cạnh tranh và xu thế chuyển dịch trong làn sóng thứ 3 giữa các nước trên thế giới, như là công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp 4.0, nghiên cứu phát triển khởi nghiệp sáng tạo, các dịch vụ về tài chính thương mại quốc tế, vận tải biển, y tế, giáo dục đào tạo... phải phù hợp với tiềm năng, lợi thế của các đặc khu; phải tiếp cận theo phương pháp khoa học, các mô hình của các công ty tư vấn thế giới đang sử dụng.
“Tiếp thu ý kiến các đại biểu, chúng tôi bổ sung một số ngành nghề cho các khu như logistics, dịch vụ tài chính của Vân Đồn, hay bổ sung sản xuất sản phẩm chuyển giao công nghệ hải dương, hàng hải, sinh học đối với Bắc Vân Phong”, Bộ trưởng báo cáo.
Về ý kiến là các tỉnh mong muốn bổ sung các lĩnh vực cần ưu tiên ở đây, Bộ trưởng cho rằng, phải tập trung lựa chọn ngành nghề không dàn trải để ưu tiên ưu đãi, không hạn chế và không cầm ngành nghề đó, chỉ là khác nhau mức độ ưu đãi. Nếu coi đó là ngành ưu đãi, thì ưu tiên phát triển thành mũi nhọn, còn các ngành không ưu tiên thì vẫn được thực hiện ở đó.
Về ngành nghề kinh doanh có điều kiện, Bộ trưởng Dũng cho biết, sau khi rà soát các bộ, ngành đã tăng thêm 23 ngành nghề so với dự thảo trình Quốc hội ở kỳ họp 4, giờ tập hợp là 131 ngành.
“Việc rà soát này dựa trên các nguyên tắc: Thứ nhất là không liên quan trực tiếp và không ảnh hưởng trực tiếp quốc phòng, an ninh, môi trường, sức khỏe người dân. Thứ hai là có thể kiểm soát quản lý trong điều kiện đặc khu đó. Thứ ba là có thể kiểm soát quản lý bằng các quy chuẩn tiêu chuẩn kỹ thuật theo phương thức hậu kiểm. Đầu tư phù hợp với chất lượng đầu tư của các ngành nghề đó và do thị trường và khách hàng lựa chọn sàng lọc hay các sản phẩm dịch vụ công ích có qua đấu giá, đấu thầu, gộp các nội dung tương tự này lại với nhau”, thay mặt cơ quan soạn thảo Luật, Bộ trưởng Dũng giải trình thêm.
Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, sẽ tiếp thu ý kiến các đại biểu tiếp tục cùng các bộ, các ngành rà soát một lần nữa về các điều kiện và các ngành nghề kinh doanh có điều kiện ở đây.
Phải đưa ra được những cơ chế chính sách đủ hấp dẫn, để lôi kéo và thu hút nhà đầu tư
Về cơ chế chính sách, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, dự thảo Luật đã tiếp cận theo hai hướng:
Hướng thứ nhất là tạo lập môi trường, thể chế một cách thuận lợi, điều kiện và thủ tục thật hấp dẫn và thông thoáng. Cụ thể ở đây đã quy định 25 điều trên 85 điều quy định liên quan đến những vấn đề về thủ tục và môi trường.
Còn về thuế và miễn thuế, giảm thuế mặt đất, mặt nước thì để cạnh tranh được với các nước và hiện nay các nước đã được hình thành trong thời gian rất dài và vẫn liên tục ra sức thành lập các khu mới và với những cơ chế chính sách mới để cạnh tranh thu hút dòng tiền đầu tư này.
“Nếu chúng ta không đưa ra được những cơ chế chính sách đủ để hấp dẫn, để lôi kéo và thu hút nhà đầu tư thì mức độ thành công đối với các khu này sẽ giảm đi. Do vậy, tôi thấy các ưu đãi ở đây vẫn phải thiết kế để đủ vượt trội so với trong nước hiện nay và cạnh tranh được với quốc tế, nhưng cũng chỉ đủ để đảm bảo thu hút chứ không lạm dụng việc này”, Bộ trưởng Dũng phát biểu.
Tiếp thu ý kiến của các đại biểu, dự thảo Luật đã có sự điều chỉnh hợp lý về các mức độ ưu đãi, miễn giảm thuế, đất đai đều được điều chỉnh và theo hướng tập trung có định hướng mà không có dàn trải ở đây.
Về thuế tiêu thụ đặc biệt của casino, có 2 luồng ý kiến khác nhau, Bộ trưởng đề nghị, được giữ như dự thảo.
“Chúng ta đưa ra miễn, giảm ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt của casino. Đây là chủ động của chúng ta, chứ không phải chúng ta khuyến khích họ”, Bộ trưởng nói.
Hiện nay tất cả các nước đều mở dịch vụ casino này để cạnh tranh dòng tiền trong nhu cầu của con người khi chơi casino, nếu chúng ta khuyến khích, cho phép thì phải đảm bảo được cạnh tranh, đảm bảo cạnh tranh thì phải có đầu tư lớn và làm thật bài bản. Muốn đầu tư lớn thì phải có chính sách miễn giảm hợp lý, còn nếu không ưu đãi hợp lý thì sẽ khó thu hút được các dự án cạnh tranh được với các nước như hiện nay.
99 năm - hiện nay đã có nhiều nước làm
Về “99 năm”, Bộ trưởng Dũng xin đề nghị cho phép giữ nguyên như dự thảo.
“Vì đây cũng là một chính sách vượt trội của chúng ta. Nhưng chúng tôi đồng tình với các đại biểu là phải quy định rõ ràng đâu là điều kiện đặc biệt và đâu là điều kiện để được Thủ tướng phê duyệt và phải quy định thật rõ và thật thận trọng trong quá trình xem xét đối với những dự án gọi là đặc biệt và có thể hưởng quy định 99 năm. 99 năm hiện nay đã có nhiều nước làm việc này rồi, như đảo British Virgin Islands, UAE, Malaysia, nhiều nước người ta cũng đã làm. Tuy nhiên, ta chỉ để mở nhưng vẫn đang ở điều kiện đặc biệt và phải được Thủ tướng ưu đãi. Như thế nào là đặc biệt và quy trình thủ tục như thế nào được xem xét sẽ thiết kế ở quy định sau cho rõ ràng và minh bạch, thận trọng”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Về cấp giấy phép đầu tư theo thủ tục rút gọn, Bộ trưởng chỉ rõ, chúng ta đang thực hiện theo phương thức tiếp cận theo hướng đăng kí đầu tư, tức là giảm khâu tiền kiểm, tăng cường giám sát ở khâu hậu kiểm. Ở đây đã tiếp cận theo cách như vậy đối với các nhà đầu tư không sử dụng đất.
Bộ trưởng cũng khẳng định, đối với dự án sử dụng đất, vẫn xem xét một cách thận trọng, theo quy định của Luật Đất đai và Luật Đầu tư, sau 1 năm nếu không triển khai sẽ thu hồi dự án, không để các nhà đầu tư lợi dụng việc xin thủ tục dễ dãi không đầu tư hay gây khó khăn sau này cho các cơ quan.
Về thu hồi đất, ngoài việc phải thực hiện theo Điều 62 Luật Đất đai, dự thảo luật lần này bổ sung 3 loại: Thứ nhất là các dự án về kết cấu hạ tầng; Thứ hai là phải phù hợp với quy hoạch; Thứ ba là của các nhà đầu tư chiến lược.
“Đây là dự án lớn của các nhà đầu tư chiến lược, cần có sự tham gia của nhà nước thu hồi đất để giao đất lại cho các nhà đầu tư. Tuy nhiên, trước khi Chủ tịch đặc khu ra quyết định thu hồi ta có thiết kế là Hội đồng nhân dân của đặc khu phải xem xét quyết định việc này, trên cơ sở sự cần thiết và đánh giá đối với từng dự án, cũng quy định việc tranh chấp đất đai nếu có thì do Tòa án đặc khu giải quyết”, Bộ trưởng lý giải thêm.
Về vấn đề quy hoạch, quy định đặc khu chỉ có một quy hoạch và phải phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia và kết nối được với cả hệ thống quy hoạch trong cả nước và quy hoạch phải phù hợp với cả ngành nghề ưu tiên phát triển, đảm bảo cạnh tranh. Nội dung quy hoạch dự thảo luật chỉ đưa ra những nội dung chủ yếu. Còn trong quá trình triển khai thực hiện thì các tư vấn và các chính quyền đặc khu có thể đề xuất các nội dung phù hợp để bổ sung đảm bảo tính linh hoạt và hiệu quả của các quy hoạch này.
Về thẩm quyền, khi điều chỉnh phê duyệt, tinh thần là cơ quan nào có thẩm quyền phê duyệt, thuộc ai thì người phê duyệt đó sẽ phê duyệt điều chỉnh khi lập quy hoạch tiếp theo.
“Về nhà đầu tư chiến lược, có rất nhiều ý kiến xung quanh vấn đề này, chúng tôi đã dự thảo trình tiêu chí thế nào là nhà đầu tư chiến lược, nhưng ở đây cũng phải báo cáo rõ thêm với Quốc hội là nhà đầu tư chiến lược là nhà đầu tư không phải chỉ bỏ vốn các dự án lớn mà nhà đầu tư chiến lược phải có thẩm quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ tham gia từ quy hoạch, đề xuất thể chế, đầu tư hạ tầng, xúc tiến đầu tư, tổ chức thực hiện để phát triển toàn bộ đặc khu đó theo mục tiêu đã định. Tuy nhiên chúng ta sẽ rà soát lại chặt chẽ hơn nữa đảm bảo nhà đầu tư chiến lược đích thực được hưởng các chính sách ưu đãi tương xứng”, Bộ trưởng Dũng báo cáo với Quốc hội.
Về khiếu kiện hành chính của người đứng đầu đặc khu, Bộ trưởng cho biết xin tiếp thu chỉnh sửa. Còn về Hội đồng nhân dân bầu Chủ tịch đặc khu thực hiện theo quy định của Hiến pháp, Bộ trưởng cũng đề xuất xin giữ nguyên.
“Có rất nhiều nội dung, tôi phối hợp với cơ quan thẩm tra để hoàn chỉnh giải trình tiếp thu và xin báo cáo lại cho rõ hơn với Quốc hội”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định./.
Bình luận