Trong báo cáo về Ngân hàng TMCP Quân đội (MBBank, mã cổ phiếu MBB) công bố sáng 24/2/2022, MBS đã lý giải lý do cổ phiếu MBB trên sàn bị định giá thấp. Theo MBS, giá cổ phiếu MBB luôn bị định giá chiết khấu so với trung bình của ngành dù chất lượng tài sản, tiềm năng tăng trưởng cùng khả năng sinh lợi nằm trong TOP đầu của ngành. “Chúng tôi cho rằng, vì MBBank là một ngân hàng semi-SOE dẫn đến việc quản lý có thiên hướng đảm bảo lợi ích cho cổ đông liên quan đến quân đội nhiều hơn khiến giá cổ phiếu có xu hướng bị định giá thấp so với các ngân hàng tư nhân khác”, MBS viết.

Khuyến nghị giá MBB sẽ tăng 45%, chờ phương án MBBank chọn ngân hàng sáp nhập
MBS tin rằng, khả năng sinh lợi của MBBank tiếp tục gia tăng
CASA của MBBank đạt mức kỷ lục 48,7% trong năm 2021, đứng thứ 2 toàn ngành sau Techcombank. Tỷ lệ nợ xấu được duy trì ở 0,9%. Tỷ lệ nợ nhóm 2 đạt 1,1%...

Báo cáo của MBS cũng nêu rằng, nếu MBBank nhận sáp nhập với một ngân hàng (0 đồng - PV) thì sẽ khiến cho chất lượng tài sản cũng như khả năng sinh lợi của MBBank bị ảnh hưởng do chi phí trích lập dự phòng đi kèm gia tăng.

Báo cáo đưa ra giá mục tiêu cho MBB là 49.800 đồng, dựa trên một số luận điểm. Thứ nhất, MBBank có hệ sinh thái hoàn chỉnh, giúp bổ sung được nhiều nguồn thu nhập. Bên cạnh ngân hàng mẹ, các công ty con cũng có được mức tăng trưởng cao trong những năm gần đây. Trong năm 2021, các công ty con của Ngân hàng đều có mức tăng trưởng cao, như MBS đạt tăng trưởng lợi nhuận trước thuế +119% YoY, Mcredit (+87% YoY), MBAMC (+66% YoY)... Chiến lược xây dựng hệ sinh thái không chỉ hỗ trợ lẫn nhau giữa các thành viên, mà còn giúp Ngân hàng mẹ tối ưu hóa việc chuyển đổi số. Ngoài ra, việc hàng loạt các thương vụ bán vốn các công ty con nhằm bổ sung vốn cho ngân hàng mẹ khi điều kiện thuận lợi diễn ra gần đây cho thấy, MBBank hiện đang còn rất nhiều tài nguyên để phát triển cho chiến lược dài hạn.

Thứ hai, MBBank có tiềm năng tăng trưởng tín dụng cao. Với việc room ngoại vẫn còn và có thể sẽ được nới thêm trong tương lai, MBBank có nhiều tài nguyên để có thể gia tăng thêm độ dày vốn khi cần thiết. Đây sẽ là một trong những yếu tố then chốt giúp Ngân hàng duy trì được tăng trưởng tín dụng cao trong tương lai. Ngoài ra, tỷ trọng cho vay các ngành công nghiệp mới như năng lượng tái tạo gia tăng đáng kể trong thời gian gần đây cũng cho thấy được tầm nhìn của MBBank trong việc tiếp cận các mảng kinh doanh mới có được nhiều sự hỗ trợ như mảng này.

Thứ ba, hiệu quả MBBank cải thiện rõ rệt khi Ngân hàng tập trung vào chuyển đổi số. Tỷ lệ CIR liên tục được cải thiện, và hiện tại là một trong những ngân hàng có CIR thấp nhất. Cùng với đó, tỷ lệ CASA liên tục gia tăng được thúc đẩy bởi động lực chính là CASA từ các khách hàng cá nhân, nhờ liên tục đầu tư vào chuyển đổi số. Ngoài ra, các nguồn thu nhập từ phí bảo hiểm được gia tăng nhờ thúc đẩy bán chéo thông qua hệ thống số của ngân hàng đi cùng với thủ tục thu hồi nợ xấu được cải thiện giúp mang lại nguồn thu nhập ngoài lãi ổn định cho MBBank. Tỷ lệ NOI/TOI đạt hơn 29,1% trong năm 2021.

MBS tin rằng, khả năng sinh lợi của MBBank tiếp tục gia tăng. NIM liên tục được gia tăng nhờ chi phí vốn thấp đến từ tăng trưởng CASA vượt trội và mảng cho vay khách hàng cá nhân liên tục tăng trưởng. Với định hướng chuyển đổi số toàn diện, đi cùng với tăng trưởng tín dụng cao thúc đẩy bởi mảng bán lẻ, MBS kỳ vọng NIM của MBBank sẽ được duy trì trên mức 5% trong những năm tiếp theo. Trong năm 2022, MBS ước tính mức NIM của MBBank sẽ đạt 5,4%.

Khuyến nghị giá MBB sẽ tăng 45%, chờ phương án MBBank chọn ngân hàng sáp nhập
Chỉ tiêu tài chính của MBBank 2015-2021

Đặc biệt, MBS đánh giá, MBBank là ngân hàng có chất lượng tài sản hàng đầu. Với chính sách chủ động thực hiện mục tiêu cân bằng giữa rủi ro và lợi nhuận, cùng với kết quả kinh doanh rất khả quan trong giai đoạn đại dịch. Theo đó, MBBank có đủ năng lực đảm bảo được chất lượng tài sản của mình trong dài hạn, qua đó giúp Ngân hàng duy trì được khả năng sinh lợi của mình.

Báo cáo của MBS cho biết, lũy kế cả năm 2021, MBBank ghi nhận tổng thu nhập hoạt động 36.934 tỷ đồng (+35% YoY), trong đó thu nhập từ lãi (NII) và thu nhập ngoài lãi (NOI) lần lượt +29,2% YoY và +51,5% YoY. Thu nhập ngoài lãi có sự gia tăng mạnh đến từ sự tăng trưởng mạnh các hoạt động dịch vụ, đầu tư chứng khoán, kinh doanh Forex và thu hồi nợ đã xử lý.

CASA của MBBank đạt mức kỷ lục 48,7% trong năm 2021, đứng thứ 2 toàn ngành sau Techcombank. Tỷ lệ nợ xấu được duy trì ở 0,9%. Tỷ lệ nợ nhóm 2 đạt 1,1%. Bức tranh tài chính của MBBank cho thấy, chất lượng tài sản không bị suy giảm đáng kể so với năm 2020 dù năm 2021 bị ảnh hưởng nặng nề bởi làn sóng dịch lần thứ 4 kéo dài toàn bộ thời gian quý III/2021. MBBank đã chủ động trích lập dự phóng với chi phí dự phòng rủi ro tín dụng đạt 8.030 tỷ đồng, tăng +31,2% YoY. Tỷ lệ trích lập dự phòng/tổng nợ vay đạt 2,4%, tương đương với mức trích lập của năm 2020. Tỷ lệ an toàn vốn đạt 11%, cao hơn đáng kể so với mức 10,4% trong năm 2020…. Những thông số trên khiến MBS khuyến nghị mua đối với cổ phiếu MBB với mức giá mục tiêu 49.800 đồng dựa theo 2 phương pháp thu nhập thặng dư và so sánh P/B.

Chi tiết báo cáo về MBBank tại link này.

TS. Lê Xuân Nghĩa: “Xử lý ngân hàng 0 đồng trông chờ vào MBBank và Techcombank”

Khuyến nghị giá MBB sẽ tăng 45%, chờ phương án MBBank chọn ngân hàng sáp nhập
TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính Tiền tệ quốc gia

Trong trao đổi với báo chí cuối năm 2021, TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính Tiền tệ quốc gia cho biết, phương án bán những ngân hàng 0 đồng cho các nhà đầu tư nước ngoài là không khả thi, do các ngân hàng loại này đều gắn liền với một số đại án kinh tế và đây vẫn là "sản phẩm" xấu, nên không thực sự thu hút nhà đầu tư nước ngoài.

Cũng theo TS. Lê Xuân Nghĩa, các ngân hàng quốc doanh (Vietcombank, VietinBank, BIDV) có đủ khả năng “ôm” ngân hàng 0 đồng, nhưng cái khó là các ngân hàng này đều có các cổ đông nước ngoài. “Chắc gì các cổ đông này chấp nhận "ôm" các ngân hàng xấu như vậy?”, ông đặt vấn đề và lý giải mua ngân hàng 0 đồng, các ngân hàng phải xác định lợi nhuận sẽ sụt giảm trong vài năm, giá cổ phiếu tụt xuống.

Về lợi ích, theo TS. Lê Xuân Nghĩa, mua lại ngân hàng 0 đồng có thể mở rộng mạng lưới các điểm giao dịch, nhưng trong bối cảnh hiện nay mạng lưới đó không có giá trị lắm, bởi khi hệ thống ngân hàng đang số hóa, tăng thêm mạng lưới sẽ tăng thêm chi phí cho ngân hàng.

TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, còn 2 ngân hàng có khả năng đó là MBBank và Techcombank, cả hai ngân hàng này đủ mạnh và không có cổ đông ngoại.

Đánh giá về MBBank, theo TS. Nghĩa, Ngân hàng có cổ đông toàn là những "ông lớn", có dòng tiền mạnh, khối lượng khổng lồ tiền gửi không kỳ hạn CASA nên chi phí đầu vào rất thấp, hệ thống quản trị tốt... “Nếu không có khủng hoảng y tế năm 2020 - 2021, MBBank còn phát triển nhanh hơn nữa”, ông chia sẻ.