CPI năm 2016 dự kiến dưới 5%

Tới thời điểm này, Tổng cục Thống kê dự kiến, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) sẽ đạt mục tiêu mà Quốc hội đề ra cho năm 2016 là dưới 5%, mặc dù vừa qua giá xăng dầu có mức tăng cao nhất từ đầu năm và tính tới hết tháng 11/1016, CPI đã ở mức 4,5%.

Cũng theo Tổng cục Thống kê, việc điều chỉnh giá dịch vụ khám chữa bệnh đã tác động vào CPI của năm 2016 khoảng 2,35% trong tổng số 4,5% CPI tính đến hết tháng 11/2016. Trong tháng 12/2016, Bộ Y tế tiếp tục điều chỉnh tại 4 tỉnh, còn lại 27 tỉnh, thành phố sẽ phải điều chỉnh trong năm 2017.


Giá xăng dầu tăng là một trong những nguyên nhân quan trọng đẩy CPI tăng

Về điều hành giá xăng dầu, tính đến ngày 20/12/2016, Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính ban hành 24 văn bản điều hành giá xăng dầu trong nước, trong đó giá bán lẻ mặt hàng xăng được điều chỉnh 22 lần, các mặt hàng dầu điều chỉnh từ 16 đến 20 lần tùy từng chủng loại. Giá gạo trong tháng 11/2016 tăng nhẹ tại các tỉnh miền Trung do ảnh hưởng của mưa lũ…

Nhìn lại công tác điều hành giá trong năm 2016, Phó Thủ tướng cho rằng, trong bối cảnh khó khăn, yếu tố gia tăng áp lực lên lạm phát rất lớn, nhất là khi một số dịch vụ công, như: dịch vụ y tế, dịch vụ giáo dục đào tạo được điều chỉnh, cộng với việc tăng giá xăng dầu những tháng cuối năm, tình hình hạn hán xâm nhập mặn, việc hoàn thành mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 5% cho năm 2016 là thành công của Chính phủ.

Việc kiểm soát lạm phát không chỉ đảm bảo mục tiêu Quốc hội đặt ra, mà Chính phủ còn thực hiện thêm được một bước là chuyển các loại phí dịch vụ công theo tín hiệu của thị trường. Những kết quả này là bài học kinh nghiệm để thực hiện thành công kiểm soát lạm phát trong năm 2017.
Các thành viên Ban Chỉ đạo nhận định thành công này là nhờ sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ với việc xây dựng kịch bản điều hành giá cho từng mặt hàng cụ thể trong giỏ hàng hóa tính CPI ngay từ đầu năm. Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, kiểm soát lạm phát rất sát so với chỉ tiêu đặt ra.

Cần có kịch bản cụ thể, rõ ràng để điều hành giá trong năm 2017 hiệu quả

Theo Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 của Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV, mục tiêu lạm phát tăng bình quân khoảng 4%.

Phó Thủ tướng cho rằng, có nhiều thách thức để thực hiện mục tiêu này, khi giá nhiều mặt hàng đã xuống đáy và đang có xu hướng tăng trở lại, 27 tỉnh, thành phố sẽ thực hiện tăng mức viện phí, hàng loạt loại phí dịch vụ công cũng chuyển sang cơ chế giá. Giá thành xăng dầu thế giới dự báo có khả năng tiếp tục tăng trong quý I/2017, năm 2017, dự báo ở mức 65-70 USD/thùng, tăng khoảng 9%-15% so với năm 2016. Diễn biến thiên tai luôn có nguy cơ cao tạo ra sức ép tới mặt bằng giá cả...

Phó Thủ tướng cho rằng, trong điều kiện như vậy, cần đánh giá thêm xu hướng và dự báo nhân tố tác động chính, để có kịch bản cụ thể, rõ ràng. Theo đó, kịch bản điều hành giá, việc quyết định lộ trình tăng giá cho từng mặt hàng cụ thể trong giỏ hàng hóa tính CPI năm 2017 là rất quan trọng. Làm sao tránh được lạm phát kỳ vọng, chính là ở chỗ xây dựng được kịch bản phân bổ điều chỉnh giá từng mặt hàng.

Vì vậy, để kiểm soát lạm phát thành công, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu Bộ Công Thương bám sát diễn biến giá xăng dầu của thế giới, điều hành linh hoạt và sử dụng hiệu quả Quỹ bình ổn xăng dầu; hoàn thành kịch bản khung giá điện bán lẻ trên cơ sở tính toán giá trị đầu ra, đầu vào của hoạt động sản xuất, kinh doanh buôn bán điện và thời điểm tăng giá điện hợp lý.

Về giá dịch vụ y tế, Bộ Y tế tiếp tục thực hiện lộ trình theo Thông tư liên tịch số 37 đối với 27 tỉnh, thành phố còn lại. Sớm ban hành hướng dẫn thực hiện giá dịch vụ khám chữa bệnh cho người không có thẻ bảo hiểm y tế.

Phó Thủ tướng cũng giao Bộ Y tế sớm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về quản lý giá thuốc, thực hiện đấu thầu giá thuốc của Bộ Y tế và giá thuốc phục vụ khám chữa bệnh có bảo hiểm y tế nhằm kéo giảm giá thuốc từ 10%-15% và tăng cường quản lý giá thuốc.

“Việc hạ được giá thuốc qua kênh đấu thầu và giảm phí BOT của ngành giao thông trong năm 2017 sẽ tạo ra dư địa cho Chính phủ điều hành và kiểm soát lạm phát”, Phó Thủ tướng nói. Bên cạnh đó, ngành giao thông cũng đẩy mạnh vận tải đa phương thức để giảm bớt cước đường bộ, kiểm soát chặt chẽ cước phí giao thông tại cụm cảng.

Phó Thủ tướng giao Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Tài chính kiểm soát sát sao việc tăng giá vật tư dịch vụ của ngành giáo dục; liên bộ Công Thương - Tài chính thực hiện nghiêm chỉnh việc kiểm soát giá sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi, nhất là trong Quý I/2017. UBND các tỉnh, thành phố tăng cường quản lý các mặt hàng về giá cả, nhất là trong dịp Noel, Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán, không để khan hàng sốt giá./.