Kỳ thi trung học phổ thông quốc gia đã đạt được yêu cầu đổi mới
Tạo sân chơi công bằng cho mọi thí sinh
Đánh giá chung về công tác tuyển sinh năm nay, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nhận định “Kỳ thi trung học phổ thông quốc gia vừa qua đã thành công tốt đẹp, được dư luận xã hội đánh giá cao về cách tổ chức gọn nhẹ và tiết kiệm, giảm áp lực cho học sinh, gia đình và xã hội so với các năm trước. Kết quả kỳ thi đã phản ánh đúng chất lượng giáo dục góp phần điều chỉnh hoạt động dạy học ở cấp trung học phổ thông. Có thể nói, kỳ thi trung học phổ thông quốc gia đã đạt được yêu cầu đổi mới theo tinh thần của Nghị quyết số 29-NQ/TW”.
Việc thay đổi là nhằm tạo cơ hội và cung cấp cho các cháu các kênh thông tin để có thêm căn cứ lựa chọn đăng ký xét tuyển, nhằm giảm thiểu tình trạng người có điểm cao vẫn trượt đại học, nhưng người có điểm thấp lại đỗ như những năm trước đây.
Các cháu có thể không sử dụng các cơ hội hỗ trợ nói trên, chỉ đăng ký xét tuyển vào 1 trường và chờ công bố kết quả như những năm trước, tùy vào quyền lựa chọn của thí sinh. Tuy nhiên, Bộ khuyến khích thí sinh cân nhắc thông tin, tận dụng cơ hội để có quyết định phù hợp với nguyện vọng, đam mê của mình.
“Để tận dụng lợi thế đó, các cháu sẽ phải vất vả hơn” - Bộ trưởng nhấn mạnh.
Để giảm bớt thời gian, công sức cho thí sinh và gia đình, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng Mai Văn Trinh lưu ý “Về mặt nguyên tắc, các cháu có thể được thay đổi nguyện vọng nhiều lần trong khung thời gian quy định. Tuy nhiên, các cháu nên tham khảo thông tin và cân nhắc để quyết định việc đăng ký nguyện vọng của mình hướng tới kết quả tốt nhất. Việc thay đổi nguyện vọng có thể biết được trong công bố thông tin về đăng ký xét tuyển của trường. Cụ thể, ở trường cũ không có tên trong danh sách đăng ký xét tuyển nữa, còn ở trường mới sẽ có tên trong danh sách xét tuyển”.
Giải thích về việc kết quả điểm ngoại ngữ năm nay thấp hơn so với mọi năm, Bộ trưởng Luận cho biết “Những năm trước đây, việc dạy và học ngoại ngữ chỉ chú trọng vào ngữ pháp chưa đủ 4 kỹ năng nghe - nói - đọc - viết, đội ngũ giáo viên còn mỏng, cơ hội thực hành còn ít, chưa đạt chuẩn về ngoại ngữ. Điều này đã được phản ánh rất rõ qua số lượng thí sinh đăng ký thi ngoại ngữ và kết quả điểm môn ngoại ngữ”.
Để khắc phục tình trạng này, từ năm 2011 Bộ đã triển khai Đề án ngoại ngữ 2020, trong đó chú trọng việc đào tạo lại đội ngũ giáo viên, đạt chuẩn cả 4 kỹ năng khung đánh giá năng lực ngoại ngữ châu Âu. Trên cơ sở đó, nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ ở các trường phổ thông và các trường đại học. Hy vọng, trong thời gian tới, kết quả của môn ngoại ngữ trong kỳ thi trung học phổ thông quốc gia sẽ được cải thiện.
Hỗ trợ tốt nhất cho thí sinh đăng ký xét tuyển
Để hỗ trợ học sinh trong cách xét tuyển, Bộ trưởng Luận cho biết, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với các trường tổ chức nhiều buổi tư vấn tuyển sinh để các học sinh và phụ huynh nắm rõ hơn quy định. Ngoài ra, các trường cũng có nhiều buổi tư vấn cho học sinh đăng ký vào trường.
Với ngành/nhóm ngành có thể xét tuyển từ nhiều tổ hợp khác nhau thì các trường phải xác định độ chênh lệch giữa các tổ hợp căn cứ vào chỉ tiêu của các ngành, đặc thù đào tạo đối với ngành/nhóm ngành đó. Tuy nhiên, mức chênh lệch này có thể bằng 0. Các trường đại học, cao đẳng phải thông báo cho thí sinh biết để có thêm căn cứ đăng ký xét tuyể. Việc xét tuyển phải tuân thủ mức chênh lệch giữa các tổ hợp đã được trường công bố.
Chia sẻ thêm về những khó khăn trong kỳ tuyển sinh năm nay, Bộ trưởng Luận cho biết “thực tế hiện nay, kết cấu hạ tầng công nghệ thông tin - truyền thông của các trường đại học, cao đẳng Việt Nam là rất không đồng đều, chưa đáp ứng được nhu cầu của tất cả các thí sinh, phụ huynh trong cả nước. Đặc biệt, nếu các tác vụ này diễn ra trong cùng một thời điểm. Hơn nữa, do điều kiện kinh tế xã hội ở các vùng miền khác nhau nên điều kiện tiếp cận với công nghệ thông tin - truyền thông còn hạn chế nên chưa thể triển khai đồng loạt trên toàn hệ thống”.
Tuy nhiên, Bộ trưởng khẳng định việc ứng dụng công nghệ thông tin - truyền thông trong giáo dục và đào tạo là xu hướng tất yếu và Bộ Giáo dục và Đào tạo khuyến khích các trường đại học, cao đẳng có đủ điều kiện thì triển khai hình thức đăng ký trực tuyến qua mạng.
“Cùng với sự phát triển của nền kinh tế nước nhà, việc ứng dụng ICT trong tuyển sinh sẽ ngày một sâu rộng hơn hướng tới có thể tin học hóa hầu hết các khâu trong quá trình tuyển sinh” - Bộ trưởng nhấn mạnh./.
Bình luận