Kỳ vọng tạo đột phá cho kinh doanh xuất khẩu gạo
Thương nhân xuất khẩu gạo không phải sở hữu kho chứa, cơ sở xay xát, chế biến
Theo dự thảo Nghị định, thời gian qua, việc thực hiện Nghị định 109 về kinh doanh, xuất khẩu gạo đã mang đến một số hiệu quả tích cực như định hướng thương nhân đầu tư lâu dài phục vụ xuất khẩu gạo. Số lượng thương nhân tương đối ổn định khoảng 140; năng lực kho chứa, xay xát thóc được cải thiện rõ rệt. Sau khi Nghị định được ban hành, Bộ Công Thương đã ký 8 thỏa thuận về thương mại gạo với các nước. Tổng lượng gạo theo các thỏa thuận đạt 5,57% - 5,62% triệu tấn/năm. Gạo Việt
Tuy nhiên, trong bối cảnh xuất khẩu gạo đang gặp nhiều khó khăn, những điều kiện trong Nghị định 109, như: bắt buộc có kho chứa, cơ sở xay xát… đã không còn phù hợp.
Nghị định cũng bộc lộ nhiều bất cập trong dự trữ lưu thông, hợp đồng xuất khẩu gạo tập trung; quy định về giá sàn; công tác điều hành và trách nhiệm các bộ, ngành…
Do đó, với 10 điểm thay đổi căn bản, Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 109 được kỳ vọng tạo thuận lợi, thông thoáng, giảm tối đa chi phí gia nhập thị trường của thương nhân.
Thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo sẽ được hưởng nhiều điều kiện thuận lợi khi Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 109 được ban hành
Cụ thể, theo Dự thảo, sẽ không bắt buộc thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo phải sở hữu kho chứa, cơ sở xay xát, chế biến thóc, gạo mà có thể thuê các cơ sở này để đáp ứng điều kiện kinh doanh. Không quy định quy mô kho chứa thóc, gạo, công suất cơ sở xay xát, chế biến, không bắt buộc phải có dây chuyền xay thóc; không hạn chế địa bàn đầu tư, chỉ quy định kho chứa, cơ sở xay, xát, chế biến thóc, gạo phải đảm bảo đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành. Xây dựng cơ chế khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu các mặt hàng có chất lượng, giá trị cao.
Quy định mặt hàng hữu cơ, gạo đồ, gạo tăng cường vi chất dinh dưỡng được tự do xuất khẩu, không hạn chế số lượng, không cần đáp ứng điều kiện kinh doanh, không cần cấp giấy chứng nhận.
Dự thảo cũng bãi bỏ thủ tục kiểm tra, xác nhận kho chứa, cơ sở xay xát, chế biến thóc, gạo của sở công thương cấp tỉnh. Thương nhân sẽ tự kê khai thông tin, tự chịu trách nhiệm về đáp ứng điều kiện kinh doanh, cơ quan quản lý nhà nước thực hiện hậu kiểm.
Bãi bỏ quy định bắt buộc thương nhân phải đăng ký hợp đồng xuất khẩu gạo tại Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), quy định tiêu chí đăng ký hợp đồng xuất khẩu gạo; bỏ quy định thương nhân phải có lượng gạo tồn kho tối thiểu tương đương 50% lượng gạo trong hợp đồng đã ký; bãi bỏ quy định giá sàn gạo xuất khẩu và các quy định yêu cầu tuân thủ giá sàn xuất khẩu trong giao dịch, ký kết hợp đồng.
Quán triệt yêu cầu cải cách hành chính, đơn giản hóa hồ sơ, thủ tục cấp, cấp lại, điều chỉnh nội dung giấy chứng nhận, quy định cụ thể các phương thức thực hiện thủ tục hành chính để thương nhân lựa chọn thực hiện phù hợp.
Đồng thời, Dự thảo cũng điều chỉnh giảm quy định lượng gạo dự trữ lưu thông từ 10% xuống còn 5% lượng gạo mà thương nhân đã xuất khẩu trong 6 tháng trước đó. Bổ sung quy định về khuyến khích, hỗ trợ thương nhân tăng cường liên kết với người sản xuất, xây dựng vùng nguyên liệu, bảo đảm chất lượng gạo xuất khẩu…; điều chỉnh bổ sung quy định cụ thể về chế độ báo cáo của thương nhân, các bộ, ngành và cơ quan hải quan để kịp thời có thông tin, số liệu phục vụ công tác điều hành xuất khẩu nói chung...
Các tiêu chí chỉ định thương nhân đầu mối giao dịch hợp đồng xuất khẩu gạo tập trung
Dự thảo quy định về tiêu chí chỉ định thương nhân đầu mối giao dịch hợp đồng xuất khẩu gạo tập trung (sau đây viết tắt là hợp đồng tập trung); việc ký kết, tổ chức hợp đồng tập trung; chế độ báo cáo của thương nhân theo quy định.
Việc chỉ định thương nhân đầu mối giao dịch hợp đồng tập trung căn cứ vào các tiêu chí quy định tại Nghị định của Chính phủ. Trường hợp từ hai thương nhân trở lên được chỉ định làm đầu mối tại một thị trường có hợp đồng tập trung thì thực hiện cơ chế đầu mối luân phiên.
Dự thảo nêu rõ trách nhiệm của các thương nhân đầu mối giao dịch hợp đồng xuất khẩu gạo tập trung. Theo đó, thương nhân đầu mối giao dịch có trách nhiệm: Báo cáo ngay với Bộ Công Thương kết quả giao dịch, dự thầu ngay sau khi có kết quả giao dịch, đàm phán hoặc đấu thầu; báo cáo kết quả ký kết hợp đồng tập trung và phương án triển khai thực hiện hợp đồng, ngay sau khi ký hợp đồng tập trung.
Thương nhân đầu mối không giao dịch có trách nhiệm: Cùng thương nhân đầu mối giao dịch và Hiệp hội Lương thực Việt Nam xây dựng phương án dự thầu; tham gia chuẩn bị nguồn hàng để thực hiện hợp đồng; cùng thương nhân đầu mối giao dịch thực hiện giao hàng theo phương án tổ chức thực hiện hợp đồng đã được thông qua theo quy định; cùng chịu rủi ro theo phương án giao dịch/dự thầu và có trách nhiệm thực hiện lượng gạo mà các thương nhân trả lại hoặc không thực hiện theo nguyên tắc thương nhân đầu mối giao dịch thực hiện 2/3 lượng gạo, các thương nhân đầu mối không giao dịch thực hiện 1/3 lượng gạo.
Hiệp hội Lương thực Việt
Việc phân bổ chỉ tiêu ủy thác xuất khẩu có thể thực hiện theo một trong 2 phương thức sau: Trường hợp thời gian chuẩn bị đàm phán, giao dịch, dự thầu hợp đồng tập trung đảm bảo từ 7 ngày trở lên, kể từ ngày Bộ Công Thương hoặc Hiệp hội Lương thực Việt Nam nhận được thông báo chính thức về việc đàm phán, giao dịch, mở thầu nhập khẩu gạo của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài: Áp dụng phương thức đăng ký tham gia trước khi thương nhân đầu mối đàm phán, giao dịch, dự thầu hợp đồng tập trung.
Trường hợp thời gian chuẩn bị phương án mối đàm phán, giao dịch, dự thầu hợp đồng tập trung không đủ 7 ngày, kể từ ngày Bộ Công Thương hoặc Hiệp hội Lương thực Việt Nam nhận được thông báo chính thức về việc đàm phán, giao dịch, mở thầu nhập khẩu gạo của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài: Áp dụng phương thức đăng ký tham gia sau khi thương nhân đã kết thúc đàm phán, giao dịch, dự thầu hợp đồng tập trung./.
Bình luận